Nguyệt San Số 12


Cầu Trời khấn Phật
Tác giả: Người Tỵ Nạn
Thể loại: Truyện ký   

      Tôi được sinh ra trong một làng nhỏ dọc vùng duyên hải ở miền Trung, nằm dưới chân đèo Hải Vân và gần thành phố Đà Nẵng. Nơi đầu làng là một hòn núi ăn thông ra biển khoảng vài trăm thước. Những cây bàng, cây nhiệt đới mọc cao chót vót nên rất mát, lại thêm gió biển thổi vào và tiếng ve sầu kêu vang từ rạng sáng quả là nơi nghỉ hè lý tưởng cho du khách. Bên kia núi là một bãi biển tắm đẹp đã thu hút hàng ngàn du khách từ Đà Nẵng. Cứ mỗi hè là học sinh các trường từ Quảng Nam, Đà Nẵng kéo đến cắm trại, Hướng Đạo Sinh đến sinh hoạt, du khách khắp nơi đến tắm biển, nghỉ mát. Dọc bãi biển là khu du lịch phồn thịnh với những nhà sàn cất cao - để tránh sóng lớn vào những ngày mùa đông - bán thức ăn, đồ biển, bia và nước giải khát. Nhà tôi ở không xa bãi lắm nên một ngày tôi tắm biển không biết bao nhiêu lần. Nhiều lúc tôi được ngủ trên bãi cát vào những đêm trăng hè thật là diễm phúc. Gió mát trăng thanh, sóng biển rì rào đưa tôi vào mộng trong giây lát. Than ôi! Kể từ sau 30/4/75 thiên đường nho nhỏ của tuổi thơ tôi đã bị mất đi.
      VC chiếm làng tôi vào cuối tháng tư năm 1975, lúc đó tôi mới lên 12 tuổi. Vài ngày trước đó là cuộc di tản hãi hùng của đồng bào di cư từ Huế, Thừa Thiên, Quảng Trị vào Đà Nẵng trông khiếp sợ. Làng tôi nằm trên Quốc lộ số 1 nên đây là độc lộ cho đồng bào ngoài Huế di cư vào tháng 4 năm ấy. Đây là lần thứ hai tôi chứng kiến đồng bào chạy giặc, lần đầu là Tết Mậu Thân năm ấy tôi mới có 5 tuổi.
      Những ngày tháng sau tháng 4 năm 1975, làng tôi cũng như những nơi khác phải chịu đựng những cảnh khổ, chật vật: nào là đổi tiền, thiếu ăn, gia đình ly tán, thanh thiếu niên phải đi làm lao động ban ngày, ban đêm phải đi sinh hoạt đoàn thể, phải gia nhập vào đội vào đoàn, v.v.
      Dù cuộc sống bấp bênh, nhưng tôi vẫn cố gắng tiếp tục con đường học vấn. Tôi được vào học lớp 10, được lên lớp 11, rồi cuộc sống càng ngày càng trở nên khó khăn hơn. Một điều tôi nhận thấy và lo ngại cho tương lai của mình là không những các anh Quân nhân cán chính bị đày đọa, mà cả gia đình, con cháu của họ đều bị liên lụy hay còn gọi là lý lịch 3 đời. Mặc dù gia đình tôi không có làm việc trong quân đội hay công chức trong chính quyền Quốc Gia gì cả, nhưng tôi thấy tương lai của mình cũng chẳng khác gì gia đình họ. Tôi chán nản học hành và có ý nguyện trốn thoát. Tôi may mắn được sống gần biển và hơn nữa nhà lại có ghe đánh cá nhỏ nên có phương tiện đi vượt biên dễ dàng hơn. Dù vậy vượt thoát được chưa hẳn là chuyện dễ. Tôi thường chứng kiến những cảnh người vượt biên bị bắn chết ngay trên bãi biển ở làng tôi thật rùng rợn hay cảnh công an dùng báng súng đánh những người vượt biên để khai cung thật man rợ. Khi có tàu hay ghe vượt biên bị bắt, chúng tôi thường hay tò mò kéo nhau đến đồn công an để xem và đã chứng kiến những vụ đánh đập tra tấn rất dã man. Những đòn đánh không chỉ để khai cung mà còn để đe dọa những ai có ý định đi vượt biên.
      Bãi biển làng tôi rất thơ mộng đã thu hút hằng ngàn du khách từ thành phố Đà Nẵng nay bỗng biến thành bãi tha ma không một bóng người. Một đồn công an biên phòng cất lên để canh chừng người vượt biên và lệnh cấm không cho phép được ai lai vãng gần bãi tắm. Mọi cử chỉ, hành động đều không tránh khỏi được tai mắt của bọn chúng. Do đó vượt thoát được không phải là một chuyện dễ.
      Đã có ý định trốn thoát, tôi quyết định bỏ học để phụ giúp gia đình làm ăn và cũng để quen với sóng gió, biết đường đi nước bước. Vì đây là quyết định sinh tử nếu bị lộ, tôi sẽ bị mềm xương và cả nhà tôi cũng khổ theo như anh tôi bị bắt trước đây. Tôi âm thầm lo mọi chuyện ngay cả người trong gia đình tôi cũng không cho hay. Với tính kỹ lưỡng và ít nói, tôi móc nối vài người bạn quen tin cẩn và ông chú trong gia đình tổ chức vượt biên. Nhờ học hỏi được ít nhiều từ những chuyến vượt biên bị lộ, nhất là chuyến vượt biên bất thành của anh tôi, tôi càng kỹ lưỡng hơn.
      Tôi nhận vài chỉ vàng của một người quen, người dự định đi chung, dùng để mua lương thực và xăng dầu. Lúc đó tôi rất nhỏ nên khi cầm vàng trong tay đem ra chợ đổi sang tiền thì tôi rất lo lắng và nhất là lúc đó trong gia đình tôi có phương tiện đi vượt biên nên bọn công an theo dõi rất sát. Đây là cơ hội cho tôi kiếm một ít vàng, nhưng tôi tuyệt đối không nghĩ đến. Đổi vàng xong thì tôi mang trong túi một khối tiền khổng lồ, vừa lo vừa sợ. Tôi không tưởng tượng là mình đang giữ môt số tiền lớn như vậy, hai túi quần tôi căng đầy tiền, dù có nằm mơ chăng nữa tôi cũng không tài nào kiếm được số tiền như vậy. Nay tôi không tin được là lúc đó sao tôi lại gan đến như vậy? Tôi thận trọng nhờ mua một ít lương thực khô, la bàn và một vài thùng dầu và ít nước uống.
      Theo sự hiểu biết của tôi lúc bấy giờ, nhìn vào bản đồ thì biết Hồng Kông là đi 45 độ hay hướng đông bắc từ chỗ tôi ở. Tôi thỉnh thoảng nghe lóm người trong xóm để học hỏi thêm kinh nghiệm về đường đi nước bước cho chuyến đi của tôi được an toàn hơn. Mọi chuyện sắp xếp xong xuôi, lúc quyết định ngày giờ đi không phải là chuyện dễ. Ngày giờ ra đi phải hội đủ điều kiện như trời phải tốt, lúc vắng bóng bọn công an biên phòng, giờ giấc thuận tiện cho những người đồng hành, tránh tai mắt của bọn ăng ten, ... Cân nhắc đủ thứ, cuối cùng tôi quyết định và cầu mong sao cho hôm đó có mưa dông. Vì quê tôi thường hay có mưa dông vào những ngày tháng Bảy. Mưa dông thường sấm sét ầm ầm dữ dội, mưa tầm tã, rồi qua cơn mưa là mặt biển yên lặng như trong hồ. Những lúc như vậy thì bọn công an lo trốn mưa và bỏ gác.
      Quả thật Trời thương! Khoảng 10 giờ tối, chiếc ghe đánh cá của gia đình tôi trở về bến như tôi đã sắp xếp và hơi bất thường hơn mọi khi. Lúc đó bầu trời trở nên đen sậm, mây lũ lượt kéo đến. Chúng tôi từ từ khuân vác đồ đi biển lên và lợi dụng lúc đó chúng tôi lẹ làng chuyển đồ vượt biên xuống ghe. Chúng tôi phải đóng kịch làm sao những người đi đánh cá chung trong ghe tôi không biết chúng tôi đi vượt biên. Đây là điều tôi lo lắng nhất. Anh em chúng tôi xuống ghe rồi nhổ neo rời bến. Những nhóm khác tự động rời bãi biển gặp nhau ở điểm hẹn. Vừa lúc đó trời đổ mưa xuống như thác đổ. Tất cả chúng tôi gặp nhau rồi thả cho ghe trôi theo gió ra khuất tầm nhìn của bọn công an. Thoát được một ải. Rời bến thật xa chúng tôi mới cho nổ máy chạy đến nơi dấu dầu và nước tôi đã mua sẵn. Đến nơi, chúng tôi tìm không thấy dầu. Ai nấy hoảng hồn thất sắc. May thay, lúc chúng tôi định giải tán, thì lúc đó thấy một người quen chèo chiếc thúng đến và anh cho hay chỗ dấu dầu và nước đã đời đi chỗ mới. Anh có gởi một người em đi theo cùng. Chúng tôi chạy ghe đến chỗ để lấy thêm nước rồi giã biệt quê hương. Thoát được một ải thứ hai, ải cuối cùng.
      Ghe chạy về hướng đông bắc như đã định. Chiếc ghe ra khơi, nước biển từ xanh đến tím, dãy Trường sơn bắt đầu chìm dần xuống nước. Núi Sơn Chà nhỏ dần như một cái nón lá trôi trên biển, rồi từ từ biến dạng. Trên thì trời, dưới thì nước mênh mông. Đại dương bao la, con thuyền nho nho dài 12 thước như chiếc lá trôi trên nước lướt sóng theo hướng Hồng Kông.
      Thật tình mà nói, tôi là dân ở vùng biển, nhưng mỗi khi bước xuống ghe là tôi say sóng còn tệ hơn những người dân ở thành phố nữa. Cho nên khi ghe ra tới biển lớn thì tôi không còn biết gì nữa, người tôi như một cọng bún vậy! Suốt mấy ngày liền, tôi chỉ nằm liệt trên sàn ghe, không ăn không uống. Tôi biết là tôi quá vô dụng nhưng tôi chẳng làm gì hơn được ngoài chỉ nhắc nhở mấy anh bạn hướng đi 45 độ theo điạ bàn. Tôi nằm đó chỉ cầu nguyện Trời, Phật sao cho chúng tôi đến nơi đến chốn được an toàn. Nhìn quanh biển cả, đại dương quá hãi hùng, trong khi đó chiếc ghe của chúng tôi thì nhỏ bé và anh em tôi thì còn quá trẻ và chẳng ai từng trải với biển cả bao giờ. Anh bạn lớn nhất trong ghe chưa đầy 21 tuổi, đứa em nhỏ nhất chỉ mới 7 tuổi.
      Năm ngày sau, chúng tôi đến được Hồng Kông và bị đưa vào trại giam. Chuyến đi của chúng tôi may mắn được bình yên và không gặp trở ngại như những chuyến đi khác, là một trong những chuyến đi nhanh nhất từ xứ tôi đến Hồng Kông. Tôi nghĩ 12 chúng tôi là những người trẻ tuổi nhất vượt biên và người tổ chức chưa đầy 18 tuổi. Tuổi đời còn non, kinh nhiệm ít ỏi mà quá liều mình tìm đường vượt thoát. Chúng tôi là những kẻ tìm cái sống trong cái chết, đánh đổi cái tự do bằng sinh mạng. Thật đáng giá! (It's worth it.)
      Những lời cầu nguyện của tôi năm xưa trên biển cả đã được Trời Phật phù hộ và đã đưa 12 anh em chúng tôi đến được Bến bờ Tự Do, nhờ vậy chúng tôi có được cuộc sống ấm no ngày hôm nay. Niềm ao ước và cầu nguyện tôi hằng mong muốn đó là làm sao cho chế độ CS sớm sụp đổ để cho dân tôi thoát khỏi ách cai tri hà khắc của CS mà đồng bào tôi không cần phải vượt biên gian nan như chúng tôi và như cả hơn 2 triệu người vượt biên khác.

Úc Châu, tháng Tư năm 2010
Người Tỵ Nạn 1982