Nguyệt San Số 25


Sáng Ngày Hôm Ấy
Tác giả: Nguyễn Khắp Nơi
Thể loại: Truyện ngắn   

      Nhà tôi có tất cả năm anh chị em, tôi hạng tư. Ba tôi đi lính phương xa, lâu lâu mới được về thăm nhà. Tiền lương lính của ba tôi chỉ có hạn, mà gia đình tôi lại đông anh chị em, nên mẹ tôi phải lo buôn tần bán tảo để kiếm thêm. Vì thế, chỉ vào buổi tối, khi mẹ tính sổ sách xong suôi, mới có thì giờ mà coi xóc việc học hành của chúng tôi, còn ban ngày, anhchị em chúng tôi phải tự sống và chăm sóc lẫn cho nhau.
Năm 1973, lúc đó tôi đã lên sáu, cái tuổi bắt đầu cắp sách đến trường. Mẹ tôi phải ra chợ sớm, nên chị lớn tôi là chị Hằng được giao nhiệm vụ đưa tôi đi học.
    Buổi sang hôm ấy, chị Hằng mặc áo dài trắng nữ sinh, chở tôi ngồi đằng sau xe PC của chị. Tới trường, chị dựng xe rồi dắt tôi vào trước cửa lớp chờ tới giờ học để gặp cô giáo. Chung quanh trường đầy những đứa trẻ như tôi, có đứa đứng khép nép bên cạnh cha mẹ hoặc anh chị, những đứa lớn hơn, đã quen bạn quen trường, nến chơi đùa chạy nhẩy với nhau vui vẻ lắm.
     Một hồi chuông điện reo vang, cả bọn học trò đều ngừng chơi để xếp hàng vào lớp rất là có thứ tự, chỉ có đám Lớp Một chúng tôi là còn đứng quấn bên cạnh người thân, đưa cặp mắt ngạc nhiên xen lẫn lo âu lộn xộn mà nhìn chung quanh. Cô giáo tới nơi, cô nhìn lũ chúng tôi đang mở lớn những cặp mắt nai tơ ra mà nhìn cô, cô mìm cười chào chúng tôi trước và giới thiệu tên cô với một giọng nói nhỏ nhẹ thật là thân mật và dễ mến, làm cho tôi cảm thấy có phần nào yên tâm. Cô mở bản danh sách học sinh ra, đọc tên từng đứa và chỉ chỗ đứng xếp hàng, lúc cô gọi đến tên tôi, tôi mới dám ngập ngừng buông tay khỏi tay chị Hằng để đến chỗ xếp hàng với những người bạn mới.
    Chưa tới giờ về, tôi đã bồn chồn nhìn ra ngoài cửa sổ tìm chị Hằng, may quá, chị tôi đã đứng đó từ lúc nào. Giờ tan học thật là ồn ào và đông đảo, khói xe mù mịt hoà lẫn với tiếng còi xe inh ỏi, chị tôi lách xe mãi mới lần ra khỏi trường học chạy vào đường chính. Khi chị cùng với các xe khác vừa mới quẹo phải thì một chiếc xe gắn máy từ phía trên phóng ào tới, đụng ngay vào người lái xe Honda bên cạnh xe của chúng tôi, làm nguời lái xe này bị mất thăng bằng, lại đụng vào đằng trước xe của chị Hằng. Chị hoảng hốt kêu “Á” lên một tiếng rồi ngã nhào xuống đường. Tôi chưa kịp kêu tiếng nào cũng đã ngã theo chị tôi.
     Tôi lồm cồm ngồi ngay dậy, vội vàng buớc tới kéo chị Hằng đúng lên. Áo dài của chị bị vướng vào pê đan của xe PC làm chị lúng túng không thể nào đứng lên được. Tôi nhỏ con chút xíu, kéo chị Hằng đứng lên đã là khó khăn rồi, sức đâu mà tôi dựng chiếc xe lên! Tôi đang sợ phát khóc lên thì chợt thấy thấy có một cánh tay nào đó thật là rắn chắc ôm lấy vai tôi, và một giọng nói thật trầm ấm vang lên bên cạnh:
“Em nhỏ đứng lên đi, để anh phụ cho”
Tôi chưa hiểu gì cả, nhưng cũng đứng lên, một người nào đó đã đẩy chiếc xe PC qua một bên rồi đỡ chị Hằng đứng dậy, nhặt đôi guốc cho chị mang, rồi mỉm cuời hỏi chị:
“Cô . . . có sao không?”
Tôi nghe chị Hằng trả lời:
“Cám ơn . . . ông. Tôi chỉ bị ngã thôi, chắc không bị thưong gì đâu. Em tôi đâu rồi?”
Người được chị Hằng gọi bằng “ông” dã nhanh nhẹn quay lại, nắm lấy tay tôi dẫn lại trước mặt chị, hỏi tiếp:
“Có phải em cô đây không? Không thấy cậu ấy khóc, chắc cũng không bị thưong gì gì đâu.”
Tôi ngước mắt lên nhìn cái người đang nắm lấy tay tôi. Qua cặp mắt của đứa trẻ sáu tuổi, tôi thấy, đây không phải là . . . “ông” mà chỉ là . . . anh thôi, và anh này là anh Lính.
     Người lính này có vẻ khác với ba tôi. Ba tôi mặc quần áo lính mầu xanh lục, cả quần lẫn áo, chỗ nào cũng có túi, túi đựng tiền cho mẹ tôi, cam quýt soài ổi cho các chị tôi và cả đồ chơi cho tôi nữa. Còn người lính này mặc bộ quần áo lính mầu gì đâu tôi không biết nữa, nhưng áo may dính liền với quần và . . . chẳng có cái túi nào cả. Ngược lại, trên bộ quần áo lính của anh ta lại đầy những . . . phẹc ma tua: Cái chạy ngang, cái chạy dọc, cái đi lên, cái đi xuống, coi ngộ lắm. Trên đầu của anh đội cái nón vải cùng mầu, gắn hai cái hoa gì đó mầu đen, cũng không giống cái mủ lưỡi trai mà ba tôi thuờng đội. Đặc biệt hơn nữa, anh mang cặp kiếng đen to lắm, che gần hết cả khuôn mặt của anh.
Chị Hằng ôm lấy tôi, xoa hết cả người tôi xem có bị trầy trụa chẩy máu gì hay không, rồi mới hỏi tôi:
“Em có bị đau ở đâu không?”
Tôi lắc đầu nhìn chị, cố méo miệng cười cho chị yên tâm, rồi trả lời:
“Em không sao cả, chị có bị đau không?”
Lúc này chị Hằng mới cúi xuống nhìn vào chiếc áo dài của mình. Anh lính cũng nhìn chị rồi chợt la lên:
“Ô! vạt áo dài của cô bị rách rồi kìa.”
Chị Hằng vội cầm vạt áo dài lên xem. Thì ra lúc chị ngã xuống, vạt áo dài vuớng vào cái pê đan, bị chà xuống mặt đường nên mới bị sờn ra. Chị nhìn vạt áo dài dơm dớm nước mắt . . .
Người lính nhìn chị, ôn tồn nói:
“Lỗi tại tôi đó! Vì bị đụng vào xe bất ngờ, tôi không giữ vững được thăng bằng, nến mới ngã vào cô. Tôi xin lỗi đã làm cô và em nhỏ bị ngã. Ngày mai tôi sẽ mua vài đền chiếc áo dài cho cô và mua quà cho em nhỏ này.”
Chị Hằng vội vàng trả lời:
“Tôi chỉ sợ bị mẹ tôi mắng là đi xe không cẩn thận chứ không phải là tôi tiếc cái áo dài. Vạt áo chỉ bị sờn đi thôi, giặt đi rồi mạng lại là không ai thấy đâu, không phải làm phiền tới ông đâu.”
Nói xong, chị bước tới lấy chiếc xe PC đang dựa vào chiếc Honda, mở công tắc, xe nổ máy ngay, thế là chị ngồi lên yên, tôi vội vàng trèo lên yên sau thật nhanh. Đợi tôi yên vị rồi, chị mới từ từ rồ ga chạy đi. Trước khi chạy, chị nhìn qua người lính, liếc xéo anh ta một cái mà nói tiếp:
“Với lại ông là . . . đàn ông, biết gì về vải may áo dài đàn bà mà đòi mua vải đền cho tôi!”
Tôi thấy anh lính có vẻ . . . ấp úng, anh cũng rồ ga chạy xe theo chị tôi, một lúc sau mới nói tiếp:
“Tôi . . . biết mà . . . em gái tôi cũng mặc áo dài . . . tôi nhờ nó mua được mà . . .”
Rồi anh đổi giọng, bắt qua nói chuyện với tôi, vừa cười vừa hỏi tôi:
“Em nhỏ, em . . . tên gì? Em có thích . . . kẹo không? Kẹo gì nào? Anh sẽ mua tặng em. Tôi thấy anh có vẻ vui tính, nên cũng nhìn anh, mỉm cười trả lời:
“Dạ, em tên là Lê. Em không thích ăn kẹo đâu, anh khỏi phải mua. Anh . . . tên là gì? Anh có phải là . . . Lính hay không?”
Anh lính có vẻ thích câu hỏi của tôi, anh cười thật tươi, liếc nhìn chị Hằng tôi một cái, rồi mới trả lời:
“Anh tên là Khải. Anh là lính . . . lính Không Quân.”
Tôi nghe chị Hằng xía vô:
“ . . . Không Quần thì có . . . “
     Tôi thấy chị tôi nói một câu . . . vô duyên quá! Con gái có khác, chẳng biết gì về lính cả! Dám chê lính không quân là . . . không quần! Con gái con đứa, cũng đã lớn rồi, muời sáu tuổi đời rồi, đã học tới lớp chin rồi, ra đường phải ăn nói cho có ý tứ, phải lịch sự một chút chứ, đừng để nguời ta cười là cha mẹ ở nhà không biết dậy con (tôi bắt chuớc nói theo lời mẹ tôi vẫn thuờng hay mắng chị như vậy).
Trái với ý nghĩ của tôi, anh Khải lại không có vẻ gì là giận chị Hằng của tôi cả. Trái lại, anh có vẻ thích thú về câu phê bình của chị, anh cười lớn một hồi rồi mới trả lời:
“Đúng! Cô nói đúng lắm! Không quân chúng tôi chỉ mặc . . . áo bay mà thôi, chứ không mặc . . . quần bay. Vì thế, mọi người mới gọi đùa lính không quân chúng tôi là . . . không quần đó mà. Cô . . . cũng rành về lính tráng quá nhỉ!
À, mà cô tên gì nhỉ? Tôi tên là Khải , tôi biết tên em bé này là Lê, nhưng chưa được hân hạnh biết tên cô?”
Tôi đang định tài lanh, mờ miệng nói tên của chị Hằng ra. Chị hình như đoán được ý nghĩ của tôi, chị đưa tay ra đằng sau nhéo tôi một cái đau thấu trời xanh mây trắng. Thay vì trả lời anh Khải, chị Hằng của tôi cứ phớt lờ đi coi như không có chuyện gì xẩy ra cả. Đang đi, chị Hằng chợt nói với anh Khải :
“Tôi . . . sắp về tới nhà rồi, anh . . . cũng đi về đi . . . lỡ ba tôi thấy, ông ấy lại mắng tôi.”
Tôi hơi ngạc nhiên, vì nhà tôi còn xa lắm, nhưng chợt thấy chị lại đưa tay ra phía sau, nên tôi nín bặt, sợ chị lại nhéo cho tôi một cái nữa thì tôi chết chắc.
Anh Khải nói vài ba câu bâng quơ nữa rồi quẹo qua đường khác, không quên nheo mắt nhìn tôi và hẹn gặp lại.
Về tới nhà, chị Hằng vừa dắt xe vào trong, vừa lườm tôi:
“Nhóc con, đừng có . . . bép xép chuyện người lớn, nghe chưa?”
Chiều hôm sau, trên đường chở tôi về nhà, tôi mặc dù không mong có tai nạn nào xẩy ra nữa, nhưng cũng có ý chờ xem anh Khải có chạy theo chúng tôi hay không? Tôi thấy hình như chị Hằng cũng có ý chờ đợi cái gì đó.
Quả nhiên, chỉ một lúc sau tôi đã nghe có tiếng xe Honda ngay bên cạnh, rồi tiếng anh Khải:
“Chào cô . . . chào chú bé Lê. Hôm nay anh có cái này tặng cho Lê này.”
Tôi hớn hở nhận món quà anh đưa cho bỏ vào trong cặp và hỏi anh:
“Cám ơn anh Khải . Mà quà của em là cái gì đó hả anh?”
“Đây là chiếc trực thăng đồ chơi bằng gỗ, anh mua ở căng tin Không Đoàn đấy.”
Anh Khải quay qua nói chuyện với chị Hằng:
“Còn đây là vài may áo dài tôi xin được đền cho cô. Tôi đi với em gái tôi suốt cả buổi sáng nay mới mua được đấy. Em tôi cũng biết một chỗ may áo dài đẹp và sang lắm, nếu cô không chê, tôi sẽ nói em tôi đưa cô đi may.”
Chị Hằng không đưa tay ra nhận vải giống như tôi, chị cũng chẳng có lời nào cảm ơn anh Khải cả. Đã thế, chị còn tấn công anh liền:
“Em gái của anh có còn đi học không mà có thì giờ đi lựa vải với anh? Anh là lính mà sao không phải vào trại mà lại có thì giờ đi . . . bát phố vậy? Cám ơn anh đã mua vải, tôi đã nói từ hôm qua rồi, cái vạt áo dài tôi vá lại được mà, không cần phải may áo mới. Hơn nữa, ba mẹ tôi không cho phép nhận quà của bất cứ ai đâu.”
“Em gái tôi nó vừa lên đại học, hôm nay nó có giờ trống buổi sang, nên tôi mới nhờ được nó đi với tôi. Còn phần tôi, tôi . . . đi lính từ hồi 17 tuổi, có bằng Tú tài I là xin vào Không quân ngay, tôi vừa được thăng cấp Trung uý, kèm theo mấy ngày phép, nên mới có thì giờ mà đi vòng vòng đó thôi. Hết ngày hôm nay là tôi cũng hết phép rồi, phải trở lại đơn vị rồi. Không đoàn trực thăng của tôi đóng ở tuốt Biên Hoà lận, thành ra cũng ít khi có dịp về Sàigòn, hôm nay gặp là để chào từ giã cô đó, mai mốt, nếu có dịp về phép nữa, tôi xin được phép đi chung với cô nữa nha.”
Anh Khải đưa món quà mỏi tay mà chị Hằng vẫn từ chối không nhận, anh buồn bả bỏ vào trong cái túi xách đeo bên hông xe. Tới gần chổ mà hôm qua chị Hằng nói đã gần tới nhà tôi, anh Khải chợt cầm cái gói quà của chị Hằng lên đưa cho tôi:
“A! Anh có mua ít me chin cho cô em của anh, nẫy giờ anh bỏ trong túi này mà quên đi, chắc là bể hết rồi quá, Lê cầm cái gói này dùm anh một chút, để anh xem mấy trái me có bị bể hay không nha.”
Tôi nghe thế vội vàng đưa tay ra cầm gói vải áo dài, chị Hằng cũng liếc nhìn xem mấy trái me chin có bị bể hay không? Anh lần tay vào trong túi một hồi rồi vui vẻ reo lên
“May quá, không sao cả, mấy trái me vẫn còn nguyên. Thôi, chắc cũng sắp tới nhà của hai chị em rồi, cho tôi xin kiếu, hẹn gặp lại.”
Chị Hằng vui vẻ cười chào tạm biệt anh Khải :
“Hằng cũng chúc cho anh về đơn vị bình an, chừng nào về phép, cứ về Sàigòn chơi cho vui.”
Đến lúc này tôi mới lại càng cảm thấy chị Hằng của tôi thật là vô duyên, chị cấm tôi không đuợc tiết lộ bất cứ điều gì về chị hết, vậy mà bây giờ, chẳng ai hỏi tên hỏi tuổi của chị, thế mà chị cứ thế tự động nói ra, có phải là vô duyên hay không?
Về đến nhà, chị nhìn tôi ngạc nhiên hỏi:
“Em cầm cái gì ở trên tay đấy?”
“A! Cái gói mà anh Khải nhờ em cầm để xem lại mấy trái me chin ấy mà. Anh Khải về bất ngờ quá, làm cho em không kịp trả lại. Thôi, để mai mốt gặp lại, em sẽ trả cho anh ta.”
Chị Hằng cầm lấy cái gói vải áo, vừa đi vừa lẩm bẩm:
“Cái đồ . . . ma lanh . . . “
Anh Khải về đơn vị thật, vì đã lâu lắm rồi, không thấy anh tới đi chung đường về với chị em tôi nữa. Chị Hằng đã vá lại cái vạt áo dài, còn xấp vải chị vẫn cất ở đâu đó chứ không may áo mới. Tôi còn có nhiều thứ để nghĩ tới, nhiều bạn bè để vui chơi, nên dần dần đã quên mất anh Khải đi rồi, hơn nữa, anh Khải đâu phải là bạn của tôi đâu mà tôi cần nhớ tới. Nhưng chị Hằng chắc là có khác với tôi một chút, đôi khi đang chạy xe trên đường, thoáng thấy có bóng một ông lính không quân nào chạy ngang, tôi thấy chị tôi có ngoái cổ lại nhìn rồi lại thở dài quay đi.
Bất chợt, một hôm, trên đường về, tôi đang hăng hái kể cho chị Hằng nghe chuyện về mấy đứa bạn cùng lớp, tôi nghe một giọng nói quen thuộc vang lên:
“Chào cô Hằng, chào chú bé Lê . . .”
Tôi thấy chị Hằng hoảng hốt quay qua nhìn, tay lái của chị loạng choạng như muốn đâm vào xe của anh Khải. Chị im lặng một lúc rồi mới nói:
“Chào anh Khải . . . đã lâu lắm rồi mới lại gặp anh. Anh . . . trốn ở đâu mà kỹ thế.”
Anh Khải dúi cho tôi gói quà nho nhỏ, tôi nhe răng cười cám ơn anh, nhét ngay gói quà vào cặp. Anh Khải cũng cười lại với tôi, rồi mới trả lời chị Hằng:
“Tôi không trốn người còn sống, chỉ trốn . . . Thần Chết thôi.”
“Anh nói gì? Thần Chết? Thần Chết nào?”
“Tôi lại đụng trận ở An Lộc nữa, phòng không của bọn Việt cộng nhiều quá, chúng nó bắn trúng trực thăng của tôi muốn tan thành từng mảnh, tôi bị thương tùm lum ở trong người, ráng bay về tới phi trường. Tôi nằm bệnh viện cả tháng nay rồi, bây giờ mới đỡ đỡ, mới ra thăm cô đó.”
“Sao anh không . . . nhắn tin cho Hằng biết?”
“Nhắn bằng cách nào bây giờ? Tôi đâu có biết địa chỉ của Hằng đâu mà nhắn?”
“Trông anh có vẻ . . . mệt mỏi quá hả? Anh bị thương ở đâu? Có . . . nặng không?”
“Tôi vẫn còn đầy đủ đầu mình và chân tay, vẫn đi đứng ăn ngủ và tiêu tiểu như thuờng lệ, có điều . . . thiếu vài khúc xương và mất máu hơi nhiều.”
“Anh . . . chưa chết, nên vẫn còn nói tiếu lâm được đấy hả. Nhìn anh xanh sao quá, đúng là mất máu. Anh còn nghỉ được bao nhiêu ngày nữa?”
“Tuần tới tôi sẽ được tái khám, tùy theo bác sĩ chuẩn đoán. Nếu được khỏe mạnh trở lại, tôi sẽ . . . bay nữa, tiêu diệt hết mấy cái đám vịt con này đi. Chúng nó có cái thiên đàng xã hội chủ nghĩa gì đó ở ngoài Bắc, sao chúng nó không ở yên trong cái thiên đàng đó mà cứ đem quân đi đánh miền Nam của mình làm chi vậy.”
     Hôm đó, có thể vì vui chuyện quá, mà khi đi tới chỗ mà chị Hằng tôi thường nói là . . . đã gần đến nhà, tôi không thấy chị nói gì cả. Đương nhiên là tôi không dám làm tài lanh nhắc chị rồi, vì sợ chị lại thò tay ra đằng sau mà tặng cho tôi một cái nhéo đau điếng người. Lần này thì chúng tôi về tới nhà thật, chị Hằng còn dở trò mời anh Khải vô nhà chơi uống nuớc nữa chứ. Anh Khải nói còn mệt lắm, phải về nhà nghỉ. Tôi thoáng thấy anh đưa cái thư cho chị Hằng.
     Buổi tối, tôi thấy chị tôi rì rầm to nhỏ gì với mẹ tôi lâu lắm. Tôi ăn hết cái kẹo cuối cùng anh Khải cho là buồn ngủ lắm rồi.
Sáng Chủ Nhật, tôi thấy chị Hằng ở nhà lăng xăng ủi quần áo, lại nhờ cả chị ba trang điểm cho chị nữa, rồi chị lấy xe PC chạy đi, ra dáng vui vẻ lắm.
    Anh Khải được nghỉ dưỡng thương, làm việc văn phòng ở ngay Sàigòn, nên anh đến đón tôi và chị Hằng thường lắm, có hôm chị Hằng còn mời anh tới nhà chơi, nói chuyện với mẹ tôi nữa.
     Có một hôm, anh Khải tới nhà xin phép mẹ tôi đưa chị Hằng đi chơi, hai người đi qua bữa cơm tối, tới khi tôi sắp đi ngủ thì hai người mới dắt tay nhau về. Khác với thường lệ, thay vì chỉ đưa chị Hằng vào nhà là anh Khải đi về ngay, lần này, anh ngồi xuống ghế uống nước chờ chị Hằng mời mẹ tôi ra nói chuyện.
Tới khi tôi mắt nhắm mắt ngủ trên giường, thì chị Hằng và anh Khải đi vào. Chị Hằng ngồi trên đầu giường của tôi, xòe bàn tay ra khoe tôi:
“Cái nhẫn anh Khải mới tặng chị đây này, em xem có đẹp không? Anh Khải hỏi cưới chị đó. Mai mốt ba anh Khải sẽ tới nói chuyện với ba mẹ của mình để chính thức làm lễ hỏi và định ngày cưới đó.”
     Tôi buồn ngủ quá rồi, hơn nữa, lúc đó tôi chỉ là một cậu bé tám tuổi đầu, biết gì về hỏi với cưới mà thắc mắc. Tôi cũng ráng nhướng mắt nhìn, khen cái nhẫn của chị đẹp, rồi ngủ mất tiêu.
     Anh Khải lại bay trực thăng trở lại, lần này anh cũng bay liên tục, ít khi được về Sàigòn, lâu lâu lại có bạn của anh đưa thư về cho chị Hằng mà thôi. Có hôm, mãi tối mịt ba tôi đột ngột trở về nhà, nói cả nhà phải sửa soạn đồ đạc, quần áo, vì sắp đánh lớn rồi, rất nhiều lính Cộng Hòa ở khắp nơi đổ dồn về Long Bình, nơi ba tôi đang đóng quân. Sáng hôm sau ba lại đi ngay, vì ba nói không thể rời vị trí phòng thủ lâu được. Mẹ không cho chúng tôi đến trường nữa, vì có quá nhiều lộn xộn ở ngoài đường.
     Buổi sáng ngày hôm ấy, tôi thức dậy vì nghe quá nhiểu tiếng súng nổ rung trời rất gần nhà. Ngoài đường, thật nhiều người chạy đi chạy lại, cả nhà tôi lo lắng, mẹ tôi đưa cho chúng tôi mỗi đứa một cái túi nhỏ, nói rằng hể có chuyện gì, mẹ hô chạy, thì mỗi người phải nhớ cầm gói đồ của mình mà chạy theo. Cả nhà đang bối rối, đột nhiên có tiếng lao xao ở ngoài cửa. Chị ba tôi chạy vào nói với mẹ:
“Mẹ ơi, có . . . ông nào cỡ tuổi ba mình, muốn gặp chị Hằng, con không biết là ai cả, nên không cho vào nhà.”
Cả nhà ngớ ngẩn nhìn nhau. Mẹ tôi nhìn chị Hằng . . . giờ này mà còn có ai tới thăm? Cả hai ngạc nhiên, cùng đi ra cửa xem chừng, tôi cũng ra theo . . .
Người đàn ông có vẻ không bình thường, tuy ông có ăn mặc đường hoàng nhưng khuôn mặt đỏ ửng lên như người say. Khi nhìn thấy chị Hằng, ông này bất ngờ nhào tới ôm lấy chị mà kêu lên thật ai oán:
“Em ơi . . . chúng nó bắn rớt trực thăng của anh nữa rồi . . . trực thăng bị cháy, anh kẹt trong khoang tầu . . . anh chết rồi . . . anh chết rồi em ơi . . .”
Cả nhà hoảng hốt nhào tới gỡ tay ông ra, phải khó khăn lắm mới đẩy ông ngồi xuống được. cả mẹ với chị Ba và tôi cùng ráng giữ chặt lấy ông. Mẹ tôi thở hổn hển, hỏi ông:
“Ông là ai mà lại vô cớ xông vào nhà tôi, lại ôm lấy con gái tôi vậy?”
Ông lớn tuổi ngồi im một lúc lâu, mặt ông đã trở lại bình thường. Ông chợt cất tiếng nói với mẹ tôi:
“Làm ơn buông tôi ra đi, làm gì mà nắm tôi chặt thế này?”
Khi thấy ông không còn có vẻ gì nguy hiểm nữa, mẹ tôi mới ra dấu cho mọi người buông ông ra. Mẹ lại nhắc lại câu hỏi hồi nẫy:
“Ông là ai mà lại vô cớ xông vào nhà tôi, lại ôm lấy con gái tôi vậy?”
Ông ta ngồi yên, như cố nhớ lại chuyện mình đã làm. Một lúc sau, ông lắc đầu, nhìn mẹ tôi mà trả lời:

“Tôi cũng không biết tôi đã làm gì nữa? Tôi chỉ nhớ là sáng sớm, có người bạn của con tôi chạy vào báo tin thằng Khải con tôi bị rớt máy bay, đã tử trận rồi. Từ đó, tôi cứ như là người nằm mơ, không còn biết chuyện gì nữa. Tỉnh lại mới thấy là mình đang ngồi ở nhà của bà. Tôi xin lỗi đã làm phiền bà, nhưng xin cho tôi hỏi. . . bà là ai? Đây là đâu mà tự dưng tôi lại đến đây?”
Chị Hằng vùng khóc lên nức nở:
“Anh Khải ơi . . . Anh . . . Anh chết rồi hả anh??? Trời ơi . . . Anh bị rớt trực thăng . . . Anh bị kẹt trong máy bay . . . Anh chết rồi hả anh ơi . . . Anh ơi . . . Anh ơi . . . .”
Mẹ tôi đã phần nào hiểu ra câu chuyện, bà cũng khóc lên nức nở . . . tôi cũng khóc theo. Đến lượt người đàn ông trố mắt ra nhìn chúng tôi thật là ngạc nhiên:
“Chuyện gì vậy? Tại sao mọi người lại khóc?”
Chị Hằng vừa khóc nức nở, vừa nói với người đàn ông:
“Bác ơi . . . có phải bác là ba của anh Khải hay không? Con là bạn gái của anh Khải đó, anh ấy nói sẽ đưa bác tới nhà con để xin cưới con đó, anh có nói cho bác nghe chưa hả bác?”
“Có phải cháu là Hằng không? Có . . . thằng Khải có nói với bác là kỳ nghỉ phép tới sẽ đưa bác tới nhà cháu để xin ba mẹ cho cưới cháu, bác đã sửa soạn sẵn hết cả rồi . . . Trời ơi . . . con tôi . . . con dâu của tôi . . . con ơi . . . thằng Khải đã chết rồi con ơi . . . Nó chết rồi mà còn trở về báo mộng . . . dẫn đường cho ba đến đây gặp con . . . báo tin cho con đó . . . con ơi . . . Khải ơi . . . Hằng ơi . . .“