Nguyệt San Số 12


 

 

Lời giới thiệu: Thơ là tiếng lòng thổn thức, bâng khuâng, trăn trở...Người làm thơ hay thi sĩ viết lên những vần thơ hay là lúc tâm hồn mình xúc cảm trước sự việc ngoại lai. Thơ có thể chia làm mấy khuynh hướng chính: Thời thế ( chủ nghĩa Quốc Gia ), lãng mạn, trử tình, trào phúng...Nguyệt san số 12 trích đăng những bài thơ của Hồ Dzếnh

Hồ Dzếnh Tiểu sử và sự nghiệp thơ văn:
** Tiểu sử
     Ông sinh năm 1916 tại tại làng Đông Bích huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hóa. Cha ông là Hà Kiến Huân, người gốc Quảng Đông, mẹ Đặng Thị Văn là người Việt. Ông học trung học, dạy tư, làm thơ, viết báo từ năm 1931 tại Hà Nội. Năm 1953 ông vào Sài Gòn làm báo, năm 1954 trở về Hà Nội tiếp tục viết báo, làm thơ. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ngay từ buổi đầu thành lập (1957). Ông mất ngày13 tháng 8 năm 1991 tại Hà Nội. 
      Hồ Dzếnh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007
**Nhận xét và đánh giá
       Nhà thơ Bùi Giáng trong nhiều tập thi thoại đã cho rằng Hồ Dzếnh là người làm thơ lục bát cực hay, nhưng bù lại thơ thất ngôn chỉ ở mức bình thường. Bài "Rằm tháng giêng", theo Bùi Giáng trong cuốn Thi ca tư tưởng thì: "Người Việt Nam có thể không đọc Nguyễn Du, nhưng không thể nào không đọc bài thơ kia của Hồ Dzếnh".
       Nhà văn Kiều Thanh Quế viết: "Ngòi bút Hồ Dzếnh đã có được lắm đặc tánh khả quan trong khi phô diễn. Nó nên tỏ ra có sức mạnh trong những tiểu thuyết dày dặn, thì tên tuổi của người Minh Hương ấy – Hồ Dzếnh là người Minh Hương, văn học quốc ngữ không nề hà chẳng đón tiếp như đã đón tiếp bao nhiêu nhà văn Việt Nam hữu tài." (Tạp chí Tri Tân số 67, 13/6/1942)
"Lời giới thiệu" Tuyển tập Hồ Dzếnh – Tác phẩm chọn lọc, NXB Văn Học 1988, nhận định: "Tác phẩm của Hồ Dzếnh không nhiều, lại không tập trung ở một tờ báo hay đặc san nào. Với bản chất trầm lắng, ông luôn luôn khiêm tốn tự cho mình là người mới bắt đầu bước vào nghề viết. Tuy nhiên, với hai tập văn thơ Chân trời cũ và Quê ngoại, Hồ Dzếnh được biết đến như một nhà thơ có chân tài. "
      Nhà thơ Hoài Anh viết về Hồ Dzếnh: "Phần đóng góp quan trọng nhất cho văn học Việt Nam của anh lại là tập Chân trời cũ, thể hiện nếp sinh hoạt, tính cách, tình cảm, tâm lý của bà con gốc Hoa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Hồ Dzếnh chỉ kể chuyện về người cha mình, các anh, chị, em mình, con ngựa của cha mình... mà làm cho người đọc Việt Nam rung động tận đáy lòng."
      Nhà văn, giáo sư Đặng Thai Mai đánh giá tập truyện Cô gái Bình Xuyên (NXB Tiếng Phương Đông, 1946) viết về cuộc kháng chiến chống Pháp của người dân Nam bộ thời 1945-1946 như là một trong những tín hiệu đầu tiên của văn học kháng chiến.
**Tác phẩm
       Theo Từ điển văn học (bộ mới, NXB Thế giới, 2004) và Tuyển tập văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1930 -1945 (NXB KHXH, 1990), các tác phẩm của ông gồm có:

  • Dĩ vãng (truyện vừa, 1940)
  • Quê ngoại (tập thơ, 1942)
  • Những Vành Khăn Trắng (truyện dài, ký bút hiệu Lưu thị Hạnh, 1942)
  • Tiếng kêu trong máu (truyện dài, 1942)
  • Một chuyện tình 15 năm về trước (ký bút hiệu Lưu thị Hạnh, 1943)
  • Chân trời cũ (tập truyện ngắn, 1943)[1]
  • Hoa Xuân Đất Việt (tập thơ,1946)
  • Cô gái Bình Xuyên (truyện vừa, 1946)
  • Cuốn sách không tên (tiểu thuyết tự truyện, xuất bản sau khi mất)

       Ngoài ra, ông còn cho đăng nhiều thơ, truyện ngắn trên các báo và còn mấy vở kịch đã công diễn, nhưng chưa xuất bản.
Đặc biệt, bài thơ Chiều của ông đã được nhạc sỹ Dương Thiệu Tước phổ nhạc và cũng khá nổi tiếng. Bài thơ Ngập ngừng cũng được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc như (Anh cứ hẹn), Hoàng Thanh Tâm (Em cứ hẹn), Minh Duy (Ngập ngừng)...

Nước chảy chân cầu  
 Quê em xa thẳm màu mây gió,
Buồn vút không gian, mất định kỳ.
Em có mơ về năm tháng cũ,
Âm thầm nghe tiếc phút giây đi?

Nước chảy đôi giòng cuốn sóng mau,
Bao phen lá úa rụng chân cầu,
Lá theo giòng nước, ngày theo tháng
Lặng lẽ như mang nỗi cảm sầu.

Mây nước vô tình, lãnh đạm trôi,
Tình không giống nước, tình không xuôi;
Bao lần lá thắm xuôi theo nước,
Nước chảy, tình duyên ở với người.

Chân cầu cắm giữ ngày ly biệt,
Mây nước vô tình, lãnh đạm trôi...
Nước chảy mây tan, tình bất diệt,
Tình theo bước khách bốn phương trời.

Tưởng chuyện ngàn sau
Nằm đây, tưởng chuyện ngàn sau,
Lung linh nến cháy hai đầu áo quan.
Gió lìa cành lá không vang,
Tin ta vĩnh quyết trần gian hững hờ!

Bao nhiêu dáng ảnh tôn thờ,
Xa nhau lâu quá bây giờ lạnh nhau.
Người về gối rét, nằm đau,
Nghe trên thước đất phai màu nhớ thương.

Chiều nào mây vọng hồn chuông,
Ngừng chân đôi kẻ trên đường mãi mê.
Nghe tin ta lỗi câu thề,
Nghìn thu xa vắng, ra về trước ai.

Ngậm ngùi nhớ trắng rừng mai,
Cảm thương sông nước, ghi bài điếu tang!
Ngựa gầy bóng gió mênh mang,
Cờ đen lối cũ, cây vàng nẻo xa...

Ta nằm trong ván trông ra,
Tủi thân vì thấy người hoa vẫn cười!
Ta toan... giận dỗi xa đời,
Chợt hay: khăn liệm quanh người vẫn thơm.

Nát thân, không nát nỗi hồn,
Lẫn trong cái chết vẫn còn cái đau!
 Hồ Dzếnh

Ngày Ấy
 Ngày anh đến!
Đưa em vào mộng mị yêu đương
Ngọt ngào hạnh phúc vô bờ bến
Ấm áp lòng em tự lúc nào
Cám ơn đời, em đã gặp anh
Và ngày đó !!
Tiễn anh đi nơi chân trời viễn xứ
Ôm nỗi nhớ bâng khuâng chiều tiễn biệt
Mắt cay môi đắng nghẹn ngào
Chờ một ngày mai phương trời ấy!
Sẽ gặp anh!
Và một ngày qua, một nỗi nhớ
Lòng quặn thắt dâng trào xót thương
Để em sầu đợi trong suy nghĩ
Bao giờ được tựa đầu vai anh.
Và ngày ấy !!
Gặp anh chiều nhạt nắng mùa xuân
Vòng tay anh xiết chặt em vào lòng
Hạnh phúc dâng trào lệ tuôn rơi
Ấm áp môi hôn Mảnh Tình Nồng.

Hà Mi