Nguyệt San Số 40


Hoàng hôn ngoài song cửa
Tác giả: Dương Đại Trường
Thể loại:Bút Ký

 Lời tác giả: Bài viết nầy dành riêng cho đặc san GƯƠM THIÊNG và tặng anh Nguyễn Văn Tây, cựu chủ tịch hội CQNQLVNCH/ Nam Úc, người giữ vững lập trường Quốc Gia và tâm niệm Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm
Bút ký
Dương Đại Trường

       Vẫn như lệ thường, sau khi rước bà xã đi làm về, ăn cơm chiều xong, Tây đến phòng khách mở máy computer kiểm thư. Và cứ mỗi lần như thế , trong lòng Tây dâng lên niềm vui nho nhỏ khi đọc những lá thư của các bạn “Net” khắp nơi trên thế giới gởi đến. Có thư nói về sinh hoạt cộng đồng Người Việt Tự Do ở hải ngoại, có thư nói về những buồn vui đời sống nơi xứ lạ quê người và có những thư nhắc nhở về kỷ niệm của thời quân ngũ!.. Khi đọc qua các thư xong, Tây ngồi nhìn ra bên ngoài, lặng lẽ nghĩ suy, ngắm hoàng hôn nhẹ rơi bên song cửa mà thầm đếm bước thời gian trôi qua trong cuộc đời mình!
       Nhớ lại! Mới đây mà Tây đã rời quê hương hơn 33 năm, bâng khuâng đôi gót phong trần nơi vùng trời Nam Úc. Cái ngày mà tuổi đời vừa bước vào cung bậc thời gian của một kiếp người như Khổng Tử đã nói: Tam thập nhi lập! Cái tuổi ba mươi của Tây bắt đầu một cuộc hành trình mới xây dựng sự nghiệp nơi xứ người! Ở cái tuổi ba mươi nầy, làm trai thời đất nước ly loạn, nếu như chiến tranh chưa tàn thì có thể Tây đã ra người thiên cổ, đã ngã xuống cho cuộc chiến bảo vệ Miền Nam Việt Nam tự do và dân chủ...Và cứ mỗi lần nghĩ suy như thế, Tây thoáng hiện trong lòng mình những kỷ niệm êm đềm trở về trong tâm trí. Kỷ niệm vui và buồn pha trộn lẫn nhau để trở thành nhựa sống cho một kiếp người!
      Tây đang miên man suy nghĩ, bổng có tiếng sủa mừng khách của con chó nhỏ Lu-Lu. Tây đoán biết người khách đến nhà không ai ngoài người bạn thân tên Trường, người bạn đã cùng với Tây bên nhau sinh hoạt trong thời gian còn làm việc thiện nguyện cho cộng đồng. Tây khệ nệ cái bụng phệ, chậm chạp đến mở cửa và căn cứ theo thời điểm khi Trường ghé nhà, nói một câu hỏi thăm thay lời chào:
- Hôm nay đi làm sớm hả!
    Hoặc là:
- Hôm nay đi làm về trể vậy!...
       Rồi Trường bước vào nhà, như thói quen của mỗi lần, đến bàn thờ các vị Tướng và Tá đặt nơi phòng khách, chắp tay làm cử chỉ vái chào các di ảnh những vị anh hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã tuẩn tiết trong biến cố 30/4/1975 . Hầu như hằng tuần, những ngày có đi làm, Trường đều ghé qua nhà Tây. Ghé buổi sáng thì uống cafê chuyện trò, trao đổi với nhau vài mẩu tin vắn tối qua đọc được trên Net, ghé vào buổi chiều thì hai người bạn nhâm nhi vài ly Remy Martin cho ấm lòng để tạo nguồn tâm sự. Có những hôm hai người ngồi uống rượu cho tới gần say và trời khuya Trường mới chịu đi về nhà.
       Hồi mới quen biết nhau, khi trà dư tửu hậu, Tây hay kể cho Trường nghe kỷ niệm khó quên nhất về những ngày còn trong quân ngũ. Đó là những năm tháng phục vụ trong Giang Đoàn 73 Thủy Bộ, thuộc Lực Lượng Thủy Bộ 211/2 căn cứ hải quân Bình Thủy nơi vùng trời Tây Đô. Có những buổi tối, kỷ niệm thời chinh chiến trở về trong khoảnh khắc ngà say, Tây kể:
- Cuộc chiến tuy đã chìm trong quá khứ gần ba mươi tám năm rồi, nhưng những địa danh một thời xông pha chiến trận như: Năm Căn, Cái Nước, Cả Keo, Đất Mũi, Cà Mau, sông Ông Đốc, Thới Bình.... Tất cả vẫn còn đó dư âm và hình ảnh ghi khắc trong lòng với tháng ngày chinh chiến. Những bạn bè đã gục ngã cho quê hương trên vùng U Minh Hạ: Có đứa chưa một lần được nói tiếng yêu, có đứa bỏ lại vợ hiền sau một đêm tân hôn rồi vội vả trở lại chiến trường ngủ vùi mãi mãi trong lòng đất mẹ, có thằng vừa rời quân trường chưa bạc màu áo trận!...
      Mỗi lần nghe Tây kể chuyện ngày xưa trong quân ngũ, Trường hay xen vào khơi về  kỷ niệm:
- Anh đã phục vụ qua những đơn vị nào trong Hải Quân?
      Tây như thuộc lòng những đơn vị mà mình đã phục vụ qua khi còn trong quân ngũ, rồi kể lại từng chi tiết:
- Phân Đoàn 11 Duyên Tốc Đỉnh Hoa Kỳ ở An Thới, Phú Quốc từ 1969-1970. Phân Đoàn 14 Duyên Tốc Đỉnh Hoa Kỳ ở Cam Ranh từ 1970-1971. Phân Đội 22, Hải Đội 2 Duyên Phòng Cam Ranh 1971-1973. Giang Đoàn 73, Thủy Bộ 211/2 căn cứ Bình Thủy, đặc trách vùng U Minh Thượng và U Minh Hạ. HQ 802 Cơ Xưởng Hạm Vĩnh Long từ 1973-1975...
- Sao anh còn nhớ rỏ từng đơn vị?
- Bởi vì đời lính có tâm niệm lấy đơn vị làm nhà, nếu là nhà của mình thì làm sao quên được! Bây giờ dù căn nhà đã không còn nữa, nhưng ký ức không bao giờ phai mờ hình ảnh của những cây cau trước sân, những con lạch nhỏ sau hè có đàn vịt bơi lội tìm mồi...
       Nghe Tây kể về những kỷ niệm khi còn ở quê nhà, biểu hiện chút lòng trung cho tổ quốc của người chiến sĩ, Trường xen vào hỏi:
- Nghe bạn bè khen ngợi anh: “Anh giữ vững lập trường Quốc Gia, không về Việt Nam”
- Đúng! Tôi có tâm nguyện trong lòng: “ Không về Việt Nam khi còn chế độ độc tài Đảng trị của Cộng Sản Việt Nam ”..
- Anh có tinh thần chống cộng cao quá!
      Tây mĩm cười và nói:
- Tôi chỉ mong giữ vững và vẹn toàn “Tinh thần Quốc Gia” mà thôi! Vì tôi là người lính Việt Nam Cộng Hòa, một thời chiến đấu với cộng sản để bảo vệ chính thể Việt Nam Cộng Hòa, không lẽ bây giờ vì quyền lợi nhỏ nhoi cho bản thân mình mà bội ước thề xưa, phản lại tư cách tỵ nạn của mình!
- Anh là một hạ sĩ quan mà có tinh thần Quốc Gia như thế thật là đáng quý .
      Khi nghe Trường đề cao tinh thần Quốc Gia của mình, Tây phân tích:
- Tinh thần Quốc Gia không phải là một điều cao quí dành riêng cho những người quan quyền hay người có chức tước và địa vị trong xã hội, nó là một biểu tượng cho lòng trung của con người mà ngay cả một binh sĩ cũng thể hiện được. Có những người mang cấp bậc tướng hay tá, nhưng thời gian qua quay về cộng tác với chính quyền Cộng Sản Việt Nam! Loại người nầy họ không có tinh thần Quốc Gia.
- Như vậy, anh là một “Tôi trung” của chính thể Việt Nam Cộng Hòa!
- Cầu mong được vẹn toàn cho đến khi tôi nhắm mắt.
       Tây và Trường trở thành bạn tâm giao với nhau là từ những ngày tháng dấn thân vào sinh hoạt hội đoàn, kể từ ngày Tây được đắc cử chức chủ tịch hội Cựu Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa/ Nam Úc. Mặc dù cấp bậc của Tây chỉ là Hạ Sĩ, giống như một chiến sĩ bình thường của binh chủng Hải Quân. Nhưng trên cương vị của một chủ tịch hội Cựu Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ở Nam Úc, Tây đã lưu lại cho Cộng Đồng Việt Nam và chính quyền ở tiểu bang Nam Úc một thành tích lưu danh muôn thuở: Tây là người đề xướng và thành lập Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Úc-Việt tại tiểu bang Nam Úc mà mấy vị chủ tịch tiền nhiệm không thực hiện được. Ở thành tích “Tượng Đài”, Tây đã trải qua những gian nan trắc trở, có một lầnTây tâm sự với Trường:
- Sau khi nhận bàn giao hội cựu quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa/ Nam Úc, từ nhiệm kỳ của ông chủ tịch tiền nhiệm; cuộc họp với Bill Denny tại trụ sở RSL trên đường Wakefield St gồm có: Bill, Tôi, Ls Kim Phương, Bá Nghiệp, Vũ Đức Tâm và Đặng Quốc Tuấn đại diện cho Adelaide Tuần Báo, thành lập Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài lâm thời. Tuần sau, ủy ban xây dựng tượng đài lâm thời cho đăng bài viết và tấm hình cuộc họp lên trang đầu của Adelaide Tuần Báo, thì bị sự chống đối và xuyên tạc từ phe phái đối lập! Nhưng vì mục đích và ý nghĩa của ủy ban là phục hồi vinh dự cho những Tử Sĩ Việt Nam Cộng Hòa và Gia Đình đã hy sinh trong cuộc chiến, cũng như vinh danh năm mươi tám Tử Sĩ của Quân Đội Hoàng Gia Nam Úc tham chiến tại Việt Nam. Vì thế, tôi bất chấp những lời chống đối và xuyên tạc vô nghĩa, quyết tâm thực hiện cho bằng được chương trình đã đề ra!..
      Ngừng giây phút để hồi tưởng, Tây kể tiếp:
- Lúc bấy giờ, trên tuần báo Viêt ngữ ở Nam Úc xuất hiện những bài viết với lời lẽ có tính nhạo báng Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài như: Tượng Đài làm bằng bột mì, trải qua một đám mưa rồi sẽ tan mất. Ông chủ tịch Tây chỉ là hàng hạ sĩ, không có khả năng để làm được chuyện lớn... Nghe qua những lời chỉ trích, tôi cũng có ý nghĩ chùn bước vì nhiệm kỳ đầu của tôi sắp hết mà chương trình của Ủy Ban chưa đi đến đâu, chỉ mới ở giai đoạn xin địa điểm và phát động chương trình quyên góp cho công trình!
        Nghe Tây kể đến đây, Trường ngắt lời:
- Chương trình xây dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Úc Việt có mục đích đền ơn đáp nghĩa và vinh danh quân đội đồng minh Úc trong cuộc chiến chống Cộng Sản Việt Nam, tại sao những hội đoàn trong cộng đồng Người Việt Tự Do Nam Úc không hợp tác?
- Họ không những bất hợp tác mà còn ra mặt chống đối nữa!
     Rồi Tây thở dài kể tiếp:
- Thời điểm đó tôi định bỏ cuộc! Nhưng trách nhiệm đã nhận lấy thì tôi phải thực hiện cho bằng được, dù gian nan hay trắc trở đến đâu tôi cũng cố gắng hoàn thành!
      Thế là Tây quyết tâm thực hiện và hoàn thành công trình tượng đài chiến sĩ Úc-Việt! Tượng đài được xây dựng nơi trung tâm thành phố, thuộc hội đồng thành phố Adelaide, thủ phủ tiểu bang Nam Úc. Ngày hôm nay, khách tham quan thành phố Adelaide, nếu đi ngang qua nơi nầy, nhìn thấy tượng đồng hai người chiến sĩ Úc-Việt đứng cạnh nhau trong tư thế nghỉ, mắt nhìn xa xăm vào khoảng không gian dưới trời xanh bát ngát, như đang suy tư về một thoáng tưởng nhớ đến tình đồng minh khắng khít của hai quân đội Úc-Việt trong cuộc chiến bảo vệ Miền Nam Việt Nam tự do.
      Bây giờ, Tây đã trở thành một người cựu chiến binh được hưởng theo qui chế hưu bổng của cựu chiến binh Quân Đội Hoàng Gia Úc. Những ngày tháng còn lại của cuộc đời, với ý niệm thời gian như bóng câu qua cửa sổ, Tây cố giữ tinh thần Quốc Gia của mình để được vẹn toàn với tâm niệm khi còn là một chiến sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa: Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm.
       Và những ngày còn lại của cuộc đời với nhiều chứng bệnh của một người già, Tây chỉ ước nguyện một điều duy nhất là mong sao cho đất nước Việt Nam sớm được Tự Do và Dân Chủ. Nghĩ đến đây,Tây bổng nhớ lại hai câu sấm của trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm:
* Mã đề Dương cước Anh Hùng tận
   Thân, Dậu niên lai kiến thái bình..
       Nếu hai câu sấm của Trạng Trình ứng nghiệm, thì cộng sản Việt Nam sẽ đến ngày tàn vào cuối năm Mùi, dân tộc Việt Nam được thái bình và Tự Do-Dân Chủ bắt đầu từ năm Thân hay Dậu. Chừng đó, nếu Tây còn mạnh khỏe thì anh sẽ thực hiện một lần về thăm lại quê hương nước Việt thân yêu!
        Bên ngoài nắng chiều đã nhạt phai, báo hiệu ngày sắp tàn. Tây ngồi nhìn những giọt nắng cuối ngày le lói bên khung cửa sổ, buông tiếng thở dài:
- Hoàng Hôn Ngoài Song Cửa.... Như hoàng hôn sắp đến trong đời mình!!!!!
       

Adelaide mùa đông 2013
Dương Đại Trường