TRANG THÔNG TIN


Hydroponics, bước ngoặc mới cho nông gia
Việt Nam nơi Darwin

Tác giả: V.T
Thể loại: Thông tin   

    Darwin, là thành phố miền cực bắc của Úc Châu, thuộc lảnh thổ North Territory. Vùng đất chịu ảnh hưởng khí hậu nhiệt đới với mùa hè nóng cháy da người, và mùa mưa khí hậu oi ả với những cơn mưa dầm tầm tả, tạo thành vùng đất có độ ẩm cao nhất Úc Châu. Mặc dù gần 80% diện tích của NT thuộc vùng nhiệt đới nhưng chỉ có 25% phần đất phía bắc, còn được gọi là Top End (Đỉnh Cuối), thật sự có những đặc tính của vùng khí hậu nhiệt đới. Đây là một vùng rừng hoang , sa mạc và các vùng rừng nhiệt đới riêng biệt. Ở mạn tây bắc, cao nguyên Arnhem Land dâng cao một cách đột ngột từ vùng bình nguyên và kéo dài đến Vịnh Carpentaria. Hầu hết 75% phần đất còn lại ở phía nam Lãnh Thổ Bắc Úc là sa mạc và đồng bằng khô cằn.
      Giống như những vùng đất ở miền cực bắc nước Úc ( vùng biên giới thuộc tiểu bang Tây Úc và Queensland), khí hậu của vùng Top End có hai mùa rỏ rệt : Mùa Khô và mùa Mưa. Nhiệt độ quanh năm cao nhất khoảng 30oC đến 34oC và thấp nhất khoảng 19°C đến 26°C. Thời gian thoải mái nhất để ghé thăm cả hai vùng trung tâm và Top End là khoảng tháng Sáu và tháng Bảy mặc dù vùng trung tâm khí hậu đã trở nên dễ chịu từ khoảng tháng Tư. Vùng Top End (gồm cả Darwin) có những điểm hay trong mùa Mưa - mọi thứ đều xanh tốt, có những cảnh sấm sét mỹ lệ và tương đối không có nhiều du khách. Tuy nhiên, sự kết hợp của nhiệt độ và độ ẩm cao có thể vượt quá sức chịu đựng của du khách và một số công viên quốc gia thời điểm nầy có thể đóng cửa một phần hoặc đóng hoàn toàn.
     Darwin là tên một thành phố đông dân nhất của Lãnh thổ phía Bắc của Úc ( North Territory ). Dân số thành phố này được thống kê vào thời điểm của tháng 6/2004 là 109.478 người. Thành phố tọa lạc bên bờ biển cực bắc của Úc. Khí hậu của thành phố mang đặc trưng nhiệt đới, có bão tố, mưa giông sấm sét và lốc xoáy. Darwin có cộng đồng thổ dân Úc lớn nhất trong các thành phố của nước Úc và một tỷ lệ đáng kể cư dân mới nhập cư từ Đông Nam Á. Do đó, thành phố được mệnh danh là thủ phủ đa văn hóa của nước Úc. Dân cư ở đây bao gồm: người Timor, người Việt Nam, người Philippines, người Papua, người Bắc Âu, người Hy Lạp, người Ý và những người gốc Anh, Ireland, Scotland, Wales. Darwin có hải cảng quan trọng, đặc biệt xuất khẩu gia súc sống, khoáng sản và khí ga. Đây cũng là nơi đặt tổng hành dinh căn cứ quân sự chánh của Úc và căn cứ hải quân rất quan trọng trong việc hỗ trợ cho tuần duyên bờ biển phía bắc nước Úc.
      Cộng Đồng Việt Nam sinh sống ở Darwin đa số là thành phần thuyền nhân VN tỵ nạn chính trị Cộng Sản sau 1975, kinh tế  nuôi sống cho gia đình chuyên về nông Nghiệp.  Nông gia VN nơi đây chuyên canh về những loại hoa màu gọi chung là Rau Quả Á Châu như: Rau muống, đậu đủa, đậu bắp, mướp, bầu, khổ qua.v.v…
      Đầu thập niên 1980, vùng đất mà người Việt Nam thường gọi ví von là: Darwin nắng ấm tình nồng,  chỉ có một thiểu số người Việt tỵ nạn đến đây định cư và làm nghề trồng trọt hoa màu Á Châu theo kiểu tiêu dùng cho gia đình. Vào ngày Chúa nhật hằng tuần, sản phẩm dư dùng được mang ra khu chợ trời Rabit Creek để bán kiếm tiền phụ thêm chi phí gia đình. Dần dà, nhu cầu rau quả Á Châu gia tăng, và do các tiểu bang khác ảnh hưởng thời tiết giá lạnh mùa đông, nên những thị trường rau quả ở các thành phố Melbourne, Sydney, bi khan hiếm… Đây là cơ hội cho những nông gia Việt Nam ở Darwin phát triển về lĩnh vực nông nghiệp.
     Giai đoạn đầu, những nông gia VN ở Darwin dấn thân vào nông nghiệp rất ít, vài hộ được biết đến như: Gia đình anh Đỗ Văn Giám, gia đình anh Hồ Viết Cầu, Gia đình anh Khôn, gia đình anh Mẩm..v..v..Chỉ một thời gian ngắn, họ đã thành công và tạo dựng sự nghiệp vững chắc nơi quê hương mới. Sự thành đạt của nhóm người đầu tiên nầy tạo tiếng vang trong cộng đồng VN ở Úc Châu, nên người Việt Nam ở  các tiểu bang khác chuyển về Darwin mỗi ngày đông đúc, tạo thành một cộng đồng nông gia VN trù phú như bây giờ.
      Do bản chất cần cù, chịu khó học hỏi, sáng tạo trong lao động…Nông gia VN ở Darwin nói riêng và ở Úc Châu nói chung, đã hoàn toàn kiểm soát sản lượng hoa màu cung cấp cho thị trường rau quả ở Úc và những vùng chuyên canh nổi tiếng thuộc cộng đồng VN chiếm lĩnh như: Vùng Chuyên canh hoa màu trong nhà kính ở Virginia tiểu bang Nam Úc, vùng trồng cây ăn trái nhiệt đới Darwin…
      Chúng ta đến Darwin, theo quốc lộ Sturt Highway đi về những vùng nông nghiệp phía bắc, dọc hai bên đường những vườn xoài rộng lớn chạy dài xa thẳm , đa số do người Việt Nam làm chủ. Đến mùa thu hoạch xoài, hằng ngàn công nhân các sắc dân nơi khác đến Darwin làm thuê như: Người Trung Quốc, Indonesian, Thái và một số lao động người VN đến từ các tiểu bang khác.
       Riêng về lãnh vực trồng hoa màu Á Châu, nông gia VN ở Darwin đã và đang gặp phải những khó khăn về sự cằn cổi của đất đai do hệ quả thâm canh  và vũ lượng nước mưa làm tràn ngập nông trại vào lúc cao điểm của mùa mưa.! Chính vì những khó khăn đã gặp phải trong giai đoạn tiến hành thời vụ, nông gia VN đi tìm cho mình một hướng canh tác mới để đáp ứng với yêu cầu thị trường rau quả gia tăng,  phương pháp canh tác mới đó là: Trồng hoa màu theo phương pháp Thủy Canh ( Hydroponics ).  Người Việt Nam đầu tiên ở Darwin áp dụng phương pháp thủy canh (Hydroponics ) là anh Đỗ Văn Giám.
        Anh Đỗ Văn Giám là người Việt tỵ nạn CS, định cư ở Úc vào cuối thập niên 1980, anh làm nghề trồng trọt rau quả Á Châu vào năm 2002. Năm sau, 2003 anh mua một nông trại 20 mẫu Anh và bắt đầu xây dựng  nhà lưới ( Shade houses ) trồng hoa màu để không bị ảnh hưởng của nắng cháy nám làm mất phẩm chất và gia tăng sản lượng. Thời gian 9 năm qua làm nghề trồng trọt, anh đã tạo dựng cho mình một sản nghiệp đáng kể gồm một nông trại và mua được nhiều căn nhà  cho thuê…
        Hệ thống thủy canh trong nông trại anh Đỗ Văn Giám do anh Thiệt Đinh xây cất theo kinh nghiệm kỹ thuật của nghề nghiệp và điều kiện tài chánh của người chủ.  Đây là hệ thống Hydroponics bán phần, nghĩa là hệ thống chỉ xử dụng phân nữa bộ phận tự động trong việc tưới tiêu và bón phân. Những khâu khác như: Pha trộn thành phần dinh dưỡng chính cho cây NPK, định lượng nước, cân bằng độ PH…đều dựa theo kinh nghiệm nghề nghiệp của anh Thiệt Đinh, một kinh nghiệm của anh có được trong quá trình lao động và học hỏi.
         Một dự án thực hiện theo lối nầy, kinh phí cho dự án được giảm gần phân nữa tính theo kinh phí chính thức . Lấy thí dụ điển hình cho một hệ thống thủy canh trồng 10,000 cây cà chua ( Tomatoes ). Nếu xây dựng đúng với tiêu chuẩn Thủy Canh toàn phần thì phải tốn $200,000, nhưng xây dựng theo cách  bán phần thì chi phí chỉ độ khoảng $100,000…Kinh phí nầy cũng tùy thuộc vào giá cả vật liệu và chất lượng thiết bị..
       Hệ thống Hydroponics trong nông trại anh Ba Giám là một điển hình mới của sáng tạo trong lao động sản xuất, một bản tính vốn có của người Việt Nam. Khi tôi được tiếp chuyện với người chủ nông trại, anh Ba Giám từ tốn kể:
- Hệ thống Thủy Canh nầy là do người bạn của tôi xây dựng và truyền đạt kinh nghiệm cho đứa con trai tôi Đỗ Minh Chiến điều hành kỷ thuật. Tôi lớn tuổi rồi, không biết gì về computer, tôi chỉ phụ giúp hái trái và đóng bao bì gởi đi đến các đại lý thu mua…...
- Anh cảm nghĩ thế nào về việc trồng hoa màu theo phương pháp Thủy Canh.?
        Anh Ba Giám  gọi đứa con trai Minh Chiến trả lời câu hỏi của tôi:
- So sánh với hoa màu trồng dưới đất, ở thời điểm nầy năm rồi, trồng theo phương pháp Thủy Canh có những lợi điểm hơn như: Hoa màu không bị chết vì ngập nước, ít bị nhiểm những chứng bệnh do nấm gây ra, ít bị côn trùng phá hoại nhất là loài sâu đất…
- Về năng suất, so sánh với cách trồng thông thường thì sao?
       Cháu Minh Chiến vui vẻ trả lời::
- Trồng theo phương pháp Hydroponics đương nhiên cho năng suất cao hơn  trồng theo phương pháp thông thường …
        Dừng giây phút, cháu Minh Chiến phân tích theo kinh nghiệm của một người nông dân lâu năm trong nghề nghiệp:
- Darwin là vùng đất chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới, vì vậy khi đến mùa mưa những nông trại thường hay bị nước mưa làm tràn ngập, có vài nơi mực nước mưa dâng cao đến đầu gối, nước đọng cả tuần lễ mới rút hết! Vì vậy mà hoa màu không thể trồng được ở Darwin vào mùa mưa.
- Như vậy, vào mùa mưa thì những đại lý thu mua hoa màu ở Darwin phải nhận hoa màu từ tiểu bang khác gởi đến?
-  Chỉ phần nào những loại rau quả nhạy cảm với nước nhiều! Những thứ khác như Bầu, Đậu Bắp, Đậu Đủa, Khổ Qua….thì nông dân Việt Nam vẫn trồng với số lượng ít để cân bằng lợi tức thu nhập..
       Nghe cháu Minh Chiến trình bày những kinh nghiệm và điều kiện khí hậu ở Darwin, tôi hỏi:
- Gia đình cháu xây dựng hệ thống Thủy Canh đầu tiên ở Darwin, xem như làm thí điểm, cháu có cảm nghĩ gì khi đầu tư một số vốn khá lớn cho công việc mà cháu chưa hề biết qua.?
     Cháu Minh Chiến không do dự, trả lời nhanh:
- Không ai biết từ trong bụng mẹ biết ra! Làm việc gì cũng phải học hỏi và kiên nhẩn…Phương pháp Thủy Canh ở những nơi khác như vùng Virginia Nam Úc, người Việt Mam mình làm được thì cháu không ngại ngùng áp dụng cho nông trại của cháu.
- Còn nhỏ tuổi mà làm ăn bản lĩnh quá ha!
- Cháu noi theo gương của Bác Thiệt đó!
      Mùa vụ đầu tiên trồng theo phương pháp Thủy Canh nơi nông trại cháu Minh Chiến rất thành công và đạt chất lượng cũng như giá cả thị trường. Tôi nhìn những hàng Cà Tím ( Egg plant ), những hàng Cà Chua ( Tomatoes ), Ớt Dalat ( Capsicum )  Dưa leo Mini ( Lebanese cucumber )….khoe mình nở hoa vàng óng dưới ánh nắng  ban trưa trông  như rừng hoa mai chào đón mùa xuân về.
      Tôi lấy vội chiếc máy ảnh chụp vài tấm hình làm phóng sự.  Thóang hiện những kỷ niệm len lén về trong tôi, với muôn ngàn hình ảnh và suy tư lẫn lộn, một thứ kỷ niệm vui và buồn giao thoa thành một!!!!Trước mắt tôi, những khu nhà lưới trồng hoa màu theo phương pháp Thủy Canh cũng là thành quả của tôi trong những tháng ngày miệt mài làm việc vất vả trên vùng đất xa lạ. Bây giờ, trong lòng tôi mới thật sự thấu hiểu và chia sẻ với người nông dân Việt Nam nơi Darwin trong ý nghĩa câu nói ví von và chan chứa tình người:
** Darwin nắng ấm tình nồng.
Đến đây tình cảm chập chùng nhớ thương !
    Và trong tôi vẫn còn cái gì mất mát ở đâu đây!?

Darwin, một ngày cuối năm 28/12/2011
Phóng Viên V.T, DĐ/NGVN/NU