Nguyệt San Số 5
.......Phát hành tháng 9/2010 .........


Lời Tòa Soạn:

Sau ngày 30/4/1975, nhiều nhà văn và thi sĩ miền Nam đã trải qua những tháng ngày tù đày trong những trại tù khắc nghiệt của chế độ CSVN! Cũng chính sự khắc nghiệt tù đày đã cho họ tạo nên những vần thơ và án văn bất hủ. Trong chuổi những tác phẩm mang tính văn học đó, có thể được nhắc đến các bài thơ của thi sĩ Cung Trầm Tưởng, Cao Mỵ Nhân, Đồ Ngông.. . BBT xin giới thiệu quí độc giả qua những bài thơ sau đây:

Cung Trầm Tưởng:
       Cung Trầm Tưởng là một nhà thơ rất quen thuộc từ đầu thập niên 60. Tên tuổi ông nhanh chóng tràn vào giới thanh niên trí thức thời bấy giờ khi ông từ Pháp trở về Việt Nam cùng không khí lãng mạn của phong trào thơ mới, lúc đó vẫn còn ảnh hưởng nhiều đến thanh niên trí thức Việt Nam.
       Ngay cái tên của ông cũng đã ấn tượng đối với nhiều người vì chất văn học rất đậm trong mỗi chữ: Cung Trầm Tưởng.
     “Tôi là Cung Trầm Tưởng vào khoảng 50-51 tôi du học tại Pháp..sau đó tôi thi đỗ vào trường không quân của Pháp học chung với ông Nguyễn Xuân Vinh, ông Nguyễn Ngọc Loan…Đến năm 1957 tôi trở lại Sài Gòn và phục vụ trong binh chủng không quân cho đến ngày 30/4/1975 tức là được 23 năm.
       Trong thời kỳ ở Pháp tôi làm thơ rất nhiều tập trung vào thơ lãng mạn, tình yêu đôi lứa như Mùa Thu Paris, Chưa Bao Giờ Buồn Thế được tôi sáng tác trong khoảng thời gian này. Có những bài thơ tôi chưa từng đăng bất cứ báo nào thì bây giờ nó sẽ được tập trung lại trong toàn tập thơ của tôi trong 60 năm mang tên Cung Trầm Tưởng và Hành Trình Thơ, sẽ được xuất bản trong năm tới.”
       Trong thời kỳ ở Pháp tôi làm thơ rất nhiều tập trung vào thơ lãng mạn, tình yêu đôi lứa như: Mùa Thu Paris, Chưa Bao Giờ Buồn Thế… Cung Trầm Tưởng.
       Cung Trầm Tưởng vừa sơ lược cho chúng ta biết về đời sống sáng tác của ông mà trong đó phần quan trọng nhất làm nên một Cung Trầm Tưởng từ một bài thơ sống rất lâu trong trí nhớ nhiều người đó là tác phẩm Mùa Thu Paris. Tác phẩm này được đem tới người nghe qua tài năng của Nhạc sĩ Phạm Duy khi ông phổ nó thành thơ và giới thiệu trên đài phát thanh Sài Gòn.
       Ngôn ngữ trong bài thơ thật ra không phải mới lạ hay phá cách để nổi tiếng, bài thơ được giới trẻ đón nhận một cách thích thú vì một chi tiết trước đó chưa bao giờ xảy ra, đó là: Một chàng thanh niên Việt Nam du học có người yêu bên Pháp với tóc vàng mắt xanh… hai người yêu nhau và chính những cuộc chia tay trên ga vắng đã thi vị hóa câu chuyện để nó trở thành một mode mới trong đời sống thanh niên thời bấy giờ. Bài thơ như một trang sách mới cùng những con đường lạ lẫm bên trời Tây mở ra cho giới trẻ và đâu đó người đọc cảm thấy phần nào hả hê bù đắp lòng tự ái dân tộc đã bị mất mát khá nhiều dưới gót giày được gọi là khai hóa văn minh của thực dân Pháp.

***Mùa thu Paris
Mùa thu Paris
Trời buốt ra đi
Hẹn em quán nhỏ
Rưng rưng rượu đỏ tràn ly
Mùa thu đêm mưa
Phố cũ hè xưa
Công trường lá đổ
Ngóng em kiên khổ phút, giờ
Mùa thu âm thầm
Bên vườn Lục-Xâm
Ngồi quen ghế đá
Không em buốt gía từ tâm
Mùa thu nơi đâu ?
Người em mắt nâu
Tóc vàng sợi nhỏ
Mong em chín đỏ trái sầu
Mùa thu Paris
Tràn dâng đôi mi
Người em gác trọ
Sang anh, gót nhỏ thầm thì
Mùa thu không lời
Son nhạt đôi môi
Em buồn trở lại
Hờn quên, hối cải cuộc đời
Mùa thu! mùa thu
Mây trời âm u
Yêu người độ lượng
Trông em tâm tưởng, giam tù
Mùa thu !... Trời ơi ! Tình thu !

       Nhà thơ Cung Trầm Tưởng chia sẻ với chúng ta kỷ niệm về bài thơ này:
“Tôi làm những bài thơ về Paris đó là có thật. Lẽ dĩ nhiên khi làm thơ thì mình cũng lý tưởng hóa nó một chút, tất cả về tóc vàng mắt xanh là có thật. Thời đó tôi học ở trường Pháp cứ bị mang tiếng là Tây con, đã sẵn có ngôn ngữ Pháp và văn hóa Pháp thấm nhuần trong người thành ra sang bên đó mình không bị lạ lẫm. Tôi gặp một số mối tình dù rằng không vĩnh viễn nhưng nó đánh giá những kỷ niệm đầu đời của mình.”
       Tôi làm những bài thơ về Paris đó là có thật. Lẽ dĩ nhiên khi làm thơ thì mình cũng lý tưởng hóa nó một chút, tất cả về tóc vàng mắt xanh là có thật. Cung Trầm Tưởng.
       Kỷ niệm đầu đời cùng các mối tình tóc vàng mắt xanh ấy đã là nguồn cảm hứng cho nhiều bài thơ của Cung Trầm Tưởng vào thời mới lớn. Những chiếc ga nhỏ nằm trơ trọi giữa mùa đông nước Pháp đã từng chứng kiến biết bao cuộc chia tay trước đó, lại một lần nữa nhìn ngắm mối tình dị chủng giữa một chàng trai một đất nước bị trị và một cô gái tóc vàng, đại diện cho văn hóa và nếp sống phương Tây.
       Từ đây trong hơi thở rẽ chia ấy, bắt đầu một thấm đượm khác nối liền hai bờ đại dương. Và cũng bắt đầu một vói ra ngoài, một trằn trọc mới đối với hàng triệu thanh niên Sài Gòn thời bấy giờ.

***Chưa bao giờ buồn thế

Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa đông Paris
Suốt đời làm chia ly
Tiễn em về xứ mẹ
Anh nói bằng tiếng hôn
Không còn gì lâu hơn
Một trăm ngày xa cách
Ga Lyon đèn vàng
Tuyết rơi buồn mênh mang
Cầm tay em muốn khóc
Nói chi cũng muộn màng
Hôn nhau phút này rồi
Chia tay nhau tức khắc
Khóc đi em. khóc đi em
Hỡi người yêu xóm học
Để sương thấm bờ đêm
Đường anh đi tràn ngập lệ buồn em...
Ôi đêm nay
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa đông Paris
Suốt đời làm chia ly
Tàu em đi tuyết phủ
Toa anh lạnh gió đầy
Làm sao anh không rét
Cho ấm mộng đêm nay
Và mơ ngon trên khắp nẻo đường rầy !
Trời em mơ có sao
Mình anh đêm ở lại
Trời mùa đông Paris
Không bao giờ có sao
Trời mùa đông Paris
Chưa bao giờ buồn thế !
       Cung Trầm Tưởng không phảỉ chỉ làm thơ tình với những khuông mẫu yêu đương trai gái. Dù lãng mạn hay cổ điển thì thơ tình không thể chia sẻ được hết mọi khổ đau của một người bị đày đoạ trong vòng tù ngục. Cung Trầm Tưởng như hàng trăm ngàn người khác sau khi Sài Gòn sụp đổ, đã cùng với đồng đội vào những nhà tù tập trung cải tạo để trả lời cho bài học lịch sử về ý nghĩa cuộc chiến tranh mà ông và đồng đội là những người thua cuộc.
       Thơ của Cung Trầm Tưởng  từ đây trở thành lạnh lẽo và chai cứng hơn. Chữ nghĩa ông sử dụng trong các bài thơ tù trở nên sắc sảo đến kỳ lạ. Sắc sảo và đớn đau như kim châm vào tim giữa mùa đông miền Bắc:

Áo tù thẫm máu đôi vai
Bàn chân nứa chém, vành tai gió lùa
Ngó tay bỗng thấy già nua
Cứa em thân xác thấy mùa thu qua
Môi cằn má hóp thịt da
Ngô vơi miệng chén canh pha nước bùn
Đêm nằm ruột rỗng vai run
Đầu kề tiếng súng chân đùn bóng đêm…
       Bài thơ được làm tại Hoàng Liên Sơn vào mùa thu năm 1977 cách bài Mùa Thu Paris hơn 25 năm. Khoảng cách thời gian không làm bài thơ lạnh hơn mà chính khoảng cách con người làm bài thơ gần như hóa đá.
       Ngôn ngữ thơ trong bài này bàn bạc những ẩn ức rất đời thường của người tù và người đọc cảm nhận ngay tính chất cay nghiệt của nó.
Thế nhưng Cung Trầm Tưởng lại có những bài thơ tù thấm đậm chất triết học. Nhà thơ tĩnh tại nhìn ngắm biến thiên của đời sống và thiền định tâm tưởng mình với những câu tuyệt đẹp:

Mưa về gióng lê thê
Nai kêu nguồn đâu đó
Xưa nay tù ngục đỏ
Mấy ai đã trở về
Vỗ, vỗ rơi tàn thuốc
Thả khói vào mông lung
Hư vô đẹp não nùng
Nụ hôn đời khốc liệt
       “Nụ hôn khốc liệt” dành cho đời phải chăng là một cách phản ứng thụ động trong thế giới bừng bừng thống nhục mà nhà thơ đang trải nghiệm?

Cõi sầu ta tinh khiết
Thép quắc vầng trán cao
Phong sương dệt chiến bào
Với máu se làm chỉ
Đã đi trăm hùng vĩ
Xông pha lắm đoạn trường
về làm đá hoa cương
Gởi đời sau tạc tượng
Nguồn sống hồi sinh
       Cung Trầm Tưởng trở về với cuộc sống sau khi đã nếm trải đầy đủ mọi thứ mùi vị của tù nhân như hàng trăm ngàn người khác. Trong không khí gia đình, ông có những dòng thơ gợi mở tinh khiết hơn sau nhiều năm tháng thiếu vắng. Tiếng chuông nhà thờ và những nhành huệ trắng đã giúp ông gội rửa tâm tình để tâm hồn ngày một tươi tắn hơn, Ông tìm ra được nguồn suối trong ngay tại nhà mình hay nói đúng hơn, ngay tại lòng mình, một cõi lòng đang chuyển mình cùng với thiên nhiên để tạm quên cõi tục.

Huệ trắng trinh nguyên sau một đêm
Huệ trong thư các huệ ngoài thềm
Sớm nay Chủ Nhật thơm thương quá
Chỉ có Sài Gòn trong dáng em
Chủ Nhật niềm tin màu huệ trắng
Hiền từ xoạt áo như lời kinh
Em đi lễ nhất trời trên ngõ
Dẫy tóc đen mềm ánh sao xanh…
       Sài Gòn dưới mắt nhà thơ đã dần dần lấy lại được hình ảnh tinh khôi của nó vào những sớm mai trong trẻo. Người con gái trong thơ ông từ từ sống lại, khác với cô tóc vàng khi xưa, cô gái Sài Gòn bây giờ trắng như huệ và trong như ban mai trinh nguyên của một Sài Gòn ấm áp.
       Tuy thế, người yêu thơ Cung Trầm Tưởng không dễ gì quên cô gái tóc vàng bên trời Tây cách đây hơn 50 năm để chia sẻ những cảm nhận của nhà thơ những hình ảnh của các cô gái Sài Gòn ngày nay.
       Tiếng còi tàu vẫn chứng tỏ ma lực của nó quyến rũ người đọc thơ đến mức sau bằng ấy năm, hình như mỗi lần nghe lại bản nhạc Tiễn Em do nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ bài thơ “Chưa Bao Giờ Buồn Thế” của ông, người nghe vẫn cảm thấy hình như đang dấy lên nỗi buồn man mác. Nỗi buồn không tên nhưng có thật. Và nó vẫn ở đấy trong bất cứ người nào nếu từng thừa nhận rằng sự chia tay nào cũng đều rơi nước mắt

Cao Mỵ Nhân
**Gởi bạn xa
Người ơi, thiên hạ ở mênh mông
Đã trải lòng ra, nối cánh bồng
Mới biết ân tình xao xuyến gọi
Càng hay tri kỷ ngậm ngùi trông
Xuân tan từ thuở còn xanh tóc
Hạ vỡ ngay khi mở sắc hồng
Trên lối đi quen nay vắng vẻ
Những hình bóng cũ vuột qua song
         Hawthorne 3-8-2010
     Cao Mỵ Nhân

**GET WEEL SOON
 Bông hoa tím chúc Get Well Soon
Thất thập rồi ư tuổi đá mòn
Lời viết ân tình : tươi sức mạnh
Câu chào nghĩa khí : đẹp lòng son
Cuồng ngôn xướng họa, sầu oan trái
Đại nạn thi ca, tưởng mất còn
Một dải Ga-za bao lẽ sống
Như thơ giận núi với hờn non

Tưởng rằng giận núi với hờn non
Giống cảnh Ga-za kẻ mất còn
Hoa tím ủ hương tràn kỷ niệm
Thơ vàng nhốt ý phủ lồng son
Mừng nhau vừa thoát cơn mê loạn
Chúc bạn mau qua nỗi mỏi mòn
Người với ta đâu thù oán nhỉ
Thì nên hoan hỉ : Get Well Soon
Hawthorne Aug 6, 2010

Cao Mỵ Nhân

ĐỒ NGÔNG: nhà thơ của nông dân Virginia:

Lời tòa soạn:
Nhà thơ Đồ Ngông là một nông gia của vùng Virginia. Ông còn bút hiệu khác viết về văn xuôi là Nguyên Thảo. Có thể nói thơ của Đồ Ngông hầu hết mang tính hiện thực, phảng phất chất thơ của thi sĩ tiền bối Nguyễn Khuyến. Chúng ta thử đi tìm hình ảnh của đất Thần Kinh qua những bài thơ của Đồ Ngông sau đây

  

Những Bài Thơ “Huế”
     (Tặng: Những người dân xứ Huế)

Thành Nội.  
Đi vào Thành Nội để xem qua
Cung điện ngày xưa cũng đã là
Vững chắc uy nghi thành lũy đó
Kiên bền bề thế lắm công đa!

Lễ Hội Festival!   
Cứ mỗi hai năm thì đáo lệ
Mọi người xúm nhau đi xem lễ
Cung đình vua chúa thời xưa ở
Sân khấu dân quan nay lại kể.
Kèn trống thanh âm nghệ sĩ “diễn”
Đèn hoa xe cộ nữ nam “mế”! (mê quá đỗi!)
Dập dìu du khách tha hồ ngắm
Đô hội vui vầy, ta với lễ!

Sông Hương.    
Cái sông “con gái” thật là “thơm”
Duyên dáng mà em cứ đợi chồng
Qua lại thuyền đi xuôi với ngược
Cứ chờ, cứ đợi ngóng cùng mong!
Em nhé! Đừng chi vội lấy chồng
Đừng đi xứ khác để buồn trông
Dòng sông thơ mộng luôn con gái
Lại hát lại hò mong nhớ mong!

Tháp Chùa Thiên Mụ.   
Bên tháp của chùa Thiên Mụ xưa
Dưới tàng phượng vĩ gió đong đưa
Ngồi nghe gió thoảng từ sông tới
Nghe tiếng ve kêu,... hè cũng vừa...!
Dòng nước sông Hương trôi lửng lờ
Thuyền xuôi, thuyền ngược buông hững hờ
Biết bao bến đợi thuyền không đỗ
Người nhớ nhung nhiều lại dệt thơ!

Thuyền Đêm Trên Sông Hương.  
Đêm thuyền trên sông Hương
Ôi! Sao mà dễ thương!
Lặng nghe trong tiếng nhạc
Giọng hò đầy vấn vương!
Thuyền qua cầu Trường Tiền
Sáu nhịp đều đưa duyênĐèn thay màu từng lúc
Như tâm sự hàn huyên!

Trễ Một Chuyến Bay!  
Đã lỡ duyên rồi một chuyến bay!
Vòng đi ta phải ở thêm ngày
Đợi chờ chuyến khác chiều hôm ấy
Về đến Hà Thành phải tối nay!

Sông Hương, Núi Ngự.  
Sông Hương nước chảy lửng lờ
Ngó lên núi “Ngự” xem vua đang ngồi!
Nhìn ra thiên hạ khắp nơi
“Bình” an hết cả, vua cười hân hoan!

Chùa Thiên Mụ.  
Bà Trời (Thiên Mụ) ngồi ở trên đồi
Bên cây phượng vĩ mà trông chiếc đò
Có cô hò Huế nhỏ to
Gởi bay theo gió chẳng lo sự đời
Chuông chùa buông tiếng thảnh thơi
Gọi chiều đã xuống, lòng vương nơi nào!

Cầu Tràng Tiền.   
Chiếc cầu vắt vẻo Sông Hương
Đưa em qua bến, qua bờ sang sông
Sáu vồng như những ước mong,
Anh thương, anh đợi, anh trông, anh chờ!
Nghiêng nghiêng chiếc nón bài thơ
Bay bay áo trắng, tóc thề bỏ vai
Dáng ai... như một ngày dài!

Cồn Hến!   
Hến đâu mà đã thành cồn
Hến đâu mà lấy với cơm cho vừa
Hến còn hay hết đã chưa,
Đợi chờ hến lớn, hến về với cơm!

Đồ Ngông,
01/07/10.