Nguyệt San Số 15


 

 

Lời giới thiệu: Thơ là tiếng lòng thổn thức, bâng khuâng, trăn trở...Người làm thơ hoặc thi sĩ sáng tác những vần thơ hay là lúc tâm hồn mình xúc cảm trước sự việc ngoại lai. Thơ có thể chia làm mấy khuynh hướng chính: Thời thế ( chủ nghĩa Quốc Gia ), lãng mạn, trử tình, trào phúng...Nguyệt san số 14, nhân ngày Mother day, Tòa soạn chọn đăng những bài thơ nói về Mẹ, như món quà tinh thần gởi tặng những bà mẹ Việt Nam.

Yên Thao, tác giả bài thơ "Nhà Tôi "

*Bích Huyền (BH): Thưa thi sĩ Yên Thao, bài thơ Nhà Tôi của thi sĩ cũng như Đôi Bờ, như Đôi Mắt Người Sơn Tây, như Màu Tím Hoa Sim...BH đã hơn một lần nhắc tới trong chương trình Thơ Nhạc do BH phụ trách trên Đài VOA. Những bài thơ nổi tiếng ấy đã theo làn sóng người di cư từ Bắc vào Nam năm 1954...
*Nhà thơ Yên Thao (YT): Cảm ơn chị Huyền. Cảm ơn về sự ưu ái của chị về bài thơ Nhà Tôi. Đây không phải là lời nói xã giao mà là xúc động thật sự của người làm thơ đã có được một bài thơ qua gần nửa thế kỷ rồi. Còn một năm nữa là đúng một nửa thế kỷ mà vẫn còn người nhớ, nhất là người đó lại ở phương trời xa như chị Huyền.

*BH : Không phải chỉ có một mình BH nhớ bài thơ ấy đâu ạ, mà còn rất nhiều người yêu thơ ở trong miền Nam nữa. BH xin cảm ơn thi sĩ cũng như cảm ơn những người chủ trương Giai Phẩm Mùa Thu Hà Nội. BH đã chép bài thơ Nhà Tôi trong tờ Giai phẩm này, phát hành năm 1964 tại Saigon. Hình như thế, năm đó...nếu BH nhớ không lầm!
*YT: Không biết có phải từ tập san đó hay sau này sao chép qua lại nên sau 1975, tôi có được đọc bài thơ Nhà Tôi, người ta có in sai nhiều từ, chị Huyền ạ !

Nhà Tôi
Tôi đứng bên này sông
Bên kia vùng địch đóng
Làng tôi đấy xạm đen màu tuyết đọng
Tre cau buồn tóc rũ ướt mưa sương
Màu trắng vôi lờm lợp mấy khung tường
Nếp đình xưa người hỡi đau gì không ?
Tôi là anh lính chiến
Rời quê hương từ dạo máu khơi dòng
Buông tay gầu vui lại thuở bình Mông
Ghì nấc súng, nhớ ơi ngày đắc thắng
Chân chưa vẹt trên nẻo đường vạn dặm
Áo nào không phai nhạt chút màu xưa
Ðêm hôm nay tôi trở về lành lạnh
Sông sâu buồn lấp lánh sao lưa thưa
Tôi có người vợ trẻ đẹp như thơ
Tuổi chớm đôi mươi cười buổi dâng cờ
Má trắng mịn thơm thơm mùi lúa chín
Ai đi qua mà chẳng từng bịn rịn
Rời đau thương nào đã mấy ai vui?
Em lặng buồn nhìn với lúc chia phôi
Tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ
Tôi còn người mẹ
Tóc đã ngả màu bông
Tuổi già non thế kỷ
Lưng gầy uốn nặng kiếp long đong
Nắng mưa từ buổi tang chồng
Tơ tằm rút mãi cho lòng héo hon
Thôi xa rồi! Mẹ tôi
Lệ nhòa mi mắt trông con phương trời
Có từng chợt tỉnh đêm vơi
Nghe ròn tiếng súng nhắc lời chia ly!
Mẹ ơi! Con mẹ tìm đi
Bao giờ hết giặc con về mẹ vui
Ðêm nay lành lạnh
Sông sâu buồn lấp lánh sao lưa thưa
Ống quần nâu đã vá mụn giang hồ
Chắp tay súng tôi mơ về Nguyễn Huệ
Làng tôi đấy bên trại thù quạnh quẽ
Nằm im lìm như một nắm mồ ma
Có còn không! Em hỡi một mẹ già?
Những người thân yêu khóc buổi tôi xa
Tôi là anh lính chiến
Theo quân về giải phóng quê hương
Mái đầu quân bụi viễn phương
Bước chân đạp đất xiêu đồn lũy
Này anh chiến sĩ
Người bạn pháo binh
Ðã đến giờ chưa nhỉ?
Mà tôi nghe như trại giặc tan tành
Anh rót cho khéo nhé !
Không lại nhầm nhà tôi
Nhà tôi ở cuối thôn Ðoài
Có giàn thiên lý
Có người tôi yêu

*BH:Thật là một điều đáng tiếc. Thế nhưng chắc thi sĩ cũng thông cảm, vì đây chỉ là một bài thơ được truyền miệng, được ghi nhớ trong trí tưởng...cho nên sự sai lạc hẳn là phải có.
Thưa thi sĩ YT, những từ ngữ dùng sai đó là những chữ nào ạ?
*YT: Trong đoạn đầu có câu:" Màu trăng vôi lồm lộp mấy khung tường " Màu trăng" chứ không phải "Màu trắng". Vâng, đây là màu của ánh trăng trải trên những khung tường. Và từ "mùa" trong câu "Má trắng mịn thơm thơm mùa lúa chín".Trong miền Nam có sách in là "mùi lúa chín".

*BH : Cảm ơn thi sĩ.Vâng, màu trắng và mùi lúa có vẻ rõ ràng và cụ thể quá ,phải không ạ?
Từ ngữ "Màu trăng" và "Mùa lúa chín" mà thi sĩ dùng để diễn tả ý thơ, theo BH đây là những từ ngữ rất thơ. Bát ngát một trời thơ. Rất đẹp.
Thưa thi sĩ, BH còn thấy có nơi dùng sai một chữ nữa trong câu cuối bài thơ "Nhà tôi ở cuối thôn Đoài ..." "Đoài " viết hoa như một danh từ riêng ạ. Đúng ra là "thôn đồi":
Nhà tôi ở cuối thôn đồi
Có giàn thiên lý có người tôi thương ...
*YT:Xin chị BH nếu có dịp một lần nữa phổ biến bài thơ Nhà Tôi trên đài VOA, hoặc trên báo chí ở nước ngoài, lưu ý hộ tôi những từ sai ấy.

*BH:Dạ vâng. Bây giờ thì xin thi sĩ cho biết một chút về..."lý lịch" của mình cũng như về xuất xứ của bài thơ Nhà Tôi?
*YT: Tên cúng cơm của tôi là Nguyễn Bảo Thịnh, sinh ngày 21-1-1927 quê Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Nhà tôi tên Đỗ Thị Phú (chứ không phải là Hà) sinh 17-1-1929, quê Đại Gia, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây.Chúng tôi gặp nhau trong kháng chiến chống Pháp, cưới nhau ở Phú Thọ ngày 1-11-1953. Tôi và Phú đều là học sinh thoát ly gia đình đi kháng chiến.Bài thơ "Nhà Tôi" không phải là viết về chúng tôi. Chuyện thế này:

     - Năm 1949, tôi công tác văn nghệ tại Quân đội liên khu 3, theo một đơn vị đánh vào một đồn binh Pháp đồn trú cạnh sông ở một làng đồi.Trong lúc đợi chờ giờ nổ súng ,tôi trò chuyện với anh em và được biết ở đơn vị này có một cậu quê ở ngay làng đồi đó.Phía bên ấy đang còn mẹ và vợ. Cậu ta lấy vợ được chừng tháng thì chiến tranh bùng nổ.Chàng trai lên đường đi kháng chiến, chia tay người vợ trẻ. Trong câu chuyện, mấy lần cậu ta nhắc tới giàn Thiên lý của nhà mình.Tôi rất thích câu chuyện và viết nên bài thơ "Nhà Tôi". Có lẽ người viết đã hoà nhập được với người kể nên bài thơ được đông đảo anh em lính thuộc và nhanh chóng được phổ biến cả vào các chiến trường Nam Bộ. Không chỉ lính xuất thân từ nông thôn, cả những lính thành phố cũng tìm thấy thấp thoáng trong bài thơ những nét hợp với mình. Rất nhiều người nghĩ đó là tôi viết về tôi, Bà xã tôi cũng nghĩ thế. Không biết khi đã rõ sự thật này, những người yêu thơ có giảm đi sự mến mộ đói với bài thơ không?

*BH:Thưa thi sĩ, BH nghĩ rằng sự mến mộ bài thơ Nhà Tôi càng tăng thêm. Vâng, chỉ là tâm sự của một người lính trẻ thôi nhưng vì sự rung động tuyệt vời của bài thơ khiến cho ai đọc rồi cũng thấy như thấp thoáng có ngôi nhà của mình, có những người thân yêu của mình ở trong bài thơ.
Không nhất thiết chỉ là người lính đâu,thưa thi sĩ Yên Thao! Như BH chẳng hạn, rất yêu bài thơ này. Mỗi lần đọc bài thơ là mỗi lần trong lòng lại dâng lên một niềm xúc cảm vô cùng. Hình ảnh ngôi nhà của bố mẹ BH tại huyện Duyên Hà, tỉnh Thái Bình lại hiện ra rõ rệt. Rồi những lúc líu ríu cùng bố mẹ anh chị em chạy giặc Tây, thương cho người em trai ốm yếu không đủ sức khoẻ chạy loạn phải ở lại nhà...Rồi cảnh trên bờ đê nhập nhoạng tối, lố nhố bóng người bồng bế, gánh gồng. Tiếng súng,tiếng em bé thơ khóc, khói lửa chiến tranh...in sâu trong đầu óc trẻ thơ của BH. Đoạn đầu của bài thơ, đọc rồi muốn khóc:

Tôi đứng bên này sông
Bên kia vùng địch đóng
Làng tôi đấy xạm đen màu tiết đọng
Tre cau buồn tóc rũ ướt mưa sương
Màu trăng vôi lồm lộp mấy khung tường
Nếp đình xưa, người hỡi vui gì không?
      Sau đó thì...ngôi nhà đẹp và ấm cúng của gia đình BH đã bị bom cày nát mất rồi !

*YT:Tôi đã hiểu vì sao chị BH yêu bài thơ của tôi. Cảm ơn những xúc động chân thành của chị.

*BH:Ở bên này có bán một CD ngâm thơ thu tại Việt Nam, tựa đề là "Những bài thơ bất tử", trong đó nghệ sĩ Bảo Cường diễn ngâm bài thơ Nhà Tôi.Ông ấy ngâm hay lắm nhưng rất tiếc lại ghi tên tác giả là Nguyễn Bính. Thi sĩ có CD đó chưa ạ?
*YT: Tôi không được biết, nếu chị sẵn và tiện thì gửi cho xin, tôi rất cảm ơn.Tôi chỉ biết có một bài hát từ Mỹ do Anh Bằng viết nhạc, Mạnh Đình ca dưới tiêu đề "Chuyện giàn thiên lý" đang khá phổ biến ở trong nước. Ai cũng cho là thơ của tôi phổ nhạc dù Anh Bằng có cải biên một số lời, rút ngắn lại. Vì người ta đã cải biên, đổi tên bài, không nhắc gì đến tác giả thơ nên bản quyền của tác giả thơ cũng mất luôn. Có anh em bảo tôi viết thư cho Anh Bằng ,song tôi không biết địa chỉ, mà cũng nghĩ viết làm gì?"Thế gian lẫn lộn đúng sai vẫn thường", quan tâm chỉ thêm mệt! Tuy nhiên đề nghị chị dịp nào gặp Anh Bằng cho Yên Thao gửi lời hỏi thăm. Chắc Anh Bằng cũng thích bài thơ ấy nên mới viết nên "Chuyện giàn thiên lý".

*BH:Vâng, BH sẽ liên lạc với nhạc sĩ Anh Bằng để chuyển lời thăm của thi sĩ.
Thưa thi sĩ Yên Thao, sinh hoạt Văn học Nghệ thuật của thi sĩ hiện nay ra sao ?
*YT:Hiện nay tôi là chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Thơ Trào Phúng Hà Nội.Tôi ít làm thơ trữ tình (chỉ khi nào xúc cảm thật mới làm). Thơ trào phúng Yên Thao ký dưới nhiều bút danh:Nguyễn Bảo, Cử Yên, Lang Bang, Thái Dương...

*BH : Dự định của thi sĩ trong những năm tới là gì ạ?
*YT:Tôi đang tiến hành in một tập thơ trữ tình. Khi nào có sách, nhất định không quên gửi tặng chị và đài VOA.

*BH:Xin cảm ơn thi sĩ Yên Thao có nhã ý tặng sách và xin cảm ơn thi sĩ đã dành cho BH buổi chuyện trò lý thú này.
*YT:Mong được tiếp tục trao đổi qua thư với chị. Khi nào có diều kiện về thăm lại đất nước, nhờ chị quá bộ tới nhà chơi. Chắc nhà tôi cũng thích lắm vì qua chị, chúng tôi có thể biết tin tức về anh chị Đỗ Thúc Vịnh. Nhà tôi vẫn luôn nhắc đến. Hồi xưa anh Vịnh hay kể chuyện cổ tích và chép những bài thơ hay cho cô em bé bỏng Đỗ Thị Phú. Nay thì anh Vịnh đã đi xa...Đời người thật ngắn ngủi quá, phải không chị Huyền?

*BH:Vâng, cũng vì thế mà BH luôn nhủ lòng sống sao cho ý nghĩa. Một lần nữa xin cảm ơn thi sĩ Yên Thao. BH sẽ giới thiệu bài thơ Nhà Tôi trong Câu Chuyện Thơ Nhạc do BH thực hiện trên làn sóng VOA, hàng tiần vào 10g tối thứ sáu (giờ VN). Xin gửi lời thăm chị và hy vọng có một ngày không xa được về thăm VN, đến Hà Nội để được nhà thơ Yên Thao dẫn đến thăm nơi xưa có "Nhà tôi ở cuối thôn đồi, có giàn thiên lý có người tôi thương"...
Bích Huyền

Tình Cuối  
Anh qua mỗi bến mỗi tình
Tình em bến cuối ghập ghềnh xa xa
Trời cao sẽ thấu tình ta
Chân trời góc bể tuy xa mà gần
Vội vàng giây phút ái ân
Mai nguời từ giã,tần ngần cho ai?
Cuộc đời đuờng vẫn còn dài
Mong sao ngắn lai,thiên thai sớm về
Để ta thoát khỏi cơn mê
Cho tròn tình nghĩa phu thê trọn đời...

      Hương_Nhi Dalat

Quê hương và nỗi đau
Thăng Long ơi hỡi Thăng Long
Ngàn năm kỷ niệm đèn lồng  kết hoa
Tiêu hao  triệu triệu dollars
Mặc cho  dân khổ ,Sơn Hà nguy nan

Thăng Long ơi hỡi ThăngLong
Mỹ nhân  uốn éo, lưng ong rộn  ràng
Rượu ngon  yến tiệc  cao sang
Gót son nhún nhãy Giang Sang thôi rồi !

Thăng Long ơi hỡi Thăng Long
Hay mừng Quốc Khánh ,tỏ lòng  tôi trung
Phố vui rực  rỡ  đón  mừng
Nhục cho Hải Ngọai , cùng chung nỗi buồn

Ngòai khơi cướp bóc lệ tuôn
Ngư dân khổ nạn  ai buồn đêm thâu
Biển đông lồng lộn vì đâu
Hỏi người trách nhiệm, nỗi  sầu  QuêHương !

Biển ta , ức hiếp  thảm thương
Bao lần  cướp giết thê lương  gia đình
Mặc dân khốn  khổ điêu linh
Giàu sang  quyền lực , vô tình mặc ai !

Phố Tàu lan rộng khắp nơi
Muôn dân thống khổ tả tơi bần cùng
Phận hèn tỵ nạn lưu vong
Em ơi  hãy cứu  non sông  đang chờ ! 

MẶCKHÁCH

Tưởng nhớ cha

TƯỞNG NHỚ CHA          
Thành kính dâng hương hồn Cha yêu quý                    
 
Con lên phi cơ bay về vùng biển               
Bỗng nhớ thương cha nước mắt tuôn tràn
Tháng Tư nào khi quốc biến gia tan            
Con bỏ xứ lái tàu bay về biển
 
Con xa mẹ lìa cha vì cuộc chiến                
Bao nhiêu năm sương gió dạn dày            
Ðể đau thương tràn khắp một ngày            
Con đâu biết đó là lần vĩnh biệt                            
Con nào biết ! Cha ơi con nào biết            
Cha soát từng giọt máu trở về tim
Bao nhiêu năm qua mòn mỏi trông tìm     
Vẫn thấp thỏm “con đã đền nợ nước”                       
Cha ơi cha ! Một ngày không quên được
Nhận hung tin cha lìa bỏ cõi đời                 
Con chết lịm trong lòng mà lệ không rơi      
Con muốn khóc sao bật cười hoang dại                 
Mười tám năm sau không lần trở lại            
Nợ quê hương chưa trả nổi đến bây giờ
Ðất khách quê người lạc lõng bơ vơ            
Ngày tiếp nối ngày chỉ vì cơm áo                          
Cha ơi cha ! Lòng con giông bão              
Những lời cha khuyên bện lại thành vòng
Quấn chặt tim con, tỳ vết trong lòng            
Ðể nhiều lúc bặm môi rướm máu                         
“Ðất nước điêu tàn làm trai phấn đấu    
Cố trở nên người hữu dụng cho đời            
Ngẩng cao đầu làm trai Việt con ơi            
Gương đảm lược của tiền nhân còn đó”                
Cha ơi cha con vẫn hằng trăn trở               
Sống lưu vong nuôi hy vọng quay về       
Nhưng năm qua tháng lại ê chề                 
Tóc đã bạc mà trùng dương vạn lý                                   
Cây bật gốc một phần tư thế kỷ                 
Thân cây héo khô trồng ở xứ người            
Có quê hương mà chẳng có một nơi     
Không có lối cho con trở về trú ẩn                       
Con lên phi cơ bay về biển            
Về Atlanta mà ngỡ xuống Vũng Tàu            
Con bàng hoàng nén chặt cơn đau            
Sợ bật khóc máu sẽ trào theo lệ thảm              
                                               YÊN SƠN

 

IN MEMORY OF MY FATHER
reverently dedicated to my dear Dad’s spirit

Whilst boarding the aircraft to fly towards the ocean
I suddenly pitied my father, tears flowing out of emotion.
When that April national calamity forced me to flee
I left our country piloting my plane to the sea.
 
Parted from parents because of the bloodshed,
So many years in high wind and heavy rain overhead
And finally came flooded with distress one day     
I did not know it was the last goodbye for ever to say!
 
Oh, dear Dad, how could I know, on your part
You wished each drop of blood to return to your heart.
So many years you had desperately inquired after me
Anxiously fearing a “killed in action” notice to see.
 
Oh, dear Dad! I shall never forget that bad day
I learned the sad news that you had passed away:
I became numb with grief, tears unable to flow;
I wanted to cry but burst out laughing madly in woe.
 
For eighteen years afterwards, I have not once returned
And have neither fulfilled citizen obligations so yearned.
In this foreign land how I feel an unsuitable location:
Days after days only to think of means of sustentation.
 
Oh, dear Dad! an innermost storm has arisen; it boils;
Your precious admonition has since spun into coils
To tie tightly around my heart, imprint in my mind,
So that times I compress my lips blood to ooze to bind.
 
“The country is in ruins! To strive to be a worthy man
You must try to become useful through your life’s span!
Hold your head up, my son! to be a Viet youth, an heir
To our ancestors’ heroic examples that are still there!”
 
Oh, dear Dad! I have always pondered on my concern
About living in exile while nurturing the hope of return.
But days have passed and months elapsed, shamefast,
My hair has turned grey but the ocean is still vast.
 
Like a tree for a quarter of a century uprooted already
Now replanted in a foreign region, how hard to steady!
Having a homeland but not having a space
For me to get back to find a sheltering place!
 
I boarded the plane to head towards the waves
To go to Atlanta but felt as to Vung Tau that craves...
I was staggered and tried to restrain my pain
For fear of bursting into tears mixed with blood stain.
 
 
                        Translation by THANH-THANH