Nguyệt San Số 24


Anh rể điên
Tác giả: Nguyễn Tuyết Mai
Thể loại: Truyện ngắn   

          Hôm nay nghỉ lễ, chồng đưa con đi chơi công viên. Ngồi nhà một mình, Tình nghĩ vơ vẩn về những chuyện buồn vui ở quê hương… Trong đầuTình như một cuốn phim quay chậm. Tình nhớ nhất chuyện anh Toàn về làm rể, năm Tình mới 12 tuổi (anh và chị quen nhau sau lần đi biểu diễn văn nghệ từ hồi cùng ở trong quân đội). Hôm ấy là một ngày Xuân ấm áp. Vừa mới ăn cơm trưa xong, mấy đứa trẻ con hàng xóm kéo đến rủ nhau ra gốc bưởi cuối sân chơi đánh chắt. Nhác thấy một người thanh niên cao gầy dắt chiếc xe đạp cũ kỹ không có chắn bùn rẽ vào cổng nhà Tình. Lũ trẻ thấy thế cười lăn lóc, có đứa còn kêu to:
    - Ơ !  Xe đạp cởi truồng kìa chúng mày ơi !  Khiến anh xấu hổ, quay đầu về phía lũ trẻ như muốn nói “  Đừng chọc ác anh nhé, mấy em !’
    Anh là Chu văn Toàn, tuổi ngoài 30. Lần thăm nhà Tình này là anh đến để xin phép cha mẹ cho anh dạm hỏi chị Tâm - chị gái của Tình. Quê anh ở mãi tận trên núi cao, nhà rất nghèo, bố mẹ mất từ lâu, anh sống nương nhờ vào anh trai, cả sau khi từ chiến trường miền Nam trở về. Từ nhà Tình đến nhà anh khá xa, thương con gái vất vả nên lúc đầu cha mẹ Tình không đồng ý. Nhưng hai người nhất quyết lấy nhau cho bằng được, thế là đất phải chịu trời. Rồi anh chị thành vợ thành chồng.
     Anh chị cùng là công nhân nông trường chè Thái nguyên, đồng lương ít ỏi không đủ sống qua ngày. Năm bữa nửa tháng anh chị lại thay phiên nhau về nhà Tình xin gạo và rau. Cuộc sống quá vất vả và lam lũ, do thời thế chung cả nước khi đó chứ không riêng gì gia đình riêng của anh chị. Bé Tõm - Con gái đầu lòng của anh chị ra đời sau đó một năm, vào đúng dịp Tết nguyên đán. Anh về nhà Tình, xin phép cha mẹ cho Tình đến nhà anh để chăm sóc, giúp đỡ chị. Khi thì giặt giũ quần áo, tã lót, khi thì băm rau nấu cám cho heo, rồi thì cơm cháo, dọn dẹp nhà cửa. Tất cả những công việc ấy Tình làm thuần thục và nhanh chóng như người lớn. Bởi khi ở nhà, chị đi vắng Tình phải thay mẹ làm lụng tất tần tật những công việc nội trợ để mẹ yên tâm làm việc đồng áng. Bố thì công tác ở xa, mỗi năm chỉ ghé về thăm mẹ con Tình một lần vào dịp Tết. Mỗi lần bố về là Tình lại có thêm một đứa em nữa chào đời. Cơ cực vô cùng nhưng Tình vẫn vô tư, không ngừng lớn lên. Tuy cơ thể có nhỏ hơn chúng bạn, nhưng được cái Tình học giỏi, thông minh và nhanh nhẹn. Bởi thế anh Toàn quý mến, coi Tình như đứa em gái bé út nhất nhà. Lần anh về nhờ mẹ cho Tình đi nuôi chị đẻ, mới đầu mẹ không chịu nhưng anh nằn nỉ mãi khiến mẹ phải động lòng đổi ý. Hôm đó vào đúng ngày mùng 1 Tết nguyên đán.
     Ở nhà anh chị,Tình ngại ngùng và ghét nhất việc giặt tã lót cho bé Tõm. Cả anh rể cũng thế. Có lần hai anh em khiêng chậu quần áo nặng lặc lè ra suối để giặt. Anh rể nói
    - Tình ơi, để anh tìm kiếm được cành cây nhé !
     Thế rồi hai người chọn chiếc tã nào mà bé Tõm ị ra, móc vào cành cây, dìm xuống dòng suối đang chảy, khuấy khuấy vì không ai dám thò tay vào để giặt. Đàn cá mương như vớ bẫm, chúng tranh dành nhau đớp, có ối lần chiếc tã theo cá mương ra giữa dòng suối rồi từ từ cuốn trôi mất. Hai anh em chỉ còn biết im lặng ra về với chậu tã lót vơi dần, vơi dần theo ngày tháng, không ai dám hé răng nói với chị Tâm, sợ bị la… Còn cái Tõm sau này lớn lên, cứ thế nó xa dần gia đình và dì của nó. Nó đi ra nước ngoài học hành rồi lấy chồng, không hề để tâm đến bất cứ một ai đang ở xung quanh. Nó chỉ có một điều làm sao kiếm được thật nhiều tiền …       
      Sau vài năm Nông trường Chè giảm biên chế, nhiều người thất nghiệp. Vợ chồng anh Toàn xin chuyển về thành phố để gần cha mẹ và các em bên vợ. Lúc này Tình đã trưởng thành, đang làm công nhân cho một Công ty lớn cách nhà 5 km. Tình lại có dịp ở cùng với anh chị và trông cháu giúp. Nhà chỉ có duy nhất một chiếc xe đạp để anh đi lại. Tình làm ca nên phải về đêm, sợ khuya khoắt, nhỡ có ai chọc ghẹo, nên hàng đêm, trước 10 giờ đêm anh đạp xe đến cổng Công ty đón Tình về. Nhiều ánh mắt tò mò rồi gièm pha tai tiếng của những cái mồm vô bổ, vô học. Họ chụp lên đầu Tình lời ác độc “ cặp bồ với thằng già ”. Nhưng anh Toàn vẫn không nản chí. Anh vẫn coi Tình như đứa em gái út, như ngày nào Tình còn bé tẹo ở với anh trên Thái Nguyên vậy. Còn Tình thì xấu hổ, tủi hận, coi khinh những kẻ rảnh hơi đàm tiếu hại người.
      Anh Toàn mỗi ngày một yếu. Đến tuổi 50 anh không còn làm được việc cơ quan nên xin nghỉ mất sức. Anh sắm bộ đồ nghề mọn sửa xe ngay trước cửa nhà mình. Anh làm cần mẫn, chu đáo, chủ yếu là giúp đỡ xóm làng, bà con quanh khu phố và bọn trẻ đi học, tiền công anh lấy rất ít. Bởi thế nên bà con lối xóm ai cũng quý mến, tin tưởng anh. Có người xe hỏng tít ở tận đâu cũng dắt về nhờ anh sửa giúp. Có công việc gì mà ai nhờ vả, anh đều sẵn lòng giúp đỡ nhiệt tình, không lấy tiền công.
     Thời gian trôi đi vèo vèo. May mắn ở công ty Tình có đợt tuyển chọn đưa người ra nước ngoài học nghề. Tình trúng tuyển, ra đi rồi lấy chồng, định cư luôn nước bạn. Ở bên nhà nghe nói Anh Toàn hay bị đau đầu, thi thoảng lại lăn ra ốm, không rõ nguyên nhân. Những cơn đau cứ nặng dần khiến anh vật vã, khổ sở chống chọi. Nhiều khi không chịu được anh lấy đoạn giây chun vấn nhiều vòng thật chặt lên đầu để giảm cơn đau. Một hôm chị Tâm đưa anh đi khám bệnh, chụp X quang, làm xét nghiệm, bác sĩ phát hiện trong đầu anh có mảnh bom bi từ hồi chống Mỹ. Trước kia anh từng đi bộ đội nhiều năm vào Nam, Trong một lần đi tiên phong mở đường cho trận đánh mùa xuân năm 1975, anh và một người bạn xuống suối lấy nước cho đồng đội thì bị giặc phát hiện, bắn. Người bạn của anh bị bắn trúng dây thắt lưng khiến cho những chiếc bình tong đựng nước rơi xuống đất lăn lóc. Còn anh Toàn thấy đạn xoèn xoẹt trên đỉnh đầu, đau nhói. Khi đó phải gấp rút, ẩn náu ngay vì sợ địch phát hiện ra sẽ tiêu diệt cả tiểu đoàn đang ở gần đó. Anh quên mình vừa bị trúng đạn, cố gắng dìu bạn náu vào lùm cây, tìm cách thoát khỏi luồng đạn của địch bắn ngày càng nhiều và càng gần. May mắn là anh Toàn đã dìu được đồng đội bị thương đến chỗ tiểu đoàn  an toàn.
     Anh được đưa về trạm xá Trung đoàn điều trị vết thương. Bác sĩ chỉ khám sơ qua vì nghĩ là vết thương phần ngoài. Anh Toàn cũng thấy đỡ sau vài ba tuần điều trị. Ra viện anh được cấp Giấy thương binh loại nhẹ. Sau lần bị thương đó, tính tình của anh thay đổi hẳn, lúc khóc lúc cười, lúc cục cằn, nóng nảy. Không ai nghĩ là anh bị ảnh hưởng từ đó. Một lần do cãi với đồng đội, tự tay anh xé tờ Giấy chứng nhận thương binh và quên đi mình đã từng bị thương. Kể từ đó có nhiều người gọi anh với cái tên Toàn hâm …
      Lại nói về vết thương: Hơn 20 năm, mảnh đạn ở trong đầu anh Toàn mà chưa gây ra phản ứng nào nghi ngờ. Có điều người ta gọi anh là Toàn hâm thì thật là thương tâm. Anh ngày càng bốc đồng, nói chuyện ba hoa, tếu táo nhưng tâm địa thì thật sáng trong. Anh cứ hâm hâm như thế, rồi dần chuyển sang điên dại. Những lúc điên thật sự, có lẽ cơn đau đầu khiến anh không thể chịu đựng nổi. Anh chạy thục mạng ra đường,không hề biết là mình chạy đi đâu. Cứ thế anh vừa chạy, vừa hô:
   - Các đồng chí theo tôi, bắt lấy nó… Bắn, bắn !!!
     Khiến cho cả nhà lo lắng, chạy theo tìm và đưa anh về.  Mỗi lần về nước, Tình đều mua quà tặng anh - người anh rễ mà Tình luôn quý trọng. Có lần Tình đem về cho anh chiếc đồng hồ của chồng đã dùng nhưng là loại rất tốt. Tình vẫn tự hứa với lòng mình sẽ mua tặng anh chiếc đồng hồ mới vào dịp sau ...
     Có lần về, Tình  tận mắt chứng kiến anh chạy tít vào trong xóm (cũng may là khu vực này ít xe cộ đi lại). Đến khi người thân chạy theo tìm được thì thấy anh nằm lăn ra đất khóc nấc lên, kêu trời ! Tình thương anh rể vô cùng, gạt nước mắt, không dám để anh nhìn thấy. Chị Tâm lại đưa anh đi tái khám. Bác sĩ cho biết vết thương có mảnh đạn trong đầu nay đã gỉ không thể phẫu thật được, ảnh hưởng đến toàn bộ não nên giỏi lắm là anh sống thêm vài  năm nữa. Không ai muốn tin vào điều đó. Cả nhà ai cũng cầu mong cho anh rể sớm qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo.
     Những lúc tỉnh táo, anh vẫn sửa xe giúp hàng xóm, vừa lấy chút tiền giúp vợ chi tiêu. Một lần về vào dịp Tết, anh Toàn mừng tuổi con của Tình đồng xu mới 500đ. Cu con không biết là tiền cứ nhằm cái khe hay cái lỗ nào sâu sâu là đút đồng xu vào, rồi lại đòi lấy ra, không được thì khóc thét lên, thế là bác Toàn lại chiều rồi cho cháu đồng xu khác… Mỗi lần nghĩ lại, Tình thấy thương người anh rể vô cùng như tình anh em ruột thịt đã tận tụy hết lòng với gia đình vợ hơn 20 năm ròng…
      Lần về nước Tình gặp anh rể mới nhất cách đây 4 năm tròn, Dịp đó nhà Tình làm lễ mừng thọ 70 tuổi cho bố mẹ. Thật may hôm đó anh Toàn tỉnh táo ( ai cũng lo nhỡ anh bỏ chạy như những ngày trước thì làm thế nào đây ? ) Nhưng không, anh xin trông giữ xe cho khách, ước chừng có khoảng 200 khách đến mừng. Hai bên lối đi vào nhà là hai hàng xe máy để kín. Anh lăng xăng đi lại giúp khách đưa xe vào, lấy xe ra như một người giữ xe thực thụ. Hôm ấy chắc anh đau và mệt lắm nhưng vẫn cố gắng chu đáo với công việc…
     Trong bữa tiệc chia tay, Tình nhìn kỹ thấy khuôn mặt anh hốc hác, gầy gò, lòng trào dâng thương mến không nói được thành lời. Hình ảnh ấy cứ đeo bám mãi,..
      Một buổi chiều đi làm về như thường lệ, Tình vào phòng mở nick chat, trước tiên là chesk email và đọc các tin nhắn. Bỗng mắt Tình hoa lên. Trước màn hình là một dòng chữ ngắn ngủi, đau đớn từ nick chat của đứa cháu ruột:
   -  Cô Tình ơi ! Bác Toàn mất đêm hôm qua rồi cô ạ. Đau buồn quá !     
     Tình run rẩy, kiếm tìm điện thoại để gọi về nước xem thật hư ra sao… Tình gọi gần như hết lượt các số của người nhà đã lưu trong máy mà không có ai thưa, Tình lại gọi từng người một trong gia đình lần nữa, đầu dây bên kia như vẫn câm lặng… Đến lần cuối thì may sao liên lạc được với số máy của dì út. Âm thanh đầu tiên là tiếng trống kèn đám ma vang vọng inh ỏi, nghe thật xót xa.
    - Ôi chị ơi, anh Toàn mất đêm qua rồi ! Sáng nay phát tang. Ngày mai là di quan. Hu hu !!!…
     Giọng khàn khàn do khóc nhiều, mất tiếng của đứa em gái cất lên cùng tiếng nấc nghẹn ngào. Tình xót xa gào lên trong tuyệt vọng. Cứ thế Tình cầm điện thoại khóc thật to, đau đớn chừng 30 phút khiến cho đứa con trai bé bỏng không hiểu chuyện gì xảy ra cũng khóc òa theo nức nở. Buổi tối hôm đó chồng đi làm về biết chuyện đã vào bếp thay vợ. Tình rất ân hận vì chưa kịp mua cho anh rể chiếc đồng hồ mới như lòng đã hứa. Nghe chị Tâm cho biết, hôm mai táng đã đem theo cả chiếc đồng hồ cũ Tình cho anh rể (anh rất thích và dùng nó hàng ngày)…
     Sau khi biết nguyên nhân bệnh tình của anh, chị Tâm đã chạy vạy xin được Giấy chứng nhận thương binh loại 4 cho anh trước khi anh mất. Khi anh bị nguy kịch, gia đình đưa anh đi cấp cứu nhưng không kịp. Bác sĩ cho biết anh bị đứt mạch máu não, ảnh hưởng từ mảnh đạn trong đầu là có thật 100%. Sau khi mai táng cho chồng, chị Tâm nén đau thương lên đường lo làm giấy tờ chứng thực để anh đỡ thiệt thòi, không phải mang cái tên Toàn hâm, Toàn Điên về thế giới bên kia. Rất may là các đồng đội cùng đơn vị của anh, những người làm chứng khi anh bị thương và điều trị ngày ấy vẫn còn. Cùng với xác nhận của bác sĩ: anh mất do vết thương chiến tranh để lại nên anh chính thức được Nhà nước ghi công, công nhận là liệt sĩ. Sau này cải táng chị Tâm đã đưa anh về nằm trong Nghĩa trang liệt sĩ của thành phố cách nhà vài km. Các cơ quan đoàn thể tổ chức trọng thể lễ truy điệu, tiễn đưa anh như một liệt sĩ ngoài mặt trận. Tất cả bà con lối xóm cũng đến chia buồn, phúng viếng. Điều này đã an ủi được phần nào cõi lòng chị Tâm.  Ở nơi suối vàng chắc anh mỉm cười, mãn nguyện. Anh đã điên và chết do vết thương chiến tranh khi làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Anh nằm xuống khi mới ngoài 5o tuổi…
     Ngoài kia nắng đang lên. Một ngày thật đẹp. Những nụ hoa anh đào đang chúm chím đợi đến ngày nở bùng lên. Tiếng còi tàu xa xa rú lên vang vọng khiến cho Tình bừng tỉnh, thoát khỏi luồng suy nghĩ  miên man... Chỉ còn vài hôm nữa là đến ngày giỗ kỷ niệm 4 năm ngày anh mất (30/3/2008 - 30/3/ 2012). Tình mở máy tính ngồi gõ những dòng gửi đến anh rể đang ở bên kia thế giới :
     “ Anh Rể kính mến! Với em thì anh chưa bao giờ điên ! Anh luôn là người anh quý mến, kính trọng của em. Từ tấm lòng thành của mình, em thắp nén hương  cầu mong hương hồn anh được thanh thản nơi chín suối. Mong anh linh hiển phù hộ, độ trì cho vợ con anh - những người thân khốn khổ khi thiếu vắng bóng người đàn ông trong gia đình ” ..
      Đứa con gái lớn tên Chu Tiên Tõm của anh có lần nhắn tin cho Tình: “ Dì ơi cháu vô tình tìm thấy dì trên facebook. Cháu không nhớ lần cuối cùng dì và cháu gặp nhau và mất liên lạc là năm nào nữa ? Hy vọng qua cái này cháu và dì nối liên lạc nhé! ”
     Vậy mà gần nửa năm nay, nó vẫn biệt tăm, biệt tích luân hồi !...

 Japan tháng 3/2012.