Nguyệt San Số 18


 

 

Lời giới thiệu: Thơ là tiếng lòng thổn thức, bâng khuâng, trăn trở..... Người làm thơ hoặc thi sĩ sáng tác những vần thơ hay là lúc tâm hồn của mình xúc cảm trước sự việc ngoại lai. Thơ có thể chia làm mấy khuynh hướng chính: Thời thế ( chủ nghĩa Quốc Gia ), lãng mạn, trử tình, trào phúng...Nguyệt san số 18 với chủ đề : Dĩ vãng mù khơi sẽ cống hiến cho quí độc giả những bài thơ có nội dung hoài niệm một thời đã qua của thân phận làm người viễn xứ! ....V.T...

Sao em không về làm chim thành phố

1.
Thôi bây giờ đã vào mùa hạ
Tôi xin làm trả thơ
Giấc ngủ trần truồng bên đồi cỏ rối…
Thôi bây giờ tôi giã từ em
Câu chuyện hoang đường hồi nhỏ dại
Như kẻ từ sa mạc tìm về
Như thuở nằm nôi chưa lần rửa tội
Thôi bây giờ tôi trả cho tôi
Những khoảng tâm hồn hoang vu, cằn cỗi
Mà đau đớn vô cùng

2.
Căn gác bỏ quên ly cà phê đen
Hình bóng em cuối mỗi con đường
Mang tên một hành tinh xấu xố
Những gốc cây hô hào đòi lật đổ
Sự lỗi lầm nào đã buộc chúng ta vào nhau
Khi trời chưa mùa hạ
Khi tôi chưa là người thuỷ thủ già
Bới tóc người yêu trên cát

3.
Thôi bây giờ người đưa thư không đến nữa
Tôi sống bằng màu áo em mang
Bằng những buổi trưa đón em về ngã tư đèn xanh đèn đỏ...
Sao em không về làm chim thành phố
Lệ nhỏ hai hàng khép đỉnh ngọn cây

4.
Này đây ngàn nỗi ưu tư
Em bó mình tôi trước giờ tôi chết
Rồi thôi tất cả chẳng còn gì
Thềm nhà đất ẩm em chân không
Gian phòng tôi nghĩa địa
Với áo cỏ gai nụ hôn đầu cúi mặt
Tôi biết viết gì cho em
Khi những cánh thư quên đường Gia Định
Khi những cánh thư thôi về Bình Dương…

5.
Em biết không quê hương mình
Thế hệ xưa là bóng núi
Xui lòng em giận hờn
Tôi nguyền rủa tôi
Kẻ tội đồ chứng nhân lịch sử
Em biết không khi chối bỏ cụôc đờI
Tôi sẽ gọi tên em như một lời cầu cứu
Tôi sẽ gọi tên em vì tôi bơ vơ
Khi con đường phố chợ
Khi xóm bình dân những bữa cơm gia đình
Muốn khóc.
Hãy cho tôi được nắm lấy tay em
Được giữ rất lâu hai bàn tay bé nhỏ
Để nghĩ rằng quê hương chưa xa mình
Để nghĩ rằng tôi hãy còn tất cả
Ôi tình yêu và tuổi trẻ nhục nhằn

6.
Như mùa thu âm thầm đến muộn
Áo mỏng trời sương lồng ngực đau
Viền chỉ tay sần sượng
Tôi mua tờ báo loan tin buổI chiều
Thân thế khắc đầy những danh từ cách mạng
Em biết không…

7.
Vỉa phố gót chân mềm
Bụi mưa mang vào thư viện
Mỏi hơi nằm ôm sách
Tường cao tường cao mênh mông
Kẻ nào đứng lên kêu gào thảm thiết
Tự do _ tự do
Cho những người đã chết

8.
Tôi sẽ đưa em vào quán rựơu
Nhịp điệu hành hình man rợ công khai
Làm gã trai lơ phóng đãng chơi bời
Buôn bán niềm vui hắt hủi
Như người ta gỡ tấm khăn choàng nghẹt thở
Tôi đưa em ra bờ sông ...
Như người ta gỡ tấm khăn choàng nghẹt thở
Tôi đưa em về vườn bông trái Lái Thiêu
Ngọt bưởi Biên Hoà phù sa Bassac
Em ngủ vai tôi ngậm tròn nước mắt
Em ngủ vai tôi tiếng hát êm đềm:
_ “ Nhà bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định , Đồng Nai thì về…”

9.

Tôi cũng muốn tin như em đã tin rằng chỉ có tình yêu là đáng kể
Và khuôn mặt em ngời hi vọng cuối cùng

10.
Thôi bây giờ em khóc đi em
Như những người quen nhau ngoài phố
Những trang nhật kí buổI đầu
Không căm thù giả dối…
 Lâm Vị Thủy

Đông Hải Thi sĩ của hoài niệm quê hương.
**Lời giới thiệu của V.T: Chỉ đọc qua những bài thơ và nghe vài bản nhạc trên diễn đàn của thi, văn và nhạc sĩ Đông Hải, cũng đủ để viết vài nét đặc biệt về nhà thơ nầy. Có thể nói, thơ của Đông Hải phần lớn phảng phất những nỗi niềm và tình tự quê hương, đất tổ, và tâm trạng của những người Việt lưu vong sau biến cố 30/4/1975. Riêng về lãnh vực thơ, chúng ta đọc những lời tự tình của tác giả sau đây trong phần giới thiệu thi phẩm Ở Bên Trời " Ở Bên Trời là thi tập đầu tay của Đông Hải. Hầu hết những thi phẩm trong thi tập này được viết bằng thể cổ điển và trong những năm gần đây [1995-99], một số bài đã được đăng tải rải rác trên báo chí Việt ngữ Úc châu trong hình thức thơ xướng họa với các thi hữu vong niên...Thi tập Ở Bên Trời; một kỷ niệm, một tâm sự được nối dài từ năm 1975 – 1999. Hôm nay, bên đời viễn xứ; tâm sự và kỷ niệm đó được gom góp lại, chọn lựa lại rồi đóng thành tập và trân trọng gởi đến bạn hữu cùng tha nhân với ước mong nhận được sự chia sẻ chân thành trong đường lữ thứ, nơi đất khách."
Trân trọng
Trọng đông năm Kỷ Mẹo.

   SẦU LY BIỆT
(Mượn vần  bài “Thăm mái nhà xưa”
của bà Kim-Y Phạm lệ Oanh)
                                    
Vẫn trải lòng ra đón thế  nhân,
Tuổi theo năm tháng cũng qua dần.
Ngoảnh nhìn cát bụi bờ oan nghiệt,
Chợt thấy rêu phong bến thiện chân!
Một kiếp vương mang cùng bút mực.
Nửa đời tô điểm với thơ văn.
Tha phương ray rứt sầu ly biệt,
Dâu bể trầm luân nợ cõi trần!  

NGÀY CŨ
                       
Chia cách nào không khỏi vấn vương,
Phong ba che khuất nẻo hồi đường.
Hương xưa chất ngất màu mưa nắng,
Ngày cũ điêu tàn phủ khói sương.
Sử sách còn ghi dòng bão tố,
Bia đời vẫn khắc nét đau thương.
Hai mươi năm dễ làm phai nhạt,
Tiếng quốc kêu khan nỗi đoạn trường!

ĐÔI BỜ
 
Man mác trời đêm nỗi nhớ nhà,
Mưa buồn chẳng tạnh để phôi pha.
Đèn khuya không tỏ người qua lại,
Gió lạnh vẫn lùa cảnh xót xa.
Trăng sáng có soi đầu núi Tản,
Mây ngàn còn đợi cuối sông Đà.
Rong chơi mãi chuỗi ngày ly biệt,
Hun hút đôi bờ nẻo thiết tha.

     Ở BÊN TRỜI
(tứ thủ liên hoàn)
                            
1- Nỗi sầu đọng mãi tự xa xôi,
Một thoáng qua đi mất nửa đời.
Hờ hững mây bay, sông vẫn chảy,
Bâng khuâng gió thoảng, lá còn rơi.
Chiều buông vệt nắng loang niềm nhớ,
Ngày hết bầy chim xải rã rời.
Lữ thứ trông hoài về cố quận,
Ngậm ngùi thương kiếp sống bèo trôi!
 
2- Ngậm ngùi thương kiếp sống bèo trôi,
Khúc hát quê hương đã nhạt rồi.
Tiếng quốc lẻ đôi đêm vĩnh biệt,
Giọng hò lỡ nhịp buổi chia phôi.
Bài thơ hội ngộ bao giờ kết,
Chén rượu tao phùng ước mãi thôi.
Bến đó bờ đây xa mấy đỗi,
Nhưng mà vời vợi cố nhân ơi.
                         
3- Nhưng mà vời vợi cố nhân ơi,
Nắng ấm bao năm khuất núi đồi.
Quê cũ điêu tàn khi tái hợp,
Làng xưa tan tác lúc chia đôi.
Giăng giăng giông bão mờ thân phận,
Mù mịt phong ba phủ kiếp người.
Tạo hóa như dần quên vũ trụ,
Bình minh chẳng đến ở bên trời.
                              
4- Bình minh chẳng đến ở bên trời,
Bi sử còn ghi nét tả tơi.
Đọc áng văn xưa lòng thổn thức,
Kết vần thơ cổ dạ bồi hồi.
Ngàn phương mỏi cánh chim xa tổ,
Bao bận nhớ nguồn rượu đắng môi.
Trăng tiễn mây bay về chốn ấy,
Nỗi sầu đọng mãi tự xa xôi!
 ĐÔNG HẢI4/1997

Cho một người xem

Bỏ ngoại ô những chiều thứ bảy
Những đường mòn khấp khểnh bánh xe lăn
Tôi vào thành phố
Mẩu thuốc cuối cùng cháy ngúm hai đầu ngón tay
Lối về nhà em mùa này chắc lạnh
Những súc gỗ lột da nằm sân ga hổn hển
Bụi than làm xám đen nền trời kỉ niệm ngày hai đứa mới yêu nhau
Những mẩu chuyện thần tiên hồi trẻ dại
Tóc em đùa cánh đồng đừng buông lau gió thổi
Có phải cuộc đời như ga xép
Chúng mình những chuyến tàu quen thuộc
Đôi mắt người xếp tanh giờ ngó tìm qua vuông kính mở
Những dòng sông
Những cánh rừng cao su chưa lấy mủ
Tôi đã khóc khi nghĩ rằng ngày mai tôi có thể quên em
Quên một ngườI con gái mang tên Hoàng
Dù chỉ là trong giấc ngủ
Tôi xin được làm con chim nhỏ
Con chim màu xanh
Những sớm mai đậu ngoài cửa sổ
Dỗ giấc em ngon lành
Đừng bao giờ giận hờn nhau…

Lâm vị Thủy

MƯATHU

Mưa thu nhè nhẹ rơi bay
Mà sao lá rụng rơi đầy ngoài hiên ?
Mưa hay giọt lệ ưu phiền
Vì ai đổ xuống triền miên không ngừng

Ngồi nhặt lá giọt rưng rưng
Từ anh vắng bóng tình chung chia lià
Mưa buồn như tiếng ru khuya
Tận trong sâu thẳm tràn trề nỗi đau

Bóng đêm bao phủ một màu
Tối tăm như chuyện tình sầu đôi ta
Mưa hay là giọt lệ ngà
Vắn dài rơi xuống nhạt nhoà má môi

Muốn quên sao nhớ theo vòi
Gịot sầu hoà lẫn tiếng rơi mưa buồn
Đêm cô tịch lệ sầu tuôn
Nhìn chăn gối tẻ mà thương phận đời

Mưa thu lay lắt rơi rơi...
Nhịp từng nhịp gõ rã rời tâm cang
Thu về sắc lá võ vàng
Người đi tình cũng lỡ làng trăm năm

Sương Anh