Nguyệt San Số 27


Công Lý Và Trật Tự
Tác giả: Bs Thanh Vân
Thể loại: Phóng tác

     Tiệm ăn Thằng Bờm không phải là tiệm sang nhất thành phố, lại càng không phải là tiệm nằm ở khu an ninh nhất. Nếu tiệm không có những tô cháo gà thật nóng, thật ngọt, những ổ bánh mì thịt nguội dòn tan và nhất là nhưng ly rượu bia sủi bọt nhưng rất vừa túi tiền của tất cả mọi người thì chắc chỉ còn cách dẹp tiệm. Nhưng tiệm Thằng Bờm thật sạchvà mở cửa suốt đêm, nhờ vậy Mạnh, ông chủ, cũng có một lợi tức khá  và tôi thì khỏi phải ngủ ngoài đường.  Từ hai năm nay tôi làm việc ở tiệm này, từ chín giờ tối đến sáu giờ sáng. Đã ba lần bị án và bị tự do hạn chế, ông Tòa đã cho tôi biết rằng, nếu tôi tái phạm lần nữa, tôi sẽ lãnh một cái án thật nặng và có thể ở mãi trong tù. Tôi rất biết ơn ông Mạnh, chủ quán, đã cho tôi thêm một dịp may để làm lại cuộc đời. Vì vậy  khi đến phiên tôi làm việc, tôi đều cố gắng giữ ngôi quán thật ngăn nắp, sạch sẽ như chính nó là của tôi. Chuyện đó, thật ra, cũng chẳng dễ dàng gì.
      Một tiệm ăn nhỏ mở cửa suốt đêm trong một khu lao động, đông đúc không thể nào có một khách hàng chọn lọc được. Nhưng ban đêm, thời gian  cực và khó khăn nhất là lúc các tiệm rượu đóng cửa. Đó là lúc các nhạc sĩ, các bồi rượu, các ông « khỉ đột » làm nghề vệ sĩ, các đấng lưu linh, các chú bé làm nghề đưa sữa, các người không tên không tuổi chỉ hiện ra một lúc rồi biến mất cùng lúc với các tia nắng đầu tiên  của một ngày mới. Thật ra, họ đều giữ trật tự, ăn uống, cười nói xong rồi ra đi. Một đôi khi vài kẻ quá chén cũng có lời qua tiếng lại nhưng phần nhiều không gây một thiệt hại nào đáng kể. Có lẻ một phần vì có sự hiện diện thường xuyên của Phú. Nhưng thông thường thì tôi mong quán có nhiều sinh khí và bớt đi sự có mặt  của Phú. Phú không phải là một cảnh sát viên như người khác. Anh ta cao khoảng một thước chín và nặng khoảng một trăm lẻ năm kilô. Những bắp thịt rắn chắc làm căn phồng bộ đồng phục cảnh sát của anh ta. Nếu có tý mỡ nào trên người anh thì nó chỉ hiện diện trên khuôn mặt thô bỉ. Đôi môi anh ta thật dày và dưới đôi mắt lạnh lẽo và độc ác là hai túi mở nặng nề. Hai má của anh ta gợi cho tôi hình ảnh những tảng mỡ duới cổ những con bò mộng, đôi lông mày đen sậm dính liền lại với nhau  mổi khi anh ta lên tiếng. Giọng nói anh ta thật cao nhưng nó không the thé như giọng đàn bà mà nó làm ta rợn người như tiếng cưa sắt đang nghiến trên miếng gổ cứng. Quán của chúng tôi nằm trong khu vực tuần phòng của Phú và anh ta hay vào quán khi các tiệm rượu đều đóng cửa. Từ khi anh ta bước vào thì trong quán chỉ còn lại tiếng chén dĩa chạm nhau. Phú thường ngồi ở chổ quầy rượu gần chổ tính tiền. Anh ta khi nào cũng kêu hai ổ bánh mì thịt và ngấu nghiến ăn như kẽ chết đói lâu ngày, anh vừa ăn vừa húp xùm xụp ly cà phê nóng bỏng một cách thật thô bỉ. Ăn uống xong Phú đứng lên ,chẳng có vẻ gì là muốn thanh toán tiền ăn. Anh  vừa xoay người lại nhìncác khách hàng đang ngồi ăn và vừa nói thật to vừa cười một cách khinh bỉ : « Ê, chào dân đầu đường xó chợ, tụi bây thật là đồ ăn hại ».Xong Phú nhún vai và buông một câu nguyền rũa cuối cùng » Đúng là toàn một lũ mặt chuột ».Sau đó anh ta lừ lù tiến ra cửa và biến vào đêm tối.
      Sự im lặng tiếp nối thêm một vài phút cho đến khi một người khách nào đó chợt buông lên một câu diểu cợt tục tỉu để biểu lộ sự vui mừng cho sự thoát nợ của họ với một tên trịch thượng, tục tằn, sau đó những câu cười nói mới được tiếp tục lại như thường lệ.
        Lần gặp gở đầu tiên của tôi với ông cảnh sát đặc biệt tên Phú đó diễn ra vaò ngày mà tôi được trả tự do tạm lần thứ ba.Tôi hoàn toàn  có lỗi trong vụ này, hai lần trước tôi đã làm bậy và trã giá cho sự đó, lần thứ ba này cũng hoàn toàn lỗi của tôi. Tôi đã có mặt không đúng chổ, không đúng lúc trong một câu chuyện chẳng tốt đẹp tý nào. Đây cũng là một lổi lầm của Công Lý nhưng thôi chúng ta đừng đi vào chi tiết làm gì. Khi tôi được trả tự do có điều kiện, người điều tra viên của tôi đã nói giúp cho tôi rất nhiều và nhờ thế Mạnh đã mướn tôi giúp việc cho quán ăn của ông ta. Tôi đã tự nhủ là sẽ cố gắng làm việc thật lương thiện. Đêm đầu tiên cảnh sát viên Phú đã đi đến trước mặt tôi ngay trước quầy tính tiền :
- Mày là thằng có án được ông Mạnh mướn đó hả ? Phú hỏi...
- Tôi được trả tự do có điều kiện....
- Vậy thì ráng mà cẩn thận. Tao rất khoái bẻ cổ mấy thằng cô hồn vô tích sự như mày. Đừng bao giờ quên chuyện này nghe không ? Phú nói trong khi đôi môi dày của ông ta nhích lên một cách ác độc.
     Chàng ta cũng gọi hai ổ bánh mì và ly cà phê nóng xong ngồi ăn ngon lành, chẳng để ý gì đến tờ giấy tính tiền tôi đặt trước mặt anh ta.
Tôi cảm thấy lạnh mình khi Phú bước ra khỏi quán. Tờ giấy tính tiền vẫn còn nằm nguyên dưới ly cà phê trống không.Tôi nhặt lên và viết vào mặt sau hai chữ » cảnh sát » xong để nó vào quầy tiền.
      Mạnh bắt gặp tờ giấy đó khi ông ta kiểm tiền vào sáng hôm sau. Ông nhìn vào đó một lúc thật lâu xong vò nát và vất vào thùng rác.
- Ông ta có kiếm chuyện gì với chú mày không ? Ông Mạnh hỏi tôi, bàn tay luồn vào mái tóc muối tiêu được cắt ngắn của ông.
- Không-tôi tránh né trả lời-anh ta chỉ quên trả tiền thôi.
- Đáng lẻ ra tôi phải dặn trước chú mày nhưng tôi quên mất. Đừng tính tiền với tên đó nữa. Hắn đòi gì thì cứ dọn lên cho hắn xong quên đi. Nhưng cần nhất là chú mày đừng gây sự lại với nó. Tên này không phải là người tốt.
Tôi sửa soạn ra về chợt ông Mạnh đặt tay lên vai tôi :
-Tất cả rồi sẽ êm đẹp, chỉ cần con cẩn thận mà thôi....
-Tôi gật đầu, nước mắt vòng quanh và bước ra khỏi cửa, lòng chợt thấy được an ủi thật nhiều.
     Những tháng ngày sau đó tôi lại biết rất nhiều về những chuyện về Phú. Một phần lớn có thể chỉ là những lời đồn đại, những dư luận vu vơ, nhưng thật ra, những kẻ chỉ chuyên sống về đêm như khách hàng của tôi biết rõ thật nhiều chuyện. Đối với họ những lời đồn đại về Phú không hẳn là vô căn cứ, vì vậy họ thường đi từng cặp hay từng nhóm một, vì thật tình họ rất sợ hãi khi phải di chuyển một mình vào những lúc nữa đêm về sáng. Sự việc đó bắt nguồn từ việc không có tuần nào mà không có một người say rượu bị đánh đến chết và xác được ném vào một con đường hẻm nào đó. Một hôm, một người đã được về hưu trí lại thường hay chống ba toon đến quán « Thằng Bờm » uống rượu mổi đêm được tìm thấy nằm chết bên đường, xương sống bị đánh dập nát vì chiếc gậy của ông ta.
       Trong khi đó thì Phú vẫn tiếp tục làm nhục khách hàng của tôi hằng đêm bằng những câu mắng chửi thô bỉ và hổn xược.
        Phần đông những người ở vùng này đều làm ăn gần như ở ngoài vòng pháp luật, vậy làm sao họ kêu cứu luật pháp mà không thể chìm xuồng luôn với lời kêu cứu của họ ? Vì vậy, Phú tượng trưng cho pháp luật, hắn ta cũng tượng trưng cho sự sống và nỗi chết. Chẳng ai dám làm đơn kêu ca khi nghi ngờ một điều gì về Phú, thử hỏi trong đời sống này, ai đủ can đảm để tự ký bản án tử hình của chính mình ?
          Sự việc trong  phố và trong quán “Thằng Bờm » thật rõ ràng như vậy, như một quyền lực không tên nhưng có thật. Giữa lúc đó thì người anh bà con của tôi ở Cali qua tìm tôi. Tôi nói bà con nhưng thật ra Trung với tôi thương nhau còn hơn anh em ruột thịt. Ngày bố mẹ tôi mất, tôi đến sống với anh và bố mẹ anh cho đến khi hai người này thiệt mạng trong một tai nạn xe hơi. Sở xã hội gởi chúng tôi vào hai viện mồ côi khác nhau nhưng chúng tôi vẫn tìm cách giữ sự liên lạc. Trung không như tôi, anh có một đời sống rất mẫu mực và chưa khi nào gặp rắc rối với luật pháp. Anh vẫn thường viết thơ giảng luân lý cho tôi mổi khi tôi làm điều gì không phải và bị »tai nạn ». Mơ ước lớn nhất của anh là một ngày kia hai đứa tôi có đủ một số vốn để có thể làm ăn chung với nhau.
          Trung ào vào quán của tôi vào lúc quán thật đông khách nhất. Miệng anh cười thật tươi, ánh mắt rực sáng, anh ồn ào như người vừa trúng số độc đắc. Mặc dù tôi rất muốn vất hết tất cả mọi công việc và nhảy bổ đến ôm anh để chia xẽ sự vui mừng nhưng tôi không thể nào làm được. Khách hàng đầy tiệm, tôi cố gắng vừa dọn ăn vừa lấy thực đơn của khách hàng vừa nghe chuyện anh Trung. Tôi sung sướng và cảm động đến có thể khóc lên được. Anh nói miên man như người đang hạnh phúc nhất đời : »Trời ơi, hơn bốn trăm năm mươi sáu mẫu rừng đẹp nhất mà  chú chưa bao giờ được thấy đâu.... »
          Chợt Phú vào quán, cả căn phòng ăn trở nên im lặng, nặng nề nhưng Trung vẫn tiếp tục nói. Giọng anh vang vang trong căn phòng đã trở thành căng thẳng lúc nào mà anh không hay. Anh tiếp tục nói một cách say sưa : » Và những đồng cỏ thật xanh, thật tốt, chúng mình có thể có từ ba đến bốn trăm con bò và chúng nó sẽ là những con mập béo nhất vùng. Anh em mình sắp giàu rồi, chú nghe không ? »....
     Phú bước xuống chiếc ghế đẩu và tiến về phía Trung :
- Đưa bằng lái tôi xem ! anh ta nói.
     Một sự im lặng nặng nề  bao trùm căn phòng, không có đến một tiếng động nhỏ nhít nào dù cho đó là tiếng thìa sắt chạm vào tách cà phê.
Tôi cố tình ra dấu cho Trung hãy đề phòng và nhịn nhục nhưng anh ta làm như không thấy và xoay hẳn người lại đối diện với Phú :
- Coi, ông này kỳ chưa ! anh nhỏ nhẹ nói.Tôi đang ngồi trên ghế trong một nhà hàng. Thử hỏi có một tên điên và ngu xuẩn đến độ nào để đi hỏi bằng lái xe của một người khách đang ăn tối không ?
-Tôi là cảnh sát ! Phú cao giọng nạt nộ.Tôi muốn xem giấy tờ của anh !
-Tôi đến vùng này bằng máy bay và đến nhà hàng bằng taxi.Trung trả đủa. Ông hãy tìm một góc tối nào đó mà ngồi chùi cho bóng huy hiệu cảnh sát của mình và để cho tôi yên !
     Trung xoay lại nhìn tôi đúng vào lúc lưng bàn tay của Phú đánh mạnh vào miệng anh. Trung ngã ngửa người vào vào vách của quầy hàng, anh đứng giậy, miệng đầy máu. Anh chùi mặt vào tay áo xong nhìn thẳng vào mặt Phú :
-Thưa ông. anh Trung nói. Nếu ông đủ can đảm, chúng ta sẽ tiếp tục vụ này ở ngoài đường thì hay hơn. Ông cũng nên bỏ huy hiệu và súng ống ở trong này. Hãy tỏ mình là kẻ trượng phu và không nên dựa vào một thế lực nào cả.
Phú có vẻ hài lòng ra mặt. Hắn ta cởi giây đeo súng và xếp nó vào giữa cái
áo đồng phục vừa được cởi ra. Tất cả chúng tôi đều bước ra khỏi quán. Trung chỉ cao chừng một thước bảy mươi lăm và nặng chừng tám mươi kilô. Nhưng mổi cú đấm từ tay trái anh phóng vào mặt Phú có sức mạnh của chiếc búa tạ, tay trái phóng đi tay phải theo liền nhanh nhẹn như con bò rừng đang say máu húc mồi. Phú bắt đầu tỏ ra lúng túng và hơi thở đã khò khè nặng nhọc.... Đã hai lần Phú chạm được người Trung, nhưng anh đã nhanh nhẹn tránh thoát bằng cách nhảy lên cao, đầu anh húc vào đầu của Phú làm tên này phải thụt lùi và trở thành miếng mồi sau đó cho những cú đấm của anh. Sau cùng, Trung đấm liên tiếp năm cú bằng tay trái và tay phải vào ngay quai hàm của Phú, tên này qụy hai đầu gối xuống, gục đầu về phía trước và ngã nhào, mặt đập ngay vào cửa quán ăn. Chúng tôi kéo anh ta vào một con đường nhỏ và để anh ta nằm đó cho đến khi lại sức.
     Một tuần trôi qua, chúng tôi không thấy Phú đến quán ăn như thường lệ nữa. Những người ăn đêm bắt đầu chế diễu nhưng riêng tôi, tôi chẳng thấy thoải mái tý nào. Tôi cố gắng thuyết phục Trung đừng đến quán nữa nhưng anh nhất định không nghe.
     Đêm kia, gần hết giờ làm việc, chỉ còn tôi và anh Trung trong quán vắng, mọi người đều đã ra về, chỉ còn hai đứa tôi ngồi bàn chuyện tương lai. Chúng tôi bàn định về khoảng thời gian mơ ước sắp tới, khoảng thời gian mà hai chúng tôi đã có thể làm việc chung với nhau, chúng tôi bàn đến đời sống với thật nhiều chi tiết thật chính xác , mọi sự việc chúng tôi đã sắp đặt đâu vào đấy. Chỉ còn một tuần lể nữa thôi là tôi sẽ được tự do hoàn toàn và có thể về miền Tây với Trung. Chúng tôi nghĩ rằng, rồi sau cùng Trời cũng cho hai anh em chúng tôi gần nhau. Vào lúc đó thì Phú bước vào. Khuôn mặt anh ta còn mang dấu bầm tím của trận đấu vừa qua nhưng đôi môi anh ta nở một nụ cười thật tươi. Anh ta đưa hai tay về phía trước và tiến đến trước mặt Trung :
-Anh là một người can đảm, anh bạn à !- hắn ta nói- Đó là một trận đấu rất thật thà và lương thiện. Thôi tụi mình dẹp hết mọi thù oán nhé ?
Trung đưa tay ra bắt chợt Phú sờ tay lên túi áo ngực :
-Trời ! Tôi lại hết cả thuốc lá rồi ! Anh còn điếu nào không cho tôi mượn tạm….
     Trung không đủ thì giờ mà thở nữa…đúng lúc anh đưa tay vào túi aó veste thì một tiếng nổ chát chúa làm rung chuyển cả cửa hàng và trong tay của Phú , khẩu súng lục còn bay khói. Viên đạn đã xuyên qua bàn tay của Trung và chui thẳng vào ngực chàng. Trung đã chết ngay lập tức trước khi ngã xuống nền nhà.
-Mày đã chứng kiến đó nghe ! Phú hét lớn- Mày đã chứng kiến tận mắt thằng Trung móc súng định bắn tao.
-Anh ta tìm thuốc lá cho ông…
-Mày  muốn cải tao sao ? Phú nói và hướng nòng súng về phía tôi.
  Tôi bước  đến chốn Trung nằm bất động và lật áo anh lên :
-Anh ta không có mang súng !
-Tao là cảnh sát không phải là thầy bói, tao thấy nó lục túi áo trong như đang tìm súng bắn tao !
-Anh ta tìm thuốc lá, chính ông nói anh tìm thuốc lá cho ông.
-Tao không nhớ gì chuyện đó cả- Phú tỉnh bơ trả lời- Tao chỉ nhớ là tao phải tự vệ. Có phải mày cũng đã nghi như vậy không ?
     Sau khi suy nghĩ kỹ, tôi tin rằng chỉ còn cách nói theo anh ta là tạm ổn. Đã ba lần bị ra Tòa án, lời nói của tôi chỉ có giá trị  như chiếc lá vàng trong cơn bảo giá nếu tôi và Phú ra trước Tòa để đối chứng, và sau đó , làm gì anh ta cũng tìm được cách hại tôi và loại tôi ra khỏi cuộc đời.
-Vâng, đúng như vậy ông Phú ạ…tôi lặng lẽ trả lời anh ta-  tôi cũng đã tưởng anh ta định móc súng để bắn ông.
     Cuộc điều tra án mạng xảy ra sau đó thật là khôi hài và lố bịch. Phú thuật lại theo lời anh ta và tôi luôn luôn đồng ý. Kết quả : án mạng vì tự vệ chính đáng, Phú hoàn toàn vô tội. Đêm đó, tôi đã khóc vùi suốt đêm.
     Cách đây ba tháng tôi đã hoàn toàn được tự do. Bây giờ tôi muốn đi đâu cũng được nhưng tôi tiếp tục ở lại làm đêm cho quán «  Thằng Bờm ». Báo ra chiều hôm nay đã được đưa tới từ chiều nhưng đến bây giờ tôi mới có thì giờ để đọc. Vào trang ba, một bài tường thuật trong mục » Tin địa phương » cho hay cảnh sát viên Trần văn Phú đã bị một tên lái xe ẩu đụng chết ở ngã tư cách quán tôi làm việc khoảng hai cây số. Tên đụng chết người đã chạy trốn thoát.
     Nhà chức trách đang lùng kiếm một chiếc xe loại nhỏ mầu đậm có hai đèn pha bị bể nát.
     Họ đã tìm ra dễ dàng chiếc xe ấy. Nó đậu cách quán ăn của tôi chừng trăm thước. Nhưng dù vậy họ cũng chẳng tìm ra được manh mối nào. Đó là một chiếc xe ăn cắp và trong xe không có một dấu tay nào…
     Hôm đó , tôi đã mang găng tay…
     Anh Trung, tôi đã trả được thù cho anh, và bây giờ tôi có thể rời khỏi nơi này để đi làm lại cuộc đời…

Thanh Vân  phóng tác.