TRANG THÔNG TIN


Từ Thiện Cho Việt Nam
Phải Đúng Nghĩa

Tác giả: Gs Lê Minh Thịnh
Thể loại: Thông tin   

Lời Tòa Soạn: Nhân dịp đọc trên Diễn Đàn bài viết của Giáo Sư đại học Singapore Lê Minh Thịnh . Bài viết rất đúng với thực tế chế độ CSVN đang sống thoi thóp nhờ vào Kiều Hối. Vì vậy, BBT trích đăng trên trang Thông Tin của Diễn Đàn Nông Gia Việt Nam-Nam Úc. Mong rằng, những người làm việc Từ Thiện cho Việt Nam nên đọc và suy niệm. Bởi vì làm từ thiện cho một thiểu số mà đã vô tình gieo đau thương cho đại đa số người dân Việt Nam phải chịu đựng kiếp sống không có Tự Do và Dân Chủ!!!!!
BBT/DĐNGVNSA
Chủ Nhiệm:  Kiều Tấn

Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng.

      Khi tôi còn bé, chúng tôi thường được nghe hai câu ca dao thật đơn giản nhưng đầy ý nghĩa này. Có lẽ vì những lời ca dao truyền khẩu rất cô đọng, xúc tích và đượm tình quê hương nên bao nhiêu năm xa cách, nghìn trùng trắc trở, tình cảm của những người con xa tổ quốc lúc nào cũng đau đáu, trăn trở hướng về quê mẹ Việt Nam.
      Sau này, khi tôi dạy tại Đại học Quốc gia Singapore, có lần các em sinh viên có tổ chức các buổi gây quỹ xây dựng trường học ở miền sâu, miền xa tại Việt Nam. Tấm lòng các em thật quý hóa, và hành động của các em thật cao cả, tôi ủng hộ những công việc khai sáng này.
 
Phần I: Nguy cơ của nghèo nàn, bệnh tật, và sự hủy diệt và một số phương pháp cải thiện:
     Nói về người nghèo, người thiếu may mắn thì trên thế giới này ở đâu không có, nhưng chỉ có người cùng màu da, cùng dòng máu mới thương cảm cho nhau nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu không kể biên giới của màu da và dòng máu, việc làm từ thiện mang nhiều hình thức khác nhau, nhưng nhìn chung có thể phân làm 3 loại chính:
 
A. Về kinh tế liên quan tới bữa ăn hàng ngày:
 1. Chương trình ngắn hạn: các tổ chức từ thiện thường đem tiền, đem đồ ăn thức uống để cứu trợ cho người nghèo. Sau khi các tổ chức chia tay, cái đói nghèo vẫn còn đó.
 2. Chương trình dài hạn hơn: Có tổ chức sáng tạo hơn đã lập luận rằng "cho cần câu, hơn là cho con cá". Đúng vậy, nếu ta hướng dẫn cách tạo ra sản phẩm thì người nghèo sẽ tự học hỏi và tự tạo cơ hội cho họ khi các khoản từ thiện không còn đó.
 
B. Về y tế liên quan đến bệnh cá nhân, và bệnh dịch xã hội:
 1. Chương trình ngắn hạn giúp giảm thiểu các bệnh dịch. Thỉnh thoảng, một số bác sĩ, y sĩ về quê hương mình nhân mùa nghỉ để phát thuốc, khám bệnh. Đôi khi, mở một vài buổi nói chuyện về y tế.
 2. Chương trình dài hạn hơn: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có một tầm nhìn tổng thể, thường đưa ra những chương trình có ảnh hưởng toàn thế giới. Thường, cũng có những chương trình giáo dục về cách ngăn ngừa và giảm thiểu bệnh HIV, bệnh lao phổi (TB), v.v...
      Tuy nhiên, một số trường hợp liên quan đến cả kinh tế và y tế: các cô gái, trẻ em bị xâm phạm tình dục vì bị lừa vào những động mãi dâm phải lâm bệnh thể xác, cũng như bệnh tinh thần. Cách giải quyết vấn nạn cho các nạn nhân và cho xã hội, không thể đơn thuần bằng cách cho bữa ăn hay cấp thuốc men.
 
C. Về giáo dục liên quan đến giáo dục công dân và giáo dục kiến thức:
      Tất cả những nguy cơ của cuộc sống đều do con người và thiên nhiên tạo ra. Tuy nhiên, nếu giáo dục con người đúng mức, những nguy cơ của con người có thể kiểm soát được, và nguy cơ của thiên nhiên có thể giảm thiểu được. Vậy giáo dục là then chốt của tất cả những nguy cơ đưa tới nghèo nàn, bệnh tật, và ngay cả sự hủy diệt.
      Chương trình ngắn hạn gồm có xây trường, mở một vài lớp mẫu giáo, tiểu học. Sau khi phong trào yếu đi, trường học xuống cấp vì không có tiền bảo quản. Các lớp học cũng không còn vì không có tiền trả cho thầy cô giáo, ít nhất hai bữa ăn trong ngày.
 
Phần II: Phương pháp tạm gọi vĩnh cửu để ngăn ngừa nghèo nàn, bệnh tật, và sự hủy diệt
 
A. Hiện trạng Việt Nam:
      Tôi đã từng nói chuyện với một số em sinh viên tôi từng dạy và tiếp xúc. Qua kinh nghiệm dạy sinh viên đại học, tôi nhận ra được rằng trình độ của các em sinh viên các nước được sắp theo thứ tự từ cao xuống thấp sau đây: Singapore, Ấn độ, Trung Quốc, Việt Nam. Ở đây, tôi không đánh giá chuyên ngành hay Toán, tôi đánh giá khả năng các em có thể theo kịp những gì đang dạy nếu các em thật sự muốn học. Theo như tường thuật của Đại học Harvard, cũng như sự đánh giá của chính các giáo sư trong nước, nền giáo dục ở Việt Nam đã lâm vào sự khủng khoảng trầm trọng về chuyên môn cũng như khả năng mềm, và trầm trọng hơn nữa là ý thức và trách nhiệm công dân.
      Có lần, tôi so sánh chương trình đại học của Singapore, Trung Quốc, và Việt Nam và nhận thấy rằng số thời gian học về quốc gia Singapore; về chính trị, chủ nghĩa CS, và Trung Quốc; và về chính trị, chủ nghĩa CS, và Việt Nam trên tổng số giờ học là theo tỷ lệ 2% Singapore, 5-10% Trung Quốc, và 5-20% Việt Nam. Các em sinh viên Việt Nam bỏ tới gần 20% số giờ để học những thứ mà tôi cho là vô bổ, ... hoàn toàn vô bổ. Có trường đại học ở miền Bắc, không phải là trường quân sự, nhưng vẫn còn dạy các em ném lựu đạn. Chủ nghĩa Marxism-Leninism đã bị nhân loại và ngay cả những nước Cộng sản vứt vào sọt rác gần hai mươi năm qua, nhưng vẫn còn được dạy tại các trường đại học. Những kiến thức hoàn toàn vô bổ đã được nhồi nhét để rồi sau 4, 5 năm đại học, các em tốn thì giờ, tốn của cải của gia đình và xã hội nhưng không theo kịp những sinh viên các nước khác trong vùng.
 
B. Sự chọn lựa giữa "giúp cho đồng bào Việt Nam bớt khổ hơn" và "giúp cho đồng bào Việt Nam mau sướng hơn".
 1. Giúp cho đồng bào Việt Nam bớt khổ hơn:
a. Về thiên tai, lũ lụt: Hằng năm các cơn lụt ở miền Bắc, miền Trung, và ngay cả miền Nam đã gây biết bao nhiêu tang tóc, hủy hoại cho con người và xã hội.
      Vấn đề cần lưu ý là nạn đốn rừng bừa bãi làm đồi núi ở thượng lưu thành đồi trọc, không giữ nước, sẽ làm cho lụt lội nặng hơn. Sự lấp các hồ, đầm lầy để xây khu biệt thự, khu nghỉ mát, cũng như vét cát bừa bãi không có kế hoạch tổng thể sẽ làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông ngòi, lụt lội sẽ kéo dài lâu hơn.
      Những buổi gây quỹ từ thiện để gửi giúp đồng bào lũ lụt, thiên tai vẫn xảy ra để giúp cho đồng bào đỡ khổ hơn.
 
b. Về nghèo đói:
    Sự tiến hóa của công nghiệp đã làm mất đi một số ngành sản xuất nông nghiệp. Sự phát triển đô thị cũng làm mất đi một số đất canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, nếu không phát triển cân bằng và bền vững, sẽ đưa đến nhiều hậu quả nghiêm trọng trong vài chục năm tới.
     Tất cả những việc chẳng hạn như đuổi dân ra khỏi ruộng đồng để xây các nhà máy đóng tàu (trường hợp Vinashin), để xây sân gôn, và để dành cho những dự án treo đã làm cho người nông dân điêu đứng, đất mất nhưng bụng vẫn đói và con cái không thể đến trường vì không có tiền để đóng hàng chục thứ chi phí liên quan đến việc học. Theo Bộ trưởng Nông nghiệp CSVN Cao Đức Phát, hàng năm có hàng trăm ngàn người đói quanh năm, chỉ no đủ vào các ngày giỗ tết.
      Những buổi gây quỹ từ thiện để gửi giúp đồng bào nghèo khổ, viện mồ côi vẫn xảy ra để giúp cho đồng bào, trẻ em đỡ khổ hơn.
 
c. Về bệnh tật:
     Rác rưởi không được xử lý đúng mức do cán bộ thiếu giáo dục, thiếu trách nhiệm. Các bệnh viện cho thải chất thải thẳng ra sông, các công ty qua đút lót với quan chức đã thải thẳng vào sông, vào đất. Có mấy ai về thăm Việt Nam, ăn uống mà không sợ đau bụng.
     Những buổi chữa bệnh từ thiện vẫn được thực hiện để giúp cho đồng bào, trẻ em đỡ khổ hơn.
 
d. Về giáo dục:
    Các tổ chức tôn giáo (chùa chiền, nhà thờ) không được phép dạy văn hóa. Các tổ chức xã hội (hướng đạo) không được phép sinh hoạt. Chính vì thế, giáo dục công dân đã biến mất sau năm 1975. Con người trở nên bất cần, và vô cảm đối với những tội ác đang hoành hành trong xã hội, những cô tiếp viên hàng không hách dịch và trịch thượng với hành khách, v.v...
     Tôi gặp rất nhiều trường hợp "giúp cho đồng bào bớt khổ hơn". Cứ mỗi lần tin lũ lụt, tin nghèo nàn, tin bệnh tật, tin buồn giáo dục, là lại có nhan nhản những cuộc gây quỹ để cứu đói, cứu bệnh, cứu nghèo, cứu dốt, v.v... Quả thật, con người nhân bản, ai thấy nguy mà không cứu.
 
2. Giúp cho đồng bào Việt Nam mau sướng hơn:
     Đây cũng là lý do chính tôi viết bài này. Sự giúp đỡ ngắn hạn chỉ làm cho người giúp cảm thấy an tâm phần nào lúc đó, và sau đó mọi chuyện lại như cũ. Đói rách, bệnh tật, nghèo nàn, năm này sang năm khác.
      Trải dài hơn 4,000 năm, lịch sử cho thấy dân tộc Việt Nam là một dân tộc cần cù, thông minh, và hiếu học cầu tiến. Đất nước Việt Nam cũng được thiên phú với tài nguyên thiên nhiên và rừng vàng biển bạc. Vào những năm 1970s, Việt Nam đã từng là nước xuất cảng gạo thứ hai trên thế giới sau Thái Lan. Năm 1974, mỏ dầu hỏa đầu tiên đã được tìm thấy ở Bạch Hổ, Vũng Tàu. Ngoài ra, tài nguyên về rừng, biển, và khoáng sản cũng có rất nhiều. Vấn đề đặt ra là nước giàu nhưng dân có giàu hay không?
      Sau 37 năm chấm dứt chiến tranh dưới sự cầm quyền của CSVN, ta hãy nghe tuổi trẻ trong nước tâm sự:
 Việt Nam ơi!
Thời gian quá nửa đời người,
Và ta đã tỏ tường rồi,
Ôi cuộc đời ngày sau tàn lửa khói.
 Mẹ Việt Nam đau,
Từng cơn xót dạ nhìn đời,
Người lầm than đói khổ nghèo nàn,
Kẻ quyền uy, giàu sang, dối gian.
       Chỉ vì những dòng chữ mộc mạc, chân tình, viết lên bài hát Việt Nam Tôi Đâu thật đơn sơ đi vào lòng người mà nhạc sĩ Việt Khang - Võ Minh Trí đã chịu cảnh lao tù mà đến nay vẫn biệt tăm biệt tích.
      Chiến tranh đã chấm dứt từ lâu, đã quá nửa đời người, đã bao lần cứu trợ, đã bao lần kiến nghị nhưng người dân có bớt đói khổ, bớt bệnh tật, bớt vô cảm không? Quan chức có bớt ngu dốt, hay bớt độc ác không? Đó là câu trả lời hùng hồn cho tất cả những cuộc gây quỹ từ thiện giúp đồng bào bớt khổ hơn.
      Chính nhà cầm quyền CSVN đã là kẻ phá hủy hạ tầng cơ sở của kinh tế miền Nam, quyết định sai lầm khi đặt nhà máy lọc dầu ở Dung Quất (không nghe lời đề nghị đặt nhà máy lọc dầu ở Vũng Tàu của các chuyên gia dầu khí và chuyên gia tài chánh), vận hành kinh tế theo kiểu Vinashin; tuân thủ luật pháp quốc tế theo kiểu Vietnam Airline. Quan trọng hơn hết là nhà cầm quyền CSVN đã tiêu diệt mầm sáng tạo, mầm sống của bao nhiêu trí thức (không theo CS) từ những năm 1930 đến nay.
     Ngày nay, trong khi cả dân tộc đang bị cầm tù trong tư tưởng, ruộng đất vườn tược của nông dân bị tước đoạt, công nhân bị bóc lột từng giờ từng phần ăn, ngoài biên cương thì quân thù lấn át, giết hại ngư dân thì thành phần tư bản đỏ lại xây khách sạn, khu giải trí, xài tiền tỷ trong những bữa ăn nhậu xa hoa, trác táng, gửi con đi học, mua nhà cửa, thương nghiệp ở nước ngoài, và bỏ hàng chục triệu đô-la vào các ngân hàng nước ngoài.
* * *
      Cách đây trên một thế kỷ, cụ Phan Chu Trinh đã đề xướng phong trào Duy Tân qua khẩu hiệu: "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh". Riêng về việc làm từ thiện, chỉ có cách chỉ cho đồng bào Việt Nam biết nguyên do của nghèo nàn, bệnh tật, và sự hủy diệt, họ sẽ tự tìm cách giải thoát cho chính mình.
     Có nhiều hội từ thiện đã và đang khai dân trí. Tổ chức CAMSA (Mỹ, Canada) đã bảo vệ nhân phẩm của con người, cứu thoát nhiều trường hợp nô lệ lao động, nô lệ tình dục. CAMSA cũng hướng dẫn người dân hiểu biết về luật lệ và quyền con người để tránh rơi vào bẫy buôn người. Tổ chức Senhoa (Mỹ) đã sáng tạo ra việc làm cho các chị em phụ nữ sau khi thoát ra khỏi những động mãi dâm tại Campuchia. Tổ chức Văn Khố Thuyền Nhân (Úc) đã gây quỹ nhằm lập mộ hay cải táng cho hàng ngàn thuyền nhân bỏ mình trên đường tìm lý tưởng tự do tại các quốc gia Đông Nam Á. Đây là vết thương dai dẳng và nhức nhối của dân tộc cần phải được xoa dịu và được đặt trong vị trí xứng đáng của nó.
    Xin được kết thúc bài viết bằng ý tưởng cao đẹp của Kỹ sư Lê Duy Loan, Senior Fellow của hãng Texas Instrument, về việc làm từ thiện: "Dạy cho các em không ngu dốt, không tham lam, và không độc ác". Đúng vậy! Chính vì không ngu dốt, các trẻ em Việt Nam - tương lai của dân tộc - sẽ có một cái nhìn tổng thể và khoa học về cách thức quản trị quốc gia. Chính vì không tham lam, các em sẽ biết đặt quyền lợi của tổ quốc và dân tộc lên trên hết. Và chính vì không độc ác, các em sẽ thương cảm khi thấy đồng loại bị kẻ ngoại bang ức hiếp. Từ đó, chúng ta có thể yên tâm đóng góp cho những chương trình từ thiện mà chúng ta thấy có kết quả không chỉ cải thiện cuộc sống hiện tại, xoa dịu nỗi đau của quá khứ, mà cho cả tương lai phú cường của dân tộc.
 Lê Minh Thịnh

Montréal, ngày 28-08-2012