Nguyệt San Số 28


   

   

Lời giới thiệu: Thơ là tiếng lòng thổn thức, bâng khuâng, trăn trở..... Người làm thơ hoặc thi sĩ sáng tác những vần thơ hay là lúc tâm hồn của mình xúc cảm trước sự việc ngoại lai. Thơ có thể chia làm mấy khuynh hướng chính: Thời thế ( chủ nghĩa Quốc Gia ), lãng mạn, trử tình, trào phúng...Nguyệt san số 28 với chủ đề : Thơ Bốn Phương Trời ....

V.T...

Chúc thư của một người lính vô danh

Tác Giả: Cung Trầm Tưởng

Nếu ngày mai cam phận tôi lên đường
Về một miền trời nồng mùi thuốc súng
Xin các người đừng tụ tập lăng xăng
Đừng đọc diễn văn, trương cờ xí
Đừng uý lạo tặng quà
Quàng vòng hoa chiến sĩ
Đừng chu choa tiếng kèn đồng
Bởi cái chết là một món hàng vô giá
Không lễ tiễn đưa nào chuộc được

Nếu ngày mai tâm lí chiên đàn
Lùa toán quân lao vào chiến địa
Mìn mù loà xé xác chiên ngoan
Xin các người đừng đến lầm rầm trước linh vị
Vinh danh tôi anh hùng liệt sĩ
Bởi cái chết giờ là
Một quan tài gỗ tạp – nếu có –
Đóng bằng ván lạnh lùng
Và đinh sắt lãng quên – vô ơn

Màu thời đại
Nếu ngày mai say mùi thuốc súng
Tôi miên du trong mưa đạn
Phiến ngực gầy làm tấm khiên che
Thân bung tung như xác pháo
Theo nhịp cười rồ dại cỗ liên thanh
Của một xạ thủ nằm rình
Bên chiến hào đối mặt
Hắn cũng như tôi
Đang say mùi thuốc súng
Mùi mê yên mị dược
Đánh thuốc lú hồn ta
Đang vô thức miên du
Trước khổ đau đồng loại

Vậy
Nếu vì cuồng vọng một người
Một triệu người phải ngã xuống
Vải tang sô không đủ để quấn đầu
Muộn sầu triệu nàng goá phụ
Vật vờ triệu mụn con côi
Tôi xin các người đừng đến cúi đầu mặc niệm


Tỏ tiếc vong linh người chồng / cha vắn số
Rồi ra về ngồi kí lệnh trưng quân
Lấy thịt đồng bào làm mồi cho súng ngoại
Bởi giết chóc này vô luân và phi lí
Chân lí không hồng, cứu cánh không xanh
Tôi muốn ngã xuống máu trắng
Trên một lằn ranh màu trắng

Nếu ngày mai giữa khói lửa đỏ rực trời
Tôi bị hút vào từ trường phía trước
Viên đạn nào vô giác xoáy đầu tôi
Xin các người đừng làm trò thiểu não
Đặt vòng hoa phúng điếu, phân ưu
Biểu dương công trạng trước quân kì
Bởi mạng Việt Nam các người coi rẻ rúng
Tấm bạt thô phủ vội xác gầy gùa
Khách bộ hành hấp tấp bước băng qua
Không ngoảnh lại

Di ảnh tôi
Xin các người đừng phóng lớn, phô bày
Trong công viên, ngoài phố xá
Bởi sinh thời thường tránh chốn lao xao
Chỗ chợ người bon chen bát nháo
Tôi muốn được chết âm thầm, tan loãng giữa vô danh
Một vết xước nhợt nhoà
Trên vô tình lịch sử

Nay
Để hồn nhẹ nhõm lúc ra đi
Xin trả đủ lại các người
Những huy chương láng coóng
Những chiến tích mạ kền
Những hoa hòe hoa sói
Những loá mắt lập lòe
Một thiên đàng mộng hoạn
Một chiến sử không vui
Một nghĩa địa hoang vùi
Triệu anh hùng mê muội
Phận mỏng con thiêu thân

Lao vào lòng hoả ngục

 

 

Tiểu sử nhà thơ Cung Trầm Tưởng
     Nhà thơ Cung Trầm Tưởng tên thật là Cung Thức Cần. Sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Thân sinh của ông làm công chức tại nhiều tỉnh miền Bắc, còn ông đi học tại Sơn Tây, Hà Đông. Sau học tại nhà do anh ruột là Cung Thức Thuyên (giám đốc Đại Học Sư Phạm Hà Nội) dạy kèm. Đến năm 1945 ông học một năm tại trường Chu Văn An (1948-1949).
     Từ năm 1949 nhà thơ Cung Trầm Tưởng cùng gia đình vào Sài Gòn, và ông học tại trường Chaseeloup Laubat (sau đổi tên Jean Jacques Rouseau, còn bây giờ mang tên Lê Quý Đôn).
 Phải nói nhà thơ Cung Trầm Tưởng có số du học, vào năm 1952 đã đi du học tại Pháp với ngành kỹ sư Không Quân (tuơng đương Học Viện Air Academy của Hoa Kỳ ngày nay). Khi ở trong quân đội thuộc binh chủng Không Quân, vào năm 1962-1964 nhà thơ đi du học cũng tại Hoa Kỳ ngành Khí Tượng; năm 1970 tiếp tục học khóa tu nghiệp về hệ thống đào tạo sĩ quan trừ bị. Năm 1974 lại đi tu nghiệp tại Học Viện Cao Đẳng Quốc Phòng Hoa Kỳ về An Ninh Quốc Gia và Quản Trị Tài Nguyên Quốc Phòng. Cuối năm 1974 về lại Việt Nam.
     Trong quá trình phục vụ quân đội, năm 1968 - 1974 nhà thơ Cung Trầm Tưởng làm thuyết trình viên cho Ủy Ban Hổn Hợp Việt-Mỹ về hiện đại hóa Không Quân. Nên biết từ năm 1957 sau khi từ Pháp trở về, cấp bậc của ông mới chỉ là trung úy, sau 14 năm đến năm 1971 được thăng cấp trung tá, làm việc tại Bộ Tư Lệnh Không Quân. Sau năm 1975 nhà thơ còn ở VN, đến năm 1993 cùng gia đình xin tị nạn tại Hoa Kỳ và hiện sinh sống tại Saint Paul, Minesota .
     Trước 1975, nhà thơ Cung Trầm Tưởng là một trong số rất ít oi người làm thơ nổi tiếng thời đó, là người đồng hành cùng những nhà thơ mới như Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Hà Huyền Chi, Tô Thùy Yên, Sa Giang Trần Tuấn Kiệt,. Ông hợp tác với tạp chí Sáng Tạo của nhà văn Mai Thảo, Tân Phong của nhà văn Nguyễn Thị Vinh, Thế Kỷ 20 của nhà văn - nhà thơ Trần Hồng Châu Nguyễn Khắc Hoạch (cựu khoa trưởng Đại Học Văn Khoa Việt Nam).
      Từ khi du học ở Pháp vế, nhà thơ Cung Trầm Tưởng mới bước chân vào sự nghiệp thi ca, năm 1958 đã có thơ đăng trong tuyển tập “Đất Đứng” do hai nhà văn Mặc Đỗ và Vũ Khắc Khoan chủ trương. Từ năm 1959 đến năm 1962 ông có chương trình giới thiệu Văn Học Nghệ Thuật Thế Giới trên Đài Phát Thanh Sài Gòn. Khi ở Hoa Kỳ, năm 1996 ông tái bản thi phẩm “Lời Viết Hai Tay”; năm 1997 làm Chủ tịch Hội Văn Hóa Việt Nam tại Minesota. Năm 2000 xuất bản “Tâm Sự Thi Bài Ca Níu Quan Tài”
- Đã hợp tác với các tạp chí Thế Hệ, Tân Phong, Sáng Tạo, Hiện Đại, Thế Kỷ 20, Đất Đứng (tuyển tập), Khởi Hành, Nghệ Thuật, Văn, Thời Tập, The American Dialogue, The Journal of The Asian American Renaissance, Frogtown Times, Menschen Rechte...
- Hội viên liên kết của Văn Bút Pháp, hội viên danh dự của Văn Bút Quốc Tế (P.E.N. Tnternational)
Đa số thơ của Cung Trầm Tưởng gắn bó nhiều với nhạc sĩ Phạm Duy qua thi tập “Tình Ca”, trong đó có mười ba bài mà Phạm Duy đã phổ thành nhạc năm bài như Mùa Thu Paris, Kiếp Sau, Về Đây, Khoác Kín (Phạm Duy đổi là Chiều Đông) và Chưa Bao Giờ Buồn Thế (Phạm Duy đổi thành Tiễn Em). Tất cả năm bài đều thuộc vào những bài thơ phổ nhạc tiêu biểu cho sự gặp gỡ giữa thi ca và âm nhạc ở đỉnh cao sáng tạo.
      Ngoài nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ thành ca khúc; thơ Cung Trầm Tưởng còn có bài Tương Tư được nhạc sĩ Mặc Thế Nhân phổ nhạc lấy đề tựa “Tương tư 4” (trong album 10 ca khúc mang chủ đề “Tương Tư” của Mặc Thế Nhân) được rất nhiều khán thính giả yêu chuộng âm nhạc hâm mộ.
Tác phẩm đã xuất bản: Thám Hiểm Không Gian (dịch, Dziên Hồng) Thơ đã xuất bản: - Tình Ca (cùng Phạm Duy, Nguyễn Cao Uyên), Lục Bát Cung Trầm Tưởng (Con Đuông), Lời Viết Hai Tay (Thơ 1999 - Tái bản), Bài Ca Níu Quan Tài; Những Dấu Chân Ngang Trên Một Triền Phiến Định; Ngẫu Trận Và Sách Sáng Thành; Bà Góa Phụ...

  Lạc Bước

Nhà em ở sương giăng mờ mổi sáng
Nên hồn em lạc bước đến nhà anh
Anh là Mây, em là Bụi mong manh
Bụi chỉ ước được cùng mây phiêu lãng
 
Mây theo gió nên Bụi thành dĩ vãng
Mây bay đi Bụi ở lại cùng sương
Mặt trời lên sương cũng bỏ Bụi luôn
Tim em lại thêm một lần lạc lõng.
 
Cũng từ đó hồn em thôi mơ mộng
Bụi tìm Mây, Mây cũng bỏ trôi đi
Niềm tin yêu em còn lại chút gì?
Nỗi tủi hờn cho mộng đầu tan vỡ
 
Anh cứ hỏi sao hồn em không nhớ
Những ân tình anh dành trọn cho em
Tình yêu anh, em giữ mãi trong tim
Cơn gió nhẹ, mây bay ,hồn em khóc
 
Nhớ thuở đó nhà em mây giăng mắc
Hồn em bay lạc đến trước nhà anh
Vẫn tưởng Mây yêu hạt bụi mong manh
Nhưng Mây vẫn bay phiêu bồng nơi khác.
 
Trời trong xanh lòng em buồn man mác
Chỉ xin làm hạt bụi cũng không xong
Mây bay rồi Bụi chịu kiếp long đong
Thôi hồn nhé hãy ngừng đi mơ ước.

Thanh Vân

Tuổi Mười Ba

Thuở biết anh, em vừa mười ba tuổi
Lòng ngây thơ nào tưởng chuyện yêu đương
Hai đứa tuy không cùng học một trường
Ngày hai buổi đi về chung một ngõ
 
Ai có biết rồi sau yêu lầm lỡ
Vết thương lòng chan chứa khổ đau thôi
Con đường xưa hoa phượng rụng tơi bời
Ghi kỹ niệm trong hồn thơ run rẩy
 
Lá thơ đầu ôi trẻ con biết mấy
Tuổi mười lăm nào đã biết văn hoa
Gửi tâm tư trên giấy trắng học trò
Em đón nhận mà nghe hồn bỡ ngỡ!
 
Rồi từ đấy hoa lòng phơi phới nở
Yêu là yêu say đắm tuổi mười lăm
Hồn băng trinh vằng vặc ánh trăng rằm
Chắp cánh mộng phiêu lưu vào diễm sử
 
Chim bướm xôn xao, ngọt ngào trái lạ
Lần đầu tiên lòng bổng thấy si mê
Thời gian chìm trong ánh mắt lưu ly
Đời thuở ấy ôi thần tiên biết mấy!
 
Yêu mê lắm nhưng vẫn còn khờ dại
(Có hoa nào giữ được bướm đâu anh)
Tình học trò sớm nở một chiều xanh
Ta vội hái trái tình chưa độ chín
 
Chỉ một phút thoảng nghe lòng xao xuyến
Hồn đã trao theo mười ngón tay đan
Tuổi si mê cho nên quá vội vàng
Dâng hết cả linh hồn không tính toán
 
Yêu một thuở con tim còn vết rạn
Vết thương lòng chan chứa khổ đau thôi
Con đường xưa hoa phượng rụng tơi bời
Sương khói đã mờ lối vào diễm sữ
 
Giờ chỉ mình em trên con đường cũ
Nghe hồn đau giấc mộng tuổi hoa niên
Mối tình đầu, ôi biết thuở nào quên
Từ lỗi hẹn thời gian sầu lạnh lắm
 
Vẫn khờ dại cho nên sầu thương cảm
Còn si mê trái cấm tuổi mười ba
Tình thơ ngây đã chết tự bao giờ
Lòng sao vẫn ấp yêu hoài dư ảnh?

Thanh Vân

Bài Thơ Cho Anh
Thanh Vân

Cười lên Anh cho đêm bừng hoa mộng
Cho gió Xuân lồng lộng đẫm trăng sao
Niềm yêu thưong như suối trào nhựa sống
Cửa hồn em run rẫy đón anh vào
 
Tình yêu đến làm sao mà ngăn cản
Nổi nhớ nhau nào biết bởi từ đâu
Môi hé nở sao mắt anh đẫm lệ
Sao tim anh giờ chan chứa u sầu?
 
Hoa lá rụng rơi đầy vai đầy tóc
Đôi sóng đôi, nghe ngây ngất men chiều
Hơi thở ấm tìm  bàn tay yêu dấu
Biết làm sao cắt nghĩa được Tình Yêu?
 
Cứ để mặc cho tơ lòng rung cảm
Nguồn yêu thương dào dạt đến muôn trùng
Hồn rộng mở, xin bước chân nhè nhẹ
Những lời yêu nói bằng cặp mắt nhung
 
Em  lặng lẽ, đã chắc đâu sầu khổ
Bởi thầm yêu nên dạ mới nao nao
Buồn vơ vẫn, ngó bâng khuâng, hờn dỗi
Niềm thương kia biết đến tự phương nào?
 
Sao lấp lánh đọng trên cành xao xuyến
Trong vườn khuya hoa lá ngạt ngào hương
Gió mơn man liểu tơ mềm uyễn chuyển
Ôm vần trăng vằng vặc giữa đêm sương
 
Xin hảy giữ cho tình trang tọng mãi
Đẹp như thơ, ca ngợi buổi Xuân đầu
Dù tuổi mộng chẳng hai lần thắm lại
Sao tim mình vẫn thổn thức xôn xao!

Thanh Vân