Nguyệt San Số 16


 

 

Lời giới thiệu: Thơ là tiếng lòng thổn thức, bâng khuâng, trăn trở..... Người làm thơ hoặc thi sĩ sáng tác những vần thơ hay là lúc tâm hồn mình xúc cảm trước sự việc ngoại lai. Thơ có thể chia làm mấy khuynh hướng chính: Thời thế ( chủ nghĩa Quốc Gia ), lãng mạn, trử tình, trào phúng...Nguyệt san số 16 với chủ đề: Người chiến sĩ VNCH

Những ngôi mộ phủ lá cờ vàng

Tôi đã thấy những ngôi mộ phủ lá cờ vàng,
Trong nghĩa trang còn tươi màu đất mới,
Quê hương Việt Nam một thời lửa khói,
Người lính quên mình vì lý tưởng tự do.
Các anh hiên ngang chết dưới màu cờ,
Bỏ lại vợ hiền, đàn con thơ dại,
Những vành khăn tang bàng hoàng chít vội,
Nước mắt nào cho đủ tiễn đưa anh?
Có thể anh là người lính độc thân,
Chưa có người yêu, lên đường nhập ngũ,
Ngày mẹ già nhận tin anh báo tử,
Tuổi đời già thêm vì nỗi đớn đau.
Có thể anh vừa mới có người yêu,
Hẹn cưới nhau khi tàn mùa chinh chiến,
Tiền đồn xa chưa một lần về phép,
Anh đã ra đi mãi mãi không về.
Súng đạn vô tình làm lỡ hẹn thề,
Người yêu anh đã có tình yêu mới,
Khi trên mộ anh chưa tàn hương khói,
Trách làm gì!. Thời con gái qua mau.
Hỡi người tử sĩ dưới nấm mồ sâu,
Tiếc thương anh lá cờ vàng ấp ủ,
Nghĩa trang quân đội những ngày nắng gió,
Vòng hoa tang héo úa chết theo người.
Những ngôi mộ phủ lá cờ vàng. Xa rồi,
Xác thân anh đã tan vào cát bụi,
Nhưng lịch sử vẫn còn ghi nhớ mãi,
Miền Nam Việt Nam cuộc chiến đấu hào hùng.

Nguyễn Thị Thanh Dương

Mấy vần thơ cho Đỗ Thị Minh Hạnh  
Đất nước mình không có hôm nay
Nếu hai ngàn năm trước không có bà Trưng, bà Triệu
Và sẽ tiếp tục sống trong độc tài nô lệ
Nếu không có những người con gái như em
Dòng sông dài và phiến đá chông chênh
Nhưng nếu tất cả đều co ro, sợ hãi
Nếu tất cả đều đứng nhìn, e ngại
Dân tộc này rồi sẽ ra sao?

Em ra đời
Mười năm sau cuộc chiến
Bom đạn đã thôi rơi, sao tiếng khóc chưa ngừng
Câu hát hòa bình, sao nước mắt rưng rưng
Từng đoàn người vẫn lần lượt ra đi
Xuống biển, lên non, băng rừng, vượt suối
Tự do ! tự do !
Dù đổi bằng mạng sống
Dù phải chết ở quê người hơn ở lại quê hương.

Tuổi thơ em
Được nuôi bằng những giọt tình thương
Mẹ vắt ra từ bầu sữa cạn
Bằng giọt mồ hôi cha trong sớm chiều lận đận
Cõng cuộc đời trên chiếc lưng cong.

Những nỗi nhọc nhằn đã làm em khôn lớn thêm nhanh
Để biết thương yêu đồng bào lao động
Để biết lắng nghe tiếng thở dài của núi sông và lời thì thầm của tình yêu mơ mộng
Để biết mỉm cười trong cả lúc khổ đau.

Đất nước mình không có hôm nay
Nếu hai ngàn năm trước không có bà Trưng, bà Triệu
Và sẽ tiếp tục sống trong độc tài nô lệ
Nếu không có những người con gái như em
Dòng sông dài và phiến đá chông chênh
Nhưng nếu tất cả đều co ro, sợ hãi
Nếu tất cả đều đứng nhìn, e ngại
Dân tộc này rồi sẽ ra sao?

Em bước vào tù khi tuổi mới hai mươi
Tuổi đẹp nhất của thời con gái
Bên ngoài trại giam, mùa xuân đang qua và không trở lại
Nhưng trong trái tim em, xuân mãi mãi không tàn
Hạnh phúc của em là hạnh phúc của dân oan
Của những con người không có quyền được nói
Niềm vui của em là niềm vui của đàn em thơ mới lớn
Của những mái đầu bị xóa mất màu xanh.

Đảng xô em vào vũng bùn đen lọc lừa, giả dối, gian manh
Em lọc ra những giọt nước ngọt ngào, tinh khiết
Đảng trồng trong nhận thức em cây hận thù chém giết
Em chăm sóc cây để trổ trái tình người
Đảng đốt cuộc đời em bằng ngọn lửa bạo tàn rực đỏ khắp nơi
Em thổi tắt để thành nguồn sưởi ấm
Đảng biến em làm con sâu đo uốn mình quanh bốn vòng cửa cấm
Em thoát thân thành cánh bướm vàng.

Hôm nay
Lịch sử đang chờ em để bước sang trang
Dân tộc vịn vai em để đi cùng nhân loại
Những người chết đang bắt đầu sống lại
Những người đi đang lần lượt quay về.

Giữa quê người còn một bài thơ
Viết cho em bằng những dòng hy vọng
Đừng gục xuống, đừng than thân trách phận
Hãy mỉm cười như một chuyến đi xa
Mẹ sẽ chờ em dù năm tháng trôi qua
Sông núi chờ em trong ngày hội lớn.

Những uất hận ngày nào chảy theo dòng sông Hát
Đang trở thành những lớp phù sa.
Trần Trung Đạo
Boston, Hoa Kỳ 17 tháng Ba, 2011

Chiều mưa Pleiku
Tôi đi giữa cơn mưa dầm đất đỏ
Lạnh đầu thu mà như đã lập đông
Hàng cây đứng chụm đầu trên phố nhỏ
Đây: Pkeiku. Đâu " má đỏ môi hồng" ?!

Nỗi nhớ theo mưa từ đâu chợt đến
Khi bâng khuâng chạnh nhớ dáng thông buồn
Đà Lạt đang trở mình trong gió quyện
Hay cũng chập chùng đong hạt mưa tuôn?

Đếm giọt cà phê thả đều một nhịp
Vọng tiếng  thời gian thong thả ... vô tình!
Trong góc quán Lính thả hồn tư lự
Nhìn mưa rơi tạm quên chuyện chiến chinh.

Có bóng ai nghiêng nón che cơn gió
Áo em nhòa trong màn trắng mưa sa
Có phải vì tôi em cuống cuồng bước nhỏ
Hay Basalte đang níu gót em qua?

Giữa phố phường, tôi làm người khách lạ
Đứng lặng nhìn mưa phủ bóng quỳ hoa
Chiều vào tối cho mù sương lan tỏa
Mưa vẫn rơi trên phố núi hiền hòa.

Tôi thả chân theo dòng người xuôi ngược
Thầm ngân nga câu " má đỏ môi hồng "
Phố lạnh lùng. Đường mưa rơi sũng nước
Lính thẫn thờ. Lòng quạnh vắng... mênh mông.

HUY VĂN

Sài Gòn và EM

Trong mịt mù của trường giang dậy sóng
Có dáng Em trên bến đợi: hiền, ngoan
Bàn tay thon níu không gian hiển lộng
Đời rong rêu mà tình rất nồng nàn.

Phố Sàigòn trong những ngày nắng đỏ
Mang nỗi buồn của hoang phế hiện sinh
May quá! Có em thon ngón nhỏ
Vun xới mầm xanh, nuôi dưỡng cuộc tình.

Cám ơn Em một thời là chiếc bóng
Đã cùng tôi chia sớt những niềm đau
Biến nỗi buồn trong nghiệt ngã đời nhau
Thành hạnh phúc vô thường thời hậu chiến.

Em: nắng sớm bên giáo đường huyền nhiệm
Tóc mềm buông trên cánh áo đài trang
Em: nguồn vui trong cùng tận đa đoan
Của năm tháng sống bằng lời kinh nguyện.

Em như bóng theo hình luôn quyến luyến
Chia gian nan, gánh bi kịch đời người
Qua ngàn nỗi u trầm thời quốc biến
Em vẫn một lòng thanh khiết, an vui.

Giữa man mác của đầy vơi hoài cảm
Em chập chờn như sương khói huyền minh
Nhớ  làm sao: lời Em quyện hương kinh
Và nhớ quá: Sàigòn, Em... kỷ niệm!

HUY VĂN
 Tưởng nhớ Thérésa Nguyễn Thị Bạch Yến