Nguyệt San Số 15


Đường Trăng Tố Nữ
Tác giả:Tìnhhoàihương
Thể loại: Truyện ngắn   

        Hơi thuốc thơm thoang thoảng bay bay làn khói nhạt uốn éo vướng lại từ đôi mắt Thắng sáng ngời, khiến phòng khách be bé gọn gàng trong căn nhà nho nhỏ xinh xinh (của anh chị Thương và Huyền) có vẻ thanh lịch dễ nhìn hơn. Thắng ngồi bên chiếc đàn guitar ung dung đánh vài điệu. Trông anh phong lưu an hòa, khuôn mặt xinh trai bỏ lững tay đàn, Thắng ngẩng lên liếc mắt nhìn về phiá Hoài. Anh đá lông nheo kèm theo nụ cười tinh nghịch, cử chỉ hoà ái vui tươi. Hoài nhìn sững chàng trai mỉm cười như bị thôi miên. Cái nhìn không cho Thắng biết là sự vui tính, phong lưu, đẹp trai ấy khiến nàng ngẩn ngơ phút giây hoài cảm. Hoài e lệ chớp mắt, dường như muốn đáp lời thầm lặng và ngưỡng phục.
- Hoài biết bản nhạc nầy chứ!
      Nàng dối Thắng, giả vờ lắc đầu nhè nhẹ, để nghe anh nói:
- Là Thu Quyến Rũ. Này nhé: Anh mong chờ Hoài thương. Ấy chết!
      Thắng cười xinh xinh, anh ca tiếp: “Anh mong chờ mùa thu. Trời đất kia ngã mầu xanh xanh lơ. Đàn bướm kia đùa vui bên muôn hoa. Bên những bông hồng đẹp tươi. Anh mong chờ mùa thu… Hoài thương quyến rũ anh rồi”.
      Khóe mắt khắc khoải ưu sầu lóe sáng tia chớp, từng phiến u hoài rụng rơi, tim Hoài bừng lên niềm vui thích dịu dàng bao tin yêu dấu ái ngày xưa dường như bừng sống dậy trong lòng nàng. Tiếng hát Thắng ấm ngọt truyền cảm dịu vợi đã khuấy động tâm hồn Hoài lắng đọng bấy lâu, giống con thiên nga huyên náo khuấy đảo tưng bừng mặt nước đang yên ắng. Hoài thán phục và rụt rè trước mặt chàng trai, bởi vì anh khả ái, lịch lãm, vui tươi lúc nào Thắng cũng lộ vẻ hân hoan, khiến anh thêm hồn nhiên, dễ thương lắm.
- Cảm ơn anh đã gieo cho Hoài niềm tin.
- Hoài thiếu niềm tin từ buổi Hoài đứng tư lự bên góc nhà thờ kìa.
- Ồ! Hoài như vậy a!?
- Bởi lẽ anh có tâm sự đau buồn gần như thế, nên thông cảm…
- Em thấy anh lạc quan, yêu đời quá mà.
- Ấy! “Cười là tiếng khóc khô không lệ. Người ta cười những lúc quá chua cay”, Hoài biết đấy. Có câu danh ngôn: “Giữa quá khứ đã trốn tránh ta. Tương lai mà ta mù tịt. Chỉ có hiện tại gồm các bổn phận của ta”. Thế thì bổn phận ta là vui vẻ, lạc quan, yêu đời, để tự vươn lên chứ em.
- Dạ phải.
- Hoài ngoan lắm. Nhớ hôm trước đi lễ, anh đứng gần Hoài ở cuối giáo đường. Em lo cầu nguyện, nào có biết anh nhìn em đăm đăm. Không ngờ em cùng đạo mí anh đấy.
- Anh tếu thật, “Tứ hải giai huynh đệ” mà.
- À há! Quả thực anh vô duyên bỏ xừ! Đừng buồn anh, cô bé nha.
- Ối dào. Hơi đâu buồn anh cho mệt.
      Thắng nghe Hoài nói “hơi đâu buồn anh”, thì đầu nàng nghiêng nghiêng, mái tóc dài rung rinh, bờ môi lí lắc cong cong, mím mím, mỉm mỉm. Anh thấy dễ mích lòng, dễ hờn nhau, và và và… sao mà ngây ngất dễ thương… ghê nơi. Thắng cười:
- Biết rồi. Chán ơi là chán.
      Tiếng đàn xưa như rót về từng phiến u hoài ngân vang trong lòng Hoài, khi ngọn lửa tình nồng nhiệt cũ còn bí mật âm ỉ cháy; dĩ vãng xa xôi hiện ra như dòng sông phủ sương xám đục mờ nhòa, bao chua xót vỗ sóng âm thầm tuông chảy làm nhăn mặt nước.
- Xị mặt ra rồi hử. Cấm không buồn à nha.
- Dạ. Ông tướng ơi.
      Thắng lặng người mất vài giây, anh thân ái nhìn Hoài mỉm nụ cười có lúm đồng tiền duyên ơi là duyên, chiếc răng khểnh tinh nghịch lú ra khỏi vành môi phớt hồng, như trêu ghẹo nàng. Anh móc đàn trên đinh treo, Thắng quay nhìn đám lá me bay bay ngoài khung cửa sổ đang hững hờ đáp nhẹ xuống bên bờ giếng.
      Chào chị em Hoài, Thắng lững thững đi về nhà.

      Sau kỳ thi trúng tuyển và trở thành hoa hậu, thì Hoài rất hân hạnh được Đại-tá Lâm Văn Phát ký giấy mời Hoài vào làm việc tại Phòng 5, trực thuộc Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 2, đặt trụ sở tại Sơn Trà, (cùng Sư-đoàn với Thắng). Trong Sư-đoàn nầy có Ban 1 là ban Quân số. Ban 2 là An-ninh. Ban 3 là Hành-quân. Ban 4 là Tiếp-vụ. Ban 5 là Tâm-lý-chiến. Thắng làm ở ban Quân-số. Vốn dĩ Thắng có quen biết nàng trước khi Hoài được thu nhận vào “đại gia đình huynh đệ chi binh”, do đó thân càng thân, vì đôi khi hai Ban ngành nầy cần bổ sung công việc cho nhau.
- Trong Ban 5 gồm có những anh, chị: Trung úy Phước làm Trưởng-phòng, quê quán anh Phước ở Huế, anh là một người hiền lành từ tâm và độ lượng. Anh đã có vợ và hai con trai. – Thượng-sĩ Cương nói giọng Bắc làm Trưởng-ban văn nghệ, anh có vợ và con trai gái năm đứa. – Trung-sĩ Nhất Thái có vợ, anh là Phó ban Văn-nghệ. Ban văn nghệ còn có sáu nữ và mười Nam. Năm cô làm chung với Hoài là: Lan Anh hai mươi ba tuổi, quê ở Tam Kỳ. Thu Hoa, Mai Hồng: hai mươi lăm tuổi, cùng quê ở Quảng Nam. Thu Hương ba mươi hai tuổi, có gia đình, quê ở Đà Nẵng. Tuyết Ngọc Trúc nói giọng Bắc ở trong Sài Gòn ra, mười chín tuổi. Trúc thấy Hoài hiền như nai (Trúc có cảm tình với bé Hoài khờ khạo có chút kiến thức căn bản, ở nhà quê thò ra Tỉnh). Hoài là em Út nhỏ nhít mười bảy tuổi của Sư Đoàn. Về kinh nghiệm, công việc, tài năng và tuổi đời, Hoài thua hẳn đàn anh, đàn chị. Hoài yêu màu tím. Thế nên từ áo dài, áo lạnh, khăn quàng, bít tất, giày, đều tím “tông xuyệt tông”. Khi lên sân khấu diễn kịch, ca hát, Hoài lại tô nhẹ mí mắt màu tim tím, môi son phơn phớt màu tím hoa cà. Trông Hoài lãng mạn, đa tình, mơ màng, và buồn rười rượi. Mặc dù Hoài vẫn biết: “chí lớn trong thiên hạ, không đựng đầy trong bầu rượu qúy. Không đựng đầy trong đôi mắt giai nhân”. Mọi công việc của Hoài đều do Trúc chỉ dẫn giúp lúc ban đầu. Anh Thái là người tận tình hướng dẫn dặn dò Hoài:
- Em nên chọn Tuyết Ngọc làm bạn.
      Ý kiến hay, Hoài cũng nghĩ có lẽ Trúc sẽ là người bạn tốt. Hoài kết thân với Trúc: một thiếu nữ xuân-thì, khá xinh đẹp, duyên dáng và tài hoa. Trúc là cháu họ xa xa xôi xôi của Đại Tá chi chi đó. Nàng đi làm có tài xế đưa đi đón về. Cuộc sống khá thoải mái về vật chất. Tuy về phương diện tinh thần thì Trúc có phần hạn hẹp. Muốn bảo vệ uy danh cậu, Trúc phải đi thưa về trình. Khi cậu đi hành quân vắng nhà, Trúc qua mặt mợ vù vù vì mối đa tình, cuộc sống tình cảm khá sôi nổi, lăng nhăng của cô. Có phải Trúc là “nữ châm” không, mà cứ như cục “nam châm” hút trai trẻ hằng tá. Trúc hay nhờ Hoài đến cổng nhà ông Tá bấm chuông gửi lính mang tờ giấy giả: “Giấy ở Phòng 5 mời đi họp khẩn”, để Trúc có cơ hội xin phép mợ cho nàng vắng nhà xí. Sổ lồng rồi, Trúc tha hồ tung bay giữa bầu trời tự do, cô hẹn với bồ đi dạo phố, đi chơi, đi du hí thoải mái. Đôi lúc hai cô cậu xin ngồi nhờ ở nhà chị Thương, họ nói chuyện tâm tình suốt cả buổi.
      Nhờ thân thế cậu, nhờ ưu điểm nên Trúc tự đặt mình ở ngôi vị cao hơn anh chị em cùng phòng. Trong Ban 5 muốn chiều ý Trúc, có thể họ không “khẩu phục tâm phục” ý kiến ý cò của Trúc đúng. Chỉ vì họ muốn nịnh Trúc phòng xa để khỏi bị đổi đến các vùng địa đầu giới tuyến giữa lằn đạn mũi tên. Họ sợ việc làm của mình sẽ đến tai ông Tá, đôi khi thêm mắm dặm muối, thì nguy to. Tuy nhiên Trúc có tính tốt không rảnh công đi mách chuyện đâu đâu, có hại cho đồng nghiệp. Phải nói rằng Trúc có nhiều ưu điểm nổi bật làm mờ khuyết điểm (mà cô gái đẹp thường có). Để kết thúc bức tranh Tố Nữ, Trời còn ban cho Trúc có giọng ca oanh vàng làm say đắm biết bao người.
      Một buổi tối khi trời sao lấp lánh trên không trung mờ mờ sương núi thấp thoáng bay bay, từ trong khu đồn trú đóng quân chằn chịt hầm hào hố bom lỗ chỗ, các cô gái rủ nhau xuống dưới chân đồi, ra cổng. Họ định đi xuống dưới góc làng ăn bún bò Huế tại quán bà Thu ở bên góc cầu. Khi họ đến lưng chừng đồi (mà Hoài đặt tên là ngọn đồi “T T2”, có nghiã là “chị Trúc, anh Trọng”), trong mái nhà hầm đã chôn hai phần ba ngập xuống đất, một phần tường bao cát và mái nhô lên khỏi mặt đất, chung quanh khu bệnh xá nầy chất đầy bao cát, có từng dãy giao thông hào. Hoài thấy người ra kẻ vào vội vàng, coi có vẻ khẩn thiết và im lặng. Tò mò các cô rủ nhau vô xem. Dưới ánh đèn điện vàng vọt tù mù hắt ra cửa: Một cảnh tượng bi thương hãi hùng phơi bày: Trong phòng mùi hôi thối nồng nặc do máu mủ tanh chưa khô tỏa ra, mùi creostote, alcoln, mùi mồ hôi, mùi cỏ ẩm, mùi thuốc súng khét lẹt, khiến khứu giác Hoài nghẹt thở. Hầm nầy có bảy cái ghế bố. Hai thương binh xài chung một ghế bố, người nằm xuôi kẻ nằm ngược. Họ rên xiết, quằn quại, co quắp, quắt queo với những vết thương lầy nhầy máu mủ lở loét. Có người tay chân quờ quạng, đôi mắt mở thao láo. Người băng chân kẻ băng tay, băng đầu, vân vân… Quá vào trong tí nữa là hai bác sĩ quân y, bốn y tá lo cấp cứu cho một thương binh bị đạn ghim vào ruột, thân hình bê bết máu, mắt lạc thần, mặt xanh lè. Anh ta đau đớn gào lên, nghe rùng rợn kinh khủng.
      Hoài thấy Huyền-Nữ, (cô y tá Trung-sĩ đã chính thức được áp triện son, con dấu có hàm ý phong cho cô là: “Ta đã vinh thăng, đừng có xớ rớ, đừng hòng lên mặt dạy đời, ta không chịu nỗi”…), mà các anh quân nhân thân thương đã âu yếm gọi ngược lại Nữ là: “Trung tá y sĩ Nữ quân-y cưng ui”! Nữ thản nhiên cầm bàn chân đẫm máu (của một thương binh vừa bị cưa cụt), Nữ bọc cái chân ấy trong túi ni lông. Cô ta liệng nó vào thùng đựng rác bằng sắt, nghe kêu khô khan một tiếng…”đùng”. Hoài lại rùng mình, cơn ớn lạnh từ đâu ập vào thân thể, chạy dọc theo sống lưng, vì chứng kiến máu tươi phọt ra và nghe thấy sự đau đớn, rên xiết não nuột của những thương binh, như tiếng hú từ âm ty đưa về, cho Hoài trọn ý niệm kinh hoàng tột đỉnh về cơn đau đớn cuả kiếp người. Đến lúc này thì không thể nào chịu đựng nỗi cảnh khủng khiếp rùng rợn đó. Hoài rệu xuống như trái mít ướt rụng, ngất xỉu, không còn biết ất giáp gì nữa.
      Trúc hoảng hốt la lớn. Bác sĩ Quân-y, y-tá và mấy bạn vội chạy đến bên Hoài. Họ vực Hoài nằm ngay đơ lên một góc ghế bố, (do anh thương binh nhanh nhẹn nhổm dậy nhường chỗ). Bác sĩ khám bệnh cho Hoài xong, ông ta mỉm cười đi rửa tay. Hoài đã thoát khỏi cơn đột biến, không còn lo ngại về sức khỏe.
      Đoàn 5 đóng tại Thị-xã Quảng Ngãi, rồi sẽ phân phối đi quanh mấy vùng lân cận như: Sa Huỳnh, Mộ Đức, Tân Thạnh. Tư Nghĩa. Lao xá Phú Châu thuộc liên khu V thời xưa, và về hướng Tây Quận Nghĩa Hành. Cuối cùng, Đoàn 5 sẽ đóng ở cận sông Trà Khúc, không lên Minh Long. Các cô có bạn ở chốn giang đầu tha hồ nhớ nhung và bâng khuâng nha.
      Buổi tối, tất cả anh chị em vào ngủ nhờ trong Tiểu-khu cho an toàn. Hội Trường chứa khoảng vài ngàn người, lính tráng ở đâu về tạm dừng chân qua đêm nay đông kinh khủng. Hội trường có đòn dong, cột, kèo, vân vân… đều làm bằng nhiều cây sắt to, tương tự loại nhà tiền chế của Mỹ, rộng lớn. Tứ bề không có cửa, chỉ phủ kín bằng những tấm bạt dày và to thay tường. Nóc nhà lợp tấm “tăn”. Những đêm di hành thường ăn bờ ngủ bụi luôn luôn, nay may mắn lắm mới có chỗ ngã lưng tốt thế nầy. Thật qúy hiếm. Mai Hồng, Thu Hương, Lan Anh, đã nhanh nhẹn chiếm cái bàn rộng làm thành cái giường ngủ, coi thật thoải mái. Ba cô ấy mến thương nhau, giận hờn và xoi tì xoi tướng nhau một cách thân ái; giống như các chấp chính quan thời kỳ La Mã, hay triều đình vua Tự Đức vậy.
      Giăng mùng xong, Trúc, Hoài, vừa chui vào một giường bố chiếc, đứa nằm xuôi, đứa nằm ngược cho đỡ chật, thì điện cúp. Hoài từ hồi còn nhỏ đã ngủ riêng quen rồi, nay nằm ngủ chung với bạn như vậy, nàng bị mất ngủ luôn. Nhắm mắt mơ màng dĩ tưởng về dĩ vãng, bỗng có ai nhẹ nâng tấm bạt lên, Hoài ngỡ là cô bạn nào tìm chỗ ngủ, nên nói:
- Hết chỗ rồi, bạn ơi!
      Một lúc khá lâu, bàn tay kia nhẹ nhàng rờ lên hai đầu gối nàng thò ra quá nửa ghế bố. Tưởng con chó Xệ cuả anh Thái nó thích ngoạm mùng mền như mọi khi. Nàng lấy tay hất ra, liền bị bàn tay khô, sần sùi chai cứng kia chộp lấy, cùng tiếng thở hổn hển, phì phò gần sát bên, nghe rất dễ sợ. Hoài vùng mạnh tay hắn ra, thất thanh hét tướng lên:
- Trời ơi! Ai làm cái gì đây?
      Sau tiếng hét kêu rất to nghe thiế chát tai ấy thì bóng đen hất tấm bạt qua một bên, vụt chạy biến vào đêm tối mất dạng. Cả hội trường nhốn nháo vì tiếng la hét rít lên the the và đột ngột, nghe mà rợn tóc gáy. Điện vụt sáng. Sau phút kinh ngạc, tiếng ồn ào lẫn trong tiếng cười nói đồng loạt lao nhao nổi lên. Mấy cô gái và Hoài, Trúc sợ quá, nhảy dựng tót lên nơi bàn Thu Hương đã chiếm, mấy bạn dồn nhau ngồi chung một chỗ không dám hó hé. Mặt Hoài, Trúc, tái xanh như nhuộm chàm, khiến các anh chị cùng ban ai nấy đã vén mùng lên hạ mùng xuống không nhịn được cười. Quả thật, hai cô sợ bị “bắt vô bưng”! Hình dung và tưởng tượng về bàn tay lạnh ngắt kia vẫn còn nguyên. Và, trước khi ngủ các anh nói chuyện ma, chuyện quỷ. Bây giờ bị một vố mất hồn mất vía, Hoài run rẩy sợ điếng người! Sao lại cười nhỉ! Không thể cười đâu. Thế là suốt đêm Hoài mở mắt tháo láo trừng trừng nhìn vào bóng tối, mà run.
      Sáng sớm hôm sau đoàn Quân Tiếp Vụ lên Minh Long. Trúc gửi theo tài xế Bốn mang cho Trọng, bạn trai cuả Trúc: Gói trà. Cà phê chồn. Đường cát. Hai cây thuốc lá Ruby Queen. Bịch khô nai. Kèm theo mấy lời thăm hỏi viết trong tờ thư xinh xinh, cô gửi đến các anh chiến đấu ngoài sa trường ở chốn giang đầu chút tình người.
      Ngày thứ Bảy, Trúc, Hoài đi làm xa, lúc chiều về trại họ nghe Lân nói:
- Có một thanh niên mặc thường phục đến tìm hai em đó.
      Ban đầu Trúc nghĩ người đó là Chiêu, bạn trai thân thiết của Trúc, nhưng anh ấy có ra đây thì phải mặc quân phục, chứ đâu có lè phè mặc đồ cevil? Còn Trọng? Chắc không thể. Vùng đó đang giao tranh dữ dội. Làm gì có chuyện người binh thư nhàn nhã về dạo phố phường Quảng Ngãi? Trúc chợt nhớ lạ lùng bài ca: Biệt Kinh Kỳ của nhạc sĩ Lê Dinh, mà Đan, Trọng, người chiến sĩ gió sương can trường muôn dặm quan hà, có mái tóc sớm bạc màu nắng mưa khuya sớm. Họ đi giữa hai lằn đạn trong suốt tháng năm qua, trên vùng Mộ Đức, Sa Huỳnh, Nghĩa Phú, Tà Noát, Ba Tơ: có lần Trọng đã hát cho Trúc nghe say sưa. Phải không hở Trọng? Hẳn anh không muốn làm chàng trai phong trần, vai đeo cung tên ngồi trên mình con tuấn mã, ruỗi dong ngàn dặm, để tìm hương cố nhân. Anh cũng không thích làm Quan Vân Trường râu dài, quắc thước, tính tình cương trực cưỡi con xích thố, sử dụng cây thanh long đao tuyệt hảo. Anh càng không là chàng Kim Trọng tình si hào hoa phong nhã, say đắm nhan sắc Thúy Kiều. Mà anh là Trọng ở ngàn chốn sơn khê, nơi cuối núi đầu ghềnh xa tít tắp. Tay anh luôn cầm súng dài, báng súng carbine M2, lưng cõng đầy đạn, lựu đạn, mặt nạ chống hơi ngạt có mắt kính lồi bằng nhựa đục.
      Lúc trời dịu mát, năm cô gái rủ nhau đi pát phố, dạo cảnh đồng quê. Cô nào cô nấy mặt hoa da phấn, môi thắm má hồng, áo quần xum xoe. Họ xức nước hoa thoang thoảng mùi thơm. Các cô như năm con công lạc giữa đám gà vịt bát nháo. Người dân quê lam lũ một nắng hai sương, cần cù cày sâu cuốc bẫm với đồng áng ruộng vườn cằn cỗi. Chưa khố rách áo ôm là điều đại phước. Ở đâu ra có thì giờ nhởn nhơ tung tăng trên đường nhựa với quần là áo lụa. Dân quê chống cuốc ngẩn ngơ đứng nhìn. Cô thôn nữ mộc mạc áo lận quần xăn bạc phếch màu gian khổ ngại ngần kéo vành nón lá sờn rách che nghiêng. Hai hình ảnh đó đối lập nhau, không phù hợp với thực tế chút nào. Chẳng thích ứng với vùng trời nơi chiến tranh đang gay gắt diễn ra cách đó mươi cây số.
      Vậy thì các cô gái thị thành ỏng ẹo lượn lui lượn tới để dợt le, lấy le ai đây? Sao mà lố bịch quá! Nên các cô vội vàng trở về con phố chính. Ở đó, dẫu sao còn thấp thoáng khuôn mặt cư dân thị thành. Khoan khoái thả bước thong dong trên phố, mấy cô cùng nhau ngắm cửa tiệm chưng bày mỹ phẩm, giày mũ, áo quần, vân vân… Quảng Thành ngày nay đã mất dần dần nét mộc mạc hồn nhiên ngày trước. Các quán ăn, Snack bar, phòng khiêu vũ đèn mờ, nhạc kích động đã mọc lên như nấm. Các tiệm buôn, nhà hàng, quán bar đều tập trung vào các đường phố: Quang Trung. Lê Trung Đình. Phan Bội Châu… Người Mỹ vừa đưa những tên cố vấn đến trên quê hương nghèo nàn, mang theo bầu sinh khí sôi nổi, ồn ào sống động, hội hè đình đám, phức tạp nhất là ở các bar luôn náo nhiệt tưng bừng trong thành phố đông vui. Không hiểu người ta đi đâu mà chen lấn chuyển động như kiến trên mặt nhựa nóng? Lòng phố xuất hiện những chàng lính Mỹ trắng, Mỹ đen lạ mắt đi lố nhố nghênh ngang trong lòng đại lộ. Tuy vậy, họ chấp hành luật pháp khá sợ Quân Cảnh Mỹ luôn lái xe jeep đi rà soát quanh vùng. Ít khi thấy Mỹ hung hăng bạo động ở thời điểm nầy, họ rất thích trẻ em và ưa tặng quà bánh. Nếu có bạo động chẳng qua là… sự thật là có mấy nhúm choai choai dé dé ở nước mình, chuyên môn ra tay “sát phạt” trước, vì… hổng ưa “bọn da trắng da đen” đã rầm rộ đến vùng đất chúng ta thả vung vít tiền hậu hỉ, để xã láng ăn chơi ồn ào cua gái mà thôi.
      Cha mẹ sanh thành, nưng niu con từ tấm bé không tiếc công, rứa mà tiếc chi tên cúng cơm của con, cha mẹ đặt tên cho hầu hết các cô cái tên quá dị hợm khó nghe vậy hổng biết! Ở trong nhà hay ra ngoài ngỏ họ đã dấu cái tên “Bẹn”, tên “Gái”, tên “Ệp”… tên “Mu”… quê xệ như mèo dấu cứt. Rứa mà mẹ cha vô tình cứ oang oang réo tên con quê mùa mục mịch! (ngoại trừ tên cuả Hoài là tên thật 100% à nha). Thật khó chịu xấu hổ hết biết mỗi khi có người nheo nhéo gọi. Mắc cỡ muốn độn thổ, nên các cô ấy khi đã ra trường đời thì qúy cô … tự ý cãi lời bố tổ, ông cha “hủ lậu”. Thôi thì ta tự đặt cho mình những cái tên thật kêu, thật đẹp, thật mê ly, thật hách đầy hoa mỹ, du dương êm ái ngọt ngào như mật rót vào môi. Gọi tên em ngày đêm nghe bàng hoàng, thương nhớ đời ca sĩ… đến rụng rời… đứt đuôi con nòng nọc! Vì Đời Em Lá Bạc nên quyết chí phen nầy em phải xông xáo đứng lên …phải thành công trưởng giả học làm sang:
Người ta đi Lính cứ hai năm:
Tuần tự thăng cấp được một lần.
Đơ dèm cùi bắp lên Hạ-sĩ.
Sĩ quan thăng tá tướng. Vân vân…
Ô! vậy thì… dù ta có khổ
Em cũng ráng lặn lội mò vô
trong Nam, tìm Không Quân Sài Gòn
Kiếm bằng được kim cương, hột xoàn…
Vui quá là vui chuyện thế trần.
Công hầu danh tướng dẫu phù vân.
Dọc ngang trời biển Phi công nhân.
Dã Chiến. Bộ-binh. Thủy. Pháo. Dù.
Mộng hải hồ dọc ngang tứ xứ…
Riêng em đây trót lỡ anh thư.
Anh phong em lên chức “cô Ba”.
Trong dạ nao nao mừng, hí hửng.
Trái tim nhảy nhót đập lung tung!
Ai ngờ… Quân Số Một giáng chức.
Tụt một bậc em xuống: “Thím Tư”
Đời em lá bạc. Chán bỏ xừ.
Lon lá bây chừ đã nát nhừ.
Tưởng lên ai dè… tụt ngay xuống!
Quá rầu. Em đứng khóc dưới mương…
Quân Số không tim. Ai vấn vương! (*)
      Hoài thực sự vào Đời khi tóc vừa chấm ngang lưng, khi đôi mắt xanh hớt hãi vương từng phiến u hoài. Hoài say mê đi tìm cuộc sống mới dần dần đổi thay hoàn cảnh hiện tại. Hoài không muốn đầu hàng sự đau khổ. Lao khó. Muộn phiền. Nghèo đói. Tình yêu là ánh sáng hướng thiện soi dọi đường trăng Tố Nữ trước mặt để mình khỏi vấp ngã. Hoài sẽ đoạn tuyệt tất cả, sẵn sàng xây dựng viên gạch đầu tiên chân xác hơn. Mặc dù Hoài không yêu thích cảnh sống. Nhưng nàng đành phải chấp nhận. Cuộc sống cuộn chặt vào đời Hoài không chỉ chỉ vì miếng cơm manh áo, mà cần phải có tình yêu người. Sự thay đổi lối sống đa dạng trong cuộc đời chông gai phức tạp nầy, có gì đâu! Đơn giản thôi! Chỉ cần một động tác nhẹ nhõm uốn mình nhảy qua khe suối nhỏ. Giống như chú mèo uyển chuyển, nhẹ nhàng nhảy từ trên mái nhà xuống nền đất. Thế là Hoài đã rũ bỏ sau lưng tất cả mật ngọt, hương hoa tình yêu, và hủ mật… đắng. Đắng nghét của đời giông bão đang uốn lên uốn xuống… làm kiệt lực con người trong dòng sinh mệnh chiến chinh bùng vỡ.

(*) Thơ tiếu lâm: tìnhhoàihương