Nguyệt San Số 34


   

   

Lời giới thiệu: Thơ là tiếng lòng thổn thức, bâng khuâng, trăn trở..... Người làm thơ hoặc thi sĩ sáng tác những vần thơ hay là lúc tâm hồn của mình xúc cảm trước sự việc ngoại lai. Thơ có thể chia làm mấy khuynh hướng chính: Thời thế ( chủ nghĩa Quốc Gia ), lãng mạn, trử tình, trào phúng...Nguyệt san số 34 với chủ đề : Xuân Và Nỗi Nhớ ....V.T...

Mùa Xuân trong mắt em
Ngọc Thiên Hoa

Xuân mang phước lộc ban đời
Cho mai thắm nụ, ngàn khơi thắm màu.
Chiều nghiêng dáng nhớ về đâu ...
Mà âm tiếng Cuốc đêm thâu bỗng mềm!

Ngoài sân vạt nắng qua thềm
Ùa trên đám cỏ, tô thêm sắc hồng.
Cha trên ruộng, mẹ trên đồng
Đàn con cuộn sóng triền Đông gởi trời!

Ngày xuân mở hội muôn nơi
Đêm xuân chén rượu nâng mời thế nhân.
Dòng sông nhẹ nước triều dâng
Mưa xuân lấm tấm trên thân chiến hào!

Bờ Đông cát trắng xôn xao
Xanh xanh sóng biết nơi nao cội nguồn?
Đông mùa xuân, Tây mùa xuân
Hoa lòng rụng xuống, mưa tuôn xóa nhòa!

Trên không xác pháo rơi xòa
Ngàn ngàn sắc loại chan hòa với mây.
Em lùa xác pháo vào tay
Mùa xuân mắt biếc mang đầy tuổi thơ!
 

Xuân trong thơ của thi sĩ Kim Tuấn
    Sơ lược tiểu sử: Kim Tuấn tên thật là Nguyễn Phước Vĩnh Khuê, ông sinh năm 1938 tại Hà Tĩnh nhưng quê ở Thừa Thiên - Huế. Ông là hậu duệ 5 đời Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Là con trai duy nhất của gia đình. Thuở nhỏ sống cùng gia đình ở Phan Thiết. Lớn lên vào Sài Gòn học.
    Tính cách hiền lành; ngoại hình mập mạp, da hơi ngăm đen, nụ cười híp mắt.
Năm 20 tuổi cưới người vợ đầu là Hồ Thị Mộng Sương (em Hồ Đình Phương). Sau 1975 hai người ly dị, Mộng Sương sang Pháp, Kim Tuấn cưới người vợ thứ nhì là chị Minh Phương và có hai người con trai.
    Làm thơ từ năm 13 tuổi. Bắt đầu có thơ đăng trên các tạp chí đầu thập niên 1960. Tập thơ đầu tiên xuất bản là tập Ngàn Thương (chung với Định Giang).
Kim Tuấn có một thời gian dài làm lính và thông dịch viên Anh ngữ cho Quân Đoàn II tại Pleiku. Thời gian này ông còn là phóng viên chiến trường với ký danh Vĩnh Khuê. Sau thời gian làm việc ông thường về nhà phụ vợ bán thuốc tây tại nhà riêng - hiệu thuốc cùng tên Kim Tuấn trên đường Phan Bội Châu.
    Năm 1977, ông về Sài Gòn làm hiệu trưởng Trường Anh văn và dạy nghề Thăng Long ở quận 4 - một ngôi trường do người Anh tài trợ dành cho trẻ em lang thang và dạy học ở đó cho đến cuối đời.
    Ngày 11/9/2003, sau khi tham dự một buổi văn nghệ phát quà Trung thu cho trẻ em nghèo tại trường, ông về nhà ăn bánh, uống trà, ngắm trăng với vợ con rồi đột ngột bị nhồi máu cơ tim và mất trên đường đưa đến bệnh viện.
     Đánh giá đa số thơ của Kim Tuấn đều là thơ năm chữ với vần điệu êm ả, dịu dàng; mang nhiều hình ảnh đặc trưng của mỗi vùng đất mà ông viết. Cái hay của thơ Kim Tuấn là nắm bắt được tính cô động, "kiệm lời" của thể thơ năm chữ. Thơ của Kim Tuấn gồm 3 mảng chính: Thiên nhiên, chiến tranh, Tình yêu. Thơ của ông được in trên nhiều báo, tạp chí trước và sau 1975. Ngoài ra ông còn được nhà thơ Du Tử Lê gọi là "chiếc cầu nối giữa thơ ca và âm nhạc trước 1975" với nhiều bài thơ phổ nhạc đặc sắc mà tiêu biểu là Anh cho em mùa xuân (Nguyễn Hiền) và Những bước chân âm thầm (Y Vân).
    Các bài thơ nổi tiếngNhiều bài thơ của Kim Tuấn đã được phổ nhạc vì tính lãng mạn, độc đáo của nó. Sau đây là một số bài đã được phổ nhạc nổi tiếng và nhiều người quen thuộc:
    Nụ hoa vàng ngày xuânTheo lời của Kim Tuấn "Để nhớ về quê mẹ Hà Tĩnh - vùng đất sỏi đá nhiều hơn cơm gạo với mơ ước đất mẹ gầy có lúa chứ không phải cỏ lúa". Bài thơ in đầu tiên trong tập Ngàn Thương chung với Định Giang. Sau đó được nhạc sĩ Nguyễn Hiền phổ nhạc thành bài Anh cho em mùa xuân điệu Tango vào năm 1962. Bài hát vui tươi, rộn rã này lập tức được mọi người ưa chuộng từ đó cho đến nay.
Anh cho em mùa xuân
Nụ hoa vàng mới nở
Chiều đông nào nhung nhớ
Đường lao xao lá đầy
Chân bước mòn vỉa phố
Mắt buồn vin ngọn cây
Anh cho em mùa xuân
Mùa xuân này tất cả
Lộc non vừa trẩy lá
Thơ còn thương cõi đời
Con chim mừng ríu rít
Vui khói chiều chơi vơi
Đất mẹ gầy có lúa
Đồng ta xanh mấy mùa
Con trâu từ đồng cỏ
Giục mõ về rộn khua
Ngoài đê diều thẳng cánh
Trong xóm vang chuông chùa
Chiều in vào bóng núi
Câu hát hò vẳng đưa
Tóc mẹ già mây bạc
Trăng chờ trong liếp dừa
Con sông dài mấy nhánh
Cát trắng bờ quê xưa
Anh cho em mùa xuân
Bàn tay thơm sữa ngọt
Dải đất liền chim hót
Người yêu nhau trọn đời
Mái nhà ai mới lợp
Trẻ đùa vui nơi nơi...
Hết buồn mưa phố nhỏ
Hẹn cho nhau cuộc đời
Khi hoa vàng sắp nở
Trời sắp sang mùa xuân
Anh cho em tất cả
Tình yêu non nước này
Bài thơ còn xao xuyến
Nắng vàng trên ngọn cây..

Gởi Mẹ Mùa Xuân

   Kim Tuấn
Tết này chắc con thôi leo núi
đêm ngủ rừng thôi ngó trời xanh
sớm mai qua núi tay kiềm súng
đã xa xôi như thế cũng đành

Tết này ngưng chiến lo đồn trại
đêm gác chòi cao nhìn núi cao
lửng lơ dăm bóng đèn soi sáng
mưa dưới đồi xa khuất chiến hào

Chiến hào đêm lạnh run cơn gió
lá động cành trơ và khói sương
co ro trong áo tay ghì súng
lửa ngút trời xa bãi chiến trường

Tết này thêm chút tiền lương lính
có dăm trăm bạc gửi quê nhà
mẹ mua thêm gạo ăn qua Tết
con ở rừng cam khổ cũng qua

Con ở rừng ăn Tết cá khô
có cơm gạo sấy kiếp sông hồ
khi vui chung bạn dăm chai đế
khi chết nằm yên dưới nấm mồ

Tết này Tết nữa chưa yên giặc
chắc mai chắc mốt có hòa bình
con nghe nói thế con tin thế
phương này như cũ vẫn phiêu linh

Theo Ánh Xuân Hồng
Thi hạnh

Xuân đến bên thềm anh có hay
Có nghe hơi ấm phủ bàn tay
Có nghe trong gió lời réo rắt
Và nghe thương nhớ rót thật đầy…?
Xuân đến bên thềm anh biết không
Xuân ươm thơm sắc má em hồng
Cho tiếng tình tự trong thanh vắng
Gởi đến bên người những nhớ mong
Xuân đến đây rồi anh hỡi anh
Hãy nghe mây gió lượn tung tăng
Hãy nghe chim én vu vơ hát
Và khúc ân tình sáng long lanh
Xuân đến đem về bao ước mong
Ru trong hương nắng áng tơ nồng
Đôi chân anh bước, em cùng bước
Theo ánh xuân hồng đến trăm năm

Mùa Xuân nào anh lại về
Thăng Trầm
Mùa xuân nào anh lại về ngang phố vắng
để đêm mơ lòng hết nhớ những đêm chờ
mang nắng ấm thêm ánh hồng ướp môi xơ
mơ mộng đắm ngây hương tình vơi xa nhớ
Đêm xuân nào anh sẽ dành riêng đôi phút
xóa nỗi buồn em đắm đuối ngất hương yêu
gió lang thang mơn mây trắng ước nâng niu
dù ảo ảnh vẫn để hồn bay theo gió
Sao không về thả thơ ngàn trong xuân nhớ
sao không là sương trên lá đợi nụ xuân
sao bâng khuâng sao trăn trở suốt đêm trường
sao không đến khiến em buồn như sương khói
Tình dù lỡ chẳng dám hờn thôi dấu kín
nếu trọn yêu dù không đến nhớ dâng đầy
rồi chiều nay trời trở gió trút cánh mai
em bỗng thấy lòng chênh vênh như không hướng