Nguyệt San Số 8


Mùa Cá Linh
Tác giả: Hoàng Đức
Thể loại: Tùy bút   

LTS: "Chống Mỹ cứu nước" là cụm từ mà CSVN đưa ra để dối gạt tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam! Những người thuộc giai cấp tiên phong của chế độ Cộng Sản: Nông dân, công nhân...đã một thời xông pha chiến trường đánh Mỹ Ngụy để mong mang lại Độc lập-Tự do-Hạnh phúc cho người dân Việt. Nhưng buồn thay! Khi đất nước gọi là hòa bình, Mỹ đã cút, Ngụy đã nhào, mà sao đời sống những người chiến sĩ kháng chiến chống Mỹ vẫn long đong khổ cực, làm lụn vất vả mà không đủ ăn! Mãi đến lúc cuối đời, chỉ còn lại một giấy Quân chương kháng chiến hạng nhất, đặt trên chiếc áo quan, như một thứ hành trang lên đường trong niềm hối hận! Đây là câu chuyện có thật do người con viết lại, nhằm an ủi vong linh người cha nơi chín suối. Xin mời độc giả xem qua để chia sẻ hoàn cảnh bi thương của những người chiến binh CSVN...

 

"Tháng Mười, mùa nước nổi
Bàn thờ lạnh khói nhang!
Cha ơi! Xin thấu hiểu
Con...quá đỗi cơ hàn!"
      Mỗi lần nhìn con nước sông cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về, dâng đầy trên các con kinh, ngọn rạch là lòng tôi lại bồi hồi nhớ lại mùa cá linh năm ấy...
      Mùa cá linh thường bắt đầu từ tháng 5 âm lịch theo con nước lũ từ thượng nguồn, nhưng có lẽ chỉ rộ lên nhiều nhất là vào khoảng trung tuần tháng 8 âm lịch. Lúc này những con cá linh đã to cỡ ngón tay cái, và nhỏ nhất cũng lớn hơn đầu đũa ăn cơm.
      Còn nhớ, năm 1992 khi gia đình tôi lâm vào cảnh thắt ngặt do nợ nần vì vỡ hụi và buôn bán ế ẩm, tôi đành "muối mặt" đùm túm vợ con về "ăn chực" tại nhà của ba, má tôi. Một là chúng tôi gửi con cho ông, bà chăm sóc giúp, hai là chúng tôi có thời gian để vừa chạy nợ, vừa buôn bán kiếm miếng ăn đắp đổi qua ngày. Ba má tôi nghèo, làm nghề bán vé số dạo, được cái ba má tôi rất thương con tôi, vì nó là đứa cháu nội đầu tiên trong cuộc đời làm "ông, bà". Còn nhớ, ngày hôm đó, má tôi đi chợ mua về một mớ cá linh, bà đem nấu canh chua với bông so đũa một mớ, mớ còn lại bà dùng để chiên giòn, giầm nước mắm gừng cho ba tôi ăn, vì ông rất thích món cá linh chiên! Tội nghiệp cho ba, má tôi cảnh nghèo đeo đẳng không chịu buông nên món ăn mà thiên hạ cho là tầm thường nhất, đối với ba, má tôi lại là những thứ "cao lương, mỹ vị". Hôm đó, tôi và vợ tôi đi bán về đến nhà ba má tôi, mặt mày buồn so vì bán ế lại phải è cổ ra đóng tiền "góp bạc 12" (trả lãi 12%)! Tôi buồn vì cảnh nghèo của hai gia đình đến nỗi không muốn ăn cơm, xuống bếp thấy ba tôi đang chiên cá, ông bảo tôi rửa mặt rồi đi ăn cơm, tôi nhìn thấy ba tôi bốc một con cá vừa chiên xong, bỏ vào miệng nhai ngon lành mà muốn sa nước mắt. Cả cuộc đời làm con, tôi chưa bao giờ lo cho ba, má tôi được đầy đủ, cả quãng đời thanh niên trai trẻ, tôi cứ như một con ngựa bất kham suốt ngày lao vào công tác, ba má tôi chỉ thấy mặt tôi mỗi khi tôi... vào bệnh viện vì kiệt sức hay vì bệnh gì đó! Má tôi còn mắng yêu tôi "chỉ khi nào mầy bệnh mới thấy cái mặt mày thôi!" Không tròn chữ hiếu nay lại về "báo cô"! Trong bữa ăn, tôi thoái thác do mệt nên không muốn ăn cơm, ba tôi lại ngỡ tôi giận thằng em út nên không ăn, ông để dành cho tôi một dĩa cá linh chiên đầy nhóc trong tủ đồ ăn, dặn má tôi nếu ngày mai tôi có về nhà thì lấy ra cho tôi ăn.
      Sáng sớm hôm sau, tôi bàng hoàng khi nghe tin ba tôi bị xe đụng! Cũng đồng thời là xe đạp do người kia đi mua cá linh về bán, (cũng lại là cá linh!) sợ cá ươn nên chạy hết tốc lực, đụng vào ba tôi đang chạy sát lề đường. Tôi chạy ào vô bệnh viện thì ba tôi đã hôn mê sâu, tay chân bắt đầu co giật và khi được chuyển lên Chợ Rẫy thì ba tôi trút hơi thở cuối cùng khi xe mới vừa tới địa giới tỉnh Long An! Đám tang của ba tôi cũng khá đầy đủ, có cả nhạc lễ vì lối xóm thương ba má tôi nên kẻ ít, người nhiều xúm nhau lo cho tang lễ của ba tôi. Treo trên đầu quan tài là tấm Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, mà ba tôi vừa nhận được trước đó gần một tháng! Cả cuộc đời ba tôi chỉ có tấm huy chương nầy là thứ quý giá nhất trên đời, nay ba mất đi, má tôi đem tấm huy chương treo trên đầu áo quan, âu cũng là phần an ủi vong linh của ba tôi, mong ông ngậm cười nơi chín suối! Trong đám tang, má tôi bưng ra một dĩa cá linh chiên đã nguội ngắt và nói với tôi trong nước mắt: "Dĩa cá này là ba con để dành lại, dù thèm nhưng ông cũng không dám ăn mà chừa lại cho con". Tôi bưng dĩa cá linh mà nước mắt chảy tràn. Ba ơi! cuộc đời ba tôi có ngày nào gọi là sung sướng đâu? Cha, mẹ không có, anh chị em cũng không, chỉ sống và vui với vợ, con trong quãng đời nghèo cực. Chính ba tôi đã dạy cho tôi từng đường quyền, ngọn cước đầu đời, tập cho tôi cái nghị lực chịu đựng mọi thứ nghịch cảnh trong cuộc sống bằng chữ "Nhẫn" của cái "Tâm" và bằng chính cái sức chịu đựng của mình!
      Từ đó, hàng năm đến ngày giỗ ba tôi, cũng vào tháng Mười âm lịch, khi phù sa nồng nàn chảy trên những dòng sông quê hương, mang theo những con cá linh béo ngậy. Tôi đều dâng cúng một tô canh chua cá linh nấu với bông so đũa, một dĩa cá linh chiên giòn, vậy thôi! Và cứ mỗi mùa cá linh là mỗi lần lòng tôi đau đáu nhớ về ba tôi. Một người cha suốt đời chịu đựng mọi khổ cực, chỉ để cho các con mình sung sướng, nên người. Tôi mong, ở cõi vĩnh hằng nào đó, ba tôi sẽ vui với cuộc sống không lo toan, tính toán. Và cứ đến ngày giỗ, lại về mà hưởng món cá linh béo ngậy của con nước tháng Mười đỏ quạch phù sa.

Hoàng Đức