Nguyệt San Số7


Mùa Thu Sài Gòn
Tác giả:V.T
Thể loại: Truyện ngắn   

      Chiều tà. Vòm trời xanh ngắt đến chói chang trong nắng trưa cháy bỏng, chuyển sang hiền hòa êm dịu với những cụm mây bông nõn nà. Chiếc xe như tự nó chạy qua những con đường dài tít tắp, chở theo tôi lang thang, ngẩn ngơ hỏi lòng điều gì đã xảy ra trong quán nước, nơi bức tường vôi vàng nhạt đắp nổi hình ảnh các vũ nữ Chùa Tháp dịu dàng tới điệu múa Áp sa ra. Lần đầu tiên trong đời đến bệnh viện không có ai kèm, tôi cảm thấy vô cùng hoang mang và sợ hãi . Hàng trăm bệnh nhân đi vào với một bên mắt sưng tấy và ra đi với một mảnh băng trắng toát kỳ dị, để nhìn đời với một con mắt còn lại . Tôi vốn không cận thị hay mắt hột gì cả, chỉ mỗi tội khi năm học mới bắt đầu, cặp mắt có lẽ bị dị ứng phấn hoa gì đó, cứ đau nhức rất khó chịu, sách vở không xem lâu được. Lại nữa, xứ này xe cộ đông nghẹt, khói bụi như sương, tôi càng thêm khốn khổ. Đã trốn về thị xã, ông bác sĩ lại giới thiệu đến khám nơi đây, còn cho biết thêm có nguy cơ phải mổ, tôi thành ra chạy trời không khỏi nắng, đành thúc thủ mà vào bệnh viện Saint Paul.
        Người đông như kiến, chật vật lắm tôi mới lấy được giấy khám bệnh. Phòng 3B, chứ không phải 5C mà tôi mong đợi . Vừa bước vào đến nửa phòng, một cô y tá mập mạp đã quát tôi một chập vì tội đứng chắn tầm nhìn của một bác sĩ đang kiểm tra thị lực một bệnh nhân lớn tuổi nào đấy . Tôi lí nhí gì đó chính tôi cũng không hiểu, và cấp tốc rời khỏi điểm nóng. Cố làm ra vẻ thong dong nhàn hạ, tôi đi suốt cả dãy phòng khám bệnh đo kính mắt và tiểu phẫu đâu chừng chục bận, hy vọng trông thấy vị bác sĩ đáng kính mà tôi được giới thiệu . Nhưng hoài công ...
       Thế là tôi tiến đến bàn giấy của anh. Anh kiên nhẫn lắng nghe tôi trình bày, sau mấy lượt mời ngồi nhưng tôi cương quyết từ chối . Lòng chỉ mong mau mau rời khỏi chốn này, tôi tự nhủ nếu bị rầy ra sẽ rút lui thật lẹ. Ngồi xuống phỏng có ích gì bởi đứng lên tôi sẽ lập cập làm đổ ghế, rồi thì có trời mới biết tiếp theo tôi có té nhào xuống bậc thềm cao hay không. Bạn bè vẫn chế tôi suốt vì tội nhát gan chỗ đông người lạ, thật chẳng giống tôi chút nào khi hiên ngang lên bục giảng, giải thích cho đám học trò một cách hùng hồn như thế nào là một "relative clause" hoặc "Past Subjunctive" có gì khác biệt với "Past Simple".
       Anh nghe, và nhìn tôi với vẻ thú vị, sau đó, cho biết "bác sĩ của tôi" đã theo đoàn y tế về khám chữa bệnh lưu động ở Củ Chi, thứ hai tuần sau sẽ trở lại nơi đây làm việc bình thường. Anh khuyên tôi đừng sợ hãi thái quá như thế, đấy chẳng qua bởi vì tôi có ác cảm với bệnh viện nói chung. Tôi vội vã gật đầu, thở phào nhẹ nhõm và rối rít cảm ơn để ra về. Hì hục lôi chiếc xe đạp ra khỏi "chiến trường xe" cứ chực ngoắc vào tăm xe tôi để níu kéo, thấy anh đã đứng sau lưng tự lúc nào . Anh ân cần hỏi thăm việc học của tôi, dặn nên chú ý giờ giấc, đọc sách vừa phải thôi tránh tổn hại mắt, có gì không ổn hãy trở lại tìm anh. Tôi dạ, ngẩn ngơ không tin nổi là ở chốn xa lạ với lối sống âu hóa đến lạnh lùng này, lại có một người tốt bụng, niềm nở và chu đáo đến thế với tôi, vốn là một cư dân "rừng xanh" lần đầu xuống núi cái gì cũng phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần.
       Tóm lại là nhờ có anh, bệnh viện đã mất đi vẻ ảm đạm chết chóc và cồng kềnh cơ chế hằng ám ảnh tâm trí tôi . Hân hoan vì phát hiện ra rằng "lương y như từ mẫu" đã có chân dung cụ thể sống động, tôi trân trọng mời anh và vị bác sĩ nọ đến dự sinh nhật đầu tiên xa nhà về thành phố, tiếp tục theo đời bút nghiên sau mấy năm gõ đầu trẻ. Tôi hồi hộp tưởng đến lúc giới thiệu anh với mọi người, thế nhưng buồn thay trước đó một ngày, anh đột ngột xuất hiện sau ba tiếng đồng hồ loanh quanh nhất định tìm cho ra cái địa chỉ nhà trọ mà tôi đãng trí quên ghi tên đường. Tôi bị bất ngờ, bởi trong thiệp mời tôi chỉ ghi tên quán cafe nơi tổ chức buổi họp mặt nho nhỏ ấy, anh đọc xong bèn đề nghị cho địa chỉ nhà thêm vào . Anh nói sợ tôi giận nên đích thân đến xin lỗi vì hôm đó lại có đám cưới người em họ ở Biên Hòa, rằng anh rất vui được có tên trong danh sách khách mời của tôi mà đành bỏ lỡ cơ hội, mong tôi không buồn. Làm sao tôi có thể không buồn khi chính anh là người tôi mong đợi nhất trong ngày hôm đó ... Quà tặng của anh, cái đồng hồ - quyển sách xinh xinh cũng chẳng làm tôi vui lên được chút nào .
       Tôi thấy mình lẩn thẩn quá chừng khi chợt nhận ra mình cứ hay nhớ đến dáng điệu hiền từ của anh, lối nói chuyện nhẹ nhàng, từ tốn, khi tôi nói "không" chỉ cười, chẳng có vẻ gì bực bội cái kiểu cứng đầu trẻ nít. Giống hệt anh Ba của tôi ở nhà. Hoàn toàn khác mấy cậu bạn thân của tôi . Họ yêu mến tôi, rất chiều tôi, nhưng nếu bị tôi trêu, là hờn dỗi cứ như em bé, chờ tôi dỗ dành. Thế nên khi các cậu tỏ tình, tôi mắc nhiên xem đấy là chuyện đùa, không mảy may bận lòng.
       Còn anh? Anh lớn hơn tôi, chắc chắn thế. Anh bận rộn suốt ngày, thỉnh thoảng tôi có việc đến bệnh viện, có gặp anh, anh lại bảo là nhớ tôi nhiều lắm, nhớ lắm, tôi dọn nhà đi đâu, anh đến nhà cũ mấy lần không gặp, người ta bảo không biết tôi ở đâu . Tôi dạ, lòng thấy buồn buồn, chắc anh cũng thích đùa giỡn giống tôi rồi . Thế nhưng đôi mắt anh với cái nhìn của thỏ con cứ ám ảnh tôi ngày này sang ngày khác.
       Giáng sinh. Tôi lơ ngơ trên phố một mình, tự giận mình sao cứ nghĩ đến anh hoài . Nhà trọ vắng tanh. Bà chủ trọ lẳng lặng mở cổng cho tôi vào mỗi chiều, nhìn tôi trách móc. Tôi thở dài, lặng lẽ về phòng. Chẳng lẽ tặng anh một cái thiệp với lời chúc công thức sáo rỗng? Tôi quyết định viết một bài thơ . Anh quan tâm đến tôi trên mức bệnh nhân cơ mà, tại sao tôi không thể xem anh như một người bạn thân thuộc lớp đàn anh ?
       Tôi cẩn thận ép trên bài thơ một tờ giấy palure . Thư đi rồi, tôi đi tới đi lui, phát sốt rét lên vì sợ. Sợ mấy vần thơ chợt hiện trong đầu sẽ làm anh cười, sợ lối diễn đạt mơ hồ làm anh hiểu khác ý tôi muốn nói, biết đâu cả bạn bè của anh "tham khảo" nữa thì chỉ có chết ...
       Đến nỗi, khi mắt tôi trở lại đau nhức, tôi đi mua đại thuốc nhỏ cầm chừng, nhất định nằm lỳ ở nhà, không dám đến nơi anh làm việc.
       Nỗi lo đeo đẳng tôi hàng tháng trời . Tôi cố vắt óc nghĩ ra một lý do gì đó để thu hồi tấm thiệp. Bao nhiêu lần đạp xe ngang qua đó, tôi đều nghe tim đập thình thình, thế là bỏ cuộc ...
       Cho đến hôm nay . Đã rất lâu rồi, mặt trời mọc và lặng hàng trăm bận, trăng khuyết trăng đầy bao lần đã qua - có lẽ anh không còn nhớ bài thơ vớ vẩn ấy nữa đâu . Nỗi hồi hộp trong tôi cũng dần vơi . Thời cơ "châu về Hợp Phố" đã đến.
       Sắm cho mình một vẻ phớt đời nhất mà tôi có thể có, tôi đường hoàng tiến vào cổng. Một chàng thiếu niên vụt hiện sau khúc quanh, một mắt băng kín mít. Chiếc áo đạo mạo rơi xuống, tôi phá lên cười khiến chàng ta chớp mắt, rất đỗi ngỡ ngàng. Vội vàng lẩm bẩm mấy lời xin lỗi, tôi băng nhanh qua mấy hàng ghế đá leo lên thềm. Mấy bệnh nhân đang xúm xít bên anh. Tôi khoái chí: Có thêm vài phút thư giãn tìm cách nhập đề.
       Khi quay lại, anh đang nhìn tôi ngơ ngác. Tôi tỉnh bơ chào anh rồi lại ghế ngồi . Anh hỏi thăm sức khỏe gia đình tôi, việc học của tôi, gật đầu đồng ý theo tôi "ra ngoài uống một thứ gì", bảo tôi đợi để anh sắp xếp giấy tờ.
       Quán Chăm Pa . Cô phục vụ cười cười khi thấy tôi không ngồi cùng bàn với anh. Âm nhạc rộn ràng, hình ảnh các ca sĩ, vũ công chập chờn trên màn hình bởi tôi còn bận tâm với bài thơ con cóc của tôi . Tôi đề nghị anh hứa sẽ không giận tôi nếu tôi có một yêu cầu nho nhỏ. Anh hứa, rồi hỏi tôi sao lâu quá không thấy đâu, và đột nhiên nhắc đến bài thơ nọ . Anh bảo anh đọc kỹ từ đầu đến đuôi, đọc nhiều lần, và không hiểu gì cả vì anh vốn dở văn chương lắm. Tôi mừng quýnh kêu lên thế thì hay quá, và đòi anh trả lại cho tôi bởi chính tôi cũng không hiểu gì cả . Anh hết sức ngạc nhiên, rõ ràng là nét chữ tôi ghi ngoài bì thư gửi đúng tên anh cơ mà, anh chẳng việc gì và cũng chẳng bao giờ nghĩ đến việc hoàn trả lại tôi . Anh nói thêm là anh đã cất rất kỹ, không hề cho một ai xem. Tim tôi chợt thắt lại, song tôi cố gắng thuyết phục anh. Anh lắc đầu, và bỗng đoán ra điều tôi định nói . Anh giải thích rằng gửi thiệp mừng là chuyện bình thường thôi, "ông bạn" nào đó của tôi có thể an tâm rằng anh xem tôi như bạn, có sao đâu mà ngại . Anh một mực khuyên tôi giải hòa với "ông bạn" ấy, cho đến khi tôi phát cáu lên, bèn nhắc lại thật rõ ràng cho anh biết là "ông bạn" ấy không dính líu gì vào quyết định của tôi, anh lại càng không, chỉ có tôi là kẻ lầm lẫn tai hại duy nhất.
       Anh cười, còn tôi chợt thấy mình là kẻ ngu ngốc nếu cứ khăng khăng đòi lại . Tính hiếu thắng xui tôi lẩm bẩm rằng chưa từng có ai trên đời này chi phối được tình cảm của tôi cả. Anh hỏi đi hỏi lại có chắc không, tôi nói hoàn toàn chắc và thế là anh bảo vẫn mong tôi là bạn trên mức bạn thân, chứ không chỉ là bệnh nhân như tôi tưởng. Anh còn nói anh quan tâm đến tôi từ lúc tôi còn đứng ngơ ngác giữa sân bệnh viện. Tôi liền hỏi anh bộ khi đó tôi thảm hại lắm hay sao . Anh nói không, chỉ thấy tôi thật bé nhỏ và bơ vơ nên anh thương quá, vẻ mặt rất nghiêm túc. Anh tiếp tục rằng anh đã rất muốn biết tôi có thân nhiều nhiều với ai chưa mà không dám hỏi, rằng bây giờ tôi có sẵn lòng kết thân với anh không. Tôi hết hồn, tuyệt nhiên không nghĩ rằng chú thỏ của tôi sẽ nói như thế với tôi ngay trong giờ phút này . Bàn tay anh ấm áp cầm lấy bàn tay tôi lạnh ngắt, tôi rút về nhưng anh nhất định không buông. Anh cúi xuống, môi anh trên tóc tôi . Tôi sợ hãi nhắm mắt lại, không biết phải làm gì. Và tôi quay đầu đi, nép vào vai anh, cố tránh đôi môi anh.
       Thế đấy, nụ hôn đầu đời của tôi . Thậm chí tôi không hình dung rõ ràng điều đó đã xảy ra như thế nào .
       Rồi anh xin tôi thứ lỗi cho anh đã không tự chủ, rằng anh yêu tôi, và sẽ không làm như thế nữa nếu tôi không cho phép. Tôi lắc đầu bảo tôi không giận anh, hoàn toàn không giận. Nhưng tôi không nói cho anh hay rằng tôi chợt thấy buồn ghê lắm. Tôi nhắm mắt lại, thấy một cái gì đó sâu thẳm tâm hồn đã vĩnh viễn bay đi, và tôi chẳng còn là tôi nữa, bình thản vô tư lự một thời .
       Anh chăm chú nhìn vẻ mặt thẫn thờ của tôi, nhận xét rằng mắt tôi sao buồn quá, hay là có chuyện gì, kể cho anh nghe với .
       Tôi bảo anh về trước, để lại tôi một mình nơi đây, anh không chịu . Anh nài nỉ tôi cùng về, đừng bỏ buổi học chiều như thế. Tôi cười . Anh không biết tôi nói đùa mà thôi . Nếu chiều nay có buổi học, tôi sẽ không đến đâu . Cả hai đều mất thời gian, tôi đã đoán biết thế nên mới chọn hôm nay . Thế mà, mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên ...
      Tôi không thể dối lòng rằng tôi chưa yêu anh. Chỉ có điều tôi thấy hơi bất ngờ. Tôi không là hai mươi tuổi mộng mơ, tôi đã đi dạy học mấy năm, song cuộc sống với tôi vẫn còn bao nhiêu bí ẩn, mà tình yêu là một. Thành phố và anh, tôi rất yêu, dẫu thế tâm hồn tôi, mộc mạc như cỏ lá, quen thuộc với bình yên phố núi, lau lách xạc xào trắng xóa bông mùa nắng, sương mù tầng tầng lớp lớp mùa mưa, cảm nhận nơi đây điều gì xa lạ, khiến cho lòng lưỡng lự, phân vân ... Những tàng cây lá có nghiêng đầu che chở chúng tôi như đã từng tỏa bóng cho bao người ? Mái phố thân quen của bầy chim sẻ ríu rít rồi đây có trở nên gần gũi với người ly hương ? Sẽ ra sao những ngày nắng ngày mưa sắp tới ? ...
       Đại lộ tấp nập dòng người xe miệt mài hối hả đi về. Cầu Sài Gòn lộng gió. Mặt sông lấp loáng ánh sáng của ngày tàn. Tôi ngước mắt. Những vì sao mọc sớm lung linh, hay là những cái nháy mắt tinh quái của thời gian ... Quà mùa thu của thành phố phương Nam. Mùa thu trước tôi ngỡ ngàng bước chim di trên những nẻo phố dài như vô tận, và mùa thu nay, trái tim tôi xao động lời tình tự của thuở ban đầu .