Nguyệt San Số 4
.......Phát hành tháng 8/2010 .........


Lời Tòa Soạn:

Khi nhà nước Cộng Sản Việt Nam mở cửa cho ngoại quốc vào đầu tư để cứu nguy chế độ Đảng trị, và bên cạnh cũng có chính sách kêu gọi Việt KIều về xây dựng quê hương! Mới hôm nào đó, những người Việt Nam bỏ nước ra đi, phải trả bằng giá trị mạng sống: Chết chóc trên biển, tù tội, bị Hải Tặc cướp bóc hãm hiếp, bị bọn Ponpốt bắn giết khi vượt biên giới qua Thái Lan.v.v.. Rồi bây giờ, Việt Kiều được chế độ CSVN sơn phết cho lớp vỏ bọc: Khúc ruột ngàn dặm của tổ quốc Việt Nam... Một số người áo gấm về làng, hưởng thụ vật chất xa hoa! Trong khi đó, ở những vùng nông thôn Việt Nam, vẫn còn hàng triệu người dân sống trong cảnh thiếu thốn, nghèo túng...Bài thơ sau đây nói lên hình ảnh của sự giả tạo trong xã hội Việt Nam!

Hãy Chụp Giùm Tôi
Đừng khoe tôi, hỡi người bạn tài hoa,
Những tấm ảnh mang ra từ địa ngục,
Nơi bạn mới về rong chơi hạnh phúc,
Dù bao người vẫn tủi nhục xót xa.
Đừng khoe tôi hình ảnh một quê nhà,
Mà bạn nghĩ đang trên đà "đổi mới",
Những thành thị xưa hiền như bông bưởi,
Nay bỗng dưng rã rượi nét giang hồ.
Đừng khoe tôi những cảnh tượng xô bồ,
Những trụy lạc giờ vô phương cứu chữa.
Đất nước đã từ lâu không khói lửa,
Sao rạc rài hơn cả thuở chiến chinh.
Đừng khoe tôi những yến tiệc linh đình,
Những phố xá ngập phồn vinh giả tạo,
Nơi thiểu số tung tiền như xác pháo,
Khi dân nghèo không muỗng cháo cầm hơi.
Đừng khoe tôi cảnh tụ họp ăn chơi,
Của những kẻ đã một thời chui nhủi,
Bỏ tất cả, trong đêm dài thui thủi,
Ngược xuôi tìm đường xăm xúi vượt biên.
Đừng khoe tôi những con phố "bưng biền",
Những quảng cáo, những mặt tiền nham nhở,
Những khách sạn ánh đèn màu rực rỡ,
Trơ trẽn bày, dụ dỗ khách phương xa.
Đừng khoe tôi chốn thờ phượng nguy nga,
Những dinh thự xa hoa nằm choán ngõ,
Những màu sắc lam, vàng, đen, tím, đỏ,
Đang uốn mình theo gió đón hương bay.
Đừng khoe tôi ảnh Hà Nội hôm nay,
Thành phố đã chết từ ngày tháng đó,
Khi bị ép khoác lên màu cờ đỏ,
Khi triệu người phải trốn bỏ vô Nam.
Đừng khoe tôi những cảnh tượng giàu sang,
Đã được bạn tóm càn vô ống kính,
Những hình ảnh mà kẻ thù toan tính,
Muốn tung ra để cố phỉnh gạt người.
Bạn thân ơi, sao không chụp giùm tôi,
Nỗi thống khổ của triệu người dân Việt,
Nửa thế kỷ trong ngục tù rên xiết,
Oán hờn kia dẫu chết chẳng hề tan.
Chụp giùm tôi đàn thiếu nữ Việt nam,
Thân trần trụi xếp hàng chờ được lựa,
Hay bầy trẻ mặt chưa phai mùi sữa,
Bị bán làm nô lệ ở phương xa.
Chụp giùm tôi đôi mắt mẹ, mắt cha,
Mà suối lệ chỉ còn là máu đỏ,
Khóc con cháu ra đi từ năm đó,
Biển dập vùi, đà tách ngõ u minh.
Chụp giùm tôi số phận những thương binh,
Đã vì nước quên mình trên chiến trận,
Mà giờ đây ôm hận,
Tấm thân tàn lận đận giữa phong ba.
Chụp giùm tôi hình ảnh những cụ già,
Bọn đầu nậu gom ra đường hành khất,
Để đêm đến, nộp hết tiền góp nhặt,
Đổi chén cơm dầm nước mắt nuôi thân.
Chụp giùm tôi xác chết những ngư dân,
Bị Tàu giết bao lần trên biển rộng,
Hay những chiếc quan tài chưa kịp đóng,
Chở cha, anh lao động Mã Lai về.
Chụp giùm tôi thảm cảnh những dân quê,
Chịu đánh đập chán chê dù vô tội,
Hay cảnh những anh hùng không uốn gối,
Gánh đọa đày trong ngục tối bao la.
Chụp giùm tôi mốc biên giới Việt Hoa,
Lấn vào đất của ông cha để lại,
Hay lãnh thổ cao nguyên còn hoang dại,
Lũ sài lang hèn nhát lạy dâng Tàu.
Chụp giùm tôi những nghĩa địa buồn đau,
Chúng tàn phá, chẳng còn đâu bia mộ.
Kẻ sống sót đã đành cam chịu khổ,
Người chết sao cũng khốn khó trăm đường.
Hãy chụp giùm tôi hết những tang thương,
Hình ảnh thật một quê hương bất hạnh,
Nơi mà bạn, xưa đêm trường gió lạnh,
Đã căm hờn quyết mạnh dạn ra khơi.
Chiếc thuyền con, ca nước lã cầm hơi,
Mạng sống nhỏ đem phơi đầu sóng dữ.
Rồi tha phương lữ thứ,
Tháng năm dài, quá khứ cũng dần phai.
Lòng người chóng nguôi ngoai,
Tháng Tư đến, có mấy ai còn nhớ!

Trần Văn Lương
  Cali, đầu mùa Quốc Hận, 2010

Hình ảnh Hữu Loan qua nhạc phẩm
Những Đồi Hoa Sim của Dzũng Chinh

***Lời giới thiệu :
        Hữu Loan là một trong những thi sĩ tiền chiến bị chế độ CS Hà Nội kết tội trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm. Là thi sĩ có khí khái của người cầm bút, mang tính lãng mạn và từ tâm..! Bài thơ Màu Tím Hoa Sim là điển hình chân dung một tình yêu chân thật của tác giả dành cho người vợ trong thời ly loạn. Chất thơ Hữu Loan thể hiện cho con người của chính ông: Yêu nước thương dân tộc. Và Màu Tím Hoa Sim đã cho chúng ta thấy hai hình ảnh tương phản của hai người chinh nhân: Nhà thơ bộ đội Hữu Loan và Nhạc sĩ trung úy QLVNCH Dzũng Chinh. Cả hai giờ đây đã ra người thiên cổ, nhưng những vần thơ và cung nhạc vẫn còn mãi trong lòng người yêu thơ, yêu nhạc...Ban biên tập chúng tôi xin giới thiệu vài nét về hai vì sao đã tắt, song ánh sáng vẫn còn chiếu trên vòm trời nghệ thuật..
V.T giới thiệu

***Bài hát Những Đồi Hoa Sim của Dzũng Chinh ra đời vào thập niên 1960, là bản phổ nhạc sớm nhất được ghi nhận của bài thơ này, được nhiều thế hệ ca sĩ thể hiện: Phương Dung, Hương Lan, Duy Quang, Sơn Tuyền, Như Quỳnh...Bài hát viết theo điệu Slow rumba (cũng thường được đàn theo điệu Boléro), âm giai chủ Rê thứ. Lời bài ca không bám sát theo nội dung thơ, chỉ lấy ý. Tuy nhiên, trên một bài phát biểu trong Kiến thức ngày nay, Hữu Loan cho rằng ông thích nhất nhạc phẩm do Dzũng Chinh phổ nhạc.
       Trích một đoạn bản nhạc Những Đồi Hoa Sim:
Những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Vào chuyện ngày xưa nàng yêu hoa sim tím khi còn tóc búi vai
Mấy lúc xông pha ngoài trận tuyến ai hẹn được ngày về
Rồi một chiều mây bay, từ nơi chiến trường đông bắc đó
Lần ghé về thăm xóm hoàng hôn tắt sau đồi
.v.v...

***Bài thơ Màu Tím Hoa Sim
Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người vệ quốc quân xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân đi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về, cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa nhớ về ái ngại
Lấy đời chiến chinh mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương người vợ bé bỏng chiều quê
Nhưng không chết người trai khói lửa
mà chết người gái nhỏ hậu phương
Tôi về không gặp nàng.
Má ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành chiếc bình hương tàn lạnh vây quanh.
Tóc nàng xanh xanh ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối không được nghe nhau nói.
Không được trông nhau một lần.
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím.
Áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa đèn khuya bóng nhỏ.
Nàng vá cho chồng tấm áo ngày xưa!…
Một chiều rừng mưa ba người anh
từ chiến trường Đông Bắc
biết tin em gái mất
trước tin em lấy chồng.
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về cỏ vàng chôn mộ chí.
Chiều hành quân qua những đồi hoa sim những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết.
Màu tím hoa sim tím chiều hoang biền biệt
Nhìn áo sách vai tôi hát trong màu hoa.
“Áo anh sút chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm
Mẹ già chưa khâu …”

ĐỒ NGÔNG: nhà thơ của nông dân Virginia:

Lời tòa soạn:
Nhà thơ Đồ Ngông là một nông gia của vùng Virginia. Ông còn bút hiệu khác viết về văn xuôi là Nguyên Thảo. Có thể nói thơ của Đồ Ngông hầu hết mang tính hiện thực, phảng phất chất thơ của thi sĩ tiền bối Nguyễn Khuyến. Chúng ta thử đi tìm hình ảnh của Qui Nhơn qua những bài thơ của Đồ Ngông sau đây

                     Những Bài Thơ “Quy Nhơn”
                             Thân Tặng: Nguyễn Nhi, Nguyễn Đình Văn, Nguyễn Hữu Ba và
              những ai ở quê hương Bình Định.

1-Bãi Trứng!
Nghĩ ra Hoàng hậu kín đáo thay!
Bãi tắm nơi đây chỉ riêng Ngài
Mà sao bãi trứng "ình" (nằm) ra đó
Không lẽ là do bởi tại Ngài?

2-Dzũ Kha (Người giữ lửa thơ Hàn Mặc Tử - Qui nhơn).
Đã hai năm trước gã Đồ Ngông
Về đến nơi đây có gặp ông
Thuở ấy râu ria, ưa lập dị
Bày trò giữ lửa, lại chơi ngông!
Năm nay tớ về lại gặp ông
Vui vẻ hân hoan lại mở lòng
Phấn khởi thơ Hàn ông tíu tít
Có danh, có bạc, mừng cho ông!

 
3-Chiều Quy Nhơn.
Nhìn núi Quy Nhơn tắt bóng chiều
Rì rào sóng biển, gió hiu hiu
Hải Âu (khách sạn) sừng sững đưa lòng khách
Ngàn bóng đèn khuya, kẻ dập dìu.

4-Trại Quy Hòa.
Ghé trại Quy Hòa một thoáng trong
 Mà sao nghe chạnh nỗi trong lòng
Nhà thơ Hàn Mặc (Tử) ngàn đau đớn
Những kẻ vô phần với chứng phong.
Cuộc đời sinh tử như thoáng qua
Già, bệnh lăm le lại như quà
Trăm năm thế sự đời mây khói
Thơ thẩn giữa đời ta với ta!

5-Ngược Dòng.   (Quy Nhơn)
Theo dòng nước ngược đến Hầm Hô
Lại nhớ ngày xưa của một thời
Con suối nước trong vờn đáy cát
Vài con cá nhỏ đuổi nhau chơi!
Nước chảy lửng lờ, chiếc lá trôi
Xuyên qua kẻ lá, nắng đang cười
Vờn vui sóng nước: chôm chôm nước
Lặng lẽ mấy người, thuyền vẫn trôi!

6-Hầm Hô.   (Quy Nhơn)
Lởm chởm đá to, nhỏ nổi đầy
Xen vào nước chảy xoáy hay hay
Len qua khe núi, nghe hơi gíó
Rừng, tiếng chim kêu, ve vang vầy!

7-Ăn trưa ở Hầm Hô.   (Quy Nhơn)
Nắng hè chan chói ở Hầm Hô
Cá đớp lưa thưa khoảng giữa hồ
Trên quán trong rừng vui thú quá
Ngồi nghe trầm lặng với hư vô!.

8-Lang Thang Phố Chợ.    (Quy Nhơn)
Lang thang đi phố chợ đêm
Đi tìm người lạ, đi tìm người quen
Đi tìm lấy những ngọn đèn
Đem về thấp nến làm quen với mình!

9-Sông Côn Mùa Cạn.   (Quy Nhơn)
Sông Côn những bãi cát bồi
Đem từ trên núi về tô nơi nầy
Mùa khô ít nước hiền thay
Những ngày mưa bão lại hay dập dồn
Từng cơn nỗi loạn như tuôn
Nước dâng dâng tới, người luôn phập phồng!

10-Đền Vua Quang Trung.   (Quy Nhơn)
Đã đến nơi rồi xã Phú Phong
Đền vua lừng lẫy nhất: Quang Trung
Anh em khởi nghĩa từ dân giả
Chiến tích oai hùng dậy núi sông!
Một Tết vùng lên tiêu thế giặc
Giành về độc lập, giữ non sông
Giặc Xiêm, giặc Bắc điều tan tác
Thống nhất giang sơn thỏa ước mong.

11-Tượng Vua Quang Trung.    (Quy Nhơn)
Khen ai khéo tạc dáng nhà vua
Lẫm lẫm oai phong, uy có thừa
Khiển tướng ba quân đang sẵn thế
Điều binh phá giặc thoáng đong đưa.

 12-Nhạc Võ Tây Sơn.    (Quy Nhơn)
Tiếng trống “tung tùng” điều ra trận
Kiếm, đao vun vút thử tung hoành
Sân khấu nữ nam đang biểu diễn
Người xem tán thưởng vẻ hùng anh!

13-Gành Ráng.    (Quy Nhơn)
Qua “Gành” cố “Ráng” tới nơi
Ngồi ngắm mây trôi với khoảng trời
Bán đảo Phương Mai lồng lộng gió
Vào Đầm Thị Nại nhởn nhơ chơi!

14-Sân Bay Phù Cát.    (Quy Nhơn)
Bước xuống sân bay Phù Cát ư?
Chẳng nghe nói phải hoặc hay ừ!
Năm xưa “Bạch Mã” (sư đoàn BM của Đại Hàn) xem ghê tợn
Cũng phải bỏ về, thế đã hư!

        Đồ Ngông.

Một tình yêu cho em

Không còn trong tôi những khát khao chờ đợi
em im lặng như buổi chiều                            
khi gió mùa đổi hướng
đêm giã từ mộng mị ngày xưa
trăng nghiêng xuống giữa đời
tìm kiếm mãi một vì sao năm ấy
đã lạc mất nơi đâu, biền biệt..!!
thời yêu dấu cũ
ngày em cầm trên tay đóa hướng dương
hát bài tình ca của nắng
ngày em cầm trái tim  tôi, thổn thức
ru từng lời lãng mạn, yêu đương..
Không còn trong tôi tình yêu của em
đứng giữa đại ngàn, gió lộng
tôi nói gì với gió
những chiếc lá xanh
những hàng cây ngơ ngẩn
nhìn tôi như khóc, như cười
ước mơ một lần đãng trí
để quên một điều không thể
em - vẫn buồn như mưa
tôi - cũng chẳng còn như ngày xưa nữa
đã một lần yêu em
để trái tim bất thường nhịp đập
đã một lần xa em
để thấy được vô chừng khoảng cách
em như biển lặng thầm
cứ xô mãi vào tôi muôn ngàn ngọn sóng
dẫu lặng thầm cũng đủ bạc đời nhau
Không còn trong tôi những nỗi đau
chỉ còn lại nỗi buồn tiền kiếp
chỉ còn lại niềm tin mỏi mệt
và cơn mưa rũ lá ngậm ngùi
dẫu em chẳng còn yêu tôi
vẫn đi qua những mùa hoa tím
vẫn nâng niu một trời kỷ niệm
tất cả sẽ bình yên, ngũ vùi không thức dậy
dù chẳng biết có còn em không nữa
bình yên cùng nỗi nhớ
bình yên cùng năm tháng yêu em
V.T tặng K.Luật

Thi sĩ Quang Dũng, một thời xông pha trận mạc!

*** Lời giới thiệu của V.T: Nói về Quang Dũng, chúng ta không quên nhắc đến những ngày tháng của nhà thơ còn trong quân đội. Chính những tháng ngày làm một chinh nhân trong thời đất nước ly loạn, đã rèn luyện Quang Dũng hình thành những kiệt tác cho kho tàn thi ca Việt Nam: Thời kỳ tiền chiến. Ông là một nhà thơ cũng bị chế độ Hà Nội xếp vào những nhà thơ có khuynh hướng lãng mạn Tiểu Tư Sản, liên hệ tới vụ án Nhân Văn Giai phẩm. Trong thời gian phục vụ quân đội, Quang Dũng đã từng nắm giữ những chức vụ như: Phóng viên tiền phương của báo Chiến Đấu, đại đội trưởng tiểu đoàn 212 của trung đoàn Tây Tiến, trưởng đoàn văn nghệ Liên Khu 3...Bài thơ nổi tiếng nhất của ông sáng tác trong thời kỳ nầy là Tây Tiến. Ngoài những bài thơ ca tụng người chiến sĩ trên chiến trường, Quang Dũng còn sáng tác những bài thơ đậm nét trử tình như: Đôi bờ, Đôi mắt người Sơn Tây...
 Ông bị gửi đi chỉnh huấn sau vụ Nhân Văn - Giai Phẩm, và lui về ẩn thân trong nghèo nàn và bệnh tật. Thơ của ông bị phê bình trên báo chí Miền Bắc lúc đó là mang hơi hướng "tiểu tư sản", thiếu tính chiến đấu, còn ở Miền Nam thì được xuất bản và phổ biến rộng rãi và được nhiều người yêu thích. Về sau này, sự bạc đãi của chế độ Hà nộiđã làm cho ông mai một và mất đi trong âm thầm. Ông mất ngày 13 tháng 10 năm 1988 tại bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội. Ông là người tài hoa, vẽ tài, hát giỏi, thơ hay. Bài thơ Tây Tiến của ông mang đậm nét hào hùng, bi tráng pha chất lãng mạn được chọn vào giảng dạy trong giáo trình trung học phổ thông. Một số bài thơ của ông đã được phổ nhạc như Tây Tiến (Phạm Duy phổ nhạc), Đôi mắt người Sơn Tây (Phạm Đình Chương phổ từ hai bài thơ Đôi bờĐôi mắt người Sơn Tây), Kẻ ở (Cung Tiến phổ nhạc). Đặc biệt bài thơ Em mãi là 20 tuổi được 3 nhạc sĩ phổ nhạc khác nhau (Việt Dzũng, Phạm Trọng Cầu, Khúc Dương). Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Nhưng tiếc thay, chế độ CS Hà Nôi trả lại sự công bằng và tự do cho Quang Dũng khi ông đã ra người thiên cổ!

 Nhin chung, những thi văn sĩ tài giỏi trong thời kỳ nầy, đa số đều bị chế độ trù dập. Như một Quang Dũng, Hữu Loan, Trần Dần, Phùng Quán, Phan khôi, Nguyễn Bính...Phải chăng, chế độ CS Hà Nội là một đao phủ mù quáng giết chết hàng ngàn kiệt tác từ những thi, văn sĩ tài ba của nền văn học Việt Nam!
 Hôm nay, để tưởng nhớ nhà thơ Quang Dũng, V.T xin trích đăng hai bài thơ tiêu biểu của Quang Dũng, như một nén hương lòng dành cho người thi sĩ trong cảm hoài của kẻ hậu thế!


Hình của Quang Dũng khi còn trong quân ngũ

** Đôi mắt người Sơn Tây
 Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao lần quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì

Vừng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương

Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn thôi lại nối điêu tàn
Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ
Em có bao giờ lệ chứa chan

Mẹ tôi em có gặp đâu không
Những xác già nua ngập cánh đồng
Tôi cũng có thằng em còn bé dại
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông

Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây

Cho nhẹ lòng nhớ thương
Em mơ cùng ta nhé
Bóng ngày mai quê hương
Đường hoa khô ráo lệ

Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn quanh phủ quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng

Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa
Đã hết sắc mầu chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta

**Tây Tiến
 Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa…
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.