Nguyệt San Số 38


Ngày Tàn Chinh Chiến
Tác giả: Dương Đại Trường
Thể loại: Bút Ký   

      Chiều ngày 30/4/1975, tôi cũng như những người chiến sĩ VNCH khác, cởi bỏ áo trận và khoác lên người bộ đồ dân sự, ngậm ngùi quay lưng rời khỏi hậu cứ đơn vị của mình, nơi mà sau những năm tháng nhuộm máu xương cùng anh em chiến đấu chống cộng! Tôi lái chiếc xe honda kiểu SS50, vội vả chạy ra bến phà Cần Thơ với hy vọng qua phà để về được quê quán của tôi ở xã Nhị Quí, quận Cai Lậy, tỉnh Định Tường. Nhưng bến phà chiều 30/4/1975 tạm thời ngưng hoạt động vì những nhân viên điều hành cũng bỏ nhiệm sở sau khi nghe bọn Cộng Sản tiến vào Cần Thơ tiếp quản Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn IV. Thế là tôi phải quay lại Cái Răng, tạm ở nhờ nhà của thằng bạn cùng đơn vị ngủ qua đêm, chờ sáng hôm sau tìm đường về quê.
Suốt đêm 30/4/1975, Cần Thơ tràn ngập trên đường phố nhiều đoàn người dân xu hướng và cộng quân kéo vào thành phố gọi là tiếp quản những cơ quan của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Tiếng súng hoà với tiếng reo hò chiến thắng của bọn người gọi là a dua theo Cách Mạng 30/4/1975, không nghĩ đến sự an nguy của đồng bào, bắn chỉ thiên tạo thành những lằn lửa đạn đỏ trời như ngày hội pháo thăng thiên!!!
Tôi và thằng bạn tên Thành là hai người lính bại trận, ngồi im thinh thích trong nhà mà lòng đang dâng lên những lo âu cho thân phận. Bửa cơm tối hôm đó đến với tôi thật là vô vị, dù dạ dày của tôi từ sáng sớm đến giờ chưa có một chút thức ăn lót lòng! Bà mẹ già của thằng bạn tôi nhìn hai đứa con ngồi ủ rủ nơi bàn trà ở phòng khách, bà mẹ bước đến hỏi nhỏ:
- Hai đứa bây có tính gì cho ngày mai không?
Câu hỏi của mẹ như có nỗi niềm lo lắng, tôi trả lời khẻ:
- Không biết chính sách của chính quyền Cách Mạng sẽ đối xử với hàng binh ra sao! Cách Mạng có tuân theo qui ước quốc tế hay không!
Thằng Thành lạc quan, nói xen vào:
- Mình là đồng minh của Hoa Kỳ, chắc cũng không đến nỗi bị đối xử tệ, phải theo luật quốc tế về tù binh chứ!
- Cầu mong là như vậy.
Trọn đêm nay, tôi và Thành không ngủ, nằm trên bộ ván nơi phòng khách thì thầm trò chuyện. Tôi đang suy nghĩ về tương lai sẽ có những ngày tháng yên bình , hạnh phúc bên gia đình mà tôi đã từng mơ ước khi còn chiến tranh. Tôi sẽ trở về nguyên quán, làm người nông dân sớm hôm vui với ruộng đồng và tìm người bạn đời sinh con đẻ cái để nối dỏi tông đường. Nghĩ vậy, tôi hỏi Thành:
- Mầy có tính chuyện sau nầy làm nghề gì sinh nhai không?
- Biết làm gì, ngoài nghề nông dãi dầu mưa nắng, truyền từ mấy đời gia tộc!
Thành ngừng giây lát rồi tiếp:
- Nhưng chính sách của nhà nước cộng sản Việt Nam đối với hàng binh như bọn mình sẽ ra sao? Theo tao hiểu biết thì chủ nghĩa Cộng Sản không cho người dân làm ăn cá thể! Mọi sinh hoạt xã hội đều dựa trên cơ bản tập thể như: Tổ hợp, hợp tác xã...
- Mình trở thành thần dân của chế độ, phải theo chính sách của nhà nước, biết làm gì hơn!
Tôi nhìn ra bên ngoài qua khe cửa. Đường phố vẫn còn nhiều người ngược xuôi náo nhiệt! Vài chiếc xe ba gác chở đầy ắpvật dụng gia đình, những thứ vật dụng nầy có lẽ đánh cắp từ những cơ quan của VNCH nên bị toán người vai mang vải đỏ giữ trật tự, chận lại xét hỏi. Đằng xa, một chiếc xe phóng thanh vang lên những lời kêu gọi:
- ...Chính quyền cách mạng kêu gọi tất cả những Ngụy quân, Ngụy quyền đang còn chống trả, hãy buông súng đầu hàng để được Cách Mạng khoan hồng.
Lời kêu gọi đã cho tôi yên lòng, xua tan nỗi lo sợ hãy đang ngự trị trong lòng. Tôi quay sang nói với Thành:
- Chính quyền Cách Mạng có chính sách khoan hồng với hàng binh VNCH, chúng ta chỉ là hàng sĩ quan cấp úy...
Thằng Thành ngắt lời tôi:
- Mầy nên nhớ câu nói của tổng thống Thiệu: Đừng nghe những gì Cộng Sản nói, hãy nhìn những gì Cộng Sản làm!
Trời vừa hừng sáng, tôi từ giả gia đình Thành về quê. Thành tiễn tôi ra cửa:
- Chúc mầy thượng lộ bình an! Không biết tụi mình còn gặp lại nhau không!
- Mầy cũng vậy! Bảo trọng.
Mẹ già của Thành trong buồng ngủ bước ra vẩy tay chào tôi. Xe chạy đoạn xa, tôi quay đầu nhìn lại, bà vẫn đứng ngó theo tôi.
Nơi bến phà Cần Thơ đông nghẹt người! Ban quản lý lâm thời của bến phà tạm cho hoạt động có hai chiếc A100, tôi xếp hàng chờ đợi gần hai giờ mới xuống được phà! Trời nắng của tháng tư làm cho khí hậu oi bức, ngột ngạt. Mồ hôi ướt đẩm chiếc áo sơ mi dính bụi đường mà hai ngày qua tôi chưa có áo để thay, bốc lên mùi khai khăng khẳng.
Trên đường từ Bình Minh đến Mỹ Thuận, hai bên đường lộ vương vải quần áo lính VNCH và quân xa. Nhìn cảnh tượng trước mắt, tôi ngậm ngùi cho ngày tàn cuộc chiến! Đến Bắc Mỹ Thuận trời đã xế chiều. Nơi đây, cũng giống như bến phà Cần Thơ, đông nghẹt hành khách xếp hàng chờ lên phà. Tôi đợi hơn hai giờ mới qua được bắc Mỹ Thuận!
Về đến nhà đã quá 5 giờ chiều, vừa bước vào cửa, ba tôi chạy đến ôm chầm tôi, mừng rở:
- Con về nhà bình yên là ba mừng lắm! Mấy hôm nay ba cầu Trời khẩn Phật cho con được bình yên.
Nhìn bộ quần áo bẩn đầy bụi đường, mấy ngày chưa thay, ba tôi giục:
- Đốt hương cho mẹ mầy, đi tắm giặt rồi ăn cơm...
Ăn cơm chiều xong tôi ngồi nơi chiếc bàn dài nói chuyện thời sự với ba tôi. Chuyện đất nước bước sang thời kỳ mới và thân phận người lính chiến VNCH sau nầy! Ba tôi thở dài rồi nói cho tôi nghe câu chuyện gia đình từ bấy lâu nay ông giữ bí mật, ba tôi từ từ kể:
- Thật ra! Cậu hai của mầy không phải bị bệnh chết hồi nhỏ như ba đã nói với con xưa nay, nó đi làm cách mạng khi lên 15 tuổi, lúc đó ba chưa cưới mẹ mầy. Bởi vì gia đình ông ngoại mầy sợ chế độ Quốc Gia biết có người đi theo Việt Minh, sẽ gây khó khăn đến gia đình nên mới tung tin là cậu hai của mầy đã chết hồi còn nhỏ.
Nghe ba kể, tôi thắc mắc hỏi:
- Thời gian qua cậu hai có liên lạc với gia đình không?
- Những năm đầu còn ở trong Nam, cậu mầy có liên lạc với gia đình vài lần. Nhưng sau những lần đó bặt tin, không còn liên lạc với gia đình nữa, nghe nói là cậu hai mầy tập kết ra Miền Bắc! Gần hai mươi năm rồi, không tin tức, chắc cậu hai mầy đã chết.
Tôi không lưu ý về câu chuyện ba tôi vừa kể, nhìn bâng quơ ra ngoài sân, theo đuổi một ý nghĩ đang đến trong đầu: Như vậy, xưa nay mình và cậu là người một nhà, nhưng lại phục vụ hai chế độ khác nhau! Nếu bây giờ cậu hai còn sống, khi gặp mặt chắc hai người đối diện với hoàn cảnh khó xử. Nghĩ đến đây tôi quay sang ba tôi, khẻ hỏi :
- Nếu bây giờ cậu hai còn sống, chắc cậu cũng là người có chức phận của chế độ Cách Mạng.
- Ba cũng nghĩ như vậy! Hơn hai mươi năm phục vụ Cách Mạng, cũng phải có chức có quyền! Vả lại, cậu của mầy là người có trình độ văn hóa khi đi làm Cách Mạng. Hồi đó gia đình ông ngoại mầy khá giả nên cho cậu hai đi học, lấy được bằng cao đẳng tiểu học, bằng cấp nầy rất hiếm có trong xã hội Việt Nam thời bấy giờ.
Tiếng loa phóng thanh phát ra từ trụ sở xã An Thái Trung làm ngưng câu chuyện của tôi và ba tôi. Nội dung thông báo của Ủy Ban Quân Quản (UBQQ) tỉnh Mỹ Tho kêu gọi những anh em Ngụy quân, Ngụy quyền ra trình diện chính quyền cách mạng, với nội dung mới nghe qua như thân tình, xóa bỏ thù hận:
- UBQQ tỉnh Mỹ Tho ra thông báo kêu gọi tất cả anh em phục vụ chế độ Ngụy Quyền, đến UBQQ địa phương trình diện để được sự khoan hồng của chính quyền cách mạng, trở về sum họp với gia đình. Những anh em cư ngụ trong phạm vi quận Giáo Đức thì trình diện tại địa điểm của xã An Thái Trung vào ngày 15/5/1975....
Nghe qua thông báo, ba tôi khẻ nói:
- Theo như thông báo của xã thì con đến trình diện tại địa phương mình, gần nhà cũng thuận tiện cho việc ăn uống, tới lui...
Trong lòng tôi không yên ổn, trả lời câu nói ba tôi:
- Chế độ Cộng Sản tàn bạo và phi nhân, những gì họ hứa chưa chắc thực hiện! Như hiệp định Ba-Lê, họ không tuân thủ, xua quân xâm lăng Miền Nam.!
Sáng ngày 15/5/1975, tôi thức dậy sớm để chuẩn bị cơm nước lót dạ rồi đi trình diện. Ba tôi mở ngăn kéo tủ thờ, lấy tiền nhét vào túi quần tôi:
- Con bỏ theo mình để phòng thân! Đến bàn thờ đốt nhang cho mẹ mầy trước khi đi. Mẹ mầy linh thiêng lắm, bả sẽ phù hộ cho con được bình an..
Tôi nghe theo lời dặn của ba, thắp nén hương cho mẹ tôi trước khi đi. Khói nhang như làm ấm căn nhà và cho tôi một cảm giác yên ổn trong lòng, không còn lo sợ như những ngày qua. Tôi nhủ thầm, không lẽ lời khấn nguyện của mình linh thiêng vậy sao! Nhưng trong cuộc sống con người, niềm tin vào linh hồn đôi lúc cũng cho mình an tâm để vượt qua những khó khăn, khốn cùng trước mắt. Tôi bước ra cửa, ba tôi nói vọng theo:
- Cần ba đi với con tới xã không?
- Không cần ba ạ! Nếu chiều nay con không được phép trở lại nhà thì ba mang giỏ xách quần áo của con để sẳn trong tủ nơi phòng ngủ..
Trước sân của trụ sở Ủy Ban Hành Chánh xã An Thái Trung , tên gọi đơn vị hành chánh xã của VNCH chưa tháo gở, những người phục vụ chế độ VNCH đang ngồi lố nhố chờ đợi ghi tên. Tôi ngồi vào hàng và nhìn quanh để tìm xem có ai quen với tôi không. Anh du kích đứng canh giữ trật tự thấy tôi nhìn xung quanh, hất hàm hỏi:
- Anh đó đang nhìn gì?
Tôi giật mình trả lời:
- Dạ! Tôi xem có bạn tôi đến trình diện ở đây không.
Rồi hắn đi đến trước mặt tôi, đôi mắt cú vọ nhìn tôi không chớp mắt. Tuy không phải nhiệm vụ của hắn nhưng hắn hỏi thị uy:
- Anh cấp bậc gì? Ngụy quân hay Ngụy quyền?
Nghe câu hỏi vô lý, không phải trách nhiệm của hắn, tôi trả lời cộc lốc:
- Thiếu úy.!
- Vậy anh là Ngụy Quyền.
Ngừng giây lát, hắn tiếp:
- Ngụy quyền thì có tội nhiều với nhân dân, tiếp tay đế quốc Mỹ gây tội ác chiến tranh...
Tôi lặng thinh không đáp, hắn bỏ đi vào trụ sở. Người bạn ngồi trước tôi quay lại hỏi nhỏ:
- Anh phục vụ đơn vị nào của VNCH?
- Phòng Chiến Tranh Chính Trị của Quân Đoàn IV.
- Tôi là địa phương quân của quận lỵ Giáo Đức, cấp bực thiếu úy, phục vụ ở Ban 2 của chi khu...
Người bạn tên Thu nói tiếp:
- Thằng du kích vừa hỏi anh khi nảy là con ông Ba xe lôi, nó tên là Đực. Trước kia nó làm giao liên của huyện đội, bị ban 2 chúng tôi phát giác nên nó bỏ trốn vào vùng Việt Cộng, độ chừng mấy tháng trước đây, bây giờ lên mặt với tụi mình!
- Chúng ta là kẻ bại trận, giống như cá nằm trên thớt!
Tôi thắc mắc trong lòng câu nói xếp loại của anh du kích, nên hỏi Thu:
- Sĩ quan cấp úy họ cũng xếp vào loại Ngụy Quyền hả anh?
- Chưa hẳn vậy! Thằng Đực biết quái gì!
Người cán bộ với chiếc khăn rằn quấn cổ, từ trong trụ sở ủy ban hành chánh đi ra, làm ngắt ngang câu chuyện của tôi với Thu. Hắn đứng trước trụ sở, tay chống vào hông ra lệnh:
- Sĩ quan xếp theo một hàng bên trái của tôi, binh sĩ theo một hàng bên phải, nhân viên hành chánh xếp hàng ở giữa...
Chúng tôi theo lệnh xếp hàng xong xuôi, hắn bảo thằng Đực đi đến từng người phát cho một tờ giấy tập học trò và cây viết, rồi hắn nói răn đe:
- Tất cả các anh ngồi tại hàng , phải thật thà khai lý lịch rỏ ràng: Đơn vị phục vụ, cấp bậc, thời gian phục vụ....Nếu khai gian lý lịch thì các anh không được hưởng chế độ khoan hồng.
Mọi người ngồi im, cặm cụi ghi lời khai vào tờ giấy, răm rắp tuân theo lệnh hắn, thật thà khai báo. Nắng của mùa hè bắt đầu gay gắt chiếu xuống sân bốc mùi hơi đất! Tôi khai lý lịch xong, đứng lên định đi vào trụ sở để nộp, thằng du kích tên Đực khoác tay ra hiệu:
- Anh đó ngồi xuống, chúng tôi cho người đi gom tờ khai của các anh.
Thấy hành động kiểm soát chặt chẻ của mấy anh du kích, tôi nói nhỏ với Thu:
- Sao tôi có linh cảm tụi mình sẽ bị nhốt tù! Tình trạng kiểm soát như thế nầy là họ xem mình như tội phạm!
- Tôi cũng nghĩ vậy! Anh nhìn thấy hai thằng du kích súng hờm trên tay, đứng canh gác hai bên góc sân không?
- Thấy chứ!
- Như vậy họ coi mình là tội phạm.
Sau khi tất cả khai lý lịch xong, ông cán bộ khăn rằn quấn cổ tên Tám Cu, giới thiệu một người mặc chiếc áo bà ba đen, cũng có khăn rằn quấn cổ, bên hông mang cây súng ngắn K54. Tám Cu chỉ tay về phía người đàn ông áo bà ba đen:
- Đây là đồng chí sáu Mẹo, cán bộ tuyên huấn của tỉnh Mỹ Tho, người sẽ triển khai chính sách của chính quyền Cách Mạng cho các anh em học tập. Sáu Mẹo nhỏ người, chân đi cà thọt vì bị thương trong chiến tranh. Hắn nói một cách khuôn khổ như con két, không có gì mới lạ về cái gọi là chính sách của Cách Mạng. Hắn nói thao thao bất tuyệt:
-....Các anh là những người có tội với nhân dân, tiếp tay bọn đế quốc Mỹ gây tội ác chiến tranh. Hôm nay, Cách Mạng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng CSVN, đã hoàn toàn giải phóng Miền Nam. Giờ đây, các anh được Cách Mạng khoan hồng, được học tập vài ngày để hiểu biết đường lối của Đảng và những điều giáo huấn của bác Hồ kính yêu....
Hắn ngừng lấy giọng rồi tiếp:
- ...Sau khi hiệp định giơ-neo-vơ được ký kết phân chia đất nước ta làm hai miền Nam và Bắc. Miền Bắc dưới chính thể Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do bác Hồ lãnh đạo. Miền Nam do Ngụy Quyền tạo nên cái gọi là Việt Nam Cộng Hòa, làm tay sai cho đế quốc Mỹ. Hôm nay, Miền Nam được hoàn toàn giải phóng! Các anh dù trước đây theo đế quốc Mỹ gây tội ác với nhân dân, nhưng chính quyền Cách Mạng có chính sách khoan hồng, giáo dục và cải tạo các anh thành người tốt để về sum hợp với gia đình....
Sáu Mẹo nói tràn giang đại hải, nội dung chỉ có bấy nhiêu bài giảng rập khuôn của chủ nghĩa cộng sản giáo điều, đoạn hắn nhìn về phía anh em ngồi trước sân, giọng lạnh lùng hỏi:
- Các anh có nêu ý kiến gì không?
Thu định giơ tay ý kiến, tôi khều nhẹ lưng ra dấu hiệu ngăn cản, tôi nói nhỏ:
- Anh nêu ý kiến làm chi cho họ lưu ý đến anh.
- Tôi định hỏi cán bộ sáu Mẹo là chúng ta sẽ học tập bao lâu.!
- Hắn đã nói là chúng ta chỉ học tập vài ngày cho biết đường lối của Đảng...
- Anh tin những lời của sáu Mẹo sao?
- Tin hay không gì thì chúng ta giờ đây giống như cá nằm trên thớt!.
Trời đã quá ngọ mà chúng tôi vẫn chưa được phép rời khỏi hàng! Ai nấy cũng cảm thấy đói bụng và khát nước, mồ hôi ướt đẩm vì khí hậu nóng bức của mùa hè! Tất cả chúng tôi ngồi im, mắt hướng về phía ủy ban hành chánh xã, chờ lệnh của cán bộ. Một lát sau,Tám Cu và sáu Mẹo từ trong văn phòng bước ra nói lớn:
- Các anh tuần tự vào văn phòng ký tên rồi về nhà. Sáng sớm ngày mai trở lại trình diện.
Hắn quay sang sáu Mẹo hội ý rồi nói tiếp:
- Riêng các anh em diện sĩ quan từ cấp úy trở lên, ngày mai nhớ mang theo đồ dùng cá nhân, vì các anh được chuyển về tỉnh để học tập.
Trên đường về nhà, tôi và Thu cả hai trong lòng đều dâng lên nỗi lo âu, hoang mang. Về đến nhà, ba tôi khăn nón đứng trước cửa định lên xã xem tôi có chuyện gì bất trắc xảy ra, nhìn thấy tôi và Thu về tới, bất chợt lên tiếng hỏi:
- Thiếu úy Thu cũng trình diện trên xã hả?
- Vâng! Cháu trình diện theo địa chỉ cư ngụ bên quê vợ...
Thì ra thiếu úy Thu quen biết với ba tôi từ lâu. Ba tôi mời Thu vào nhà ăn cơm và chuyện trò. Chúng tôi nói chuyện mãi đến khi chiều xuống! Câu chuyện không ngoài nỗi lo âu cho những ngày sắp tới, chuyện tương lai của thân phận tàn binh...Thu thở dài hỏi tôi:
- Anh phục vụ đơn vị nào?
- Phòng Chiến tranh chính trị của Quân Đoàn IV.
Thu không hỏi tiếp, trầm ngâm như đang lo lắng điều gì sẽ đến, rồi Thu nói :
- Em phục vụ ở ban 2 chi khu, xét về tính nghiệp vụ, bọn họ xem ban 2 thuộc về đối tượng an ninh tình báo, họ sẽ xếp em vào thành phần ác ôn, có nợ máu với nhân dân...
Tôi ngắt lời Thu, nói lạc quan:
- Cách mạng cũng biết phân biệt về nghiệp vụ trong quân đội của VNCH chứ! Trong thời còn chiến tranh, Phòng chiến tranh chính trị cũng bị CS xếp vào ban ngành có tác dụng nguy hiểm cho họ trên lảnh vực tuyên truyền, nhất là giai đoạn VNCH có chính sách Chiêu Hồi. Nếu suy nghĩ như em thì tôi cũng là thành phần Ngụy quân ác ôn.!
Thu từ giả ra về, tôi tiễn người bạn đồng cảnh ngộ " hàng binh " đến tận ngoài cửa ngỏ. Chiều lặng lẽ rơi như âm thầm đưa hoàng hôn vào tối. Tiếng côn trùng bắt đầu vang lên âm điệu buồn bả, thê lương ngoài hè nhà. Nơi phòng khách, ánh đèn dầu tỏa ánh sáng lờ mờ, yếu ớt, không làm đủ sáng không gian nhỏ nhắn của căn nhà! Ba tôi ngồi uống trà nơi chiếc bàn dài, hình như đang suy nghĩ cho hoàn cảnh của tôi sau nầy. Khuôn mặt của ba tôi đăm chiêu, in hằn nỗi khổ đau còn sót lại của những tháng năm chiến tranh tang tóc trên quê hương. Nhìn ba, tôi nghĩ thầm, chắc mai nầy ông già cũng sẽ lặng lội đi thăm nuôi thằng con thân yêu bị tù đày nơi miền sơn cước, nơi vùng hoang dã nước mặn đồng chua.! Tôi biết trước điều nầy sẽ đến, bởi vì tôi là người công tác ở phòng chiến tranh chính trị, nên ít nhiều cũng đã nghiên cứu sơ qua về lý thuyết của chủ nghĩa cộng sản, nó không có yếu tố nhân tính và khoan hồng trong đó. Bằng chứng là chế độ cộng sản ở miền Bắc, sau khi cướp chánh quyền từ Pháp, Hồ Chí Minh áp dụng chủ nghĩa Cộng Sản , thanh lọc những gia đình giàu có, gia đình công chức làm việc cho Tây, xếp vào thành phần ác ôn có nợ máu với nhân dân. Sau đó, chế độ CS miền Bắc lập ra những phiên tòa trá hình, gọi là tòa án của nhân dân và để cho nhân dân quyết định. Thành phần nào mà chế độ CS xếp vào giai cấp bóc lột sẽ bị đưa ra đấu tố, xét xử. Tuỳ theo tội trạng bị thành lập, có người bị xử tử tại chỗ, có người bị nhốt vào nhà tù với những tội danh nghe khôi hài: Tội tư sản, tội phú nông, tội làm tay sai cho Tây...
Như vậy, ở Miền Nam chắc cũng không ngoại trừ áp dụng đường lối của chủ nghĩa cộng sản Miền Bắc! Suy nghĩ về viễn ảnh ngày mai, tôi đến ngồi xuống ghế bên cạnh ba tôi, nói vấn an:
- Trong đời sống con người, mọi việc đều có sự sắp đặt của tạo hóa. Giống như cuộc chiến chống cộng của VNCH, ai có ngờ rằng VNCH bị đồng minh Hoa Kỳ bỏ rơi đâu!
Ba tôi không trả lời, nhìn tôi khẻ bảo:
- Con đi ngủ sớm để ngày mai đi trình diện học tậpcải tạo.
Tôi nghe lời ba đi vào phòng ngủ ngã mình xuống chiếc giường, mỏi mệt thiếp vào giấc ngủ chập chờn.
Tôi thức dậy khi trời còn khuya! Tiếng gà gáy nơi đầu xóm ước định chừng canh tư, đơn vị tính thời gian của người nhà quê thường dùng, ở thời điểm khoảng bốn giờ sáng. Tôi làm vệ sinh cá nhân xong rồi xuống nhà bếp nhúm lửa nấu nước châm trà. Tiếng lửa cháy tạo âm thanh lắc tắc làm tôi nhớ đến thời thơ ấu, ngồi canh chừng nồi bénh tét cho mẹ trong những lần làm lễ giỗ ông bà hay mỗi khi Tết đến. Lúc ấy tôi học lớp tư trường làng, đánh vần vừa trôi chảy. Mỗi lần ngồi canh bếp lửa thì tôi hay mang theo cuốn sách Quốc Văn Toàn Tập của Bùi Văn Bảo và Đoàn Xuyên, vừa coi chừng lửa vừa đọc nghê nga những bài văn vần với tiết mục ghi trong thời biểu nhà trường là: Học Thuộc Lòng. Tuổi thơ của tôi chan chứa hình ảnh quê hương hửu tình bởi chừng ấy kỷ niệm ngủ vùi trong tiềm thức! Làm sao tôi quên được những bài Học Thuộc Lòng tả phong cảnh quê tôi thuở ấy. Những bài văn vần như: Chiều Quê, Nhớ Quê, Quê Tôi, Ngày Xuân.....mãi tới bây giờ tôi vẫn thuộc lòng từng chữ. Như trong bài Chiều Quê, làm theo thể loại văn vần lục bát, hình tượng lên một bức tranh quê tôi thanh bình, đượm thắm tình quê:
-** Đồng xanh ngập ánh nắng vàng,
Một bầy cò trắng bay ngang mái nhà.
Bướm chiều thôi lượn bờ đê,
Gió mơn mơn thổi luống cà đầu nương.
Đàn trâu bước nặng bên đường,
Vuốt râu, lão phú trong vườn ngắm cây.
Môi cười thả khói thuốc bay,
Ngỏ tre em nhỏ dang tay mẹ về.
Sáu diều thổi khúc nhạc quê,
Câu hò giả gạo tràn trề niềm tin..

Bài Học Thuộc Lòng của năm lớp tư, đã ngủ vùi trong ký ức của tôi, thăng trầm theo năm tháng chiến tranh, nay bổng trở về đưa tâm tư vào hoài niệm ngày thơ ấu! Ngày đó, thoáng qua đã mấy mươi năm rồi, gần nữa cuộc đời của kiếp nhân sinh theo quan niệm tuổi thọ con người: Thất thập cổ lai hy.
Tôi châm nước vào bình trà rồi mang lên phòng khách. Ba tôi đã thức dậy từ lúc nào, ngồi âm thầm trong bóng tối, có lẽ ba đang suy nghĩ lo lắng cho hoàn cảnh của tôi. Vừa đặt bình trà xuống bàn ba tôi khẻ nói:
- Trưa ngày hôm qua, khi con đi trình diện trên xã, ba có đến tìm thằng Văn con dượng ba Thế, nghe nói nó làm chức huyện đội trưởng của huyện mình, hỏi thăm về chính sách của Cách Mạng đối với binh lính VNCH. Nó nói rằng con thuộc diện sĩ quan nên phải chuyển về tỉnh để học tập cải tạo một thời gian ngắn về đường lối của Cách Mạng. Ba cũng hỏi nó là trường hợp của con sẽ học tập bao lâu? Nó bảo là tùy theo hạnh kiểm trong khi học tập, có giác ngộ và lao động tốt hay không...
- Theo quan niệm của họ, thế nào gọi là giác ngộ? Tốt hay xấu chỉ là khái niệm suông và mơ hồ!
Tôi định nói với ba về sự thâm độc của chủ nghĩa Cộng Sản mà tôi đã dành nhiều năm nghiên cứu qua , nhưng sợ ba lo lắng cho tôi mà ảnh hưởng sức khỏe tuổi già. Tôi nói trấn an:
- Nếu như anh Văn đã nói thì có thể con chỉ học tập vài tuần rồi được cho về sum hợp với gia đình, ba đừng lo lắng cho con!
- Ba chỉ biết cầu Trời khẩn Phật cho con!
Rồi như thói quen, ba tôi nhắc nhở:
- Con đến bàn thờ mẹ mầy đốt cây hương trước khi đi trình diện nha!
- Dạ!
Tôi đến trụ sở Ủy Ban Hành Chánh Xã khi mặt trời vừa lố dạng ở phương đông. Trước tôi có vài người thuộc diện sĩ quan đến sớm hơn tôi, ngồi ủ rủ nơi góc sân, khuôn mặt hiện rỏ nỗi buồn lo âu cho số phận. Tôi vẫy tay chào rồi đặt chiếc giỏ đệm đựng quần áo xuống đất, ngồi bên cạnh họ. Tất cả họ là những người chiến hữu của tôi chưa bao giờ gặp nhau trên cuộc đời chinh chiến, nhưng hôm nay là những người bạn cùng chung số phận: Chiến bại! Ông bạn trông lớn tuổi nhất trong số, gật đầu chào lại tôi, hỏi:
- Anh phục vụ ở đơn vị nào?
- Phòng Chiến Tranh Chính Trị của Quân Đoàn IV.
Rồi ông bạn già tự giới thiệu:
- Tôi tên Phan ở binh chủng Thiết Giáp.
- Tên tôi làTâm
Tôi khẻ hỏi nhỏ:
- Cấp bậc sau cùng của ông?
- Thiếu tá! Chi đoàn trưởng...
Cấp bậc của anh?:
- Thiếu Úy.
Người vợ ông thiếu tá Thiết Giáp đang lui cui soạn lại những quần áo, mùng mền, đồ ăn đem theo cho chồng, xếp lại thứ tự vào chiếc giỏ làm bằng vải nhà binh màu cứt ngựa, to quá khổ. Tôi nhìn chiếc giỏ, thắc mắc hỏi:
- Anh mang chi nhiều đồ dùng cá nhân thế?
- Tụi mình đi tù thì phải chuẩn bị đồ đạc cá nhân để dùng trong những ngày tháng trong tù chứ!.
- Sao ông bi quan vậy?
Thiếu tá già chậm rải kể:
- Tôi lấy kinh nghiệm ở miền Bắc sau khi bộ đội Hồ Chí Minh đánh thắng Pháp trận Điện Biên Phủ, khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Thời đó, những người bà con của tôi làm việc cho Tây, bị gọi đi trình diện học tập cải tạo. Ban đầu họ nói chỉ học chính trị vài ngày rồi cho về sum họp gia đình. Nhưng sau đó họ thanh lọc lại lý lịch nên có nhiều người bị xếp vào thành phần ác ôn làm việc cho Tây, xem như là can phạm và họ đưa tù nhân lên những vùng đồi núi hoang vu làm lao động khổ sai, ẩn dưới mỹ từ Trại Cải Tạo.!
Thiếu tá già thở dài nói tiếp:
-Vì vậy, tôi biết trước thân phận của những người lính VNCH rồi sẽ trở thành người tù binh bại trận, tháng năm lao động khổ sai mà không có bản án ngày về!
Tiếng nói của tên xã đội trưởng Tám Cu phát ra từ chiếc loa cầm tay làm ngưng câu chuyện của tôi và thiếu tá Phan. Tám cu ra lệnh chúng tôi xếp thành hàng khi được gọi tên theo danh sách hắn đang cầm. Có lẽ tên trong danh sách trình diện ở xã xếp theo thứ tự cấp bậc, thiếu tá Phan là người có chức vụ cao nhất trong số những người lính VNCH trình diện ở địa phương nầy nên được gọi đầu tiên. Tôi là người thứ 12 trong bản phong thần được đi về tỉnh học tập cải tạo thành người tốt trong xã hội mới! Cuối danh sách là tên ông xã trưởng An Thái Trung, xã nhà của tôi. Tổng kết danh sách chuyển về tỉnh hôm nay có tất cả là tám mươi chín người. Đọc xong danh sách, Tám Cu nói trên loa phóng thanh :
- Chúng tôi cho phép các anh Ngụy Quân, Ngụy Quyền có ba mươi phút để từ giả gia đình, nhưng các anh không được đi ra ngoài phạm vi của sân.
Tôi đến ngồi dựa lưng vào gốc cây so đủa nơi cuối sân, mắt nhìn quan sát cảnh chia tay của những người lính VNCH với người thân gia đình. Bên phải của tôi là vợ chồng thiếu úy Thu, bà vợ trẻ của Thu mới cưới chưa tròn mùa trăng hạnh phúc, giờ đây lại phải chia ly người chồng, sát má vào vai chồng khóc sụt sùi! Đằng kia là ông già thiếu tá Phan dặn dò người vợ ở lại nhà coi sóc và dạy dổ đàn con cho nên người. Góc trái của sân, một bà mẹ già tay mở chiếc khăn gói tiền đưa cho người con trai rồi xoa nhẹ bàn tay vào đầu tỏ dấu yêu thương tình mẫu tử...Riêng tôi, vì không muốn ba tôi chứng kiến cảnh chia ly đau buồn nên tôi trở thành người lẻ loi không ai đưa tiễn, một mình làm cuộc phân ly!
Sau ba mươi phút ngậm ngùi làm cuộc chia ly, người đi khổ ải lao tù và kẻ ở lại sầu thương mong đợi! Chúng tôi chia thành hai nhóm lên hai chiếc xe tải , ngồi chen chít trên sàn xe, giống như một bầy heo chuẩn bị đem vào lò xẻ thịt! Ngồi trên xe, qua những đoạn đường nhiều ổ gà, người chúng tôi bị tâng lên, đầu va chạm vào nhau đau điếng!
Đến trại học tập cải tạo Vườn Đào thì trời đã xế chiều! Người cán bộ áp giải tù nhân ra lệnh cho chúng tôi xuống xe đứng thành hàng rồi kiểm tra danh sách trước khi đưa vào trại. Trước mắt chúng tôi, khu trại cải tạo Vườn Đào còn hoang sơ trống trải! Những dãy nhà lợp bằng sợi đưng, cheo leo giữa đồng hoang, chung quanh bao bọc bởi những con kênh phân chia trại tù với bên ngoài. Đoàn tù đi vào trại qua chiếc cầu làm bằng những cây tràm ghép lại, chênh vênh lắc lẻo! Vài tù nhân chưa có dịp đi cầu khỉ miền quê thì khó khăn lắm mới đi qua được. Thiếu tá Phan là một điển hình, tôi phải đưa tay tôi cho ông ta làm điểm tựa mới vửng bước qua cầu.
Tôi, thiếu tá Phan, thiếu úy Thu ở cùng nhà B của khu trại. Mỗi nhà dài chứa trung bình 50 tù nhân. Vách nhà làm bằng những cây tràm dựng đứng khít nhau, chừa kẻ hở gió lùa mưa tạt!.Tù nhân được phân chia chỗ ngủ bề ngang 1mét rưởi, chiếu dài độ hơn 2 mét. Chỗ nằm ngủ của tù nhân dọc hai bên trái và phải, chừa lối đi từ cửa chánh vào. Cũng may cho tôi có mang theo chiếc áo mưa nên bây giờ tạm dùng làm chiếu trải nằm ngủ. Tù nhân vừa ổn định được chỗ ngủ thỉ trời đã chiều tàn, nắng tắt hoàng hôn đưa chiều vào tối! Mọi người có lệnh tập hợp trước sân trại cho cán bộ giáo huấn điểm danh rồi tuần tự ai vào nhà nấy. Nhà B của chúng tôi có ông già Phan lớn tuổi nhất trong số tù nhân nên bầu ông ta làm gia trưởng, tôi làm thư ký. Trách nhiệm của tôi chỉ làm những việc là đọc nội qui của trại Cải Tạo cho tù nhân nghe và phân chia phiên gác mỗi tối sau khi tiếng kẻng báo hiệu giờ giới nghiêm.
Đêm đầu tiên làm tù nhân khiến cho mọi người ai nấy đều có cùng tâm trạng: Trằn trọc, thao thức. Riêng tôi, lòng dâng lên nỗi buồn xa xăm nào đó trở về ! Nỗi buồn không có xuất xứ từ đâu, chỉ biết nó đến chiếm hửu lòng tôi với những đau thương hiện tại của kiếp tù đày, và xóa tan những niềm vui trong kỷ niệm của ngày xưa áo trắng sân trường! Nỗi buồn giờ đây, đang hòa vào cung điệu tiếng côn trùng vang lên ngoài hiên nghe ai oán!
Tôi là thư ký nhà B, nên làm gương tình nguyện phiên gác đêm đầu tiên, bắt đầu từ 9 giờ đến 11 giờ. Tôi ngồi trên chiếc ghế tre nơi cửa nhà B, ngó ra ngoài sân, đêm đen như vô tận! Thỉnh thoảng một con chuột cống chạy ra từ bụi cây bên dòng kênh, thập thò tìm mồi.
Theo điều lệ của trại thì việc phân công tù nhân thay phiên canh gác là kiểm soát và đề phòng tù nhân trốn trại. Công việc thay phiên canh gác về đêm của tù nhân ở mỗi nhà trại, rất là đơn giản, người tù canh gác chỉ trả lời một tiếng "Ừ" khi các tù nhân khác xin đi tiêu hay tiểu. Tôi xin nêu một thí dụ về trách nhiệm người tù canh gác, qua đối thoại như sau:
Người tù xin đi tiểu đến cửa lấy chiếc đèn treo, đứng nghiêm rồi nói lớn tiếng:
-Tôi là Nguyễn Văn A, xin đi tiểu.
Người tù canh gác trả lời:
- Ừ!
Khi có tiếng trả lời cho phép "ừ" thì tù nhân mới được bước đi ra khỏi nhà trại đến cầu tiêu phía sau hè nhà, giải quyết bầu tâm sự. Như vậy, trại Cải Tạo của chính quyền Cách Mạng kiểm soát gắt gao hơn cả nhà tù! Kiểm soát chi ly đến cả việc đi tiểu tiện của anh em tù nhân cũng phải trình báo. Bây giờ, mọi tù nhân chúng tôi đều biết được thân phận của mình: Người tù binh bại trận.
Hôm nay là ngày đầu tiên tù nhân đi làm lao động. Tù nhân được chia ra nhiều nhóm nhỏ theo bản phân công từ văn phòng trại: Nhóm đào kênh, nhóm đốn tràm, nhóm phát cỏ hoang, nhóm nhà bếp, nhóm trồng rau cải thiện chất xanh cho tù....Mỗi nhóm đi lao động đều có anh cán bộ mang khẩu súng AK theo canh giữ, ngoại trừ nhóm nhà bếp nấu cơm ở trại thì không có cán bộ canh chừng.Thiếu tá già thiết giáp có lẽ vì tuổi tác cao nên được ân huệ Cách Mạng cho vào nhóm nấu cơm. Tôi bị phân công vào nhóm đào kênh, công việc vất vả hơn các nhóm khác! Nhóm tôi có tất cả 20 người tù, đa số là cấp sĩ quan của Quân Lực VNCH, chỉ có vài anh gốc hành chánh là xã trưởng và phó quận trưởng, nhóm đào kênh tôi được anh em bầu làm trưởng nhóm. Chỗ đào kênh của nhóm tôi cách trại chừng hai cây số, thời gian đi và về mất một giờ đồng hồ thần tiên của kiếp người tù! Chúng tôi gọi là thần tiên bởi vì tù nhân chúng tôi được trôi qua hai giờ thong thả đi và về trại hai lượt sáng chiều, khỏi phải đào kênh vất vả.
Tuần lễ đầu tiên, những người tù chưa quen làm lao động chân tay nên bọn cán bộ cho làm việc theo khả năng. Đến tuần thứ hai, chúng tôi có lệnh từ văn phòng trại làm khoán trên công việc. Cán bộ hướng dẫn nhóm chúng tôi qui định mỗi ngày nhóm phải đào xong khúc kênh dài 20 mét, sâu 2 mét, ngang 4 mét trên mặt và 3 mét ở đáy kênh. Như vậy, mỗi người tù bị khoán đào một mét theo chiều dài, làm xong công việc nầy không phải dể dàng.!
Bây giờ tôi vẫn không quên những ngày tháng đó, nhớ rất rỏ từng hình ảnh trùng điệp vui buồn và hẳm hiu số kiếp tù đày! Có một lần thiếu úy Thu đang hì hục đào kênh, chạm trúng trái M79 nổ tung, nhưng may mắn không có ai tử thương, Thu chỉ bị thương nhẹ nơi bờ vai. Thằng cán bộ hai Háp hướng dẫn chúng tôi nghe tiếng nổ chạy đến xem hiện trường, hắn nói một câu tàn nhẩn:
- Quả đạn M79 nầy do các anh bắn giết đồng bào, bây giờ các anh có chết cũng đáng kiếp làm tay sai cho đế quốc Mỹ!
Rồi hắn đến xem vết thương trên vai thiếu úy Thu, buông lời vô nhân đạo:
- Chỉ trầy ngoài da, không chết chóc gì đâu! Tiếp tục làm việc đi.
Tôi thấy thái độ vô nhân của hai Háp, mở lời xin hắn:
- Xin cán bộ cho anh Thu nghỉ làm, chúng tôi sẽ chia nhau làm xong phần khoán của anh ấy.?
Hắn gật đầu đồng ý nhưng nói mĩa mai:
- Các anh cũng thương đồng đội chứ!
Tôi định nói vài lời dạy cho hắn thế nào là lòng nhân đạo của một con người, nhưng có cái gì cản trở không cho, sợ thần khẩu hại xác phàm, khiến tôi chuyển sang lời nói cám ơn hắn:
- Cám ơn cán bộ.
Hôm nay, sau một ngày lao động rả rời thể xác, tắm giặt xong, tôi vào nhà trại ngã người xuống chiếu nằm suy nghĩ về thái độ của cán bộ hai Háp đối với người tù. Bây giờ tôi mới thắm thía cho số phận của những tù binh VNCH bại trận, đang mang trên mình hằng nỗi đắng cay và chua xót ngậm ngùi!

Dương Đại Trường
Mùa Hè 2011