Nguyệt San Số 39


Nỗi Buồn Chưa Vơi
Tác giả: Dương Đại Trường
Thể loại: Truyện ngắn   

Kim Hoàng cặm cụi chất những thùng dưa, thùng cà lên pallet rồi lái xe fortlif mang vào phòng lạnh, chuẩn bị cho ngày mai bán chợ cuối tuần. Kim Hoàng vừa làm, miệng vừa lầm bầm những lời gay gắt với chồng:
- Em đã nói nhiều lần với anh rằng, việc gì đã qua thì hãy để cho nó êm xuôi, nhớ làm chi cho thêm bận lòng. Nhìn anh kìa! Như một người mất hồn, thơ thẩn... mỗi khi nhắc đến vợ cũ của anh!
Biết rõ tính tình ích kỷ, ghen tuông của Kim Hoàng nên Tư Bông không hề trả lời, không để ý đến những lời Kim Hoàng thường nhắc đi, nhắc lại về Thúy và con trai mà Tư Bông ra đi tìm tự do đã bỏ lại nơi quê nhà! Và cứ những lần Kim Hoàng càu nhàu như thế, Tư Bông thấy lòng mình bị đau nhói, bứt rứt và không muốn lớn tiếng với vợ, như để cố quên phần nào nghiệt ngã của hoàn cảnh!
Kể từ ngày rời xa quê hương cho đến nay, chưa một lần Tư Bông nhận được thư từ hay tin tức từ gia đình mình nơi quê nhà. Bởi lẽ, Kim Hoàng đã âm thầm dấu nhẹm những thư từ của gia đình Tư Bông ở Việt Nam gởi qua. Thêm nữa, Kim Hoàng là người đàn bà ghen tuông quá quắc, lấn quyền chồng nên đã khống chế Tư Bông tuyệt giao với gia đình ở Việt Nam.
Tư Bông quen Kim Hoàng khi hai người cùng thời đến trại tỵ nạn Bidong, ghép chung hồ sơ, rồi cưới nhau khi được định cư tại Nam Úc. Kim Hoàng không đẹp, dáng ốm, mảnh khảnh, nước da ngâm đen, khuôn mặt hơi dài để lộ ra hàm răng hô hốc, làn da còn để lại những vết sẹo bệnh đậu mùa khi còn nhỏ. Tuy không đẹp nhưng bù lại Kim Hoàng có mánh lới của một người đàn bà chìu chuộng chồng và lèo lách trong xã hội. Chính ưu điểm này mà Kim Hoàng đã "bắt xác" Tư Bông, để anh phải bỏ lại quê nhà người vợ yêu quí và đứa con trai sống trong cảnh cơ hàn giữa một xã hội thiếu thốn, nghèo khổ của sau ngày miền Nam bị mất vào tay Cộng Sản!
Hồi còn ở quê nhà, trước 1975, Kim Hoàng làm trong một quầy hàng Quân Tiếp Vụ, trong vai trò một nhân viên bán hàng. Thời đó, khéo nịnh bợ và luồn cúi, nên chẳng mấy chốc, Kim Hoàng được lòng tín nhiệm của cấp trên và được giao cho việc lùi lậu hàng Quân Tiếp Vụ ra bán chợ đen. Với công việc ăn chận hàng trên xương máu của người lính Việt Nam Cộng Hòa, không lâu sau, Kim Hoàng có số vốn liếng kha khá và quen biết nhiều người giàu có trong giới mua bán của người Hoa ở Chợ Lớn. Đến khi miền Nam bị Cộng Sản chiếm, vốn đã có nhiều quen biết trong thương trường chợ đen, Kim Hoàng móc nối lại những người làm ăn cũ, tiếp tục hành nghề mua bán những đồ từ ngoại quốc gởi về thân nhân Việt Nam nơi phi trường Tân Sơn Nhất, rồi mang ra khu chợ Bến Thành bán lại cho các quầy hàng bán lẻ kiếm lời. Với việc mua bán ‘chợ đen’ này, Kim Hoàng sống sung túc giữa một xã hội giao thời, khan hiếm hàng ngoại, vật giá đắt đỏ. Cuối thập niên 1970, nhà cầm quyền Cộng Sản có chính sách bài người Hoa nên có phong trào xuất cảnh bán chính thức hàng loạt của Hoa kiều. Lúc này Kim Hoàng được sự giúp đỡ của một gia đình người Hoa làm ăn chung, đăng ký chung chuyến tàu với họ rời Việt Nam theo diện Hoa Kiều.
Về phần Tư Bông thuở thiếu thời, gia đình thuộc thành phần phú nông giàu có, ruộng đất cò bay mõi cánh nên Tư Bông không lo học hành, chơi bời trác táng, tạo nhiều con rơi con rớt! Khi đến tuổi quân dịch, được gia đình lo lót vào làm lính kiểng ở đơn vị Hành Chánh Tài Chánh 7 tỉnh Định Tường. Sau ngày 30.4.1975, vì là một lính kiểng nên chính quyền cộng sản chỉ bắt Tư Bông học tập chính trị vài ngày ở phường rồi trả quyền công dân cho về địa phương làm ăn sinh sống. Thời gian sau ngày gọi là giải phóng Miền Nam, Tư Bông hành nghề tài xế xe khách cho gia đình, chạy tuyến đường Mỹ Tho-Cai Lậy. Thời gian nầy, Tư Bông sống không chính thức với Thúy, người con gái bán quán cafê nơi cổng vào bến xe. Thúy có nước da mặn mà, giọng nói còn âm hưởng Huế, với nụ cười duyên dáng để lộ chiếc răng khễnh dễ thương. Hai người quen nhau trong những lúc Tư Bông ngồi uống cafê chờ chuyến. Mối tình của hai người thành vợ chồng không có đám cưới khi Thúy có thai và sanh được đứa con trai đầu lòng đặt tên Hận.
Tưởng hạnh phúc êm đềm của Tư Bông từ đây bên ngừơi vợ hiền và đứa con thơ nhỏ dại với niềm vui sướng mỗi khi Tư Bông trở về nhà sau một ngày lái xe mệt mõi. Và hình như lần nào cũng vậy, mỗi khi gần đến giờ Tư Bông trở về nhà, Thúy thường hay bồng thằng Hận đứng nơi cổng rào, chờ đợi Tư Bông đến, chuyền thằng Hận cho chồng bồng rồi hai người đi vào nhà. Thúy đã mãn nguyện với hạnh phúc hiện tại bên chồng, theo thời gian êm đềm trôi đi, không đòi hỏi những gì cao xa hơn nữa!
Nào ngờ một ngày kia, Tư Bông đã âm thầm cùng với ba người em trai xuống tàu trốn thoát khỏi Việt Nam, không báo cho Thúy biết trước! Mãi hơn hai ngày sau, mẹ chồng mới đến nhà cho Thúy hay tin Tư Bông đã trốn khỏi Việt Nam bằng tàu đánh cá của người cậu ruột. Nghe được tin nầy, Thúy như chết điếng người, ngồi quỵ xuống đất, một lúc sau Thúy mới nói nên lời:
- Tại sao ba thằng Hận không bàn trước việc nầy với con! Anh ấy xem con như người dưng kẻ lạ!
Bà mẹ chồng phân bua:
- Bởi vì muốn giữ kín bí mật nên chồng của con đã không cho con biết! Vả lại, chuyến đi vượt biển vô cùng hiểm nguy, thằng Bông nó không thể đem theo vợ con được! Con đừng trách nó.
Không chờ mẹ chồng phân trần thêm, Thúy khẻ trách Tư Bông:
- Đã là vợ chồng thì sống chết phải có nhau, ba thằng Hận ích kỹ quá! Nếu ảnh có mệnh hệ gì thì con và thằng Hận phải bơ vơ.
Mẹ chồng ngắt lời con dâu:
-Trong tình huống bắt buộc mà! Thằng Bông của mẹ không còn lựa chọn nào khác, đành chấp nhận bỏ nước ra đi tìm tự do bất đắc dĩ!
Thúy nghe mẹ chồng phân bua, dịu giọng:
- Con chỉ khẻ trách ba thằng Hận thôi! Vượt thóat khỏi chế độ cộng sản là điều nên chọn, nhưng anh ấy không dẫn vợ con đi theo, phước cùng hưởng họa cùng đau mà!
- Chúng ta bây giờ cùng nhau cầu Trời khẩn Phật cho bốn anh em chúng nó đến bờ bến an toàn.
Sau 3 ngày lênh đênh trên biển, tàu cập vào đất liền Malaysia an toàn với hai mươi thuyền nhân trên tàu xin tỵ nạn. Ngày hôm sau, Tư Bông và những thuyền nhân trên tàu được chuyển về trại tạm cư Pulau Bidong, chờ xét diện định cư.
Thời gian đầu mới đến đảo Bidong, Tư Bông như người mất hồn, thơ thẩn, khuôn mặt trầm lặng hiện rõ nỗi buồn nhớ vợ con bên kia bờ đại dương xa thẳm! Bởi vì thật ra, Tư Bông không muốn rời xa vợ con khi mà tình yêu giữa hai vợ chồng còn nồng cháy! Một thứ tình yêu đến với nhau trong chân thật của hai người còn trắng tay và hiểu nhau qua những nỗi khổ của cuộc đời! Đó là tình yêu da diết và khó chia lìa! Cho nên đối với Tư Bông, trong lòng chỉ có Thúy và con mới cho mình được những hạnh phúc chân thật. Trong nỗi nhớ mãnh liệt, mỗi khi chiều về, Tư Bông thường một mình đi lên đồi Công giáo nơi đảo Bidong hướng đôi mắt buồn nhìn về phương trời xa xăm thương nhớ!
Và tháng ngày trôi đi thầm lặng, chờ đợi định cư! Một hôm trên đường đi lễ nhà thờ về, Tư Bông ghé qua nhà người bạn mới quen trên đảo để chuyện trò cho khuây khỏa nỗi buồn trong lòng. Nhân dịp nầy Tư Bông làm quen với Kim Hoàng, em vợ của người bạn cùng quê ở Mỹ Tho,Việt Nam . Những ngày tháng chờ đợi định cư, nỗi cô đơn nơi xứ người, sự trống vắng tâm hồn đã đưa hai người có cảm tình với nhau và sau đó sống như một cặp vợ chồng! Giai đoạn này là cao điểm của thuyền nhân Việt Nam tỵ nạn nên phái đoàn các nước nhận người rất dễ dàng, không qua sự cứu xét gắt gao như sau này. Nhân cơ hội đến, Tư Bông và Kim Hoàng ghép chung nhau hồ sơ như là diện vợ chồng nên được phái đoàn Úc nhận theo trường hợp nhân đạo không cần người bảo trợ.
Bước đầu đặt chân đến Nam Úc, như đa số những người tỵ nạn Việt Nam khác, Tư Bông không tìm được công ăn việc làm! Thường ngày Tư Bông cùng Kim Hoàng đi lang thang trong khu shop Arndale và đôi lúc mua vài tờ vé số, ngõ hầu tìm may mắn trong nỗi ao ước mong manh!
Tháng ngày trôi qua như thế xem như vô ích đối với Kim Hoàng vốn là một người tháo vát và quen lèo lách trong xã hội khi còn ở Việt Nam nên Kim Hoàng nảy ý định thuê một chỗ để mở thương vụ kiếm thêm lợi tức ngoài tiền trợ cấp thất nghiệp. Không lâu sau, ý định của Kim Hoàng được thực hiện với tên bảng hiệu Vietnam, chuyên sang băng nhạc, chuyển hệ, quay phim đám tiệc... Thời kỳ này, đồng hương Việt Nam mới đến định cư nơi xứ lạ quê người nên đa số có tâm trạng nhớ nhà, nhớ quê cha đất tổ... Kim Hoàng nhận thấy điểm này cần khai thác cho việc làm ăn của mình nên liên hệ với những bạn bè cũ ở Việt Nam chuyển lậu những băng video mà cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại cho vào danh bạ văn hóa của chế độ cộng sản Việt Nam tuyên truyền.
Mặc dù việc làm của Kim Hoàng phản lại lập trường chống cộng sản Việt Nam và có tính cách phi pháp, nhưng vì kiếm được nhiều tiền, Kim Hoàng bất chấp phản ảnh và chống đối của cộng đồng người Việt tự do tại địa phương và chẳng bao lâu kinh tế gia đình của Kim Hoàng phát triển khấm khá! Nhận thấy việc này làm ổn định lợi tức gia đình, Tư Bông giao cửa tiệm cho vợ quản lý điều hành và Tư Bông bước sang lãnh vực làm báo! Là một người trình độ học vấn không cao, không hiểu một tí gì về báo chí, ấn loát, viết lách... nhưng nhờ mánh lới, thủ đoạn... Tư Bông cộng tác với một nhóm người có căn bản computer, có khả năng săn tin và viết báo... Tư Bông thành lập tờ tuần báo có tên "Tin Tức". Báo phát hành mỗi thứ năm hàng tuần, phát miễn phí đến đồng hương Nam Úc. Tờ "Tin Tức" hoạt động được một thời gian ngắn, rất được độc giả ủng hộ và lợi tức thu nhập rất cao ngoài dự tính của Tư Bông. Vì thế, Tư Bông sanh lòng tham, rồi hất mấy người bạn ra khỏi tờ báo "Tin Tức", chỉ còn lại hai phần hùng:Tư Bông và Duy Mạnh điều hành tờ báo. Tư Bông có phần hùng nhiều nên được cho làm chức: Tổng giám đốc Saigon press cơ quan chủ nhiệm Tin Tức Tuần Báo, Duy Mạnh làm chủ bút. Để đánh lận con đen về hoạt động thân cộng sản Việt Nam của tờ Tin-Tức, Tư Bông bày ra mục Quan Điểm nhằm viết những bài nói về lập trường Quốc Gia ‘cuội’ của tờ báo. Lúc bấy giờ, Tư Bông rêu rao trên báo chí với chủ trương: Tuần Báo Tin-Tức là một cơ quan truyền thông Việt ngữ có lập trường chống cộng và đưa tin trung lập trong sinh hoạt cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Nam Úc.
Tuy nhiên, với bản chất một con người nhiều mánh khóe, thủ đoạn và gian xảo, phía sau hậu trường Tư Bông âm thầm đi đêm với những nguời thân cộng để kiếm lợi trên quảng cáo cho cộng sản Việt Nam! Điển hình là tờ Tin-Tức đã đăng quảng cáo cho Vietnam Airlines ròng rả gần nữa năm với poster nơi trang đầu của tờ báo có hình chiếc máy bay mang cờ đỏ sao vàng! Quảng cáo nầy chẳng những phản lại chủ trương của tờ Tin-Tức như Tư Bông đã viết trên mục Quan Điểm, mà còn đâm sau lưng những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã nằm xuống cho chính nghĩa quốc gia.
Từ ngày lấy Kim Hoàng làm vợ, Tư Bông hình như quên hẳn mẹ con của Thúy ở quê nhà! Và cũng có thể vì miệt mài trong công việc làm ăn mà Tư Bông không còn nhớ đến người vợ đầu đời vẫn mòn mõi đợi tin chồng! Bỗng một hôm, dì Tư cạnh nhà của Thúy qua Úc thăm con gái. Trong niềm hy vọng mong manh, Thúy nhờ dì Tư nhắn tin tìm chồng! Hôm sau, Lan Cao con của dì Tư mang mẩu tin đến tuần báo Tin-Tức nhờ đăng. Đang lúc đánh máy vào trang quảng cáo và nhắn tin, thư ký của tờ báo sửng sốt, đờ người ra trước mẩu tin:"Nguyễn Thị Ngọc Thúy tìm chồng là Tư Bông, hồi còn ở Việt Nam làm tài xế xe khách tuyến đường Cai Lậy-Mỹ Tho. Vượt biển năm 1976, nghe nói đang định cư ở Úc Đại Lợi... Được tin em, anh biên thư gấp về cho gia đình...".
Cô thư ký nhận được quảng cáo, điện thoại cho Tư Bông biết tin. Tư Bông bên kia đầu dây với giọng hoảng hốt bảo cô thư ký xóa bỏ tin nhắn trên báo, kẻo Kim Hoàng đọc được thì rắc rối và gia đình xào xáo. Tối thứ bảy cuối tuần, Tư Bông viện cớ nói với Kim Hoàng đi ăn tiệc sinh nhật của người bạn ở đường Hanson, mục đích đến gặp dì Tư nơi nhà Lan Cao. Trong lúc lái xe, đầu óc Tư Bông rối loạn! Hình ảnh quá khứ mấy mươi năm qua đã hiện về trong đầu Tư Bông: Thúy, người vợ yêu thương năm xưa vẫn đợi chờ và Hận, đứa con ngày mình ra đi vừa tròn hai tuổi, bây giờ chắc đã là một cậu thanh niên rồi! Tư Bông dâng lên trong lòng niềm thương đau, tự trách và nhủ thầm là đã tệ bạc với mẹ con của Thúy quá!
Vừa bước vào nhà Lan Cao, chưa kịp nói lời nào, dì Tư trách ngay:
- Cháu thật tệ quá! Hơn hai mươi năm rồi không thư từ liên lạc với vợ con của cháu. Một người đàn ông bạc tình như cháu hiếm thấy!
Tư Bông gượng trả lời:
- Dì Tư cũng hiểu cho hoàn cảnh của cháu mà! Kim Hoàng là người đàn bà ghen dữ lắm! Không rời xa cháu nửa bước thì làm sao cháu có điều kiện thư từ với gia đình ở Việt Nam được!
Tư Bông vả lả nói sang chuyện khác:
- Ngọc Thúy bây giờ ra sao hả dì Tư?
Má Lan Cao ngồi xuống ghế sa lông, đối diện Tư Bông, chậm rãi nói:
- Tội nghiệp cho Thúy chung tình với cháu! Hơn hai mươi năm qua, thủ tiết nuôi con khôn lớn. Thúy vẫn sớm hôm bán quán cafê nơi cổng vào bến xe như ngày nào cháu ra đi! Thằng Hận, lúc xưa vì hoàn cảnh nghèo túng nên Ngọc Thúy đã cho nó làm con nuôi của bà bị bệnh phong cùi! Mẹ nuôi của nó đã qua đời rồi! Thằng Hận bây giờ đã trưởng thành, khỏe mạnh, giống cháu như khuôn đúc, nhất là quai hàm bạnh của cháu. Thằng Hận cũng theo nghề của cháu, làm tài xế lái xe, nghe nói nó lái xe cho hãng Tắc-xi ở Saigon!
Ngừng một lúc, dì Tư nói tiếp như trách móc Tư Bông:
- Cháu cũng tệ thiệt! Cho dù gặp hoàn cảnh nào đi nữa thì cũng phải tìm cách gửi về cho mẹ con của nó chút ít tiền mọn để bớt đi vất vả trong sinh kế gia đình! Dì không ngờ cháu bạc tình đến thế!
Nghe dì Tư kể qua hoàn cảnh của vợ con mình, Tư Bông ngậm ngùi, khuôn mặt hiện lên niềm hối hận dày vò lương tâm! Ngồi yên trong giây phút suy tư, rồi Tư Bông đứng lên từ giã dì Tư ra về.
Đường phố của đêm Đông giá lạnh, vắng vẻ xe cộ, làm dâng lên nỗi cô đơn mãnh liệt trong lòng. Những hình ảnh ngày xưa của tháng ngày hạnh phúc với Thúy, hiện rõ trong tâm trí của Tư Bông, như một kỷ niệm đã ngủ vùi trong vùng không gian đượm thắm hương tình. Nỗi cô đơn hiện tại của Tư Bông đến từ sự đánh mất những kỷ niệm và tình yêu đầu đời đã làm cho Tư Bông không muốn trở về nhà trong lúc này. Tư Bông càng nghĩ về Thúy thì càng tự trách mình! Phải chi Kim Hoàng là một người vợ biết thân phận một kẻ đến sau, biết thấu hiểu nỗi khổ ngang trái của chồng... thì giờ đây Tư Bông đâu phải bị người đời nguyền rủa là một kẻ bạc tình, một kẻ không có trách nhiệm với con! Trong chuỗi khổ đau, khó chịu đang dâng lên trong lòng, làm Tư Bông không tự chủ được mình đi đâu, về đâu và làm sao để vơi đi nỗi buồn quá khứ đang hiện về!
Như chợt nhớ lại hồi chiều nói dối với Kim Hoàng là đi dự sinh nhật người bạn mà giờ đây không có mùi rượu bia thì e vợ nghi ngờ. Trong ý nghĩ đó, Tư Bông ghé tiệm rượu mua một tá bia, rồi lái xe thẳng đến biển Glenelg uống hết cho vơi nỗi buồn đang ngự trị trong lòng và làm bằng chứng có mùi rượu đi dự tiệc.
Biển tối nay im lặng! Vài cơn sóng lăn tăn làm nhấp nhô chiếc du thuyền đậu xa xa ngoài khơi. Trên cầu tàu, những người câu cá chuẩn bị thu xếp dụng cụ trở về nhà. Tư Bông cố uống hết những chai bia còn lại nhưng vẫn không đủ làm ấm lòng và vơi đi nỗi buồn quá khứ. Trước mặt Tư Bông, một vùng biển mênh mông phủ trùm bởi bóng tối. Biển như nhắc lại ngày nào một con thuyền nhỏ lênh đênh trên biển đã mang Tư Bông đến bến bờ tự do. Biển bên kia nơi quê nhà, vẫn còn đó ngàn năm dấu yêu, vẫn còn đó người vợ đợi chờ người chồng năm xưa, thì mãi mãi Tư Bông vẫn còn đó nỗi buồn chưa vơi !!!!

Adelaide mùa đông 2009
Dương Đại Trường