Nguyệt San Số 16


Vùng Quê Hương Đẩm Máu
Tác giả: Đỗ Quốc Anh Thư
Thể loại: Truyện ngắn   

      Thời gian trôi qua, Hiển nối gót cha đi kháng chiến chống Pháp đã được gần 4 năm. Ở quê nhà, bà Đạt vẫn được gọi là ‘bà mẹ chiến sĩ’. Tuy nhiên, bà không còn được cán bộ của ‘bác Hồ’ quý trọng như xưa. Mặt Trận Việt Minh càng ngày càng để lộ bộ mặt thật Cộng Sản của chúng. Giai đoạn ‘vắt chanh’ đã xong, bây giờ đến thời kỳ ‘bỏ vỏ’ bắt đầu. Dân chúng cơ cực, đời sống biến chuyển hàng ngày.
     Trong căn nhà ngói ba gian của gia đình bà Đạt, trên tường cao, đối diện với cửa ra vào có treo ảnh ‘cụ Hồ’. Đây là dấu hiệu của ‘gia đình cách mạng’ ở thôn quê. Tấm ảnh này là do ‘Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chính’ tỉnh Hà Nam tặng cùng với thư chia buồn khi ông Đạt bị tử thương trong chiến khu.
     Bên trái căn nhà, Mai đang đứng đu đưa chiếc võng ru em ngủ. Mới 13 tuổi đầu, mà đã phải sống 9 năm trong chiến tranh, nhất là 6 tháng nay, chưa khi nào được ăn bữa cơm no nên thân hình cô bé gầy gò và da mặt xanh như tàu lá.
     Theo thói quen, Mai ru em ngủ bằng mấy vần thơ của ‘bác Hồ’ mà trước đây, thầy giáo đã bắt các em học sinh trong ‘vùng kháng chiến’ phải học thuộc lòng:
 Chín Tết Trung Thu
 Tám năm kháng chiến
 Các cháu khôn lớn, Bác rất vui lòng
Thư này Bác gởi thư chung
 Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa
      Tuổi còn thơ, làm sao Mai hiểu được ‘bàn tay sắt bọc nhung’ giữa lời nói và chủ tâm của ‘Bác’. Em cũng như hàng trăm ngàn đứa trẻ ở miềm quê xứ Bắc, yêu lời nói ngọt ngào, thích được nuông chiều và miệng hay ca hát. Biết Kha đang đói, trằn trọc không ngủ được, Mai nhìn em nói nựng:
 - Ngủ đi, mẹ đi chợ sắp về rồi, thể nào mẹ cũng mua bánh cho đấy.
Nói để an ủi cậu em, nhưng thực ra, Mai không biết lúc nào mẹ sẽ về. Mẹ đi chợ về, cô bé hy vọng sẽ được củ khoai lang hay trái ngô luc để ăn cho đỡ đói. Thật ra, gia đình khá giả, ‘nhà ngói cây mít’ ở miền quê như gia đình bà Đạt mà đói khổ thì ít ai tin. Nhưng ai đã từng sống trong ‘vùng kháng chiến’ đều còn nhớ rõ: Thuế nông nghiệp mỗi năm một cao, nhất là những gia đình có vài chục mẫu Ruộng trở lên thì tha hồ, è cổ ra mà đóng thuế. Chính phủ Việt Minh đã hô hào dân chúng np thuế bằng những giọng điệu tuyên truyền thật phi lý:
Góp công góp của được nhiều
Được tăng mức thuế là điều ước mong
Ai về nhắn với nhà nông
Thuế nông tăng mức lòng càng thêm vui
      Vì số lúa thu hoạch hàng năm phải nộp thuế nông nghiệp gần hết, gia đình bà Đạt chỉ đủ bữa cơm bữa cháo. Mai nhớ lại bát cơm độn khoai trong bữa ăn hôm qua mà phát thèm. Tự nhiên cô bé nuốt nước miếng. Thật ra, gần một năm nay, gia đình bà Đạt mỗi ngày ăn hai bữa: Một bữa cơm với nước mắm, nhiều khi cơm phải độn khoai, chỉ vừa đủ mỗi người 2 bát. Còn một bữa, thì phải ăn cháo. Vì thương con, nhiều khi bà Đạt chỉ ăn qua loa. Thông thường, bà hay bớt phần cơm của mình để chia cho các con. Nhất là cậu út Kha, lúc nào cũng được mẹ nuông chiều. Mỗi lần đến bữa ăn, bà lại bảo Mai:
 - Cất bát cơm này xuống dưới nhà bếp, để dành cho thằng Kha. Nửa buổi em nó đói. Mỗi lần nó đói, nó khóc, nghe đau lòng, tội nghiệp cho thằng bé lắm.
       Thấy Kha đã thiêm thiếp ngủ, Mai vi vàng chạy xuống dưới nhà bếp. Cô bé đói bụng, nhìn quanh nhìn quẩn xong rồi bèn mở chiếc chạn gỗ: Chạn gỗ trống không; khi mở nồi cơm: Nồi cơm không còn một hạt.
     Mai bèn mở chĩnh gạo: Cả gia đình bà Đạt, bốn miệng ăn mà chỉ còn 3, 4 lít gạo được trộn lẫn với khoai. Nhìn thấy những mảnh khoai khô đã được thái nhỏ, Mai mỉm cười. Cô bé cúi xuống, đưa tay, bốc dăm ba mảnh đưa lên miệng nhai. Mai nhai ngấu nghiến rồi vội vàng nuốt vào bụng cho đỡ đói.
      Lúc cô bé vừa ăn xong, Kha ở nhà trên ngủ không yên, tỉnh dạy khóc. Vẻ mặt xanh ngắt, cậu bé ngồi trên võng, nhìn không thấy ai thì lại càng khóc lớn:
 - Chị Mai ơi! Chị Mai à... chị đâu rồi?
      Nghe tiếng em khóc, Mai vội vàng lấy thêm mấy miếng khoai khô. Cô bé chạy nhanh lên nhà trên với em. Ôm em vào lòng Mai nói nhỏ:
 - Nín đi, nín đi chị cho cái này nè.
      Cặp mắt Kha mở lớn nhìn chị. Mai đưa miếng khoai khô vào miệng Kha. Cậu bé ngưng khóc, nhai ngấu nghiến. Ngay lúc ấy, con chó mực đi kiếm ăn không được, ở đâu về. Vừa đi vào trong nhà, nó vừa nhìn chủ, cái đuôi ve vẩy như muốn xin ăn. Con vật không được ăn, xem vẻ thất vọng nhưng vẫn theo Mai và Kha đi xuống nhà bếp. Mai đang tính lấy thêm khoai để hai chị em ăn cho đỡ đói thì bà Đạt đi chợ về đến cổng nhà. Con chó mực chạy ra sân mừng quấn quýt. Mai nắm tay Kha vội vàng chỉ trỏ:
 - Mẹ về, mẹ về kìa!
     Từ ngoài sân, mưa phùn và gió lạnh, bà Đạt bước vào trong nhà. Hai bàn tay bà run run. Vẻ mặt hốc hác, dáng điệu gầy gò, trông bà thật là thiểu não. Nhìn chiếc áo nâu bạc mầu bà Đạt đang mặc, có nhiều chỗ đã vá, lại còn bị uớt nước mưa, người ta không thể ngờ, đó là hình ảnh của ‘bà mẹ chiến sĩ’ năm xưa. Trông thấy mẹ, Mai và Kha mừng quýnh. Hai chị em đăm đăm nhìn vào chiếc giỏ mẹ đi chợ mang về. Bà Đạt hiểu ý các con. Để chiếc giỏ xuống cửa, bà nắm lấy tay Mai và Kha rồi nghẹn ngào nói:
 - Mẹ đi chợ về, chẳng có gì cho các con cả. Mẹ chỉ còn đủ tiền mua được mớ rau muống thôi.
      Nói xong bà Đạt thở dài. Trong lúc Mai và kha thất vọng, vẻ mặt buồn thiu, bà Đạt ngồi yên lặng nghĩ hoàn cảnh gia đinh mình mà đau lòng. Đau lòng một phần vì thương con. Đau lòng một phần vì cán bộ Cộng Sản đã đối xử tàn tệ với gia đình bà.
     Thực vậy, 10 mẫu Ruộng năm nay, nộp thuế đúng mức xong rồi, ‘Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chính’còn gởi giấy báo là bà còn ‘thiếu thuế’. Họ nói:
 - Dưới mắt nhân dân, số Ruộng bà thu hoa mầu phải là 17 mẫu mới đúng, 10 mẫu như bà khai 8 năm nay là gian dối.
 Từ thuở cha sinh mẹ đẻ, bà đâu có biết ăn gian nói dối là gì. Thế mà bây giờ họ buộc tội cho bà. Không đủ thóc để nộp thuế, lại còn bực mình và xấu hổ, vì thế bà cãi lại:
 - Không tin tôi, các anh lấy thước đo mà xem.
 Họ trả lời:
 - Đo làm gì, mất thời giờ. Thời buổi này là thời buổi dân chủ chứ đâu phải là thời kỳ thực dân phong kiến khi xưa. Vì nhân dân làm chủ, mà đa số nhân dân đều nhìn thấy như vậy, làm sao không đúng được. Việc gì phải đo, không đóng đủ thuế ngày hôm nay thì ngay mai bà sẽ có mặt trong trại giam Lý Bá Sơ.
      Tại sao lại có sự cư xử táng tận lương tâm với ‘gia đinh cách mạng’ như thế?
      Đây không phải là lầm lỗi nhân sự do bọn cán bộ vô luân ở địa phương gây nên, mà do sách lược của ‘Bác và Đảng’: Giai đoạn kháng chiến đã xong, bây giờ bắt đầu đến thời kỳ ‘đấu tranh giai cấp’. Bất kể có công với kháng chiến hay không, hễ có tư sản là ‘có tội với nhân dân’. Nếu không thấy tận mắt, không ai có thể ngờ được: Muốn giữ nguyên được ‘tuổi Đảng’, con đi kháng chiến phải trở về tố cha mẹ. Muốn được ‘Đảng’ khen là ‘tiến bộ’, vợ phải tìm cách kết án người chồng tiểu tư sản ‘bóc lột’. ‘Người anh cả Trường Chinh’ khởi đầu cuộc đấu tố cha mẹ là trường hợp điển hình về cuộc sát nhân man rợ nhất trong lịch sử VN.
    Lần lượt, bà Đạt đăm đăm nhìn hai đứa con thiếu ăn, vẻ mặt lúc nào cũng nhăn nhó, mà trong lòng càng thêm cay đắng. Kha đói bụng, ngồi yên lặng, thỉnh thoảng lại nuốt nước miếng. Mai thì khôn hơn:
 - Mẹ ơi, gần tối rồi.
 Nghe Mai nói, Bà Đạt hiểu ý cô con gái nhắc đến bữa ăn tối thì lòng đau quặn lại. Dẫn con vào nhà bếp để sửa soạn nồi cơm, người mẹ lẩm bẩm:
 - Còn vài lít gạo, phải chia làm 2, 3 phần, tối nay, ngày mai... Sau ngày mai thì không biết lấy gì mà ăn?
 Nói đến đây bà Đạt nghẹn lời. Ôm chặt cậu út trong lòng, bà tiếp tục kể lể sự tình:
 - Ngày mai lại là ngày giỗ cha, con có nhớ không? Ngày được tin bố mất, con còn đang ở trong bụng mẹ.
 Kha ngây thơ trả lời:
 - Thế... hở mẹ!
      Ba tiếng ‘thế hở mẹ’, nghe coi vẻ lạnh lùng, nhưng thực sự xuất phát từ sự hồn nhiên của tuổi trẻ. Sáu tuổi đầu, Kha không biết mặt cha. Kha đâu có hiểu gì về tình phụ tử. Vì thế, khi nhớ đến người chồng bị tử thương trong chiến khu, bà Đạt lại càng chua xót. Chua xót cho Kha. Chua xót cho chính bản thân và chua xót cho cả gia đình. Bây giờ,  bà Đạt biết làm gì hơn là ngồi than thân, trách phận. Để rồi, bà đưa tay lên lau hai giòng lệ, đang từ từ chảy trên hai gò má nhăn nheo của bà.
     Ánh lửa cháy bùng lên khi nồi gạo đã được đặt lên trên bếp. Mai và Kha nhìn vào ngọn lửa, nghĩ đến nồi cơm sắp chín thì nỗi buồn ‘mẹ đi chợ về không có kẹo bánh’ tự nhiên tan biến. Thấy bà Đạt vẫn khóc, Kha không hiểu việc gì xẩy ra. Cậu bé chỉ biết nhìn mẹ chăm chú. Mai thì ngây ngô hỏi:
 - Mẹ cũng đói bụng hở?
      Bà Đạt gượng cười: Nụ cuời dưới hai hàng nước mắt, thật mỉa mai, thật chua chát cho ‘bà mẹ chiến sĩ’ khi cuộc kháng chiến sắp sửa thành công.
     Khi nghe có tiếng động, bà Đạt nhìn ra ngòai sân. Con chó mực chạy nhanh ra cổng. Thấy cái đuôi nó ve vẩy, bà Đạt biết Thu đi làm ở ngoài đồng ruộng đã về. Từ ngoài mưa lạnh lẽo, Thu bước vào trong nhà bếp:
 - Mẹ đang thổi cơm hở mẹ?
 Bà Đạt gật đầu rồi nhìn nàng dâu than thở:
 - Mẹ phải bớt phần gạo ngày hôm nay, để dành cho phần gạo ngày mai. Ngày mai là ngày giỗ, mẹ chỉ mua được mớ rau muống. Cúng giỗ mà chẳng có gì ngoài bát cơm và đĩa rau. Hoa quả thì đắt quá, không đủ tiền mua chứ đừng nói đến thịt cá. Chẳng lẽ mang bán hết đồ đạc, trâu cày đi thì lấy gì mà dùng.
      Thu buồn vì nhớ Hiển. Khi nghe mẹ kể lể sự thình thì lại càng thêm thấm thía. Nàng gượng cười nhìn Mai và Kha đang ngồi bên bà Đạt. Bước đến bên Kha, Thu ngồi xuống và nói nhỏ:
 - Để chị hơ tay gần lửa cho ấm đã. Chị sẽ bế em nhé.
      Nói xong Thu đưa hai bàn tay lạnh giá của mình gần ngọn lửa bếp. Đôi tay và cả người nàng được sởi ấm. Sưởi ấm bên cạnh ánh lửa, suởi ấm bên cạnh những người thân yêu trong gia đình.
 Ôm Kha vào lòng, Thu nghĩ thân phận mình và gia đình mà thêm buồn tủi. Hình ảnh từ thời xa xưa hiện về một cách hỗn độn trong trí nhớ của nàng. Từ ngày Hiển đi, không biết bao nhiêu biến đổi, vui thì ít, còn đau khổ và cô đơn thì nhiều. Nàng vừa xót xa cho thân phận mình, vừa xót xa cho mấy người bạn đồng cảnh --- có chồng đi ‘bộ đội’. Riêng hoàn cảnh của Thu, thật là tội nghiệp. Trong ký ức của nàng, hai thời kỳ, trước và sau ngày Hiển lên đường, quả là sự kiện trái ngược.
      Ngày Hiển lên đường, lúc nào Thu cũng mơ màng, nhớ nhung. Nàng thường ngâm nga mấy vần thơ đã được phổ biến trong ‘vùng kháng chiến’:
 Đời người được mấy giấc mơ
 Chàng mơ chinh chiến, em mơ bóng chàng...
... Vì em chàng phải xông pha
 Vì chàng em phải tăng gia cấy cầy
      Thời kỳ ‘tăng gia cấy cầy’, nuôi quân đánh Pháp dưới chiêu bài ‘giành độc lập’ đã hết rồi. Bây giờ là thời kỳ, ‘Bác và Đảng’ công khai, áp đặt ách đô hộ Mác-Lênin ở miền Bắc VN. Điều đau khổ trước mắt là dân chúng phải è cổ ra nộp thuế để nuôi lũ cán bộ đảng Mác-Lênin.
 - Đại diện cho ‘Đảng’ ở thôn quê là ai? - Thu thầm hỏi.
      Hình ảnh đến với nàng, hầu hết là những bộ mặt cùng đinh của xã hội. Đó là bọn dốt nát, nghèo đói vì lười biếng ở địa phương. Gặp thời, bọn chúng được quyền cao chức trọng nên rất trung thành và hết lòng hăng say với ‘Bác và Đảng’.Thu làm sao quên được, Tường và Đào. Đào là cô gái đanh đá nổi tiếng ở trong làng. Cô có cái quán ‘thịt cày’ ở gần chợ là nhờ ông bố, cả ngày đi lang thang khắp xã, bắt trộm chó đem về làm thịt cho con bán.
     Cách đây 3 tháng, bất ngờ Đào được lựa chọn làm công an trưởng. Còn Tường, trong quá khứ đã can tội lường gạt phụ nữ, ăn cắp gà và gặt trộm lúa của dân làng. Đang lúc bị giam vì tội buôn lậu, Tường và em của hắn là Trư, được ‘Đội Phát Động’ ngấm ngầm can thiệp, xin thả ra. Chẳng ai có thể ngờ, Tường đã trở thành kẻ có quyền hành sinh sát dân làng trong thời gian này.
 Thật là mỉa mai cho Hiển, chàng đã hiểu rõ bộ mặt thật của Mặt Trận Việt Minh CS chưa? Khi Hiển mới đi ‘bộ đội’ được hơn hai tháng, Thu ở nhà bị Tường tán tỉnh. Hắn biết rõ Hiển là ‘bộ đội’ thì ít khi có dịp về thăm nhà. Nhất là, chàng thuc thành phần ‘trí thức tiểu tư sản’, thì khó có thể trở thành đảng viên được. Thế nên, không còn ngần ngại gì nữa, Tường thẳng tay dở trò ong bướm với phụ nữ có chồng. Khi Thu tỏ ra khinh bỉ, hắn đâm ra cay cú. Trong đoàn thể thanh niên thanh nữ, hắn phao tin đồn, Thu đã ‘hủ hóa’ mấy anh ‘bộ đội’ mới đến tạm trú trong nhà nàng. Thực là tủi hổ cho Thu, mỗi lần đi họp đoàn thể, mấy đứa em Tường cứ nhạo báng trước mặt nàng:
 Mỗi khi bộ đội về làng
Vài ba cô gái chửa hoang là thường
      Tường xúi dục chúng nó trong buổi họp thiếu nhi chứ còn ai vào đó nữa? Thu thầm nghĩ, xấu hổ cho mình, rồi lại ngượng cho Uyển:
 - Bà Đạt có cô con gái mơí 15, 16 tuổi mà đã gởi lên Hà Nội lấy Tây!
      Trong đoàn thể, họ đồn như thế chẳng qua vì tay sai của ‘Bác và Đảng’ là Tường và Trư làm hậu thuẫn cho họ. Chúng ghen ghét gia đình bà Đạt có mươi mẫu ruộng và vài ba căn nhà.
 Trời đã tối, bên ánh lửa bếp đỏ hồng, gia đình bà Đạt ngồi im lặng. Trẻ con ngồi chờ nồi cơm chín, người lớn ngồi suy tư, tủi thân trách phận. Trong giây phút chạnh lòng, bà Đạt vừa thương chồng, vừa nhớ Hiển. Tuy nhiên, mỗi khi nghĩ đến cảnh nghèo khổ trong gia đình, bà lại thầm trách chồng và cậu con trai:
 - Cũng tại ông, theo Việt Minh mà lại còn bắt tôi lấy hết vốn liếng của gia đình 3 lạng vàng đem biếu ‘cụ Hồ’ trong tuần lễ quyên vàng năm 1945.
 - Còn cậu Hiển, cậu cứ ngăn cản, không bằng lòng cho gia đình lên Hà Nội sinh sống. Nghe lời cậu ở lại, bây giờ gia đình mới đói khổ thế này! Hiểu ra thì đã quá muộn rồi.
      Thực đúng như vậy. Tất cả các vùng quê bây giờ bị Cộng Sản kiểm soát rất gắt gao. Mọi sự di chuyển từ nơi này đến nơi khác không dễ dàng như trước nữa. Ra khỏi làng cũng phải có giấy phép. Nếu không có giấy phép thì chỉ có cách là đi trốn. Đi trốn mà toàn là đàn bà và trẻ thơ, khó khăn đã đành, nếu bị bắt sẽ can tội là 'Việt gian theo Tây', làm ‘me Tây’ thì xấu xa lắm.
Chỉ vì sợ bị buc tội là ‘Việt gian’, làm mật thám cho Tây, nên chuyện liên lạc giữa Uyển và gia đình cũng bị gián đoạn. Riêng Hiển, từ ngày đi bộ đội, gần 4 năm nay rồi cũng chẳng biết tin ở đâu. Bà Đạt và Thu mong thư Hiển không có, mà gởi thư đi cũng không được.
Trong lúc bà Đạt mải miết lo nghĩ thì Thu chợt nhớ đến  món tiền bà Lợi vay trước đây bèn hỏi mẹ:
 - Mẹ đã đến nhà bà Lợi, hỏi tiền nợ chưa?
 - Mẹ đến rồi, nhưng bà ấy làm gì có tiền mà trả. Ông ấy đã bị bắt giam mấy tháng nay vì tội thiếu thuế, con biết không? Thấy tình cảnh nhà người ta như thế, mình phải hiểu chứ.
 Nhìn Thu, bà Đạt nhắc lại câu chuyện cũ để cho nàng hiểu rõ hơn:
 - Mấy năm trước, con trai bà Lợi bị đau mắt tưởng mù. Gia đình nghèo, bà ấy làm gì có tiền cho con lên tỉnh chữa bệnh. Mẹ thấy tội nghiệp, lấy số tiền dành dụm được, cho bà ấy vay. Chẳng ai ngờ, năm nay ông ấy lại bị bắt giam... Nhưng dù sao chăng nữa, cũng giúp được người ta trong cơn hoạn nạn.
      Nói đến đây, bà Đạt nhớ lại năm nào còn ở Hà Nội. Trận đói năm Ất Dậu 1945 đã làm cho hàng triệu người miền Bắc khốn đốn. Gia đình bà đã hết lòng giúp đỡ các nạn nhân. Nào tiền, nào gạo, chính tay bà đã nhiều lần nấu cơm, luộc khoai, nấu cháo để ông Đạt mang đến các trại tế bần ở xung quanh thành phố: Trại Giáp Nhất, Giáp Nhì, Giáp Bát và bãi cát Phúc Xá bên sông Nhị Hà.
 - Chắc cơm chín rồi mẹ ạ.
 Nghe Thu nói, bà Đạt trở về thực tại:
 - Ừ, cho các em ăn đi kẻo chúng nó đói bụng lắm rồi.
      Đêm mưa, bên ngoài trời tối đen như mực. Gió bấc lạnh thấu xương mỗi lúc thổi một lớn. Những hạt mưa rơi tí tách bên hiên nhà càng làm cho bữa ăn của gia đình bà Đạt thêm não nề.
 - Đủ mỗi người một bát không con?
 Thu trả lời bà Đạt:
 - Đủ mẹ ạ.
 Mừng đến bữa ăn, Mai và Kha vội vàng nâng bát cơm lên. Cùng một lúc, hai chị em hấp tấp:
 - Mời mẹ, mời chị.
      Nói xong, hai đứa trẻ hấp tấp, vừa thổi cho cơm bớt nóng, vừa ăn ngấu nghiến. Còn bà Đạt, bụng đói cồn cào, nhưng khi cầm bát cơm lên, nghĩ đến con, bà không nỡ lòng cho vào miệng. Bỏ bát cơm xuống, bà nói nhỏ:
 - Thôi, để phần các con, mẹ không ăn nữa đâu.
 Thấy vậy Thu xúc động. Nàng chia phần cơm của mình với mẹ và nói:
 - Con cũng ‘không đói lắm’, mẹ ăn với con một nửa mẹ ạ.
 Đôi mắt bà Đạt ngấn lệ nhìn Thu. Tự nhiên bà cảm thấy càng thương nàng dâu và cay đắng cho cuộc đời mình. Bà trách Hiển:
 - Cũng tại nó.
      Thu hiểu mẹ đã trách chồng mình ngăn cản không cho gia đình lên Hà Nội, rồi lại còn xung phong đi ‘bộ đội’ nữa. Càng thương nhớ Hiển bao nhiêu, Thu càng xót xa cho gia đình chừng ấy. Nỗi u sầu chồng chất trong lòng bấy lâu, nay biến thành những giọt lệ rơi trên hai gò má xanh xao của nàng. Như linh tính đã báo trước điều bất hạnh, Thu chột dạ hỏi mẹ:
- Hôm qua ở ngoài đồng, con nghe họ nói chuyện về những cuộc đấu tố ở Thái Nguyên.
- Mẹ cũng nghe đồn, chẳng biết thực hư thế nào? Nếu mà đúng như vậy thì quả thật là chuyện ‘trời long đất lở’. Chẳng lẽ cùng người Việt với nhau mà họ lại ‘đấu tố’ dã man, tàn ác như thế hay sao?
Dứt lời bà Đạt thở dài rồi nói với Thu như để tự an ủi chính mình:
 - Những người có tội là ‘cường hào ác bá’, hay bọn lý trưởng, chánh tổng, xưa kia đã ức hiếp dân lành, chứ gia đình mình đâu có làm gì nên tội. Đâu đến nỗi nào.
 - Con nghe nói có nhiều loại địa chủ, ‘địa chủ Việt gian phản động’, ‘địa chủ cường hào ác bá’, ‘địa chủ thường’ và nhẹ nhất là ‘địa chủ kháng chiến’.
 Bà Đạt bấu víu vào hy vọng:
 - Phải, gia đình mình đã tham gia kháng chiến. Nhưng vì có tư sản ... có ruộng đất, nên là ‘địa chủ kháng chiến’. ‘Địa chủ kháng chiến’ thì được ân giảm, chỉ có ruộng đất là bị tịch thu thôi.
 Suy nghĩ lúc lâu rồi bà Đạt kết luận:
 - Ruộng đất bị tịch thu, có khi lại là may, mình khỏi phải è cổ ra đóng thuế nông nghiệp.
 Đồng ý với mẹ, Thu im lặng trong giây lát. Rồi tự nhiên nàng cảm thấy lo cho Hiển. Thu nói với bà Đạt:
 - Con nghe đồn, tình hình vùng đồng bằng nơi mình ở, được yên tĩnh là vì mặt trận Điện Biên Phủ. Ta và Tây đang dồn hết lực lượng đánh nhau ở đó. Không hiểu bây giờ anh Hiển... đang ở đâu?
 Thấy Thu nghẹn lời, bà Đạt thở dài lo cho số phận của cậu con trai không biết sống chết ở nơi nào. Bà cầu nguyện:
 - Lạy Trời lạy Phật cho nó được về nhà để hiểu rõ hoàn cảnh gia đình như thế nào. Mẹ cũng nghe nói, nếu là con nhà địa chủ, họ sẽ khai trừ, không cho vào‘Đảng’.
 Cứ thế, bà Đạt và Thu ngồi nói chuyện trong nỗi lo âu, chua xót cho thân phận mình và gia đình. Còn Mai và Kha, vì đêm đã khuya, nằm bên cạnh mẹ ngủ lúc nào không biết. Thu nói với mẹ:
 - Thôi, để con bế các em lên nhà trên. Sáng sớm, Mai còn đi học nữa.
- Ừ, khuya lắm rồi, đi ngủ đi con.
       Buổi sáng hôm sau, trời đã ngớt mưa nhưng mây đen ở đâu vẫn cuồn cuộn kéo về vùng thôn quê. Nó báo hiệu cho dân chúng trong vùng, có thể là trận mưa to gió lớn; có thể là trận bão lụt hay tai vạ gì khủng khiếp lắm sắp sửa xảy ra.
Như thông lệ, bà Đạt ở nhà với cậu út Kha; Thu ra ngoài đồng, chăm sóc ruộng vườn; Mai đi học. Nhưng hôm nay là ngày giỗ, nên bà Đạt bảo nàng dâu:
 - Con nghỉ một ngày ở nhà giúp mẹ, lau bàn thờ, cắm hoa... Bây giờ thì trời sắp có giông bão đến nơi, con đưa Mai đi học kẻo em nó yếu sức lắm, lỡ có chuyện gì thì khốn. Tiện thể, con mang hai chiếc mâm đồng ra chợ bán quách cho rồi, bao nhiêu tiền cũng được. Nhớ mua cho mẹ nải chuối và bó hoa, còn bao nhiêu tiền đong gạo, đừng mua gì thêm nữa.
 Thu ngoan ngoãn:
 - Vâng ạ.
      Thu và Mai đi rồi, bà Đạt ở nhà sửa soạn mâm cơm để tượng trưng lòng tiếc thương dâng lên người qúa cố. Trước bàn thờ ông Đạt, ba nén hương được đốt lên, khói bay nghi ngút, mùi hương thơm tỏa ra ngào ngạt. Bà Đạt thầm nghĩ:
 - Thu và Mai chút nữa sẽ về, ngày giỗ chỉ còn thiếu Hiển và Uyển nữa thôi. Không biết chúng nó có nhớ đến ngày giỗ bố không?
      Theo thói quen từ mấy năm nay, mỗi lần giỗ chồng, bà Đạt thường hay đứng trước bàn thờ, đăm đăm nhìn lên tấm ảnh treo trên cao. Mỗi lần làm như thế, bà lại đau lòng, nghĩ đến những kỷ niệm của thời xa xưa ...
... Năm ấy, bà mới 17 tuổi, ông Đạt 18. Hai người cùng theo học ‘ban thành chung’ ở Hà Nội. Qua nhiều lần gặp gỡ, hai người yêu nhau rồi trở thành đôi bạn trăm năm. Xưa kia nhiều kỷ niệm êm đẹp chừng nào thì bây giờ nhiều đau thương chừng nấy. Nào đâu những chiều cùng nhau dạo mát bên Hồ Hoàn Kiếm. Nào đâu những ngày cùng nhau từ Hà Nội về thăm quê nhà! Hồi đó, sau ngày kết hôn, hai vợ chồng mơ tưởng sẽ hạnh phúc bên nhau cho đến ngày ‘tóc bạc răng long’. Vì lo cho tương lai, hai vợ chồng chỉ biết tằn tiện, chịu khó làm ăn để mong đến khi tuổi già sẽ được nhàn hạ....
      Có đâu ngờ, giờ đây một người đã khuất, một người còn lại với một đàn con thơ dại. Xưa kia cán bộ của ‘Bác và Đảng’ đề cao ‘bà mẹ chiến sĩ’. Ngày nay họ xô đẩy ‘gia đình cách mạng’ xuống bùn. Gia đình bà Đạt đã không đủ ăn mà lại còn mang ti ‘gian lận, trốn thuế nông nghiệp’. Bà đau buồn khi chồng con đã lần lượt xa nhà, dấn thân đi phục vụ ‘cách mạng’, không được an ủi, mà lại còn bị phỉ báng, mỉa mai. Thật là trăm ngàn cay đắng.
      Trở về thực tại, khi bà Đạt vừa ngồi xuống, ôm cậu út trong lòng thì Thu và Mai ở ngòai cửa bước vào. Hai chị em nhìn mẹ với hai hàng nước mắt chảy ròng ròng trên má. Bà Đạt thấy thì vậy sửng sốt hỏi con dồn dập:
 - Có chuyện gì vậy? Làm sao vậy con? Sao đi học lại về sớm thế?
 Thu ngồi xuống góc nhà, ôm mặt khóc. Mai mếu máo:
 - Thầy... thầy giáo đã đuổi con ra khỏi lớp học... Mấy đứa bạn trong lớp thì bốc cát ném vào mặt con... chúng nó bảo con là con nhà địa chủ! Hai đứa em anh Tường đã đẩy con ngã xuống đất mẹ ạ!
Thu thì cố gắng, nén tủi hờn trong lòng. Nhưng khi nói với bà Đạt, nàng vẫn còn run lẩy bẩy:
 - Con vừa mang 2 chiếc mâm đồng đến cổng chợ... Họ chặn lại và tịch thu. Họ mắng, ‘Con nhà địa chủ bóc lột, vật này là của nhân dân, cấm không được đem ra chợ bán’.
 Ngưng lúc lâu, trong giọng nói uất hận, Thu tiếp tục:
 - Chúng nó còn vu cáo, nói mỉa con... ‘Ham giầu có, làm dâu nhà địa chủ... rồi chồng đi bộ đội... ở nhà tự do ‘hủ hóa’... Cuối cùng, bọn chúng ra điều nhân nghĩa, khuyên con: ‘Muốn xứng đáng là vợ chiến sĩ cách mạng, hãy từ bỏ gia đình địa chủ về sống với cha mẹ đẻ của mình thì khỏi bị liên lụy’.
 Dứt lời, Thu lại ôm mặt khóc. Nghe Thu và Mai tường thuật, bà Đạt cảm thấy vô cùng uất hận.
 - Địa chủ thì địa chủ --- bà lẩm bẩm.
 Cuộc đời bà còn gì hạnh phúc nữa đâu mà bà phải sợ chết! Bà nghĩ:
 - Chỉ tội nghiệp cho thằng út Kha, con bé Mai, lỡ có chuyện gì, mình bị giam trong nhà tù, hai đứa bé sẽ bơ vơ không nơi nương tựa. Hiển là thân trai ở ngoài chiến trường, chỉ sợ cho vợ nó, thân gái một mình... Uyển thì đang ở Hà Nội, tạm yên ổn, nhưng sau này cũng bơ vơ không có cha mẹ...
 Bà Đạt sụt sùi, nắm tay Mai, rồi bước đến bên cạnh Thu an ủi:
 - Thôi con ạ... cho mẹ xin, lỗi cũng tại mẹ, cứ quanh quẩn bám lấy quê nhà, mới nên nông nỗi này.
 Nhớ đến ngày giỗ, bà Đạt nói với Thu và Mai:
 - Thôi các con, mặc áo dài vào, sửa soạn mang cơm lên cúng.
 Vâng lời bà Đạt, mặc áo xong, Thu gọi Mai:
 - Lại đây chị bảo.
 Với ánh mắt yêu thương, Thu vừa mặc áo cho Mai vừa nhỏ nhẹ hỏi cô em:
 - Em có nhớ tên đứa nào bốc cát ném em không? Kể tỷ mỉ cho chị nghe nào.
 Mai rơm rớm nước mắt:
 - Em không nhớ rõ tên từng đứa ...Vì lúc bị thầy giáo đuổi ra khỏi lớp, em vừa đi vừa cúi mặt xuống khóc... Đông lắm... tụi chúng nó ùa ra: ‘Đả đảo con nhà địa chủ gian ác bóc lột’. Nhiều đứa bốc cát ném vào mặt em. Hai đứa em anh Tường xông vào, đẩy em ngã xuống đất chị ạ.
 Nghe Mai kể, Thu càng đau lòng. Nàng nhớ lại lúc sáng sớm dẫn Mai đi học, dấu hiệu trên con đường làng đã báo, đại nạn sắp đến: Giây điện thoại của ‘Đội Phát Động' được nối từ nơi này đến nơi khác. Hàng loạt biểu ngữ được treo xung quanh đình làng:
Hoan hô Đội Phát Động Quần Chúng Đấu Tranh đã về làng’.
Đả đảo địa chủ gian ác bóc lột nông dân’.
Hoan hô chính sách Cải Cách Ruộng Đất của Hồ Chủ Tịch’.
      Thu đâu có ngờ, ‘Đội Phát Động’ đã bí mật về làng được mấy tháng nay. Với âm mưu gây căm thù địa chủ, cán bộ Cộng Sản đã thực hiện chính sách ‘Ba Cùng’là ‘cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc’ với các bần cố nông. Sau thời gian đầu đc dân nghèo hoàn tất, ‘Đội Phát Động’ bắt đầu xuất hiện. Danh sách địa chủ trong làng xã được thành lập. Theo lệnh của ‘Bác và chính phủ, mỗi xã phải kết án tử hình đúng ‘chỉ tiêu’ --- tương tự như chiến dịch ‘Giảm Tô’ trước đây ---  tối thiểu là 5 người, không cần biết họ có ‘tội bóc lột’ hay không....
.... Mặc áo cho Mai xong, Thu lại càng cảm thấy cay đắng cuộc đời. Trong giây phút này, bao nhiêu nỗi nhớ thương Hiển bỗng nhiên tan biến. Thu cảm thấy oán hờn, lo âu và sợ hãi. Nàng nghĩ đến tương lai, càng ngày càng thêm đen tối. Biết đâu, ngày mai, ngày kia, Hiển sẽ gục ngã trên chiến trường, tương tự như ông Đạt đã tử thương trong chiến khu......
......Gần 4 năm trời, em sống trong niềm thương nỗi nhớ. Mỗi đêm nghe tiếng súng từ xa vọng đến, không thể nào em ngủ được... Em lo cho mạng sống của anh --- của chiến sĩ tham gia cách mạng chống Pháp, với chủ đích cho gia đình và quê hương được sống an lành... Nhưng bây giờ, ở phương trời xa thẳm, anh đâu có ngờ, gia đình và em đang phải chịu muôn vàn đắng cay, khổ sở gấp trăm ngàn lần thời thực dân Pháp khi xưa. Hai đứa em anh thiếu ăn từ ngày này sang ngày khác. Mẹ bị người ta buc ti là ‘con địa chủ bóc lột’...
      Giây phút tâm tưởng với Hiển ngắn ngủi trôi qua. Thu bê mâm cơm lên, đặt trên bàn thờ và nghi lễ trong ngày giỗ cha bắt đầu được cử hành, đơn giản nhưng không kém phần trang nghiêm. Trước bàn thờ, gia đình bà Đạt đều khăn áo chỉnh tề. Làm theo mẹ đứng phía trước, Thu và hai đứa em đứng phía sau. Bốn người qùy xuống vái. Qua làn khói hương nghi ngút, nhìn ảnh chồng trên bàn thờ, bà Đạt cảm thấy xót xa cho gia đình mà không thể nào cầm được nước mắt:
 - ... Ơi ông ơi!... Ngày xưa ông hẹn tôi khi kháng chiến thành công, ông sẽ trở về... Nhưng ông đã vội bỏ đi một mình... để lại cho tôi đàn con thơ dại. Thằng Kha, đứa con út đã mất cha từ khi còn ở trong bụng mẹ... Giờ đây nó và cả gia đình phải chịu đắng cay thế này... Ới ông ơi!...Ông sống khôn, chết thiêng, về đây mà phù hộ cho con ông, chúng nó còn thơ dại, đâu có làm gì nên tội, mà người ta ghép là ‘con nhà địa chủ bóc lt’...
      Nghe tiếng khóc than của mẹ thật não nề, Thu và Mai ứa lệ. Thu nhớ lại, mấy năm về trước, khi mới được tin ông Đạt tử thương, buổi lễ phát tang của gia đình bà Đạt đã được cử hành trọng thể. Dân làng tấp nập đến viếng thăm. Gia đình bà Đạt u sầu, nhưng ngày ấy còn được hưởng chút tình người. Nhất là đại diện ‘Bác và Đảng’ đến an ủi và ban khen ‘gia đình liệt sĩ’ đã có người hy sinh cho ‘cách mạng’.
     Trong lúc Thu đang hồi tưởng thì bỗng nhiên, tiếng trống dồn dập từ đâu vang lại, mỗi lúc một lớn. Lúc con chó mực chạy ra cổng sủa oang oang thì lũ người từ ngoài đường cái lố nhố bước vào sân nhà bà Đạt.
 - Đả đảo địa chủ gian ác bóc lột nông dân --- Đả đảo!
 - Hoan hô chính sách tịch thu của Đảng và chính phủ --- Hoan hô!
 - Hồ Chủ Tịch muôn năm --- Muôn năm!
      Bà Đạt và Thu sửng sốt. Hai mẹ con cùng nắm tay Mai và Kha bước ra ngoài cửa để xem có chuyện gì sắp xẩy ra? Ngay lúc đó, vang lên cả vùng trời: Tiếng trống ầm ầm cùng với tiếng ‘đả đảo’ oang oang. Tiếng chó sủa ‘ăng ẳng’ cùng với tiếng hoan hô ‘Hồ Chủ Tịch’ rền vang.
Ngọn cờ đỏ sao vàng dẫn đầu. Đoàn người hăm hở tiến đến trước cửa nhà bà Đạt. Đi đầu là Tường, ‘đồng chí cốt cán’ nhân danh ‘nông hội’ trong làng. Với vẻ mặt đầy thù hận, hắn hét lớn:
 - Địa chủ Đạt, tức là con Nguyễn thị.... ra đây cho chúng tao bảo.
 Vẻ mặt bà Đạt tái mét. Thu bắt đầu run sợ. Mai và Kha đứng bên nhau oà lên khóc.
 - Còn chờ gì nữa, sao không ra đây mau. Tính chạy trốn chúng tao được hở?
 Trong lòng sợ hãi, dáng điệu rụt rè, bà Đạt từ từ bước ra giữa sân. Với ánh mắt thù hận, bọn ‘nông hội’ đồng thanh:
 - Đả đảo địa chủ gian ác bóc lột nông dân --- Đả đảo! Đả Đảo!
 Hàng chục cánh tay cùng giơ cao một lượt. Khí thế căm thù mỗi lúc thêm gay gắt:
 - Đả đảo! Đả đảo! Giết nó! Giết nó!