Nguyệt San Số 28


Tình Vương Phố Cổ
Tác giả: Hoa Hoàng Lan
Thể loại :Bút ký

      Từ nhà em đến nhà anh, nếu đi xe Honda, em chỉ mất hơn mươi phút. Nếu đi xe đạp thì hết khoảng ba mươi phút. Nhưng nếu đi bộ kiểu em - nghĩa là vừa đi vừa làm... thơ, vừa ngắm xem hàng rào nhà ai có hoa xinh, hái một đóa để tặng anh nữa chứ! - thì cà-rịch cà-tang, em đi cũng hết gần một giờ đồng hồ. Lâu quá Anh nhỉ, nhưng không sao. Rất nhiều khi em không có ý định đến nhà thăm anh. Bước chân em cứ mải nhịp nhàng đếm bước trên vỉa hè phố Cổ, những vỉa hè chật hẹp so với vỉa hè của các thành phố khác. Em cứ đi, đi mãi, thản nhiên như một người không định hướng. Em chẳng có gì vội vã, cũng không bận rộn và chả bao giờ phải lo bài vở ngập đầu.
     Hồi đó, em rảnh mà. Năm học lớp Đệ Lục, bài vở thanh nhàn như người đang đi du lịch! Em đi học như đi chơi, vì đã có anh làm giúp em những bài toán khó và những bài Vật Lý Hóa Học khô khan, nhức đầu! Vì thế em mới có nhiều thì giờ để... yêu Anh và để được... Anh yêu! Yêu ở cái tuổi đó thì chỉ là những buổi gặp nhau để nhìn nhau, để xem Anh vẽ những bài Vạn Vật, để nghe Anh đàn réo rắt bài “Đàn Chim Việt” và để nghe anh nói đủ thứ chuyện, từ chuyện các ngôi sao trên trời, đến chuyện dưới đất, chuyện bạn bè, chuyện thầy cô, chuyện anh và rồi đến chuyện... mình!
- Sáng nay, em đã ăn gì chưa?
    Để thấy em giật mình ngơ ngác:
- Ơ... Em ấy hả? Hình như từ sáng đến giờ, em chưa ăn gì.
- Tại sao?
- Tại vì em còn phải chờ lúc mẹ vui, mới xin phép mẹ đến nhà bạn được.
- Bạn nào?
- Anh lại còn phải hỏi. Còn ai vào đây nữa?
- Anh mà là bạn của em hay sao?
- Còn gần hơn bạn nữa.
- Thế sao không xin phép mẹ xuống nhà anh, mà phải nói dối đến nhà bạn?
- Để mẹ đánh cho ấy à? Anh chỉ xúi dại em.
- Nhưng em đâu có dại mà nghe lời anh xúi phải không?
- Nhưng em đã còn hơn nghe anh xúi dại...
- Đâu nào? Chứng minh coi!
- Thì em đã cả gan... yêu anh đấy thôi!
- Ồ, đó chỉ là một lời xúi... khôn kinh hoàng, xúi... khôn khủng khiếp, để bây giờ anh có em!”
     Hình như – lâu rồi em không nhớ rõ, nhưng mà hình như đúng như thế – anh đã đưa tay vuốt mái tóc óng mượt của em. Chỉ là một cử chỉ biểu lộ sự dấu ái của anh, nhưng với em, như vừa có một luồng điện ngàn “vôn” truyền sang, chạy nhanh từ đầu đến chân, rồi lại truyền nhanh từ chân lên đầu! Lạ quá! Em nghe tê rần cả cơ thể, đến nỗi em phải dựa sát người vào ghế để... để trấn tĩnh cơn tê kỳ lạ và để khỏi bị ngã đấy anh ạ! Chắc anh không biết những biến chuyển trong em lúc đó. Em không bao giờ nói, thì làm sao anh biết nhỉ? Nhưng tại sao bây giờ không có anh ở bên, em lại nói ra điều bí mật đó? Vì... vì em biết chắc chắn rằng em đã không bao giờ có cơ hội để nói điều đó với anh nữa. Bởi vì... Bởi vì mình đã xa nhau thật bất ngờ...
     Trước khi rời xa phố Cổ mãi mãi, em quyết định làm một chuyến trở về thăm lại nơi chốn xưa, nơi có anh, có em và có biết bao người thân. Khi cầm tập giấy thông hành mầu xanh trong tay, em vừa mừng vừa buồn mà đinh ninh nghĩ rằng đây sẽ là chuyến đi xa thứ nhì trong cuộc đời của em: xa thật xa, xa tít tắp, xa mất hẳn quê hương, và sẽ không bao giờ trở lại nữa. Vì khi bỏ nước ra đi tìm đường tị nạn ở xứ người, thì có mấy ai nghĩ rằng mình sẽ trở về khi quê hương còn ngập bóng thù? Đến đây, anh sẽ hỏi ngược lại em rằng nếu đây là chuyến đi xa thứ nhì của em, thì chuyến đi xa thứ nhất sẽ là chuyến nào và đi đâu hở em? Anh à, em rất muốn anh hỏi em câu hỏi đó, và em sẽ thật nghiêm trang trả lời với anh rằng: đấy sẽ là chuyến đi về lòng đất mẹ mà phàm làm một sinh vật, thì ai cũng phải đi đến. Phải đi thật xa, để đến một nơi mà không một ai biết là ở đâu.
     Em nhớ lại ngày xưa... Rất nhiều khi em không có ý định đến nhà thăm anh. Bước chân em cứ mải nhịp nhàng đếm bước trên vỉa hè phố Cổ, những vỉa hè chật hẹp so với vỉa hè của các thành phố khác. Em cứ đi, đi mãi, thản nhiên như một người không định hướng. Em không có chủ ý, nhưng cuối cùng khi đến trước ngõ nhà anh, mười lần như một, đôi chân em như được gắn máy tự động, đã thản nhiên bước vào một khoảng sân ngập nắng, được che chắn đằng sau hàng cây chè tàu thấp, mà ở đấy, những dấu vết của anh mãi mãi hiện diện, như dẫy tường bị sứt một miếng, cây hoa ngọc lan lá xanh mướt bên góc vườn, ửng lên những đóa hoa mầu trắng và hòn non bộ với những ông tiên bình thản ngồi đánh cờ, những tiều phu vác củi trên rừng.
     Còn bây giờ... Em nhất định trở về thăm phố Cổ để trước khi ra đi mãi mãi. Tuy cảnh vật đã khác xưa nhiều, nhưng bước chân em vẫn cứ mải nhịp nhàng đếm bước trên vỉa hè phố Cổ, những vỉa hè chật hẹp so với vỉa hè của các thành phố khác. Em cứ đi, đi mãi, thản nhiên như một người không định hướng. Em không có chủ ý, nhưng cuối cùng khi đến trước ngõ nhà anh, đôi chân em lại được gắn máy tự động, đã thản nhiên rẽ vào một khoảng sân ngập nắng, được che chắn đằng sau hàng cây chè tàu thấp, mà ở đấy, những dấu vết của anh ngày xưa vẫn còn hiện diện, như dẫy tường bị sứt một miếng, cây hoa ngọc lan bên góc vườn lá vẫn xanh mướt, ửng lên những đóa hoa mầu trắng, và hòn non bộ với những ông tiên bình thản ngồi đánh cờ, những tiều phu vác củi trên rừng. Nghĩa là những gì anh gầy dựng, anh làm ra, đều còn y nguyên.
     Thêm vào đó là một hình ảnh xa lạ, một nét chấm phá rất xấu xí đập vào mắt em. Trước hiên nhà, một người đàn bà ngồi trên chiếc ghế nhỏ, đang vít đầu, rẽ tóc một bé gái ngồi bệt trên nền gạch và dựa vào lòng bà, hình như để bắt chấy. Ồ, lâu lắm rồi, dễ có đến hơn hai chục năm, em mới thấy lại hình ảnh này. Cạnh bên là một người đàn ông với một tay cầm chiếc kềm, tay kia cầm một sợi dây kẽm, đang sửa chữa chiếc dép bị đứt quai. Vì cả ba người chưa ai thấy em, nên em còn đứng im bên ngoài hàng cây chè tàu, để nhìn vào và tưởng nhớ về anh. Nơi đây, anh đã ở với bà mẹ hiền suốt ngày vắng nhà tần tảo buôn bán; anh đã sống những ngày thanh bình; anh đã hít thở không khí trong lành của hàng cây chè tàu, cây ngọc lan quanh năm cho những búp hoa trắng mà em rất thích và em yêu hoa ngọc lan từ đây. Cũng chính nơi đây, mối tình học trò của anh với em đã đơm hoa và tỏa hương thơm ngát cho suốt cả cuộc đời em. Cho dẫu sau này, khi đã có chồng, đã làm vợ người khác, đã làm mẹ của vài đứa trẻ, nhưng em vẫn không bao giờ quên được những giờ phút êm đềm bên anh. Những âm thanh từ ái của anh rót vào tai em như những nốt nhạc du dương đầu đời, những cử chỉ thân ái của anh mà có lẽ cho đến cuối cuộc đời, em sẽ không bao giờ quên, sẽ không có ai cho em được hưởng.
Bỗng bé gái vùng đầu khỏi đôi tay của người đàn bà, và la to:
- Mỏi quá mẹ ơi! Thôi, cho con đi chơi đây!
Rồi ngẩng đầu nhìn, con bé thấy em, nó lại la to – chắc con bé này lãng tai anh ạ! Tại sao em nghe nó cứ la to mãi, từ nãy đến giờ, chỉ vài phút đồng hồ, mà em nghe nó la to đến hai lần:
- Ơ, có ai đứng ngoài cửa nhà mình, mẹ ơi!
Người đàn bà nhìn em. Và cả người đàn ông cũng thả rơi chiếc dép để nhìn em. Em vội chào hỏi:
- Thưa hai bác. Cháu muốn hỏi thăm, đây có phải là nhà của anh... Vũ?
- Vũ? Cô là ai mà hỏi Vũ?
Người đàn bà nhướng mắt nhìn người đàn ông như muốn hỏi. Ông ta nói to:
- Cô này muốn hỏi Vũ.” – Rồi quay qua em, ông nói “Bà nhà tôi nặng tai cô ạ!
Ồ, thảo nào! Em hiểu vì sao cô bé gái luôn phải nói lớn. Em lặp lại câu hỏi lúc đầu tiên hỏi ông về anh. Ông chậm rãi:
- Cô là ai? Quen biết với Vũ thế nào?
- Dạ, cháu tên là Tú. Cháu... là bạn gái của anh Vũ. Ngày trước, cháu thường lui tới với anh Vũ và bác gái, mẹ của Vũ.
- Nghĩa là cô là người yêu của Vũ chứ gì? Người yêu thì bảo là người yêu. Sợ gì ai. Người trong Nam cứ thích nói quanh co.
- Dạ.”
- Cô thành thật, thế thì tôi cũng phải thành thật khai báo với cô.
- Cháu cảm ơn bác rất nhiều.
- Không dám. Chắc cô ở xa mới đến phải không? Tôi là cậu của Vũ. Tôi là em út của mẹ Vũ, nhưng chúng tôi khác cha. Chúng tôi từ ngoài Bắc vào kịp để giữ gìn căn nhà này của mẹ Vũ khi mẹ Vũ được Vũ bảo lãnh đi Mỹ.
- Ồ, như vậy là anh Vũ đang ở Mỹ?
- Chưa. Tôi chưa nói hết những gì cô cần biết. Vũ không còn nữa. Nó vượt biên và mất sau khi mẹ nó đến Mỹ đoàn tụ với nó được ba năm...
Em kinh ngạc, gần như á khẩu, chỉ kêu được mấy tiếng:
- Trời ơi... nghĩa là...
- Gượm đã. Cô đừng cắt lời tôi, vì tôi cũng không muốn nhắc lại chuyện đau lòng này. Nhưng với cô, người yêu của cháu tôi, nên tôi không giấu.”
- Xin lỗi bác.
- Vâng. Để tôi nói. Tôi biết cô Tú mà.
Em kinh ngạc:
- Ồ, sao bác biết cháu?
- Tôi có nghe mẹ cháu Vũ kể về cô. Em gái tôi kể là hai mẹ con Vũ quý cô và cháu Vũ thương yêu cô lắm. Nếu không lạc nhau năm 1975, cô và cháu Vũ tôi có thể nên duyên chồng vợ cơ mà.
Em xúc động cùng cực. Không ngờ mẹ anh lại có thiện cảm và nói tốt về em như thế. Trong khi em thì lại bỏ ra hơn mười năm để... quên anh, anh Vũ ạ! Em vô tình quá phải không Vũ của em?
- Tôi kể đến đâu rồi?
- Đến đoạn mẹ anh Vũ sang Mỹ đoàn tụ với anh Vũ được ba năm. Rồi vì sao mà anh Vũ...
- Vâng, để tôi kể tiếp. Vũ đi học xong Đại Học. Vũ đón mẹ sang sum họp chưa được bao lâu thì thấy nước Mỹ bị xâm lăng, Vũ đăng vào lính Mỹ, thứ lính gì đó rất dữ. Nhìn ảnh nó gửi về cho mẹ nó, tôi thấy nó mặc quần áo vằn vện như con beo gấm trên rừng. Được hơn một năm, có tin báo về là nó đã hy sinh tại chiến trường Tăng Tăng gì đấy. Tên khó nhớ quá, nên đã lâu, tôi cũng quên rồi.
Nước mắt ngập mi, em cũng không ngờ mình đã khóc, cũng như em không ngờ anh
vượt biên và lâu nay đã sống tại Mỹ. Đưa tay áo thấm những giọt nước mắt, em hỏi thêm:
- Như thế thì hiện nay, mộ phần anh Vũ để ở đâu hở bác? Bác có địa chỉ của mẹ anh Vũ ở Mỹ không?
- Còn đâu mà mộ phần hở cô? Thân xác Vũ tan tành vì bị đạn pháo của địch mà cô. Tội nghiệp cháu tôi. Tôi nghe kể mẹ nó như điên như dại sau khi nghe tin dữ về đứa con duy nhất. Lạ thật! Tôi không ngờ đi lính Mỹ mà cũng chết vì bị địch phục kích được nhỉ? Còn địa chỉ của mẹ nó. Cô chờ tôi vào lấy nhé!”
Ông đứng dậy, chân còn xỏ theo một chiếc dép còn lại. Lát sau, ông hớn hở đưa cho em mảnh giấy ghi địa chỉ của mẹ và hai tấm ảnh, một ảnh đã ố vàng, hình em trong đồng phục nữ sinh do anh chụp trước cổng trường và một ảnh còn tươi mầu, chụp Vũ mặc quân phục tác chiến đứng bên mẹ, trước một ngôi nhà đẹp với mái ngói đỏ tươi. Ông nói với giọng thoáng ngậm ngùi:
- Tôi trả lại cô tấm ảnh của cô do em tôi để sót lại. Còn ảnh Vũ, gửi cô để làm kỷ niệm. Chẳng gì cô với Vũ cũng đã một thời yêu nhau.
Em nghẹn lời:
- Cháu cảm ơn bác rất nhiều.
- Anh Vũ ơi!” Em kêu thầm trong cổ họng lời kêu tiếc thương đau đớn muộn màng, anh có nghe không?
- Nếu không, chuyến này mình gặp nhau rồi! Còn ba tháng nữa, em sẽ sang Mỹ đoàn tụ với chồng em, anh ạ!
      Em ngơ ngẩn nhận kỷ vật từ tay người đàn ông cậu của Vũ sau lời cảm ơn rất chân thành. Em chào bác và vĩnh biệt nơi chốn thân yêu của chúng mình.
      Em vĩnh biệt phố Cổ, nơi chôn cuộc tình vụng dại, thơm mùi sách vở của hai đứa mình. Vĩnh biệt tất cả! Ra đi là hết, phải không anh Vũ? Cũng như anh, ngày ra đi, anh đâu có bao giờ nghĩ rằng sẽ vĩnh viễn không trở lại quê hương, không bao giờ trở lại phố Cổ một lần nữa phải không anh?
Riêng em, em còn mơ một ngày trở lại quê hương khi sạch bóng thù anh ạ! Nhưng còn anh, mơ ngày phố Cổ có anh trở về, thì không bao giờ có được nữa rồi, phải không anh yêu dấu của em?
Vũ ơi! Mắt em mờ lệ...

Hoa-Hoàng-Lan