Nguyệt San Số 38


Dòng Sông Ngày Đó
Tác giả: Dương Đại Trường
Thể loại: Bút ký   

      Kỷ niệm sâu kín nhất trong đời tôi là những tháng năm tôi lưu lạc về sống nơi Đất Mũi, miền đất tận cùng của đất nước Việt Nam! Đó là quãng thời gian sau khi tôi ra tù, một thứ tù với bản án nghe hơi lạ tai của chế độ CSVN dành cho tôi: Bị tù vì phục vụ cho chế độ Tự Do-Dân Chủ chính quyền Sài Gòn. Thuở ấy, tôi đơn thân một mình, bỏ lại bà mẹ già nơi quê hương nghèo khổ, với túi hành trang có vài bộ đồ cũ rích, đi theo thằng bạn cũng thuộc phường giá áo túi cơm mà tôi mới quen biết vài ngày trước đó, trong dịp lang thang dò đường vượt biên giới Việt Miên đi tìm tự do! Hai đứa tôi chỉ biết đi liều, chẳng biết đi về đâu, như nhà thơ Trần Dần đã viết: Ta đi, đi mãi...không thấy phố, không thấy phường ...Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ!
     Thằng bạn của tôi tên Chiêu, mặc dù nguyên quán của nó ở xã đất Mũi, quận Năm Căn, tỉnh An Xuyên. Nhưng vì nó bỏ làng quê đi giang hồ từ thuở còn nhỏ nên cũng chẳng biết gì về nơi chôn nhau cắt rốn của nó khi chào đời. Vì vậy, khi hai chúng tôi về đến thị xã Cà Mau, thằng Chiêu cứ do dự không muốn xuống tàu đi về Đất Mũi, rồi khẻ nói với tôi:
-  Bây giờ mình ở lại Cà Mau vài hôm, tìm người quen xin việc làm để kiếm tiền xây xài qua ngày, chuyện về Đất Mũi sẽ tính sau.
      Nghe Chiêu nói, tôi giật mình hỏi nó:
- Sao mầy bảo với tao là về quê mầy, sẽ có việc cho tao làm, theo ghe lưới đánh cá với chú của  mầy?
     Thấy tôi không vui và trách móc, Chiêu nhe răng cười, nói vuốt tôi:
- Thì em nói vậy cho anh an tâm đi cùng với em để có bạn đồng hành.
     Tôi kêu nhỏ tiếng Trời, rồi chưởi suông nó:
- Mầy là thằng mắc dịch!
    Tôi biết làm sao hơn, thôi thì đánh liều gởi thân cho nó. Nhưng chợt nhớ trong đầu, tôi không có giấy tờ  tùy thân hợp lệ, ngoài giấy Lệnh Tha của Công An trại giam, lâu ngày nét chữ mờ nhạt, lại không có đóng dấu xác nhận trình diện quản chế của chính quyền địa phương! Tôi lo âu, nói nhỏ với Chiêu:
- Tao không có giấy phép đi đường, rủi ro tụi công an B2 xét giấy tờ thì tao vào tù là cái chắc!
      Rồi theo thói quen của nó, khịt mũi nói với tôi:
- Anh an tâm, em sống giang hồ quen rồi! Em đến nhà thằng bạn, mượn nó chiếc xuồng, mình chèo ra giữa sông bỏ neo, ngủ thoải mái, không sợ chi công an xét giấy tờ.
      Nói xong, Chiêu bước nhanh vào con hẻm, quay đầu lại bảo tôi:
- Anh đứng đây chờ em!
      Chừng mười phút sau Chiêu đi trở lại, cầm trên tay cây chèo ghe và làm dấu hiệu cho tôi đi theo nó. Qua mấy khóm cây bần ven sông, có chiếc ghe tam bảng mui lợp lá dừa nước đậu bên cạnh gốc cây, Chiêu khẻ nói:
- Tụi mình đêm nay ngủ trên chiếc ghe nầy.
     Dừng giây lát, Chiêu nói trấn an với tôi:
- Đây là ghe đi câu cá của thằng bạn đời, có sẳn gạo và nồi nấu cơm, ở trên ghe cả tuần lễ  chúng ta cũng không đói!
      Chiêu chèo ghe một đoạn xa trên sông rồi mới thả neo giữa dòng. Tôi thắc mắc , khẻ hỏi Chiêu:
- Sao chú mầy chèo ghe đi xa vậy?
      Chiêu khịt mũi, nhìn tôi rồi cười mỉm:
- Bí quyết của giang hồ mà anh!
- Sao gọi là bí quyết?
- Vì chỗ sông nầy là ranh giới giữa hai xã. Nếu công an xã nầy có đi tuần tiểu trên sông, khi họ đến đây,  mình chèo ghe qua xã khác là an toàn.
      Nghe Chiêu kể về kinh nghiệm giang hồ, tôi thầm phục và an tâm gởi thân cho nó! Bây giờ, không còn sự lo lắng về cư trú, tôi mới cảm thấy đói bụng và khẻ bảo Chiêu:
- Chú mầy có thể giải quyết con lợn lòng của anh đang đòi ăn!
       Chiêu gật đầu cười:
- Chuyện dể thôi! Hai mươi  phút là có cơm ngay!
       Tôi phụ một tay nhóm lửa, Chiêu do gạo xong đặt nồi cơm lên bếp. Lửa cháy lập lòe chiếu sáng khoang ghe làm tôi nhớ một đêm tối trời đầu năm, ngồi trong căn chòi lá nơi vườn sau, canh lửa cho nồi bánh tét của mẹ tôi nấu, chuẩn bị mùng ba cúng Tết nhà! Năm đó tôi đã tám tuổi, nhưng vì ở quê nên mới bắt đầu cắp sách đi học trường làng, vừa xong lớp năm tiểu học, đọc báo chưa lưu loát còn phải đánh vần những chữ khó! Trong lúc ngồi canh nồi bánh tét, để tránh buồn ngủ, tôi lấy cuốn sách Quốc Văn Toàn Tập của Bùi Văn Bảo và Đoàn Xuyên ra đọc. Bài văn vần dành cho tiết mục Học Thuộc Lòng mà tôi nhớ mãi không quên những câu thơ mô tả về hình ảnh của làng mạc thời thanh bình nơi quê hương tôi như sau:
* Quê tôi có lũy tre xanh,
Có con sông nhỏ uốn quanh xóm làng
Quê tôi có bãi cát vàng,
Có đồng lúa chín, có ngàn dâu xanh...
       Đêm nay, ngồi canh lửa chờ cơm chín, tôi nhớ về quê nhà quá! Nỗi nhớ không vằn vặt, không ray rứt, mà chỉ nhẹ nhàng pha lẫn cái buồn xa xăm cho thân phận nỗi trôi, rời bỏ quê nhà tha phương cầu thực! Quê nhà của tôi bây giờ dân chúng đang đắm chìm trong nổi xơ xác của nghèo khó. Nhưng chế độ CSVN đã không dám nhận trách nhiệm do bọn họ gây nên, mà tuyên truyền và đỗ lỗi cho kẻ chiến bại: Do hậu quả chiến tranh của Mỹ Ngụy để lại!
       Chiêu nằm trong khoang ghe, thỉnh thoảng lấy tay đập muổi cắn, vang lên âm thanh cộc lốc giữa đên vắng! Nghe tiếng đập muổi tôi nói đùa với Chiêu:
- Những con muổi cắn chú mầy cũng chẳng được chất bổ gì cho chúng! Bởi vì  thân xác gầy còm của chú mầy đã thiếu dinh dưỡng!
       Nghe tôi nói, Chiêu cười khì:
- Có còn hơn không, cũng đở lòng khi đói...
       Nhắc tới đói, tôi ngắt lời Chiêu:
- Cơm đã chín, chúng ta ăn rồi đi ngũ.
       Hai chúng tôi ngồi ăn cơm dưới ánh đèn dầu mờ nhạt, thỉnh thoảng ánh sáng lung linh khi cơn gió nhẹ thổi qua. Chiêu vừa ăn, vừa nói:
- Không có món gì ăn ngon bằng khi mình đói! Bây giờ mình ăn cơm với nước mắm mà tưởng như đang ăn cỗ!
        Thấy Chiêu ăn ngon miệng, tôi vừa ăn vừa kể cho Chiêu nghe một câu chuyện đời xưa:
- Ngày trước có một vị vua bị gian thần làm phản, phải bỏ hoàng cung đi lánh nạn. Vì tránh sự đuổi bắt của gian thần nên đi suốt cả ngày đường mà những cận thần hộ tống không dám dừng lại để nấu cơm cho vua ăn. Chờ đêm tối về, vị cận thần đưa nhà vua vào tá túc một gia đình nông dân nghèo và xin bửa cơm lót dạ. Cơm nấu xong nhưng chẳng có thức ăn! Anh nông dân ra sau vườn hái rau muống, vài trái chanh, vài trái ớt mang vào làm món ăn đãi khách. Rau muốn luộc lấy nước thay canh, ớt chín dầm vào muối pha với chanh làm nước chấm... Khi ăn, nhà vua tắm tắt khen nhỏ với cận thần:
- Khanh cho Trẩm ăn món gì mà ngon quá vậy?
        Vị cận thần đáp:
- Bẩm Bệ Hạ! Món ăn ngài đang thưởng thức là món Thanh Long Quá Giang.
         Nhà vua gật đầu khen:
- Tuyệt! Tuyệt!..
         Và từ đó có danh từ Thanh Long Quá Giang để chỉ rau muốn luộc lấy nước làm canh. Chiêu nghe tôi kể đến đây, nói đùa:
- Đêm nay anh làm nhà vua chạy nạn, em là cận thần!
- Phải được như chú mầy nói thì tao cũng có ngày quay trở lại triều đình!..
- Khi đó anh đừng quên em!
          Tôi cười, trả lời như mình đây là một vị vua thật:
- Trẩm làm sao quên một trung thần như khanh được! Mai nầy về lại triều đình, Trẩm sẽ phong cho khanh chức: Thị vệ đại thần
- Tạ ơn bệ hạ
          Đã gần tuần lễ trôi qua mà hai chúng tôi vẫn chưa tìm được việc làm! Gạo, củi, nước mắm trên ghe cũng gần hết mà cả hai đứa tôi trong túi không còn đồng xu dính túi! Buồn cho tình cảnh khốn cùng, tôi lang thang theo con đường đất ven sông đến thị trấn, mong tìm được một việc làm để kiếm tiền tiêu xài qua giai đọan! Tôi ghé qua cầu tàu, nơi mà những chiếc ghe đang đậu cập bến, chờ bốc hàng lên kho. Thấy tôi đứng ngó quanh trên cầu, một người đàn bà trung niên nhìn tôi rồi hỏi:
- Cậu tìm việc làm hả?
     Nghe người đàn bà nói, tôi không do dự đáp ngay:
- Dạ! Tôi muốn xin việc làm.
     Người đàn bà quan sát tôi như thăm dò khả năng:
- Cậu có làm việc khuân vác bao giờ chưa?
- Dạ có!
- Nhưng công việc nầy nặng nhọc lắm! Khuân than đước từ ghe lên bờ.
- Tôi có thể làm được.
     Chợt nhớ đến thằng Chiêu, tôi nhạy miệng hỏi:
- Chị còn cần thêm người làm nữa không?
- Cần chứ! Tôi cần nhiều người mà. Ghe của tôi hợp đồng chở than đước cho công ty chất đốt Minh Hải, công việc làm quanh năm...
      Nghe nói có việc làm lâu dài, tôi không đợi hỏi ý kiến thằng Chiêu, hứa ngay với bà chủ ghe:
- Chúng tôi hai người. Bao giờ bắt đầu?
- Sáng ngày mai.
      Tôi liền từ giả bà chủ ghe, vội vã đi về báo tin cho thằng Chiêu biết là tôi đã tìm được việc làm. Vừa về tới ghe, thằng Chiêu hỏi chận tôi:
- Anh tìm được việc làm không?
- Có việc làm rồi! Ngày mai chúng ta bắt đầu.
     Tưởng tôi nói đùa, thằng Chiều khịt mũi cười nhạo:
- Anh tìm được việc thì em đãi anh một chầu cafê ...
       Tôi nói nghiêm túc:
- Chú mầy thua rồi! Xin làm thầy thì khó chớ xin làm tớ, làm phu khuân vác thì dể mà. Chỉ sợ chú mầy làm không nổi việc nặng...
       Chiêu nghe tôi nói, biết chắc là tôi tìm được việc làm, nhẹ giọng:
- Chừng nào bắt đầu?
- Sáng ngày mai,  
     Hôm nay là ngày đầu tiên tôi và thằng Chiêu vào nghề khuân vác ở bến tàu Cà Mau. Đã lâu rồi tôi không làm việc nặng nhọc, bây giờ cỏng trên vai một bao than đước bảy chục kílogram thì hơi nặng, nhưng vì cần tiền nên tôi phải cố gắng vượt qua khó khăn! Thằng Chiêu sức vóc nhỏ hơn tôi, khệ nệ bao than trông rất tội nghiệp! Thấy thằng Chiêu đang ì ạch với bao than, sợ làm không được việc sẽ bị chủ cho nghỉ, tôi nẩy sinh ra ý kiến làm khoán và tìm bà chủ đề nghị. Tôi gỏ cửa phòng ngủ nơi hầm tàu, hỏi vọng vào:
- Chị Tư có trong phòng không, tôi muốn bàn thảo với chị về việc làm?
Trong phòng trả lời vọng ra:
- Mẹ tôi đi chợ, cần gì có thể nói với tôi.
     Rồi cánh cửa phòng vụt mở, người con gái nhìn tôi với cặp mắt dịu hiền hỏi:
- Anh tìm mẹ có chuyện gì?
     Tôi không do dự nói thẳng vào đề:
- Thằng bạn của tôi không đủ sức khỏe để làm việc nặng nhọc, tôi e rằng nó làm không đạt yêu cầu, tôi xin đề nghị chị Tư cho chúng tôi làm khoán? Tiền nào việc nấy thì công bình cho chủ và người làm...
     Người con gái không chờ hỏi ý của mẹ, tự quyết định:
- Vậy cũng được! Các anh cứ làm theo đề nghị..
     Thế là chúng tôi lảnh làm khoán, vác hết ghe than nhập kho. Sau ba ngày làm ròng rả, tôi và thằng Chiêu mới hoàn tất công việc!
     Tôi nhớ hôm lảnh tiền công khuân vác ghe than, lòng tôi dâng lên cảm giác vui mừng khó tả! Kể từ ngày ra khỏi tù, hôm nay là lần đầu tiên tôi cầm trong tay một số tiền lớn. Tôi đặt tiền vào túi rồi quay ra bảo thằng Chiêu:
- Chúng ta tìm quán ăn bồi dưỡng một bửa.
       Hai chúng tôi đến quán ăn bên cầu sắt, gọi dĩa gỏi gà với hai tô cháo và xị rượu đế, hai thằng vừa nhâm nhi vừa nhắc chuyện xưa. Dòng sông Cà Mau về đêm nhộn nhịp những đò chèo bán thức ăn như: Cháo vịt, hủ tiếu, bánh canh cho dân ghe chở hàng và những chiếc xà lan thả neo chờ con nước. Rượu vào lời ra, chúng tôi ngồi tâm sự cho đến giữa đêm mới về lại ghe. Khi đi ngang qua bến tàu, tôi quay sang bảo Chiêu:
- Chúng ta ghé lại chị Tư hỏi công việc cho ngày mai rồi hãy về ghe của mình.
     Chiêu không do dự:
- Ừ! Mình ghé chị Tư xin bình trà nóng uống giải rượu...
- Chú mầy có ý kiến hay.
    Tôi đứng trên bờ sông gọi vọng xuống :
- Chị Tư còn thức không.?
      Nghe tiếng tôi gọi, cô con gái chị Tư trả lời:
- Mẹ em còn thức, mời các anh xuống ghe chơi.
      Đêm nay là lần đầu tiên tôi có được buổi trò chuyện trong không khí có tính cách gia đình. Chị Tư quê quán  ở Rạch Gốc xả Tân Ân, huyện Năm Căn, có hai người con là Mai và đứa em trai còn nhỏ. Qua hỏi thăm, tôi mới biết anh Tư bị bệnh đã qua đời cách nay hơn ba tháng, tình cảnh gia đình của chị Tư đang gặp khó khăn trong công việc điều hành chuyên chở mướn hàng hóa.Thời gian qua, Mai phải tạm gánh vác công việc nặng nhọc lái ghe và đôi lúc phải khuân vác hàng hóa mỗi khi không có nhân công giúp việc. Tôi nghe Mai kể, nẩy sinh ý định xin làm công dài hạn cho gia đình Mai. Tôi mở lời cầu may:
- Chị Tư cần người làm công dài hạn không?
     Vừa nghe tôi hỏi, Mai quay sang nhìn tôi:
- Mẹ định nhờ các anh giúp việc lâu dài, bốc vác hàng hóa, lái ghe …
     Chị Tư trong phòng ngủ, nghe chúng tôi nói chuyện và đề cập đến việc làm dài hạn, bước ra trả lời:
- Nếu đồng ý thì các anh về gia đình thu xếp việc nhà rồi trở lại làm cho tôi. Nhưng làm nghề ghe chở hàng hóa như chúng tôi thì rày đây mai đó, nước sông gạo chợ…các anh thích hợp lối sống như thế không?
       Chị Tư đồng ý cho hai đứa làm công dài hạn, tôi vội đáp ngay:
- Tôi rất thích đời sống phiêu bạt sông hồ, đúng với mộng ước của tôi.
      Chị Tư nhìn tôi dặn dò thêm:
- Khi về địa phương cư trú thì nhớ xin giấy phép của công an để chị trình cho Phòng Giao Thông Vận Tải, ghi vào sổ thuyền viên…
        Nghe đến điều kiện xin giấy tờ địa phương, tôi lo âu trong lòng rồi trình bày hoàn cảnh với chị Tư xin giúp đở:
- Em là Ngụy quân, bị học tập cải tạo sáu năm! Mới được trả tự do vài tháng nay, không biết chính quyền địa phương có đồng ý cấp phép cho em không!?
       Nghe tôi nói lên sự thật, chị Tư suy nghĩ giây lát, nói trấn an tôi:
- Chị quen thân với ông phó phòng Giao Thông Vận Tải, ngày mai chị đến nhờ ông giúp đở, ghi tên em vào sổ thuyền viên.
- Cám ơn chị Tư.
       Thế là từ dạo đó chúng tôi được gia đình chị Tư giúp đở cho đi theo ghe chở hàng hóa, làm người phu bốc vác trên các bến tàu! Cuộc sống đúng với từ ngữ để gọi giới sống bằng nghề ghe: Dân sông hồ ngược xuôi bến chợ.
      Tôi nhớ nhất là kỷ niệm của những ngày gần Tết nguyên đán năm 1984. Ghe chị Tư hợp đồng chở dưa hấu cho công ty Thương Nghiệp thành phố HCM, từ Cả Keo đến bến cảng Lê Quang Liêm. Đêm đó, tôi và Chiêu khuân vác dưa hấu cho một người Tàu Quảng Đông, chủ rẩy ở Cả Keo,  thật là kỷ niệm mang ấn tượng êm đềm! Tôi còn nhớ rất rỏ, khi chúng tôi làm xong việc, ông chủ rẩy dưa đãi chúng tôi một nồi cháo gà và chai rượu đế. Hai thằng tôi cùng với ông chủ rẩy dưa hấu nhâm nhi hết chai rượu khi nào chẳng hay! Đến lúc tàn tiệc, tôi đã ngà ngà hơi men, cô con gái ông chủ nhà ra dọn dẹp chén bát để rửa, tôi ngây ngất vì cái đẹp của một cô thôn nữ xuất hiện trước mắt tôi, ở nơi thôn dã hẻo lánh nầy. Cô gái tên Cẩm Lình, gọi theo phiêm âm tiếng Tàu. Dáng người thon thả, mặc chiếc áo ngắn tay kiểu người Tàu để lộ hai cánh tay với làn da trắng nỏn nà, trông giống tiểu thư con của một nhà quí phái. Cẩm Lình nhìn tôi chỉ gật đầu chào rồi dọn dẹp chén bát vào chiếc thau nhựa, quay đi xuống nhà bếp. Thấy tôi nhìn chăm vào con gái mình, ông Tàu Quảng Đông nói giới thiệu:
- Nó là con gái út của Ngộ ( Ngộ, tiếng Quảng Đông có nghĩa là tôi ).
      Tôi hơi ngượng vì câu nói hàm ý của ông chủ nhà, bẽn lẽn đáp:
- Da!
       Qua chuyện trò với ông Tàu Quảng Đông , tôi biết được gia đình của họ cũng bị chế độ CSVN đánh tư sản mại bản, nhà cửa bị tịch thu mới trôi dạt về sống nơi vùng hẻo lánh, hiếm dấu chân người. Thời xưa, gia đình của Cẩm Lình là một hiệu buôn và xuất nhập cảng xe Honda nổi tiếng ở Cần Thơ. Vì vậy, Cẩm Lình cũng thuộc loại thiếu nữ tiểu thư một thời hoa gấm lụa là. Tôi vốn có bản tính ham mê sắc đẹp nên cố tìm cách để có dịp chuyện trò với Cẩm Lình, tôi nói với ông Tàu Quảng Đông :
- Con xuống bếp nhờ Cẩm Lình nấu cho bình trà giải rượu?
     Ông Tàu Quảng Đông có lẽ hiểu ý của tôi muốn tán tỉnh đứa con gái mình nên nói chọc:
- Con gái của Ngộ nó dữ lắm, Nị (mầy) coi chừng! Vì nó dữ cho nên tới bây giờ nó vẫn ế chồng!
- Không sao đâu! Tôi là tay sát thủ!
      Trong khi chờ đợi nước sôi, tôi mở lời trò chuyện với Cẩm Lình:
- Nghe ba nói là ngày xưa gia đình em ở Cần Thơ?
- Sống ở cần Thơ từ lúc sinh ra đời!
- Em đi học trường nào?
- Đoàn Thị Điểm.
       Cẩm Lình chỉ trả lời sẳng giọng khi tôi hỏi, nhưng tôi không bỏ cuộc, tiếp tục gợi  chuyện xưa:
- Thời trước 1975 anh cũng học ở Cần Thơ, ngành sư phạm, có mấy lần đi thực tập sinh ở trường Đoàn Thị Điểm.
      Vừa nghe tôi nhắc đến tên trường ngày xưa của mình học, ánh mắt Cẩm Lình vụt sáng nhìn tôi:
- Anh dạy thực tập năm nào?
- Năm 1973
- Lúc đó em đang học lớp 11. Thời gian thoáng qua mà đã hơn 17 năm rồi!
       Biết được tâm lý của Cẩm Lình còn nhớ về thời học sinh, tôi gợi chuyện tiếp:
- Thời đó mấy cô nữ sinh trường Đoàn Thị Điểm danh tiếng là những đóa hoa hồng trong vườn hoa Tây Đô! Giống như Cẩm Lình nè, bây giờ vẫn còn là đóa hoa xinh đẹp khoe sắc nơi vùng trời Cả Keo!
       Cẩm Lình nghe tôi tâng bốc mình, liếc mắt háy nhìn tôi:  
- Anh khéo mòm lắm! Em bây giờ chỉ là một đóa hoa sắp tàn, nổi trôi theo dòng đời, lưu lạc đến vùng đất mà thuở ấy chưa có dấu chân người!
- Em nói chuyện rất văn chương. Đúng là học sinh ban C.! 
         Nghệ thuật tán gái của tôi đã khiến cho Cẩm Lình có thiện cảm và ngồi nói chuyện với tôi cho đến trời khuya. Hai chúng tôi nhắc nhiều về những ngày tháng nơi Cần Thơ. Từ những địa danh dạt dào kỷ niệm như: Xa lộ không đèn Nguyễn Viết Thanh, ngã ba Đầu Sấu, bến Ninh Kiều..cho đến sa mạc tuổi trẻ có vườn ổi Tây Đô,  là nơi hò hẹn của những mối tình thư sinh đượm thắm xuân thì. Cẩm Lình nghe tôi nhắc lại chuyện xưa, khẻ hỏi:
- Anh tốt nghiệp đại học sư phạm, sao không tiếp tục dạy học mà đi làm công nhân bốc vác?
- Lệnh tổng động viên nên anh vào quân ngũ! Sau 30/4/1975 trở thành Ngụy quân, bị học tập cải tạo, mất dạy từ dạo ấy!
        Cẩm Lình nhìn tôi mỉm cười:
- Hoàn cảnh của anh giống như gia đình em! Tài sản của gia đình bị nhà nước tịch thu vì tội danh tư sản mại bản, và ba  em bị học tập cải tạo gần bốn năm! Khi mãn hạn tù, gia đình bị đưa đi vùng Kinh Tế Mới.
- Chúng ta là những người đồng cảnh ngộ! Nói như thi sĩ Nguyễn Bính: “ Lưu lạc không ngờ lại gặp nhau..”.
- Hồi học năm lớp 11, em học ban C, thầy giáo dạy văn có cho đề tài phân tích tác phẩm Lở Bước Sang Ngang của Nguyễn Bính. Nhà thơ Nguyễn Bính cũng là nạn nhân của chế độ CSVN, bị khép tội chống đối chế độ trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm.!
- Em là người Hoa mà học ban C, lần đầu tiên anh mới gặp!
- Em mất nguồn gốc Tàu rồi! Vì mẹ em là người Việt.
         Tiếng gà gáy từ xa vọng lại báo hiệu trời sắp sáng, chúng tôi chào nhau tạm biệt. Gió đưa con nước lớn thổi nhẹ lao xao những ngọn cây bần ven bờ sông, thầm nhắc nhở cho đoàn ghe chở dưa hấu nhổ neo rời bến! Ghe chạy xa rồi, tôi nhìn ngôi nhà Cẩm Lình dần dần mất hút sau hàng cây mập mờ ánh trăng khuya cuối mùa. Tình chớm nở rồi lại tàn nhanh theo dòng đời phiêu bạt, như con nước trên dòng sông đưa thuyền đi vạn nẻo sông hồ.
       Rồi ngày tháng lênh đênh sông hồ nơi miền Tây, gia đình Mai thương hoàn cảnh của tôi nên gởi gấm tôi đi vượt biển cùng chung chuyến tàu với gia đình người chú ruột của Mai và tôi đã đến được bến bờ tự do. Thời gian sau, tôi nhận được tin buồn gia đình Cẩm Lình bị chìm tàu chết trên đường đi tìm tự do! Như người ta đã nói: “ Dĩ vãng là một nấm mồ chôn vùi kỷ niệm.”. Tôi đi tìm dĩ vãng và chợt nhớ ra hình ảnh thân thương của đêm trao kỷ niệm với người con gái miền quê xứ rẩy Cả Keo. Không biết bây giờ hồn em ở đâu!
        Dương Đại Trường
           Cuối thu 2011