Nguyệt San Số 1


THĂM NGHĨA TRANG QUÂN ĐỘI BIÊN HÒA
Tác giả: Dương Đại Trường
Thể loại: Bút ký   

LTS:
Nhân ngày 30/4/2010, vừa tròn 35 năm Miền Nam bị cưỡng chiếm! Để tưởng nhớ những người chiến sĩ VNCH đã hy sinh vì chính nghĩa Tự Do, tôi xin trích một số trang từ tác phẩm Theo Dòng Định Mệnh của Dương Đại Trường, đăng trên trang mạng điện tử của Nông Gia, như một nén hương lòng gởi đên những người lính VNCH an nghỉ ngàn thu nơi nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa.

   Tôi có ý định trong lòng từ lâu là nếu có về lại Việt Nam thì phải đi thăm một lần nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa. Ăn cơm xong, tôi nhờ Kim Hoàng gọi Bảo lái xe đưa tôi đến đó. Kim Hoàng cũng xin đi theo, Nhung vì không quen đi xe, thường hay chóng mặt, nên ở lại nhà. Dọc hai bên đường lộ, tôi không còn nhận ra được những gì quen thuộc của ngày trước. Nhà cửa và quán xá chen chít nhau như một con đường phố chạy dài xa tít. Xa lộ Biên Hòa một thời được xem là công trình đường xá tân tiến nhất ở Miền Nam, bây giờ xuống cấp, lổm chổm ổ gà, những khối bê tông làm ranh chia hai chiều lưu thông, bị loang lổ vì những vụ tai nạn xe cộ !
     Xe ra khỏi xa lộ, tôi hỏi khẻ Bảo:
- Em có biết đường đến nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa không?
- Em không nhớ đường vào nghĩa trang! Không sao, chúng ta đến nơi đó hỏi thăm cư dân trong vùng.
    Chúng tôi dừng lại vài nơi trên đường hỏi thăm mới tìm được lối vào! Bảo ở lại giữ xe. Tôi và Kim Hoàng ghé quán tạp hóa ở đầu đường, gần chỗ đặt bức tượng "Thương tiếc" trước kia, mua vài bó nhang để thắp cho những người chiến sĩ còn nằm nơi nghĩa trang, sau nhiều năm hiu quạnh không ai thăm viếng!
    Chúng tôi đi qua chân ngọn đồi là đến nơi đặt đài tử sĩ. Đài Tử Sĩ  giờ đây hoang tàn, không có khói hương, không tiếng kinh, không câu kệ, tứ bề tràn ngập xác lá vàng, cỏ dại và tiếng rền của gió nghe thê lương! Chúng tôi  nhìn bên lề thấy những tấm biển ghi bằng chữ đỏ: Cấm chụp hình, cấm quay phim, cấm tham quan, cấm tu sửa mồ mả..Những dòng chữ ấy làm lòng tôi dâng lên nỗi ngậm ngùi cho những người nằm dưới mộ! Tại sao nhà cầm quyền CSVN, cho đến bây giờ, hơn hai mươi năm trôi qua, vẫn còn phải căm thù những người chiến sĩ VNCH đã nằm xuống với thân phận kẻ chiến bại!? Lịch sử của chiến tranh trên thế giới cũng đã ghi rỏ trong qui ước nhân đạo là phải tôn trọng và xóa bỏ hận thù cho những người nằm xuống. Hởi các người lãnh đạo CSVN, hãy thức tĩnh lương tâm, như hòa thượng Huyền Quang đã nói:
-* Hãy trả lại nhân quyền cho người sống và linh quyền cho người chết!

            Chúng tôi quẹo trái, đi về phía chánh của nghĩa trang, khu vực nầy được xem là nơi an nghĩ nghìn thu của những người lính VNCH hy sinh trong chiến trận bảo vệ chính nghĩa Tự Do. Xưa kia, đứng từ ngoài xa lộ nhìn vào, thấy rỏ Nghĩa Dũng Đài sừng sửng dưới trời xanh, và vẫn thấy những hàng mộ uy nghi nằm trên đồi. Còn hôm nay, đang đứng trước những ngôi mộ, tôi cảm nhận như mình đứng trước một vùng lau sậy hoang vu, ngổn ngang những mộ chí điêu tàn, đỗ nát. Có vài ngôi mộ hình người lính mặc đồ trận, cẩn trên mộ bia, khuôn mặt bị đục bỏ một phần!
       Để đến được với từng phần mộ, chúng tôi phải đi qua một cái cổng nơi phía trước văn phòng ban quản lý nghĩa trang, hay nói một cách đúng hơn là ban cai tù người chết. Chúng tôi nhìn trên vách tường có những tấm bảng ghi qui định dành cho người thăm viếng nghĩa trang và trên mỗi tấm bảng như vậy đều có hàng chữ trắng đề tên mới là: Nghĩa Trang Nhân Dân Bình An. Đây là một ngụ ý của nhà cầm quyền là để xóa bỏ dấu tích của Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa!   
      Vào trong khu vực nghĩa trang, trước mắt chúng tôi là Đài Tưởng Niệm, vẫn còn phảng phất sự uy nghi và kính trọng những người chiến sĩ VNCH nằm xuống nơi đây, dù có phần  hoang phế, điêu tàn. Điều khẳng định trong lòng, mà tôi hay những ai khác đến nơi này, đều có thể dâng lên niềm cảm xúc đau lòng trước sự tàn nhẩn của chế độ CSVN đối xử với những người đã chết vì chính nghĩa! Nhưng có lẽ chính sự đau lòng trải dài theo năm tháng đó, cũng là điều mà hàng chục ngàn hương linh nơi này muốn nhắc nhở những người Việt Nam đang sống khắp nơi trên thế giới, thấu hiểu rằng: Dù những nghiệt ngã hay đối xử tàn nhẩn với hương linh của họ đến đâu đi nữa, thì mãi mãi nghìn thu những người chiến sĩ VNCH nằm ở nơi đây, không bao giờ phản bội lại chế độ chính nghĩa VNCH mà họ đã hy sinh bảo vệ tổ quốc.
     Chúng tôi đi theo con đường trải nhựa nhỏ hẹp, có đoạn cỏ dại đã phủ kín lối mòn, nhưng vẫn còn nguyên lớp nhựa đường xưa kia. Những con đường này chạy vòng quanh như ôm lấy hết cả ngọn đồi và phân chia nghĩa trang thành từng khu mộ bằng phẳng. Mỗi khu mộ được chôn cất thẳng hàng. Tuy ngày tháng năm chôn cất có khác nhau, nhưng những phần mộ vẫn cứ như một đoàn quân có quân kỷ, uy nghiêm đứng giữa không gian lẻ loi, đơn độc.
    Kim Hoàng đi bên tôi khẻ nói:
- Mình thắp nhang cắm trước những ngôi mộ đi anh.                
     Cả hai chúng tôi đều không có thân nhân chôn nơi nghĩa trang này. Nhưng chúng tôi đến viếng nghĩa trang với lòng kính mến những người chiến sĩ VNCH nằm xuống nơi đây vì sự hy sinh của họ cho chính nghĩa. Trước mắt chúng tôi là những dãy mộ thẳng tắp. Vài ngôi mộ có thân nhân đến viếng, vừa được sửa sang, quét vôi và làm sạch cỏ dại xung quanh, người nằm dưới mộ ắt hẳn được an ủi phần nào và không tủi hờn cho niềm cô đơn nơi chín suối! Nhiều ngôi mộ là những núm xi măng đen thẩm của màu rong rêu khô lại. Vài mộ chỉ còn là nấm đất trơ trơ màu đất đỏ núi đồi! Tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của thi sĩ Tản Đà:
-* Người nằm dưới mộ, ai ai đó?
    Biết có quê đây hay vùng xa?
    Chúng tôi gần một tiếng đồng hồ mới thắp xong nhang cho những ngôi mộ không ai đoái hoài, hay chưa một lần được viếng thăm!!! Thắp nhang xong những ngôi mộ không người viếng, cũng vừa lúc hết số nhang chúng tôi mang theo. Kim Hoàng hình như sợ sệt, đứng nép sát vào tôi nói nhỏ:
- Không khí nơi đây âm u lạnh lẻo quá hả anh!
- Thành phố của người chết thì phải âm u chứ em.
     Kim Hoàng nắm lấy tay tôi! Bàn tay mềm mại của Kim Hoàng  lạnh ngắt như đang cần tôi chuyền hơi ấm. Tôi gợi chuyện với Kim Hoàng cho nàng vơi đi nổi sợ đang ngự trị trong lòng:
- Em biết nơi những khu mộ, có điều mà người sống không bao giờ thực hiện được.
- Điều gì hả anh?
- Điều mà họ có được là:  Sinh hoạt trong một xã hội bên kia thế giới, rất hòa bình với nhau, không gây gổ, không thù hận và rất thủy chung với nơi yên nghỉ của họ.
- Anh nói rất đúng! Bởi vậy trên mộ chí của người chết ở Úc, thường có hàng chữ: R.I.P (Rest In Peace)
    Chúng tôi trở lại con đường khi nảy đi vào. Một ngươì đàn bà lặng lẽ mở gói đồ cúng ra, bày trước những ngôi mộ Vô Danh, không có mộ chí. Có lẽ đây là những ngôi mộ của những chiến sĩ VNCH chết trong những trận chiến cuối cùng trước khi Miền Nam bị cưởng chiếm, chưa kịp làm mộ bia cho họ.!. Khi mùi nhang trầm bốc lên, tôi có cảm giác thật lạ trong người, hơi huyền ảo và linh thiên. Khu nầy có nhiều ngôi mộ vô danh. Tôi thắc mắc hỏi khẻ người đàn bà:
- Thưa bà! Vì sao những ngôi mộ ở đây lại trở nên vô danh?
    Người đàn bà ngước nhìn tôi trả lời:
- Bởi vì lúc trước kia, nơi nghĩa trang nầy, nhà cầm quyền địa phương cấm không cho thân nhân người chết vào thăm viếng hay tu sửa mả mồ. Lâu ngày, cỏ mọc hoang vu nên mấy trẻ chăn bò thường lùa bò vào đây cho ăn cỏ. Đàn bò phá sập nhiều mộ chí, mất hết chữ ghi danh tánh người chết, nên ông già giữ mộ dựng lại rồi ghi vào hàng chữ Vô Danh. Khu nầy có ngôi mộ của chồng chị tôi ở Mỹ, nhờ tôi đến phúng điếu, tôi không biết rỏ cái mộ nào là của chồng chị ấy, thôi thì đốt nhang phúng điếu hết những ngôi mộ Vô Danh, xem  như an ủi cho những linh hồn không có thân nhân thăm viếng! Tôi nhìn vài ngôi mộ còn hoang sơ, chạnh lòng đọc thầm những câu thơ cho họ:
-*Suối vàng sâu thẳm biết là ai?
   Mả cũ không ai kẻ đoái hoài!
   Trải bao ngày tháng trơ trơ đó,
   Mưa dầu, nắng dãi, trăng mờ soi!
     Chúng tôi vẩy tay chào người đàn bà cúng mộ Vô Danh rồi đi ra về. Vừa đến con đường gần cổng vào nghĩa trang, một người đàn ông chận tôi hỏi:
- Anh và chị đi tìm mộ của ai?
- Không! Chúng tôi chỉ đi thăm nghĩa trang Quân Đội mà thôi.
    Rồi ông ta tự giới thiệu:
- Tôi tên là A.., người giữ mộ của khu nghĩa trang nầy.
    Ông ngừng một chút rồi tiếp:
- Trước đây tôi là lính sư đoàn 18, tiểu đoàn 2, bị thương nặng rồi giải ngũ năm 1973. Sau năm 1977 tôi tình nguyện vào giữ mộ ở nghĩa trang này cho tới bây giờ.
- Như vậy ông là người chiến hữu với những anh em  chiến sĩ VNCH nằm ở đây?
    Ông nói tiếp với giọng xúc động:
- Tới giờ tôi vẫn còn giữ gần hai ngàn ngôi mộ. Có mộ  thân nhân đến viếng mỗi năm, có mộ thì đôi ba năm mới viếng một lần. Nhưng tội nhất là những ngôi mộ ba mươi mấy năm nay chưa từng có ai đến, chắc có lẽ thân nhân của họ không còn sống trên cỏi đời nầy! Làm công việc giữ mộ như tôi, chỉ cố sao mỗi năm dọn dẹp cỏ rác sạch sẽ hết cả những khu mộ trong nghĩa trang là tôi yên lòng rồi. Những mộ có thân nhân đến viếng, họ cho tôi tiền công, thì coi như lấy đó tính tiền công làm mả cho những mộ không  người viếng! Bù qua sớt lại để vong linh của họ không tủi buồn nơi chín suối.
    Ông thành thật kể cho biết:
- Mỗi năm vào dịp Tết Nguyên Đán, tôi cũng kiếm được vài triệu đồng. Nhưng đời sống bây giờ vật giá đắt đỏ, số tiền tiêu xài cũng đâu vào đó! Tôi làm  người giữ mộ cho đến bây giờ cũng chỉ vì tình đồng đội với những người cùng chiến tuyến với tôi, cùng phục vụ chính nghĩa chế  độ VNCH
       Lúc chia tay ông, tôi bắt tay nói lời chúc phúc:
- Cầu cho ông được nhiều sức khỏe để làm người giữ mộ cho người lính VNCH.!
    Ông gật đầu đáp:
- Bây giờ cũng đã già rồi! Tôi còn sức ngày nào thì giúp chăm sóc mộ phần các anh chiến sĩ của mình ngày nấy. Tôi chỉ có một ước nguyện là khi chết tôi được nằm trên ngọn đồi nầy, bên cạnh những người chiến hữu của tôi!
    Chúng tôi chào người giữ mộ ra về. Nắng chiều gọi xuống những ngôi mộ mới sơn, phản chiếu ánh sáng loáng bạc. Cây Bàng nơi khu mộ bên kia đường, đứng sừng sửng như cây dù che mưa nắng cho những ngôi mộ phía dưới tàng cây, thỉnh thoảng có làn gió nhẹ thổi qua làm lung linh những chiếc lá lấp lánh dưới nắng tàn của chiều Hè. Tôi quay người lại, đưa bàn tay lên ngang trán làm dấu hiệu chào theo kiểu nhà binh, giả biệt những người chiến sĩ nằm trong khu nghĩa trang nầy. Một thoáng bùi ngùi đọng lại trong tôi!..
     Ra tới xe, chúng tôi ba người vào quán uống nước nghỉ mệt trước khi về Sài Gòn. Quán giải khát nằm đối diện với bờ tường nghĩa trang. Đang  ngồi uống nước thì người chủ quán đến  gợi chuyện làm quen chúng tôi rồi kể:
- Gia đình tôi sống cố cựu ở vùng nầy. Vợ tôi làm nghề giữ mộ trong nghĩa trang, bà ấy còn chịu trách nhiệm giữ hơn sáu trăm ngôi mộ. Cách đây chừng hai mươi năm, đúng vào dịp tảo mộ, vợ tôi bị bệnh nặng nằm nhà thương, tôi xin nghỉ chạy xe, vừa chăm sóc vợ, vừa thay vợ giẫy mả mấy ổng. Vợ tôi dặn đừng lo cho bả mà bỏ mấy ổng tội lắm. Lúc giẫy mả tôi có vái:  Mấy ông linh thiêng thì phù hộ cho tôi mạnh khỏe làm đủ ăn, gia đạo yên vui. Mỗi năm cứ vào Tháng Chạp, dù ở xa tôi cũng về giẫy mả các ông.v..v.. . Tôi vái như thế mà đâu ngờ là mấy chục năm nay mấy ổng khiến y như vậy: Cứ vào đầu Tháng Chạp là xe tôi bị hư. Chủ xe nghi tôi thù ghét nên phá hư xe cho đã giận. Để giải oan, tôi kể cho chủ xe nghe chuyện tôi hứa về giẫy mộ cho mấy ông lính VNCH ở nghĩa trang. Ban đầu ông chủ không tin, nhưng dần dà xãy ra những vụ hư xe đúng lúc thời điểm tảo mộ nên ông chủ tôi tin. Bây giờ, tới Tháng Chạp chủ xe biểu tôi nghỉ sớm để về giẫy mả. Có khi còn gởi tôi tiền mua nhang đèn cúng mấy ổng. Tôi cũng còn có chuyện này, kể thêm cho anh chị nghe: Hồi thanh niên, tôi bị truy bắt nghĩa vụ quân sự. Thời gian  đó công an lùng bắt dữ quá, nên ban ngày tôi đi làm chui, tối về trốn vào nghĩa địa ẩn núp. Tối nào tôi cũng liền miệng van vái xin mấy ổng phù hộ che chở cho tôi. Nhờ vậy mà được yên thân cho tới giờ.!
     Trước khi rời khỏi khu nghĩa trang Biên Hòa, tôi xin để lại những lời thơ sau đây mà tôi đã đọc qua trên một tờ báo nào đó ở hải ngoại, như một nén hương lòng cho những người chiến sĩ VNCH yên nghỉ trong nghĩa trang nầy:
Nghĩa tử là nghĩa tận.
Nghĩa nào là Nghĩa Trang.
Từ muôn trùng xa cách.
Nhắn ai về cố hương.
Đốt nén nhang viễn xứ.
Gửi người dưới mộ sâu.
Bao nhiêu năm quên lãng.
Chợt xót thương một lần .
     
     Xa lộ Biên Hòa về chiều xe cộ chạy tấp nập. Đa số là loại xe động cơ hai bánh của công nhân đi làm từ những khu Công Nghiệp trở về nhà nơi vùng ngoại ô thành phố Sài Gòn. Xa quê nhiều năm, sống nơi xứ người hấp thụ nếp sống văn minh, bây giờ trở về, tôi nhìn thấy người dân Việt Nam vẫn còn cuộc sống lạc hậu, đói nghèo, cơ cực. Đã hơn hai mươi năm trôi qua, sạch bóng quân thù, đế quốc Mỹ khuất bóng khỏi Việt Nam, mà đất nước tôi sao vẫn chưa phát triển! Phải chăng, sự độc tài của chế độ CSVN để cai trị đất nước là nguyên nhân đưa đến hậu quả Việt Nam trở thành một trong những nước còn nghèo đói trên thế giới.?!
     Ngồi trong xe về Sài Gòn, tôi thầm nghĩ: Đất nước tôi có bốn ngàn năm Văn Hiến. Và khi còn học ở trường làng, thầy cô giáo đã dạy tôi: Giang sơn gấm vóc của nước Việt Nam chạy dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Nhưng giờ đây, CSVN đã cắt đất dâng biển cho Tàu Cộng, những phần lãnh thổ mà ông cha chúng ta đã  bao đời hy sinh xương máu để gìn giữ vẹn toàn! Một ải Nam Quan, Hoàng Sa, Trường Sa, thác Bản Giốc... bị  Đảng CSVN dâng cho bọn bành trướng phương Bắc. Ngậm ngùi thay cho lời cổ nhân còn đó:
-**Ven trời góc biển buồn chim cá
      Dạn gió dày sương tủi nước non
          Nếu nhắc lại cuộc chiến hơn hai mươi lăm năm huynh đệ tương tàn đã qua, giữa hai chế độ: VNCH và CSVN, ai chính nghĩa và ai phi nghĩa? Theo công tâm mà nhận định, dựa trên  hiện tình đất nước Việt Nam của kẻ chiến thắng đang cầm quyền, thì chế độ VNCH là chính nghĩa! Sự xác định hẳn hoi VNCH chính nghĩa, là ở chỗ chế độ CSVN do Trung Quốc hỗ trợ, đã dựng lên chiêu bài đánh đế quốc Mỹ xâm lược, để tạo ra cuộc chiến tranh giết chết hơn ba triệu người dân-quân-cán-chính hai miền. Nhưng bây giờ nhà cầm quyền CSVN lại rước đế quốc Mỹ là đồng minh của VNCH, là kẻ thù của họ, trở lại Việt Nam! Có phải đây là hành động mâu thuẩn của cuộc chiến vô nghĩa không,? Thêm nữa, vì khiếp nhược trước sức mạnh của bọn bành trướng Bắc Kinh, vì muốn duy trì chế độ độc tài Đảng trị, rồi đành lòng đem những phần đất của giang sơn gấm vóc Việt Nam cống dâng cho Tàu Cộng! Kính xin hồn thiêng sông núi, anh linh tiền nhân, soi đường cho hậu thế lấy lại những gì đất nước Việt Nam đã mất!..

Trường Dương
Tháng tư 2010