Nguyệt San Số 19


Về Thăm Chốn Xưa
Tác giả: Dương Đại Trường
Thể loại: Bút ký   

Bâng khuâng muôn dặm trời viễn xứ
Đất khách quê người bao nhớ nhung!

D Đ T

   Xe dừng lại trước quán cafê bên dốc cầu, người tài xế đi vào quán rồi trở ra xe, nói với người hành khách Việt kiều:
- Anh Trường ơi! Chủ căn nhà đối diện mà mình muốn tìm, đã bán nhà và dọn đi nơi khác hơn sáu năm rồi!
- Chú mầy có hỏi dùm, dọn đi về nơi đâu không?
- Có! Nhưng cô chủ quán cafê nói không biết đi nơi đâu! Vì gia cảnh suy đồi, họ bán nhà rồi dọn đi âm thầm, không nói với láng giềng một lời từ giả.!
Trường thở dài như thất vọng, giục người tài xế:
- Chúng ta tìm khách sạn qua đêm rồi ngày mai trở lại hỏi thêm vài người hàng xóm, mong có manh mối về Kiều Nga.
Như thói quen của một người tài xế chạy xe cho dịch vụ du lịch, Tuấn hỏi nhanh:
- Anh Trường muốn thuê khách sạn loại nào? Loại ba sao, bốn sao..
Trường nhếch môi cười, trả lời:
- Không cần khách sạn loại sao, chỉ cần nhà trọ bình dân, miễn sao có đầy đủ tiện nghi thông dụng.
Tuấn lái xe qua những con đường nhỏ rồi dừng lại trước căn nhà với tấm bảng hiệu viết chữ sơn màu đỏ: Phòng cho thuê giá bình dân. Tuấn quay sang nói với trường:
- Nhà trọ nầy quen với em, phòng có máy điều hòa và giá cho thuê lại rẻ...
Trường nhìn vào căn nhà lầu hai tầng, nước sơn cũ kỹ, hỏi Tuấn:
- Có an toàn về mặt trộm cắp cho khách trọ không?
- Anh Trường khỏi phải lo! Khu vực nầy an ninh lắm! Vả lại, chị Sáu chủ của căn nhà nầy xưa kia là một người thuộc hàng danh gia vọng tộc! Sau ngày 30/4/1975, tài sản đã bị chánh quyền CSVN tịch thu tất cả trong đợt đánh Tư Sản lần đầu! Căn nhà nầy là của thằng rể, chồng cô gái thứ hai của chị Sáu.
Nghe Tuấn nói về lý lịch người chủ nhà trọ, Trường mĩm cười, nói đùa:
- Chú mầy tưởng anh sợ bọn trộm cướp hay sao mà nói trấn an như vậy! Dù sao anh cũng có chút ít võ nghệ gia truyền mà!
Tuấn lấy tay gãi đầu, không đáp lời, rồi đi ra phía sau mở cốp xe lấy hành lý xách theo Trường. Vừa đẩy cửa bước vào, nghe tiếng bà cụ nằm trên chiếc võng gọi người trong nhà:
- Bé Hai ơi! Có khách thuê phòng..
Cô gái từ nhà dưới chạy vội lên, ngồi xuống ghế phía sau chiếc bàn làm việc rồi lịch sự hỏi Trường:
- Chú cho cháu mượn giấy Chứng Minh Nhân Dân?
- Không có Chứng Minh Nhân Dân... Có giấy Passport được không?
Cô gái trố mắt nhìn Trường với cử chỉ ngạc nhiên, giải thích:
- Qui định của chính quyền đặt ra cho nhà trọ bình dân là không được phép nhận người nước ngoài thuê phòng. Chú là Việt kiều thì phải ở khách sạn hạng 4 sao trở lên mới đủ tiêu chuẩn nhà nước đề ra.
Nghe cô gái nói, Trường cười đáp lại:
- Việt kiều! Nếu không có đủ tiền để trả tiền phòng loại khách sạn hạng sang thì sao?
Cô gái trả lời ấp úng, giáng điệu ngây thơ:
- À hả! Chính phủ qui định thế nầy cũng khó khăn cho Việt kiều. Nhưng mà, Việt kiều thì có nhiều tiền lắm! Họ về nước thường ở những khách sạn cao cấp. Cháu gặp chú là người Việt kiều đầu tiên đến đây thuê nhà trọ..
- Như vậy thì cháu làm người đầu tiên phá lệ cho chú thuê phòng trọ qua đêm nha?
- Không được chú ơi! Công an xét phòng thì bị phạt nặng lắm!
Thấy cô gái nói chuyện vui vẻ, dể cảm tình, Trường nói trấn an:
- Nếu rủi ro bị phạt thì chú trả tiền lại cho cháu!
Tuấn nói xen vào:
- Chuyện rất dể để trả lời với công an: Bé Hai khi đến công an trình sổ tạm trú thì khai báo với họ là có người chú bà con về nước, ở chơi với gia đình vài hôm...
- À! Ý kiến anh Tuấn rất hay!
Vừa nói xong, Bé Hai lấy giấy Passport của Trường ghi chi tiết vào sổ tạm trú, đặt giấy tờ vào ngăn kéo của bàn làm việc rồi dẫn Trường nhận phòng. Bé Hai đi tới cầu thang lên lầu, quay đầu nhìn lại nói với Tuấn:
- Anh Tuấn tối nay nghỉ chung phòng với em trai của em như mọi khi.
Nghe Bé Hai nói thân thiện với Tuấn, Trường khẻ hỏi:
- Tuấn quan hệ thế nào với gia đình của cháu?
- Ban đầu chỉ là một khách trọ thông thường, lâu ngày rồi trở thành người thân tín. Anh Tuấn mỗi lần lái xe chở khách du lịch ghé qua Cần Thơ, sau khi cho khách thuê phòng ở khách sạn xong xuôi, anh Tuấn về nhà của cháu nghỉ ngơi qua đêm. Hôm nào hết phòng thì anh Tuấn ngủ chung phòng với đứa em trai. Chẳng hạn như hôm nay, còn một phòng duy nhất dành cho chú!
- Vậy hả!
Bé Hai mở cửa phòng, bật đèn, cho máy điều hòa chạy , nói với Trường:
- Chú có gì cần thiết thì cứ gọi cháu.
- Cám ơn cháu.
Nhà trọ có năm phòng. Thiết kế đơn sơ theo tiêu chuẩn bình dân, nhưng có đầy đủ tiện nghi: Máy điều hòa, tủ lạnh, TV. Phòng của Trường có hành lang nơi cửa trước hướng ra sông Cái Răng, vị trí của căn phòng đã cho Trường một cảm giác thoải mái và vừa ý. Vì đi đường xa cả ngày làm cho Trường mệt mỏi, vừa ngã mình xuống giường, Trường thiếp vào ngũ lúc nào không hay, đến khi thức dậy trời đã tối hẳn. Trường vội vả tắm rửa, thay áo quần rồi xuống cầu thang gọi Tuấn đi ăn cơm. Vừa thấy Trường, Tuấn lên tiếng:
- Em định lên lầu gọi anh đi ăn cơm , nhưng sợ làm phá giấc nghỉ ngơi của anh!
- Mệt mỏi quá nên anh ngủ quên!
Trường nhìn quanh rồi khẻ hỏi Tuấn:
- Cháu Bé Hai đâu rồi? Mình gọi cháu cùng đi ăn cơm cho vui.
Tuấn lắc đầu, trả lời:
- Em không biết! Có lẽ Bé Hai đi trình sổ tạm trú cho Công An phường.
Bà cụ nằm trên chiếc võng nói vọng ra:
- Cháu tôi đi gởi đồ cho dì, ngày mai đến ngày thăm nuôi ba của nó!
Trường không đáp lại lời bà cụ, bước vào xe rồi giục Tuấn:
- Mình tìm quán ăn bình dân để dùng cơm tối...
Tuấn ngạc nhiên câu nói củaTrường, đùa lại:
- Anh Trường lúc nào cũng muốn làm người Bình Dân, nếu không khéo thì người ta tưởng đâu anh là Việt Kiều dõm! Em chạy xe cho dịch vụ du lịch đã lâu, nhưng gặp anh là người đặc biệt nhất trong tất cả những Việt Kiều thuê xe do em làm tài xế.
- Đặc biệt ở điểm nào?
- Anh ăn uống, nghỉ ngơi, đều chọn những thứ bình dân.
Tuấn thấy Trường không trả lời, nói sang chuyện khác:
- Chúng ta đến bến Ninh Kiều, có những lều quán dọc theo bờ sông bán thức ăn ngon lắm!
- Vậy thì theo ý kiến của chú mầy..
     Rồi Trường lặng im, nhìn ra bên ngoài theo đuổi ý tưởng trở về trong tâm trí. Phố xá Cần Thơ bây giờ xa lạ quá! Trường không nhận ra được những con đường quen thuộc của ngày xưa, khi Trưòng còn là một sinh viên từ dưới quê lên vùng trời Tây Đô đi học. Chỉ được gợi nhớ mang máng khi xe chạy ngang qua khu đại học Nông Nghiệp, nơi mà ngày xưa mỗi chiều Trường từ khu đại học Cái Khế lái xe Honda đến nơi đây để rước người yêu đi dạo phố. Con đường xưa chạy dài từ ngã ba Đầu Sấu đến dinh Tướng tư lịnh vùng IV, ngang qua địa điểm một thời không quên cho những ai trong đời binh nghiệp: Trung Tâm nhập ngũ vùng IV. Xe chạy đến ngã ba Tham Tướng, gợi cho Trường nhớ rỏ nơi nầy ngày xưa có khu chợ nhỏ bán cho người lao động nghèo, bây giờ đã đổi thay không còn vết tích gì lưu lại, tất cả một không gian thân thương ngày nào hình như nhạt nhòa biền biệt xa xăm trong vùng dĩ vãng! Con đường Tạ Thu Thâu ngày trước dẫn vào khu nhà trọ dành cho sinh viên thuê, dọc theo hai bên bờ kinh Rạch Bần, cũng mất tấm bảng chỉ đường! Có lẽ lịch sử qua trang khác nên những con đường mang tên các danh nhân thời đại cũ cũng bị đổi tên!
Trường đang miên man suy nghĩ, Tuấn quẹo xe vào bãi đậu, khẻ nói:
- Chúng ta phải đi bộ đến những lều quán bán thức ăn dọc theo bờ sông Ninh Kiều, luật giao thông cấm không cho xe hơi vào vùng mua bán!
Tuấn và Trường vừa bước xuống xe, ba đứa trẻ giữ xe vây quanh người tài xế:
- Em giữ xe cho anh? Em giữ xe cho anh?..
Theo thói quen và kinh nghiệm, Tuấn khoát tay từ chối:
- Không cần!
Trường nhìn thấy những đứa trẻ lam lủ, áo quần xốc xếch, van xin giữ xe để kiếm tiền, Trường lên tiếng:
- Tât cả các cháu giữ xe cho chú! Phải trông chừng kỹ, nếu không thì chẳng được tiền..
Ba đứa trẻ vui mừng trả lời “Dạ” rồi ngồi xuống bên chiếc xe hơi. Trên đoạn đường đi đến quán cơm, Tuấn như ái ngại về câu trả lời thiếu dịu dàng“Không cần” với mấy đứa trẻ, nên phân bua với Trường:
- Xã hội Việt Nam bây giờ dẫy đầy trẻ em bụi đời và ăn xin! 
Vốn là người trầm lặng, Trường chỉ đáp:
- Đất nước không có phát triển kinh tế, lãnh đạo độc tài, dân chúng nghèo khổ là chuyện thường tình.
- Nhưng ở Việt Nam, thành phần Cán bộ và Đảng viên thì sống vương giả lắm!
- Vì họ là những người tham ô, bóc lột sức lao động của người khác!...
Hai người ngồi nơi chiếc bàn hướng ra dòng sông Ninh Kiều, vừa ăn vừa chuyện trò. Trời cuối Thu êm ả, thỉnh thoảng một cơn gió nhẹ lướt qua mặt sông, gợn lên những con sóng lăn tăn chạy vào bờ, làm lấp lánh ánh đèn điện chiếu trên mặt nước. Trường ngã người vào lưng ghế, một thoáng dĩ vãng trên bờ sông Ninh Kiều của ngày nào đó hiện về! Ngày ấy tưởng chừng như mới thoáng qua trong quãng thời gian ngắn ngủi của dòng đời. Nhưng không, đã dài lắm, hơn hai mươi năm rồi! Từ ngày vứt áo chinh nhân trở thành kẻ chiến bại, cho tới hôm nay Trường mới có dịp trở về thăm lại chốn xưa. Không gian thơ mộng của bến Ninh Kiều thuở nào, giờ đây phồn hoa giả tạo cuốn theo dòng chảy náo nhiệt của cuộc sống thác loạn dưới chế độ gọi là Xã Hội Chủ Nghĩa! Nhớ lại nơi đây, có những lần Trường cùng vài thằng bạn ở chung căn gác trọ, ngày đầu tháng vừa lảnh lưong xong, cả bọn kéo nhau ra dãy quán bar bên bờ sông Ninh Kiều, nhậu thả giàn cho đến khi say mèm mới lang thang trở về gác trọ!
Trường không muốn nhớ lại những kỷ niệm đi qua, vì chỉ làm đau đớn cho vết thương lòng đã được xoa dịu bằng liều thuốc thời gian, ngủ vùi vào dĩ vãng. Trường đứng dậy bảo Tuấn:
- Thôi! Trời đã khuya rồi! Chúng ta về.
Vừa đến xe, ba đứa trẻ vây quanh Trường, mỗi đứa nói một câu:
- Chú cho con tiền ăn cơm!

- Chú cho con tiền mua gạo!
- Chú cho con xin ít tiền mua thuốc cho mẹ!
Vốn có lòng nhân từ, Trường móc hết số tiền Hồ còn lại trong túi, phân đều cho ba đứa trẻ. Nhận tiền xong, đứa bé gái nói với thằng bé nhỏ nhất trong bọn:
- Điền! Tối nay mầy có tiền mua thuốc cho mẹ Nga của mầy rồi. Hai hôm nay không có thuốc uống, mẹ mầy chắc lên cơn điên nặng.!
Nghe đứa bé nói đến tên Nga, Trường có chút linh cảm hiện lên trong đầu về người yêu xưa tên Nga của mình, khẻ hỏi thằng bé:
- Mẹ cháu bị bệnh gì?
- Dạ, mẹ cháu bị bệnh tâm thần! 
Đứa bé gái xen vào, nói theo từ phổ thông:
- Mẹ mầy bị khùng chớ tâm thần gì.
Bé Điền không cải lại, gật đầu đồng ý cách gọi cho bệnh trạng của mẹ nó. Rồi Điền giục hai đứa trẻ kia:
- Chúng mình về kẻo trời khuya! 
Ba đứa trẻ xin được tiền xong, tẻ ra về. Trường đứng nhìn thằng Điền lủi thủi bước đi, lòng dâng lên nỗi thương hại cho một đứa trẻ còn thơ ngây phải lâm vào hoàn cảnh khổ đau với bà mẹ bệnh hoạn! Trường vẫn đứng trông theo thằng Điền cho đến khi nó khuất dạng sau dãy phố cuối đường. Trường mở cửa xe, ngồi xuống ghế thở dài:
- Tội nghiệp cho những trẻ thơ Việt Nam! Rồi bảo Tuấn lái xe trở về căn nhà trọ.
Nghe tiếng xe dừng trước nhà, Bé Hai vội bước ra mở cửa. Trường ngạc nhiên nhìn đồng hồ:
- Đã khuya rồi mà cháu vẫn còn thức!
- Quen công việc rồi chú ơi! Có khi khách đi chơi về khuya đến hai, ba giờ sáng cũng phải chờ đợi mở cửa.
Trường đi lên thang lầu, chợt quay lại nói với Bé Hai:
- Hồi chiều nầy chú định mời cháu đi ăn cơm tối, nhưng cháu đi vắng.
- Có nghe bà nội nói lại, cháu cám ơn chú!
Trường vào phòng thay áo, rồi nằm xuống giường dỗ giấc ngủ. Nhưng đêm nay, có điều gì khơi lại trong lòng làm cho Trường khó ngủ, chập chờn. Để xua tan những suy nghĩ căng thẳng trong đầu, Trường lấy chiếc ghế ra hành lang ngồi nhìn cảnh vật cho thư giản. Dòng sông Cái Răng về khuya im lìm, nước lửng lờ trôi, vài bụi lục bình lẻ loi nổi trên mặt nước không biết dạt về nơi đâu! Phía xa một chiếc ghe máy có lẽ chở đầy hàng hóa, chạy ngược dòng, động cơ phát ra âm thanh nghe nặng nhọc. Cảnh vật trước mắt làm cho Trường nhớ về Kiều Nga , nhớ về tháng ngày còn là sinh viên nơi khung trời đại học Cần Thơ, khu Cái Khế. Và những lần đi uống cafê với người yêu, xong rồi đôi tình nhân đèo nhau trên chiếc Honda, đến đại lộ không đèn Nguyễn Viết Thanh, trao nhau tình yêu và thề hẹn! Trường nhớ nhiều nhất là giai đoạn đất nước lâm nguy, lệnh tổng động viên kêu gọi thanh niên lên đường nhập ngũ. Trường nhớ rất rỏ những ngày của tuần lễ sau cùng từ giã tà áo sinh viên! Lúc đó, bên kia dãy văn phòng của khu đại học Cái Khế là lớp học của Kiều Nga, mỗi lần nghỉ ra chơi trở vào, sinh viên ban Việt Hán đồng ca bài: Anh Đi Chiến Dịch, nghe rất hùng hồn, như hun đúc tinh thần sinh viên lên đường đánh giặc.Tối về, hai đứa đi ăn chè đậu đỏ, Kiều Nga nói thỏ thẻ bên tai Trường rằng:
- Tụi em hát tặng cho các anh lên đường tòng chinh, bảo vệ tổ quốc, và nhất là đánh bọn Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của nước Việt Nam chúng ta.
Trường lúc đó hỏi đùa lại:
- Em không sợ trở thành góa phụ nữa chừng xuân hay sao?
- Làm góa phụ của chinh nhân là niềm hảnh diện cho người đàn bà mà anh!...
   Dư âm của những lời nói hình như còn đó, nhưng dáng người xưa đâu rồi! Đêm nay, nơi chốn xưa của thời khoác áo sinh viên, Trường ngồi một mình trên hành lang căn nhà trọ, hồi tưởng những tháng ngày ngủ vùi trong quá khứ! Một thứ quá khứ chứa đựng hằng hà sa số những kỷ niệm vui buồn! Chốn xưa bây giờ đã không còn các quán cafê mang tên: Tình Đá, Hương Chiều, nằm đối diện với câu lạc bộ sinh viên, hằng đêm những cặp tình nhân làm nơi hò hẹn! Cũng không còn những thửa ruộng phía sau khu trường đại học Cái Khế, đến mùa lúa chín, khói đốt rạ vương vấn mái trường trong nắng chiều thơ mộng. Trường hối tiếc quá! Thở dài! Mắt nhìn xa xăm trong màn đêm dầy đặc, như cố tìm lại những gì đã mất trong châp chùng những con sóng thời gian ! Dòng sông trước căn nhà trọ, nước cứ lững lờ trôi, biết đâu là cội nguồn! Đằng xa, trên con đường chạy dọc theo bờ sông, một bóng người nhỏ bé xuất hiện, đi về phía nhà trọ, mỗi lúc một gần. Hình ảnh người đi giữa đêm khuya vắng lặng làm cho Trường tò mò theo dõi. Khi đi ngang qua ngọn đèn đường trên cầu, Trường mới nhận ra được thằng bé Điền giữ xe cho Trường khi chiều nơi bến Ninh Kiều. Điền đi qua cầu Cái Răng rồi quẹo vào khu xóm nghèo bên bờ sông, gần căn nhà của Trường đang trọ. Trường buông tiếng thở dài, hối tiếc nói một mình:
- Sao hồi chiều mình không hỏi Điền đi đâu để đưa nó về , mang thuốc cho mẹ Nga của nó!
    Trường tự trách rồi đứng lên đi vào phòng ngủ. Vì thức khuya và đi đường xa nên Trường ngủ một giấc cho đến gần trưa mới thức dậy.
Sau khi ăn cơm xong, Trường cùng Tuấn đi trở lại xóm cầu Rạch Bần tìm Kiều Nga. Con đường hẻm không tên dọc theo bờ kinh Rạch Bần ngày nào bây giờ mất hẳn dấu tích! Những dãy nhà tôn lụp xụp dành cho sinh viên thuê xưa kia cũng bị giải tỏa không còn sót lại căn nào! Thay vào đó là những ngôi nhà lầu san sát nhau, hướng mặt ra con kinh Rạch Bần. Trường xuống xe đi vào những dãy nhà lầu thăm hỏi tên Kiều Nga. Nhưng tất cả, Trường chỉ được nghe trả lời bằng hai chữ: Không biết! Trường thất vọng đi trở ra đường lộ chánh, đến quán cafê hôm qua Tuấn đã ghé hỏi thăm một lần. Vừa bước vào, cô chủ quán hỏi ngay Trường:
- Anh tìm được nhà người quen chưa?
- Dạ...chưa!
Để làm quen với cô chủ quán, Trường ngồi xuống ghế gọi ly cafê sửa nóng, gợi chuyện hỏi thăm:
- Cô biết chủ trước của căn nhà bên kia đường, bây giờ ở đâu không?
Cô chủ quán cau mày, cố nhớ để trả lời câu hỏi của Trường, rồi kể:
- Khi tôi vê đây ở thì căn nhà đó đã đổi chủ mới rồi. Hiện tại chủ căn nhà đó là bà Tư Sương.
- Quán cafê của cô bây giờ, có phải chủ trước là ông Bảy Thinh không?
- Dạ đúng! Sao anh biết rỏ lai lịch quán cafê của tôi?
Trường trả lời ngay:
- Hồi thời còn sinh viên, tôi ở trọ nơi xóm nhà trong đường hẻm. Thời gian trôi qua gần ba mươi năm rồi!
Cô chủ quán nhìn chăm Trường, hỏi đoán:
- Có phải mấy mươi năm nay anh chưa về lại nơi đây ?
- Đúng vậy!
- Anh quan hệ sao với người chủ trước của căn nhà đó?
Nghe cô chủ quán hỏi bất ngờ, Trường ấp úng:
- Bạn... cùng thời sinh viên nơi khung trời đại học.
    Trường ngưng nói chuyện với cô chủ quán, mắt nhìn ra hướng kinh Rạch Bần suy tư. Bây giờ, nước kinh Rạch Bần trông đen như mực, có lẽ do cư dân đông đúc nên cống rảnh nuớc phế thải đỗ dồn ra kinh làm ô nhiểm dòng nước! Con kinh nầy ngày xưa, là một nguồn cung cấp nước xài cho hàng ngàn cư dân hai bên bờ, trong đó đa số là sinh viên cư ngụ trong xóm nhà trọ. Trường nhớ lại ngày đó, mỗi khi nước lớn, hai bên bờ kinh, kẻ gánh nước người giặt quần áo...cười nói với nhau thật là nhộn nhịp. Rồi khi nước ròng, có từng nhóm người mò nghêu bắt ốc đem bán dạo trong xóm để nuôi sống gia đình. Phải chăng tên Rạch Bần là tiêu biểu cho hình ảnh của xóm nghèo tọa lạc dọc theo hai bên bờ kinh thuở ấy!
Trường đứng dậy đi đến quầy trả tiền rồi chào cô chủ quán ra về. Ngồi trên xe trở về căn nhà trọ, Trường bỗng nghe những lời nhạc từ CD trong xe, lòng chùng xuống một giây phút cảm hoài:
** ... Dòng đời trôi mênh mông, dáng xưa nay xa rồi, đường xưa em không đi, phố xưa quen một người, bàn chân gieo đơn côi, gió mang theo cơn lạnh, về rớt lệ trên môi...
    Đã hai ngày trôi qua trong niềm tuyệt vọng đi tìm Kiều Nga! Trường dự định sáng mai trở về quê nhà Tiền Giang thăm họ hàng vài tuần rồi trở về Úc. Thời gian ngắn ngủi sống nơi căn nhà trọ, nhưng không hiểu sao Trường cảm nhận được không khí thân tình và lưu luyến trong lòng mình nơi không gian nhỏ bé nầy. Cho nên đêm nay, Trường muốn đi tản bộ một vòng bờ sông để tìm chút hoài niệm. Bước xuống cầu thang đi ra ngoài, nhìn qua cửa kính căn phòng của Bé Hai, Trường tưởng mình bị hoa mắt, người đàn bà ngồi trong căn phòng sao giống Hạnh bạn của Kiều Nga quá!. Để nhìn cho rỏ, Trường đưa mắt áp sát vào khung kính để trông kỹ hơn, người đàn bà nhìn thấy, ngạc nhiên hỏi vọng ra:
- Anh tìm Bé Hai hả.?
Lỡ bộ bị phát giác nhìn trộm, Trường đáp:
- Vâng! Tôi tìm Bé Hai có chút chuyện...Báo cho cháu nó biết là sáng mai tôi trả phòng.
Người đàn bà đi ra cửa, vừa nhìn thấy Trường rồi khựng lại, giọng ú ớ:
- Có phải là.....D-Đ-Trường, sinh viên đại học sư phạm, ban Toán Lý Hóa...?
Nghe người đàn bà hỏi, Trường biết chắc là Hạnh, reo mừng:
- Em là Hạnh ban Việt Hán?.?
Cả hai ôm nhau mừng rở cho cuộc gặp gở bất ngờ. Rồi Trường nhanh miệng hỏi Hạnh :
- Em có biết Kiều Nga giờ ở đâu không?
Hạnh buồn, thở dài đáp:
- Biết! Nhưng hoàn cảnh Kiều Nga bây giờ thảm lắm!
- Nhà Kiều Nga ở xa hay gần nơi đây?
- Ngay trong xóm nầy, nằm sâu trong con hẻm sau nhà em.
Trường vừa nghe Hạnh nói, đứng dậy thúc giục:
- Chúng ta đến thăm Kiều Nga ngay bây giờ..
Căn nhà Kiều Nga đang ở không bằng một cái chuồng lợn của gia đình khá giả trong vùng. Hạnh đẩy khung cửa làm bằng tre gai bước vào nhà, Trường đi theo sau. Cảnh ngộ hiện trước mắt của Trường là ngọn đèn dầu leo lét không đủ chiếu sáng căn phòng, làm ẩn hiện một người đàn bà thân thể gầy còm nằm trên chiếc giường tre nhỏ hẹp ! Hạnh đến bên giường lay nhẹ:
- Kiều Nga! Còn thức không? Có bạn ngày xưa của em đến thăm..
Lời nói của một người bệnh tâm thần, Kiều Nga trả lời:
- Tối rồi! Không lo đi ngủ! Thăm với viếng làm gì..
Là người bạn thân xưa nay và cũng là người hàng xóm, Hạnh sành tâm lý Kiều Nga, nói dụ:
- Chị có mang bánh cho em, thức dậy ăn rồi ngủ tiếp.
Nghe Hạnh nói có mang theo bánh, Kiều Nga ngồi bật dậy:
- Bánh đâu! Cho em ăn với?
Nhìn thấy Trường, Kiều Nga nhíu mày như chợt nhớ điều gì trong ký ức mà nhận biết không được, rồi cúi đầu xuống cầm chiếc bánh ăn. Trong giây phút đối diện thực tế với Kiều Nga, lòng Trường đau thắt! Trường không ngờ người yêu xưa của mình giờ đây là một người đàn bà mất trí, không nhận ra được mình! Trường quay mặt sang hướng khác, cố dấu dòng lệ đang lăn trên đôi má. Hạnh biết Trường cảm động, nói an ủi:
- Mấy hôm nay cháu Điền không đi lảnh thuốc an thần cho mẹ Nga của nó nên cơn bệnh tái phát! Bình thường, có thuốc uống đều đặng thì Kiều Nga đôi lúc cũng tỉnh táo, nhận ra được người thân, bạn bè...
Nghe Hạnh nhắc đến tên Điền, Trường hỏi ngay:
- Cháu Điền là con của Kiều Nga hả?
- Không phải con ruột! Thằng bé nầy ai bỏ rơi ngoài đường rồi Kiều Nga mang về nuôi...
Ngừng giây phút, Hạnh tiếp:
- Kiều Nga cũng nhờ được cháu Điền, nếu không có cháu Điền thì bây giờ ai chăm lo cho Kiều Nga! Làm phước thì gặt được phước.
Trường nhìn quanh trong nhà rồi hỏi Hạnh:
- Sao không thấy cháu Điền ở nhà?
Hạnh nhìn đồng hồ trên tay rồi nói:
- Giờ nầy là cháu đang dọn dẹp bàn ghế cho quán cơm phía bên kia cầu! Thằng cháu nó chịu cực khổ lắm, làm mấy nơi trong ngày: Sáng dọn hàng ra chợ, chiều giữ xe, tối dọn dẹp bàn ghế quán cơm... Về đến nhà thường là sau 12 giờ đêm!
Trường ngồi lặng im! Bây giờ, Trường xác định đứa trẻ mà hồi chiều mình gặp ở chỗ giữ xe chính là bé Điền con của Kiều Nga. Nỗi xót thương bé Điền dâng lên trong lòng của Trường mãnh liệt! Có phải tâm linh con người thường hướng dẫn người ta đi tìm những gì liên hệ với quá khứ thân thương, đi tìm những gì chờ mong khắc khoải trong lòng...Có lẽ từ đó, khi gặp mặt bé Điền, Trường tự dưng có chút xót xa và thương cảm. Rồi từ đó, như một sự mầu nhiệm đã dẫn dắt Trường gặp lại người yêu xưa, thỏa lòng mong đợi. Trường đang suy tư, Hạnh quay sang khẻ bảo:
- Trời khuya rồi, chúng ta đi về, ngày mai trở lại thăm Kiều Nga.
Đêm nay, sau khi từ nhà Kiều Nga trở về, Trường ngồi hàn huyên tâm sự với Hạnh cho tới khi trời gần sáng. Trường và Hạnh nhắc chuyện ngày xưa dưới khung trời đại học, chuyện năm tháng trải dài những đau thương chật vật trong cuộc sống người dân dưới chủ nghĩa Cộng Sản quái ác, chuyện tình yêu ngày còn mặc áo thư sinh... Hạnh ngồi đối diện với Trường kể lại:
- Anh còn nhớ không?! Những ngày cuối năm học, năm mà Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Tổng thống VNCH ban lệnh tổng động viên, các anh nam sinh viên lên đường nhập ngũ...Lúc đó, ban Việt Hán của tụi em tập dợt hát bài Anh Đi Chiến Dịch của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, như một gói hành trang tinh thần để tiễn các anh lên đường cứu quốc!... Trong nhóm hợp ca, Kiều Nga là người hát hay nhất, và mỗi lần hát xong em hay chọc ghẹo nó rằng:
- Mầy có hỏi anh Trường của mầy, khi mặc áo chinh nhân thì có nhớ gì về những em gái sinh viên hậu phương nơi sân trường đại học không?
Rồi Kiều Nga hát một đoạn trong bài Anh Đi Chiến Dịch như một sự trả lời với em:
- Anh đi chắc hẳn anh còn nhớ! Đôi mắt u uẩn chiều tiễn đưa, của người em nhỏ thơ ngây quá, chưa biết cười lên hẹn đợi chờ... 
Nghe Hạnh nhắc lại bài hát, Trường ngậm ngùi:
- Ờ! Kiều Nga có giọng hát cao vút, hợp với âm điệu của bài Anh Đi Chiến Dịch..
- Và có đôi mắt buồn vời vợi Tây phương!
Trường Mĩm cười, nói với Hạnh:
- Anh yêu Kiều Nga qua đôi mắt đó!. Nhưng hôm nay, khi gặp lại nhau, đôi mắt u uẩn chiều tiễn đưa, đã không còn nhận ra người yêu chinh nhân của mình ngày xưa nữa!!
Hạnh kể thêm về hoàn cảnh của Kiều Nga:
- Sau ngày 30/4/1975, cha mẹ của Kiều Nga bị bệnh chết, nên Kiều Nga lâm vào hoàn cảnh túng thiếu, phải bán căn nhà lấy tiền làm vốn đi buôn chuyến. Thời gian nầy, Kiều Nga mua bán khấm khá lắm. Nhưng rồi sau đó, Kiều Nga bị người ta gạt gẩm đóng vàng vượt biên, bị bắt nhốt tù hai năm và mất sạch của cải!
- Hoàn cảnh nào đưa đến cho Kiều Nga như ngày hôm nay?
- Sau khi ra tù, tứ cố vô thân, em thấy tội nghiệp cho về ở chung nhà với em. Có lẽ vì mất hết của cải và tù tội nên tinh thần sa sút rồi lâu ngày bị khùng điên!
Hạnh thở dài nói tiếp:
- Hồi chưa bị bệnh, Kiều Nga nhắc nhở anh hoài, tưởng anh đã chết trong những ngày cuối cùng của cuôc chiến.
- Khi vượt biển đến trại tỵ nạn, anh có gởi nhiều thư cho Kiều Nga, nhưng không thấy hồi âm.
- Có thể dời địa chỉ nên thơ không tới!
Tiếng gà gáy sáng từ xa vọng lại, Trường đứng dậy đi về phòng ngủ. Một cảm giác buồn và thương hại Kiều Nga vẫn chưa tan trong lòng! Nhưng sự mệt mỏi thể xác đã làm cho Trường đi vào giấc ngủ.
Một tuần lễ trôi qua, Trường mỗi ngày đến thăm và gợi chuyện với Kiều Nga, mong cho nàng nhớ lại những gì của thời yêu nhau, những gì của hẹn hò đôi lứa...Nhưng chẳng được kết quả gì!
Thời gian không đợi chờ và trôi đi mãi không ngừng! Như con nước dòng sông Cái Răng trước căn nhà trọ mà Trường đã trú ngụ khi về thăm lại chốn xưa, mãi trôi đi và âm thầm trôi không biết về đâu! Trường thở dài, thu xếp hành trang vào vali rồi bước xuống cầu thang gặp Hạnh và trao cho Hạnh một phong thư. Rồi Trường bắt tay Hạnh nói lời từ giã:
- Anh trở lại quê nhà thăm bà con rồi trở về Úc, nhờ Hạnh chăm sóc dùm Kiều Nga. Nếu có một ngày nào đó Kiều Nga tỉnh táo, xin chuyển lời của anh đến Kiều Nga rằng: Kiều Nga vẫn mãi mãi trong trái tim của Trường..
Xe chạy xa dần, bỏ lại sau lưng căn nhà nhỏ bé trong con hẻm buồn tênh. Hạnh mở vội phong thư! Bên trong thư có một dĩa CD, bài thơ viết trên giấy tập học trò và số tiền mặt hai ngàn đô Úc. Hạnh ngồi xuống ghế, thì thầm đọc bài thơ:
** Anh có về thăm lại chốn xưa
Cảnh cũ giờ đây đã không còn!
Vạn dặm đi tìm, trời không phụ
Gặp lại nhau chi, để nỗi buồn!
Gặp lại nhau rồi, em biết chăng?
Tâm tư tan nát những đêm về!
Khung trời đại học tình đôi lứa,
Chiến dịch năm nào em tiễn anh!
Thương tặng Kiều Nga 7/2005

Đọc bài thơ xong, Hạnh lấy dĩa CD đặt vào chiếc máy hát rồi chạy vội qua nhà Kiều Nga. Bên trong căn nhà nhỏ lụp xụp, tiếng hát Phương Dung vang lên lời ca của bản nhạc Anh Đi Chiến Dịch nghe buồn nảo nuột, gợi nhớ hình ảnh thân thương của một cuộc tình năm xưa, bị dòng đời chia đôi ngã ! Khi nghe đến đoạn khúc: Anh đi chắc hẳn anh còn nhớ, đôi mắt u uẩn chiều tiễn đưa, của người em nhỏ thơ ngây quá, chưa biết cười lên hẹn đợi chờ.. Bỗng đôi mắt Kiều Nga ứa lệ chảy dài trên đôi má gầy xanh xao, nàng run run nói:
- Cám ơn anh Trường còn nhớ đến em!
Bên ngoài, nắng hoàng hôn le lói trên mái lá, chiếu xuyên qua làn khói nấu cơm chiều quyện vào những tàu dừa ủ rủ bên mương nhỏ sau nhà , buồn vương vấn! Trường về thăm chốn xưa trong một chiều nhạt nắng, và ra đi khi nắng chiều chưa tàn, giống như một buổi chiều Kiều Nga tiễn đưa Trường đi chiến dịch năm nào!

Dương Đại Trường
Mùa Đông 2010.