Nguyệt San Số 36


   

   

Lời giới thiệu: Thơ là tiếng lòng thổn thức, bâng khuâng, trăn trở..... Người làm thơ hoặc thi sĩ sáng tác những vần thơ hay là lúc tâm hồn của mình xúc cảm trước sự việc ngoại lai. Thơ có thể chia làm mấy khuynh hướng chính: Thời thế ( chủ nghĩa Quốc Gia ), lãng mạn, trử tình, trào phúng...Nguyệt san số 36 với chủ đề : 30/4..Còn Đó Nổi Buồn ...V.T..

Ngày Quốc Hận

Ngày Quốc Hận 30 tháng 4
Sao Linh (Mây Trắng)

Anh hỏi em sao không về thăm mẹ
Ngày lìa đời mẹ nhắm mắt không yên
Vắng bóng em nên mẹ chết ưu phiền
Vầng tang trắng thiếu đưa con gái út

Em hỏi anh vì sao em bỏ nước?
Tại vì sao mẫu tử phải chia lìa
Tại vì sao chồng vợ phải phân chia
Ngàn người chết biển đông trong rừng thẳm

Em hỏi anh hơn ba mươi năm lẻ
Quê hương mình dân chúng vẫn điêu linh
Có phải chăng vì bọn cướp hồ tinh
Đội lớp người nhưng lòng lang dạ sói

Độc lập tự do sao người dân tê tái
Hiếp đáp người, đàn áp bắt dân oan
Sống xa hoa mặc dân khổ kêu than
Tiền đầy tuí tham quan tư bản đỏ

Biển Việt Nam, Nam Quan, Bản Giốc
Sao cắt dâng Tàu cuí mặt cong lưng
Cô gái thanh xuân nước mắt rưng rưng
Vì manh aó bán thân lìa cha mẹ

Trẻ thất học lang thang trên đường phố
Kiếm mưu sinh trong đống rác vĩa hè
Những đêm đông aó rách không đủ che
Nằm gía lạnh co ro trời có thấu



Ai đã bảo là cơm no áo ấm
Lời mị dân xảo trá thật điêu ngoa
Người dân oan cay đắng lệ chan hoà
Ai tàn nhẫn bắt người còn cướp đất

Người nông dân cày ruộng thiếu cơm ăn
Nơi thành thị kẻ vung tiền như rác
Ai đã bảo giàu nghèo cùng san sẻ
Nhưng càng ngày hố ngăn cách càng xa

Dù xa quê nhưng em luôn khắc khoải
Vui sướng gì khi đất nước lầm than
Nước người ta ăn, mặc quá dư tràn
Lòng đau xót thương dân mình đói rách

Ba mươi tháng tư anh ơi còn nhớ?
Ngày đau buồn ta quấn chiếc khăn tang
Giận ai kia hèn nhát đã đầu hàng
Để mất nước ta làm thân viễn xứ

Ba mươi tháng tư Việt Nam Quốc hận
Ngày kinh hoàng rúng động cả năm châu
Lũ tham tàn không tồn tại được lâu
Anh hãy đợi một ngày em trở lại

Em sẽ về khi quê hương bừng sáng
Ngày tự do dân chủ sẽ không xa
Tuổi trẻ Việt Nam buất khuất thiết tha
Sẽ dựng lại một mùa xuân mầu nhiệm

Chiếc Lá Giữa Đại Dương
Vận nước nổi trôi mang theo giông bão,
Cuốn hàng triệu người hớt hải ra đi.
Đi đâu? Về đâu? Nào có xá chi!
Chấp nhận hiểm nguy làm mồi biển cả.

Những chiếc thuyền nan nhỏ như chiếc lá,
Chở cả trăm người trôi dạt đại dương.
Đói khát, máy hư, hải tặc giữa đường
Kẻ sống, người chết, sống không bằng chết.

Vắt hơi thở đến sức cùng lực kiệt,
Phó thác phận người cho đấng thiêng liêng.
Sóng cả, mưa gào nước mắt oan khiên
Nỉ non những lời khóc than, cầu nguyện.

Rúng động, bàng hoàng về những câu chuyện,
Thảm cảnh hãi hùng đau xé tâm can.
Ôi nhân loại sao có thể bàng quang,
Cảnh tương tàn được vẽ bằng xương máu.

Trang sử chép sự thật không che dấu,
Đau đớn thay cho lịch sử Việt nam.
Truyền thống oai hùng chống giặc ngoại xâm,
Vẫn tự hào bốn nghìn năm văn hiến.

Lương tâm chôn vùi trong những cuộc chiến.
Bán rẻ quê hương đứt ruột Mẹ đau.
Nhân quyền đâu giữa thời cuộc bể dâu,
Thế giới nào phải làm ngơ không thấy.

Những chiếc lá bị đại dương cuốn xoáy,
Không có niềm tin, không có tương lai.
Giấu trong tim giọt nước mắt u hoài,
Nhớ về Mẹ đau lòng con quốc quốc.

Diễm Áo Tím

Viên Sỏi Lãng Quên

Thanh Vân
Viên sỏi nhỏ hôm nao làm xao động
Sóng mặt hồ theo gió gợn lăn tăn
Chỉ nhớ nhung trong khoé mắt đã hằn
Những dấu vết tháng ngày yêu và khổ
 
Viên sỏi nhỏ vô tình khơi lại sóng
Rồi lặng lờ chìm dưới đáy hồ xanh
Mang theo tim đậm khắc bóng hình anh
Vùng kỹ niệm tuyệt vời chôn huyệt mộ
 
Em vẫn đi trên con đường sỏi trắng
Tìm lại ngày xưa thương nhớ hôm nay
Nghẹn ngào buồn nhìn lá chết bay bay
Chiều lại xuống mặt hồ im phăng phắc
 
Nâng viên sỏi nghe lòng đau quay quắt
Mặt hồ im sao sóng nổi ba đào?
Cắn chặt môi ngăn dòng lệ đang trào
Yêu một thoáng để rồi đau trọn kiếp
 
Người ra đi một nơi xa biền biệt
Cõi lưu đày xin giữ mãi cho nhau
Chút sóng tình yêu của thuở  ban đầu
Dù viên sỏi đã rơi vào quên lãng

TV

Những Ngôi Mộ Phú Lá Cờ Vàng
Nguyễn Thị Thanh Dương

Tôi đã thấy những ngôi mộ phủ lá cờ vàng,
Trong nghĩa trang còn tươi màu đất mới,
Quê hương Việt Nam một thời lửa khói,
Người lính quên mình vì lý tưởng tự do.
Các anh hiên ngang chết dưới màu cờ,
Bỏ lại vợ hiền, đàn con thơ dại,
Những vành khăn tang bàng hoàng chít vội,
Nước mắt nào cho đủ tiễn đưa anh?
Có thể anh là người lính độc thân,
Chưa có người yêu, lên đường nhập ngũ,
Ngày mẹ già nhận tin anh báo tử,
Tuổi đời già thêm vì nỗi đớn đau.
Có thể anh vừa mới có người yêu,
Hẹn cưới nhau khi tàn mùa chinh chiến,
Tiền đồn xa chưa một lần về phép,
Anh đã ra đi mãi mãi không về.
Súng đạn vô tình làm lỡ hẹn thề,
Người yêu anh đã có tình yêu mới,
Khi trên mộ anh chưa tàn hương khói,
Trách làm gì!. Thời con gái qua mau.
Hỡi người tử sĩ dưới nấm mồ sâu,
Tiếc thương anh lá cờ vàng ấp ủ,
Nghĩa trang quân đội những ngày nắng gió,
Vòng hoa tang héo úa chết theo người.
Những ngôi mộ phủ lá cờ vàng. Xa rồi,
Xác thân anh đã tan vào cát bụi,
Nhưng lịch sử vẫn còn ghi nhớ mãi,
Miền Nam Việt Nam cuộc chiến đấu hào hùng.

Góa Phụ Buồn
 Nguyễn Thị Thanh Dương
Em đang đứng trước ngôi mộ anh,
Bơ vơ buổi trưa vắng nghĩa trang,
Nắng soi bóng em gần bên mộ,
Gần nhau thế mà vẫn xa xăm
                 Anh đã về với cát bụi rồi,
                 Như áng mây đã khuất cuối trời,
                 Em thẫn thờ nhìn về nơi ấy,
                 Chỉ thấy bầu trời trống trải thôi
Vành nón che đôi mắt em buồn,
Vai em còn phủ chiếc khăn tang,
Thời chinh chiến em làm góa phụ,
Người chồng trẻ đền nợ núi sông.
                     Nấm mộ anh mới vừa đắp xong,
                     Đất chưa khô. Cây thánh gía buồn,
                     Bó hoa tươi vẫn chưa kịp héo,
                     Bó nhang thơm chưa tắt khói hương.
Và anh sẽ ở mãi nơi đây,
Thôi hết rồi, tay không trong tay,
Đường dương gian em vầng trăng khuyết,
Không còn anh để ánh trăng đầy.
                    Anh ở lại với đồng đội kia,
                    Trong nghĩa trang quân đội Biên Hòa,
                    Đã từng xông pha ngoài trận tuyến,
                    Hôm nay nằm với đất, mộ bia.
 Lá cờ vàng phủ trên mộ anh,                  
 Em mang về làm kỷ niệm riêng,
 Có hồn anh và hồn dân tộc,
 Có cả những giọt nước mắt em.
                    Em vẫn đứng im trong nghĩa trang,
                    Nắng xế cho đến khi nắng tàn,
                    Bóng em không còn in bên mộ,
                    Lẻ loi em một góa phụ buồn..

         Nguyễn Thị Thanh Dương.
               ( Tháng Tư, 2013)